Tại Triển lãm “Cách mạng Tháng Tám-Mốc son lịch sử” khai mạc ngày 18-8 vừa qua, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam giới thiệu bộ sưu tập truyền đơn phát hành trước và trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Truyền đơn là một hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng vô cùng hiệu quả của Đảng ta trong thời kỳ đấu tranh cách mạng những năm 1930-1945.
Bộ sưu tập truyền đơn được giới thiệu tại triển lãm có nội dung phong phú, đa dạng. Đó là những thông tin về tình hình cách mạng trong nước và quốc tế; khi là bản tố cáo những tội ác của chủ nghĩa đế quốc, thực dân, mượn khai hóa để bóc lột dân ta; khi là những khẩu hiệu ngắn gọn, đanh thép, đòi công bằng, bình đẳng cho đồng bào; có lúc là lời hiệu triệu, tập hợp lực lượng công nông liên hiệp lại, phản đối chiến tranh phi nghĩa.
Một trong số những bản truyền đơn đáng chú ý được trưng bày là văn bản “Kính cáo đồng bào” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết ngày 6-6-1941. Bản kính cáo như lời tự sự, bày tỏ lòng xót xa trước cảnh “một cổ hai tròng” của nhân dân ta, vừa chất chứa niềm tự hào về một dân tộc với hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, không chịu khuất phục trước bất kỳ thế lực nào, sau cùng kêu gọi toàn dân đoàn kết một lòng đánh đổ thực dân, phong kiến, cứu giống nòi thoát khỏi cảnh lầm than. Người viết: “Hỡi đồng bào yêu quý! Việc cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm: Người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có sức góp sức, người có tài năng góp tài năng. Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, Vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề”.
Bộ sưu tập truyền đơn phát hành trước và trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 được trưng bày tại Triển lãm “Cách mạng Tháng Tám-Mốc son lịch sử”. Ảnh: TRƯỜNG GIANG.
Nhiều bản truyền đơn thông tin về tình hình trong nước: “Hỡi đồng bào! Dân ta đã hàng triệu người chết đói mà giặc Nhật vẫn thu thóc thu thuế, hàng ngàn người chết vì bom đạn mà giặc Nhật vẫn bắt lính bắt phu”, sau đó kêu gọi nhân dân kiên quyết đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, tự do: “Hãy bảo nhau dùng đủ mọi cách: - Không cấp một hạt thóc cho Nhật!/ - Không cấp một xu thuế cho Nhật!/ - Không cấp một tên lính cho Nhật!/ - Không cấp một tên phu cho Nhật!”.
Những lời hiệu triệu, giục giã các tầng lớp nhân dân đứng lên lật đổ chế độ thống trị hà khắc phổ biến trong các bản truyền đơn: “Hỡi đồng bào toàn quốc... Giờ giải phóng của chúng ta đã đến!... Chúng ta hãy mau mau chuẩn bị, đoàn kết ức triệu như một, ghép chặt hàng ngũ dưới lá cờ đỏ sao năm cánh của hội Việt Minh, kiên quyết đánh đuổi đế quốc phát xít Nhật và bọn phát xít Tây để gây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự do và sung sướng trong gia đình các nước dân chủ trên thế giới!”.
Ngôn ngữ biểu đạt trong truyền đơn rất ngắn gọn, lời văn mộc mạc, chân thành, khẩu hiệu đơn giản, dễ hiểu, có sức truyền cảm lớn. Các ấn phẩm này được in bằng chữ Quốc ngữ, theo lối thủ công như in thạch, in li-tô trên nền giấy nến. Phần lớn những hiện vật này được sưu tầm từ các hồ sơ theo dõi của mật thám Pháp hoặc trong các hồ sơ, bản án của các chiến sĩ cách mạng.
Trong thời kỳ đấu tranh cách mạng những năm 1930-1945, những bản truyền đơn giấy mong manh nhưng đã góp phần không nhỏ thắp lên khát vọng tự do, có tác dụng lớn trong việc tuyên truyền, tập hợp quần chúng thành khối sức mạnh đoàn kết, một lòng theo Đảng, theo cách mạng làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám lịch sử.
Tại Triển lãm “Cách mạng Tháng Tám-Mốc son lịch sử”, bộ sưu tập truyền đơn được ban tổ chức lựa chọn trưng bày trang trọng, là những bằng chứng lịch sử chân thực và quý giá về một thời đấu tranh gian khổ, hào hùng của dân tộc.
KIỀU DUNG