Đôi lúc ta nghĩ rằng mình sống như thế nào cũng chẳng quan trọng. Cứ như vậy, ta để mặc bản thân chìm đắm trong nỗi buồn chán, vướng vào những mối quan hệ dối lừa hay rơi xuống tận đáy của sự nghiện ngập, rồi một ngày kia ta chợt bừng tỉnh và thốt lên: "Vậy là quá đủ! Đã đến lúc phải thay đổi thôi!".
Thay đổi là một quá trình diễn ra hết sức tự nhiên, không thể ép buộc, nó bắt nguồn từ khát vọng thẳm sâu trong tâm hồn ta. Nếu không như thế thì sự thay đổi ấy chỉ mang tính hình thức - thấy rõ động thái thay đổi bên ngoài, nhưng một phần trong ta lại đang nổi loạn. Nếu bạn muốn tạo nên bước chuyển đổi thật sự trong cuộc đời, dù là về sự nghiệp, mối quan hệ hay sở thích, bạn nên thực hiện theo những bước sau:
- Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến việc bạn muốn thay đổi, do tác động của ai đó hay bạn thực sự cảm thấy hứng thú với sự thay đổi này?
- Tiếp theo, ghi lại cụ thể những nội dung, những chi tiết mà bạn hình dung sẽ thay đổi và lý do tại sao; sau đó bạn viết về những điều bạn mong đợi sẽ đạt được khi quá trình thay đổi hoàn tất. Việc ghi chép như vậy thể hiện rằng bạn đã sẵn sàng cho sự thay đổi, bạn khao khát và đủ khả năng làm nên sự thay đổi. Khi chuyến xe cuộc đời lăn bánh với những vòng quay kỳ diệu, bạn sẽ được trao tặng cho nhiều cơ hội để biến ước vọng trong trái tim mình thành hiện thực.
- Hãy suy nghĩ để tìm ra những lối sống có ảnh hưởng xấu, thậm chí là phá hỏng cuộc đời bạn và ghi lại nhằm phát hiện những dấu hiệu chứng tỏ chúng có tồn tại và thời điểm chúng xuất hiện.
Hãy chiêm nghiệm tất cả những điều này trong vài ngày, ươm những hạt mầm hy vọng và nuôi dưỡng niềm hứng thú, rồi sau đó bắt đầu thực hiện từng bước thay đổi nhỏ. Những việc đơn giản, nhỏ bé có thể giúp bạn nếm trải được hương vị của thành công, nên đừng bao giờ hối thúc bản thân mà hãy để sự thay đổi diễn tiến thật tự nhiên. Quá trình này có thể diễn ra nhanh chóng hay phải trải qua thời gian thử thách dài còn tùy thuộc vào điều bạn muốn thay đổi là gì.
Quá trình thay đổi thường kéo theo nhiều thử thách, nhưng hoa trái cuối cùng thì thật tuyệt vời. Cuộc sống của tôi vẫn tiếp diễn, song tôi cảm thấy mình như được hồi sinh mạnh mẽ, căng tràn sức sống. Tôi cảm nhận ánh sáng rực rỡ của lòng kiêu hãnh, và cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra, tôi cũng sẽ không quay về lối cũ.
Tuy nhiên, cuộc sống lại vận động theo nguyên lý "củ hành" với những lớp vỏ xếp chồng lên nhau hoặc như một chiếc thang với những nấc thang nối tiếp. Ngay khi bạn vừa gặp phải một vấn đề và thực hiện sự thay đổi thì có thể lập tức bạn rơi ngay vào một tình trạng tương tự nhưng ở mức độ khó khăn phức tạp hơn. Đó chính là nguyên lý "củ hành". Nếu sự việc diễn ra như vậy, đừng nên nghĩ rằng mình đã thất bại hay đang bước lùi, đó chỉ là cách để bạn tiến thêm một bước nữa trên hành trình hoàn thiện bản thân. Ban đầu có thể bạn cảm thấy rất thất vọng vì mình đã cố gắng hết sức để rồi lại phải đối mặt với vấn đề đó một lần nữa! Không cần lo lắng. Bạn đã làm rất tốt, chỉ là tâm hồn bạn muốn phát ra những tín hiệu báo rằng bạn đã sẵn sàng cho một bước ngoặt mới. Đây là vẻ đẹp hoàn hảo của tâm hồn: Bạn sẽ không cảm thấy bị hối thúc cho đến khi đã sẵn sàng để quá trình thay đổi diễn ra. Hãy xem điều này như là minh chứng cho thấy bạn đã trở nên mạnh mẽ hơn chứ không phải bạn đang rơi vào ngõ cụt.
Hãy nhớ bạn hoàn toàn có quyền tự do ý chí, nếu bạn thật sự cảm thấy hài lòng và hạnh phúc với hiện tại thì đó là điều tuyệt vời. Nhưng nếu trong lòng bạn vẫn vương mang một ước vọng thôi thúc thì bạn hãy tự nhủ rằng cả thế giới luôn sát cánh ủng hộ quyết định thay đổi của bạn. Tôi cam đoan với bạn đây là một chân lý sống có ý nghĩa tuyệt đối vì tôi đã trải qua nhiều lần như vậy trong đời.
Một ví dụ điển hình về điều tôi muốn thay đổi đó là tôi muốn khắc phục căn bệnh sợ đám đông, sợ nơi công cộng và sợ phải phát biểu trước công chúng. Thật không may, tôi đã không thể kiểm soát nỗi sợ hãi ấy, vì vậy tôi đành phải từ bỏ những hoạt động tôi từng yêu thích như xem hòa nhạc, du lịch, thậm chí là cả việc đi mua sắm nữa. Tư tưởng chống lại nỗi sợ hãi được định hình và lớn dần lên trong tôi, mách bảo tôi rằng đã đến lúc phải đương đầu với nó, và tôi đã nghe theo. Tôi dành thời gian để ghi chép và suy nghĩ thật cặn kẽ, sâu sắc Tại sao tôi lại sợ như vậy, Tình trạng này xuất hiện từ khi nào và Thật sự tôi e ngại điều gì. Tôi kêu gọi cả sự giúp đỡ của những bậc thầy thông thái và cả Vũ trụ giàu lòng trắc ẩn. Dần dần tôi gặp được những người có thể giúp tôi, tuy rằng mỗi người hầu như chỉ tháo gỡ được một gút mắt nào đó trong vấn đề của tôi.
Trong quãng thời gian mò mẫm tìm kiếm lối thoát cho mình, mỗi lần bước ra khỏi nhà, tôi phải mất khoảng một giờ đồng hồ để đeo lên người những thứ trang sức bằng đá quý mà tôi tin là có khả năng bảo vệ tôi, rồi tự trấn an mình rằng những thiên thần hộ mệnh vẫn ngày đêm theo sát tôi. Nhưng chỉ bấy nhiêu thôi chưa đủ… Những việc này chỉ kềm chế nỗi sợ hãi trong tức thời nhưng không giải quyết được căn nguyên của vấn đề. Vì vậy Tạo hóa đã mang đến cho tôi những con người có khả năng giúp tôi giải thoát nỗi sợ hãi của chính mình.
Một phụ nữ thông thái đã hướng dẫn tôi thực hiện bài luyện tập như thế này: Mỗi khi cảm thấy mình chìm trong nỗi sợ hãi, tôi nên nhắc bản thân dừng ngay lại và nói với chồng tôi là tôi đang cảm thấy khó chịu; rồi đưa cho anh một bảng câu hỏi để anh có thể hỏi tôi theo nội dung ghi trên đó. Những câu hỏi này giúp tôi trấn tĩnh lại tinh thần và nhận thức rằng hiện tôi không ở trong bất kỳ hoàn cảnh nguy hiểm nào cả.
Tôi không cảm thấy thoải mái ở chốn đông người vì tâm tính tôi cực kỳ nhạy cảm. Nhược điểm ấy đồng thời cũng là lợi thế của tôi. Tôi rất dễ đồng cảm, có khả năng nắm bắt và thấu hiểu được cảm xúc của người khác. Dẫu sao tôi vẫn hài lòng với việc mình đã cố gắng hết mức có thể để nhìn thẳng vào nỗi sợ hãi của chính mình, để hiểu rõ hơn về nó và thay đổi vì một tâm hồn toàn vẹn hơn, hoàn thiện hơn.
Trong và sau quá trình thay đổi, bạn phải luôn biết giữ quân bình trạng thái của mình. Tôi còn nhớ khi bắt đầu học cách không làm một "cô gái ngoan" chỉ biết vâng dạ, tôi như một đứa trẻ lên hai luôn nói "Không, không, không!" với mọi thứ. Tôi lấy hết can đảm để thể hiện thái độ phản đối và đưa ra chính kiến của riêng mình, đồng thời không dùng đến từ "Vâng" mà trước đây mọi người vẫn thấy tôi thường sử dụng nhằm khiến họ hài lòng về tôi nữa. Tôi nhanh chóng trở thành một người hay phản đối và từ chối, nhưng mọi việc cần diễn ra như thế; đó là một phần tất yếu của chu trình. Giống như bất kỳ sự thay đổi nào hay bất kỳ điều gì trong cuộc sống, tất cả đều hướng tới sự cân bằng.
Khi bạn đang rèn luyện một kỹ năng mới, bạn muốn thực hành nó thật nhiều. Dĩ nhiên khi làm như thế sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng, nhưng quan trọng là phải thừa nhận sự thật hiển nhiên được đề cập sau đây như là một phần của tiến trình thay đổi: trật tự cân bằng cũ sẽ bị phá vỡ để một trật tự cân bằng mới được thiết lập. Tôi tin đây là quy luật tuyệt vời của Tạo hóa.
****
Hơn nữa, chức năng và mục tiêu thiết yếu của sự thay đổi là bạn đặt mình vào vị trí người điều khiển để có thể tự chủ lèo lái chuyến xe cuộc đời mình. Những ai lựa chọn cách sống bị động, phụ thuộc thì chỉ đơn giản lướt qua những cảm xúc của bản thân và để người khác quyết định thay vận mệnh cuộc đời. Có thể bạn sẽ thấy bóng dáng của mình thấp thoáng trong hình ảnh này: trên bước đường đời, dần đánh mất khả năng kiểm soát bản thân và cuộc sống của chính mình. Quá trình ấy cứ diễn ra lặng lẽ theo năm tháng, bắt đầu từ thói quen để cho người lớn sắp xếp, định đặt hết mọi việc, đến khi trưởng thành lại kết hôn với một người cũng tiếp tục "chăm bẵm" toàn diện cho mình theo cách như vậy.
Không phải chỉ mỗi gia đình mới lấy đi năng lực tự chủ của bạn mà các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các thế lực uy quyền khác cũng góp tay vào điều đó. "Hãy ăn loại thức ăn này, đừng nên sử dụng loại thực phẩm kia" hay "Cái này tốt cho bạn, còn cái kia thì không?", v.v. Những lời khuyên ra rả thường xuyên ấy khiến ta thêm hoang mang giữa muôn ngàn lựa chọn. Không điều gì khiến tôi phát cáu hơn khi nghe ai đó nói: "Mọi thứ buộc phải như thế". Chúng ta nhanh chóng nhận ra rằng mình chỉ ngồi ở vị trí hành khách, thậm chí bị xếp vào hàng ghế cuối cùng trên chuyến xe cuộc đời của mình! Được tự quyền quyết định và tự chịu trách nhiệm cho mọi quyết định của bản thân là mục tiêu cao nhất cần đạt được để vươn đến tự do.
Bước đầu tiên để đưa ra quyết định thay đổi là nghiên cứu toàn diện về nó. May mắn là trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, điều này càng dễ dàng thực hiện nhờ vào những tiện ích của Internet. Hơn nữa, việc nghiên cứu cũng đòi hỏi bạn phải tìm kiếm, tập hợp một lượng dữ liệu phong phú, thiết thực và đáng tin cậy từ nhiều nguồn khác nhau, có như vậy bạn mới đưa ra được quyết định chính xác và phù hợp nhất. Khi bạn đã giành lại được vị trí cầm lái, bạn sẽ sống đúng cuộc đời mình, tự quyết định mọi việc cho bản thân để rồi hướng ra thế giới bên ngoài thật vững vàng. Một niềm hứng khởi mới, một nguồn năng lượng mới được hình thành. Hãy nhớ bạn là một phần của Vũ trụ, bạn không chỉ vun đắp cho sự lành mạnh của bản thân mà còn làm mạnh thêm nguồn năng lượng cho cả thế giới.
****
Trong tiến trình thay đổi có một giai đoạn mà chúng ta thường bỏ qua, đó là nói lời tạm biệt với những đặc điểm, tính cách cũ đã từng là tồn tại trong con người ta. Cảm xúc đau buồn tuyệt vọng chính là nỗi tiếc thương hay sự quẫy đạp kháng cự cuối cùng khi phần tính cách tiêu cực ấy đang dần biến mất. Phần tính cách cũ đang được thay đổi có lẽ đã tồn tại trong bạn từ rất lâu, nên nó sẽ không hoàn toàn biến mất hẳn mà được biểu lộ dưới một hình thức khác. Tuy nhiên, bạn nên hiểu rằng đây cũng là một phần tất yếu của chu trình thay đổi.
Hầu như mọi cuộc chia tay đều đọng lại niềm nuối tiếc và sự níu kéo, vì vậy tôi đã chọn cách trò chuyện, viết thư cho phần tính cách sẽ được thay thế này, thậm chí là thực hiện cả nghi lễ tiễn biệt nó nếu cần - có thể xem đó như là một cách giúp buông bỏ vĩnh viễn. Cho dù nó đã thể hiện vai trò như thế nào thì tôi vẫn thừa nhận những gì nó đã mang đến cho tôi và cảm kích điều đó. Tiếp theo là tôi để nó biết rằng đã đến lúc phải ra đi, nhường chỗ cho ánh sáng của sự thay đổi mới mẻ tràn vào.
Đây là điều bạn đã thỉnh cầu và sẵn sàng đón nhận. Chẳng hạn như nếu bạn đang sắp sửa đi đến nơi hẹn để tạo lập một mối quan hệ, chắc hẳn phần tính cách thích sống trong cô quạnh hay phần tính cách e ngại, sợ phải quan tâm đến người khác sẽ cảm thấy bị tổn thương. Hãy trò chuyện với phần tính cách này và thả nó tự do bay đi mãi, để nguồn năng lượng mới tràn vào mang đến cho bạn những điều bạn mong muốn.