Tuy nhiên, thứ nghe như một câu chuyện cổ tích trong giới công nghệ trên thực tế lại giống với một câu chuyện kinh dị hơn. Chuyện kinh dị ở đây chính là tỷ lệ gian lận cao diễn ra trong ngành công nghiệp này. Có những thống kê tuyên bố rằng, 93% số tiền đã kêu gọi sẽ không bao giờ được hoàn trả vào ví của những nhà đầu tư. Con số cao như vậy khiến chúng ta tự hỏi lý do vì sao lại như thế, và chuyện gì đang thật sự diễn ra phía sau con số đó. Hãy xem lại quy trình một lần nữa. Bây giờ hãy nhìn vào quy trình từ phía dự án, nghĩa là từ góc nhìn của những người nhận được tiền từ các nhà đầu tư nhưng không hoàn trả.
Như tôi đã nói, dự án sẽ phát hành một bản cáo bạch. Nếu nhà đầu tư thích bản cáo bạch đó, họ sẽ chuyển vốn vào ví tiền của dự án. Chỉ vậy thôi. Tiếp theo tôi sẽ nói đến lý do mà chuyện này xảy ra.
Bởi vì hầu hết các dự án này đều mang tính chất công nghệ, nên phần lớn là những người trẻ tuổi đứng sau chúng. Họ chính xác là những kẻ lập dị tự viết các ứng dụng trong trường và tạo ra những phát minh quan trọng, khiến cho chúng ta, những con người bình thường phải kinh ngạc. Suy cho cùng, Google cũng được tạo ra theo cách thức tương tự. Nếu những người này (dù có khi là hoàn toàn chân thành) tạo ra một bản cáo bạch với giá trị mà họ ước tính trong kế hoạch kinh doanh là hàng triệu đô la, thường là lên đến hàng trăm triệu đô la, thì đó là một chuyện. Tuy nhiên, nếu một dự án như vậy thật sự khơi gợi sự hứng thú của những nhà đầu tư, và họ xác nhận điều đó bằng cách gửi toàn bộ mức giá của dự án vào ví của nó, thì điều này chắc chắn sẽ tạo ra những cảm xúc mãnh liệt.
Hãy thử hình dung chuyện gì sẽ diễn ra vào thời điểm những người trong dự án nhận được toàn bộ số tiền trước khi thực hiện nó. Vâng, bạn không nghe nhầm đâu. Chính xác là ICO hoạt động theo cách ấy. Những nhà đầu tư sẽ gửi tiền vào ví của dự án để thực hiện dự định của dự án. Họ làm điều đó với thiện ý và làm từ trước. Nên dự án, hay nói đúng hơn là những người phụ trách dự án, sẽ có quyền sử dụng tiền vốn hoàn toàn và không giới hạn. Nó cũng giống như việc bắt đầu đi làm tại một nơi mà người chủ trả trước cho bạn tiền lương trong vòng mười năm, chỉ dựa trên một kế hoạch nêu đại khái những công việc mà bạn sẽ làm cho ông ấy trong suốt khoảng thời gian đó vậy. Bạn có thể tưởng tượng còn động lực nào để tiếp tục làm việc rồi đấy.
Tất cả những ai tham gia vào việc khởi nghiệp chắc chắn sẽ đồng tình với tôi rằng, kinh doanh là một tập hợp tiếp diễn vô tận bao gồm những chướng ngại, thử thách, rắc rối, và môi trường thay đổi. Điều duy nhất không thay đổi trong quá trình này chính là bản thân sự thay đổi. Việc thích nghi với sự thay đổi để thành công chính là điều khó đạt được nhất. Và mặc dù phần thưởng chỉ là một phần trong toàn bộ chuỗi nối tiếp của thứ mà chúng ta gọi là kinh doanh này, nhưng nó lại khá quan trọng. Nếu chúng ta nhận được phần thưởng mà không có một tí trở ngại nào, chỉ nhờ vào việc xin xỏ, thì mọi nỗ lực sau đó không còn quan trọng nữa. Chúng ta sẽ mất hết động lực, giống như mất đi một đồng minh hay một cộng sự. Thật vậy, tiền bạc luôn là một cộng sự trong quá trình, nó cho thấy chúng ta đang làm tốt cỡ nào khi thời gian trôi qua. Nhưng nếu tiền bạc được cung cấp mà không có sự kiểm soát, nếu nó không được cân nhắc đầy đủ, và nếu chúng ta nhận được nhiều tiền từ trước, thì cả hành động của chúng ta lẫn động lực gắn liền với nó sẽ trượt dốc không phanh.
Ít ra thì đây cũng là trường hợp của hầu hết mọi người trên hành tinh này. Đó là lý do tại sao người lao động lại được trả lương dần dần dựa trên những công việc mà họ cần phải hoàn thành. Sự thỏa mãn sẽ tiếp diễn khi hoàn thành các kỳ hạn, và kỳ hạn được thiết kế dựa trên những tiềm năng. Việc này đem đến sự hài hòa mang tính chu kỳ cho toàn bộ quy trình, khiến nó phát huy tác dụng. Động lực, sáng tạo, phần thưởng. Nó cũng rất giống với hoạt động khởi nghiệp, và động lực là một phần thiết yếu trong đó. Nếu có bất cứ phần nào trong quy trình bị hạn chế, nó sẽ ngừng hoạt động.
Mọi sự tăng trưởng đều có cái giá của nó. Nếu công nghệ được phát triển bởi những người trẻ cải tiến, thì sẽ là khá hợp lý khi sự cải tiến này là dựa trên những ý tưởng của họ về cách mà thế giới hoạt động. Dần dần, những ý tưởng và giải pháp mang tính cải cách được sinh ra. Chúng luôn có hiệu quả trong một thời gian, rồi sau đó lại có một bước đột phá cải tiến sự phát triển của chúng. Những nguyên tắc này thật ra rất đơn giản, và hầu hết được biết đến như khái niệm sai sót, sai lầm. Nếu có thứ gì đó tăng trưởng, và trùng hợp thay, sự tăng trưởng này có liên quan đến vấn đề tài chính, thì nó sẽ luôn luôn thu hút sự chú ý của những ai cần nó và có thể sử dụng nó một cách thành thật, cũng như những ai muốn giữ nó cho riêng họ. Chính vì những lý do này, nên tiềm năng tăng trưởng đã được chú ý bởi những người mà đối với họ, ICO chẳng có ý nghĩa gì khác ngoài việc kêu gọi vốn để thực hiện một dự án đầy hứa hẹn. Thế nhưng, ICO cũng được chú ý bởi những người chỉ muốn dùng số tiền vốn này cho mục đích riêng.
Mức độ gian lận cao gắn liền với các dự án ICO cũng được lưu ý bởi một người đứng sau sự thay đổi về công nghệ trong môi trường Blockchain, cho phép chúng ta gọi vốn bằng cách này. Có lẽ bạn đã nghe qua cái tên này trước đây? Nhưng nếu chưa thì tên của cậu ấy là Vitalik Buterin. Vitalik là một lập trình viên trẻ tuổi người Nga, người tạo ra một nền tảng Blockchain có tên gọi là Ethereum. Ethereum cho phép các hợp đồng thông minh được hoàn tất ký kết trên chuỗi khối (Blockchain).
Bạn có thể hình dung nó một cách rất đơn giản. Hợp đồng thông minh trên thực tế là một dạng hợp đồng điện tử. Nó cũng giống với việc hoàn tất ký kết thỏa thuận của hợp đồng truyền thống, chỉ có điều là nó không ở dạng giấy mà là dạng mã. Hợp đồng này cũng thiết lập những thông số theo cách tương tự. Chúng ta đã giải thích điều này trong phần trước của cuốn sách bằng ví dụ ngôi nhà cấp bốn. Một hợp đồng thông minh sẽ tự động được thi hành. Nói cách khác, nó không phụ thuộc vào bên nào khác. Nếu trường hợp A xảy ra thì A sẽ được thực hiện. Nếu trường hợp B xảy ra thì B sẽ được thực hiện. Chẳng có gì cao siêu phía sau nó cả. Dù sao thì, Vitalik đã trở nên nổi tiếng toàn cầu nhờ vào Ethereum vì đã mở rộng những tiềm năng của Blockchain về mặt cơ bản. Ngay lúc này, các ngân hàng đang quan tâm đến cậu ấy với mức độ hoàn toàn mới.
Trước khi nói đến ngân hàng, hãy để tôi nhắc lại cách mà mọi chuyện tiếp diễn. Vitalik Buterin chỉ vừa tạo ra Ethereum vào năm 2015 (điều này cho thấy công nghệ Blockchain phát triển nhanh chóng đến mức nào). Các dự án ICO bắt đầu mọc lên từ Ethereum. Nhờ có những hợp đồng thông minh, thứ trình bày các điều khoản đã thỏa thuận dưới dạng mã, nên các dự án có thể phát hành thứ được gọi là token cho các nhà đầu tư để đổi lấy tiền của họ. Vì vậy, nhà đầu tư sẽ đầu tư tiền vào dự án và nhận lại một token cho số tiền của anh ta. Chúng ta đã giải thích điều này trước đó.
Tuy nhiên, để token phát huy tác dụng và đem lại lợi nhuận cho những nhà đầu tư, thì việc tạo ra một môi trường để giá trị của nó có thể tăng lên là điều cần thiết. Nếu giá trị của token tăng lên, thì giá trị của khoản đầu tư cũng sẽ gia tăng. Một lần nữa, điều này xét về cơ bản không hề phức tạp. Tuy nhiên, việc đơn thuần là tạo ra giá trị cho token vốn dĩ đã khá phức tạp. Trong hầu hết các trường hợp, bản thân công nghệ không thể hiện giá trị. Nó chỉ đóng vai trò liên kết, một chất xúc tác, có thể cho là một ứng dụng giúp xây dựng giá trị. Nhưng nó lại là một mắt xích quan trọng trong quá trình chuyển tiền vốn từ nơi này sang nơi khác. Thật ra thì nói đúng hơn, nó hoàn toàn là cổng kết nối chính cho tất cả các dự án. Nói tóm lại, nhờ vào Ethereum, tiền sẽ chảy vào dự án thông qua những hợp đồng thông minh được đại diện bởi token.
Nhưng quay lại với Vitalik. Như chúng ta đã nói, Ethereum và những giải pháp của nó giúp các dự án huy động vốn để thực hiện dự án. Vì số tiền này sẽ chảy vào các dự án ngay lập tức cho đến tổng giá trị mà dự án yêu cầu, nên tỷ lệ gian lận là rất cao. Đơn giản là bởi vì mọi người thường được nhận một số vốn lớn từ trước, không ai kiểm soát hay hạn chế việc sử dụng nó, nên rất có thể họ sẽ cảm thấy không cần phải làm việc cật lực.
Trong năm 2016, Vitalik đã sáng lập ra DAO, một tổ chức được cho là giải quyết sự phức tạp này bằng một hợp đồng thông minh, nó chỉ trao số tiền kiếm được cho những dự án dựa trên cơ sở các cột mốc được thiết lập sẵn. Nhưng trong đời thực lại xảy ra những chuyện không ai ngờ đến. Điều này diễn ra theo nhiều cách. Tổ chức DAO hoàn toàn hoạt động trên nền tảng công nghệ, dựa trên lý tưởng đó là một hợp đồng thông minh sẽ thực hiện chức năng trao tiền vốn, hoàn toàn dựa trên công nghệ đầu vào, không cần đến con người.
Trong thế giới lập trình, hầu hết chúng ta đều có thể hình dung cảnh tượng đó, nhưng nó lại không khả thi trong đời sống hằng ngày. Tổ chức DAO ban đầu muốn huy động 10.000.000 đô la để cấp vốn cho việc sản xuất, ví dụ, loại ổ khóa thông minh có thể sử dụng trong lĩnh vực Airbnb, để mọi người không phải trao nhau chìa khóa. Vì nó là dự án ICO và HardCap3 đầu tiên, nên chưa có giới hạn nào cho số tiền được rút ra vào thời điểm đó. Cuối cùng, và trong một thời gian rất ngắn, dự án đã huy động được 116.000.000 đô la. Nhưng không lâu sau đó, vào tháng Sáu năm 2016, toàn bộ một phần ba số tiền (50.000.000 đô la theo như báo cáo) đã bị một tin tặc vô danh cướp đi.
Chú thích:
3. Số tiền đầu tư tối đa mà dự án muốn huy động trong một đợt ICO, hay nói cách khác là tổng số token được bán ra.
Mọi người phản ứng với sự kiện này chính xác như cách mà họ thường phản ứng. Họ ngó lơ những niềm tin trước đó của họ về sự phi tập trung và can thiệp vào một cách nghiêm trọng. Họ chọn phá vỡ một trong những quy tắc cơ bản chi phối mỗi loại tiền mã hóa: sự bất khả xâm phạm đối với tài sản cá nhân. Họ lấy lại tiền từ tin tặc và hoàn trả nó cho những nhà đầu tư ban đầu. Đối với chúng ta, những con người bình thường, thì việc này tác động đến cộng đồng như thế nào không quan trọng, điều quan trọng là bản chất được bày tỏ bởi bước đi này.
Niềm tin của một nhà cải cách có thể có hoặc không thống nhất với giải pháp có hiệu quả, mặc dù ý tưởng căn bản thì tương tự nhau. Tổ chức DAO lập ra mục tiêu huy động vốn và trao tiền vốn dựa trên cơ sở các cột mốc thật sự đạt được. Tuy nhiên, sự chênh lệch cơ bản nằm ở khâu thực hiện, rằng đáng lẽ những biện pháp an toàn và giới hạn ấy sẽ được thực hiện bởi công nghệ. Thế nhưng, ngay khi có sự cố xảy ra, chính công nghệ và sự tự trị khiếm khuyết của nó đặt những nhà sáng lập vào vị trí mà họ phải hành động theo như lẽ thường. Đó là bảo vệ tài sản của họ thay vì những nền tảng của lý tưởng.
Công nghệ, như chúng ta đã từng nhắc đến vài lần, sẽ hiệu quả hơn nhiều khi phối hợp với con người thay vì không có họ. Những đoạn trên đã xác nhận điều này. Con người đơn giản là đóng một vai trò quan trọng trong các quy trình giống như những gì chúng ta đã chứng minh nhiều lần bằng nhiều ví dụ khác nhau (được minh họa rõ nét bởi trường hợp của Amazon, họ đã loại bỏ những máy móc phân loại hiện đại trong nhà kho và thay thế chúng bằng con người sau khi phát hiện ra rằng, con người có thể vận chuyển hàng hóa từ băng chuyền sang khu vực đóng gói nhanh hơn rất nhiều). Do đó, nếu có thứ gì làm gián đoạn trật tự này, nó sẽ gây ra một điều bất thường nào đó để nhắc chúng ta nhớ lại vấn đề. Tuy nhiên, tin tốt đối với tất cả chúng ta là có một số lượng lớn những người trẻ tuổi trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là những người có dính líu đến tiền mã hóa và Blockchain. Lý tưởng của họ có thể sẽ tôn trọng một vài cách làm đã được thông qua, nhưng nó không bắt buộc phải như vậy. Nên nếu chúng ta kết hợp những quy trình công nghệ có hiệu quả này với những nhân tố đóng vai trò kiểm soát và giới hạn, chúng ta sẽ có được một công cụ tân tiến mà hầu hết mọi người có thể sử dụng.