Mọi người kính phục chị không chỉ vì danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” hay những tấm huân chương lấp lánh mang về từ chiến trường, mà còn nể phục trước nghị lực của người thương binh đã biết vượt qua những thử thách nghiệt ngã của cuộc đời...
Mọi người kính phục chị không chỉ vì danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” hay những tấm huân chương lấp lánh mang về từ chiến trường, mà còn nể phục trước nghị lực của người thương binh đã biết vượt qua những thử thách nghiệt ngã của cuộc đời, làm trọn “một vai hai gánh” việc nước, việc nhà.
“Bông mai Đồng Lộc”-biệt danh mà những người đồng đội năm xưa dành gọi cô TNXP có nụ cười rạng rỡ như bông mai rừng nay đã lên chức bà - thương binh 4/4 Hồ Thị Mai, quê ở xã Sơn Diệm, nay là Hội trưởng Hội cựu TNXP huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Bà Mai đã qua tuổi lục tuần và đã có cháu nội, cháu ngoại nhưng nụ cười xinh tươi ngày nào vẫn luôn thường trực trên khóe miệng làm cho bà như trẻ hơn so với tuổi. Mọi người trong cơ quan khối mặt trận của Huyện ủy Hương Sơn vẫn thường gọi là dì Mai. Dì Mai tiếp tôi trong ngôi nhà nhỏ hai gian mộc mạc nhưng ngăn nắp trong khu đất tập thể Huyện ủy Hương Sơn ở khối 5, thị trấn Phố Châu. Đây là tổ ấm của 5 mẹ con dì kể từ khi chồng dì-bệnh binh 2/3 Nguyễn Thượng Hiền-bị bạo bệnh qua đời năm 1993.
Trong câu chuyện và qua ánh mắt, nụ cười của người phụ nữ đang ngồi trước mặt tôi hôm nay dường như những năm tháng tuổi trẻ rực lửa trong mưa bom bão đạn Đồng Lộc chưa hề nhạt phai trong ký ức. Cha mất sớm, được người mẹ hiền chắt chiu nuôi ăn học đã sớm hình thành ý thức tự lập và giúp dì sớm trưởng thành. Học xong cấp II năm 1965, từ một người đội viên hăng hái đi đầu trong phong trào bình dân học vụ của địa phương, dì đã vinh dự được kết nạp vào Đoàn giữa lúc giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Đáp lời kêu gọi của Trung ương Đoàn ngày ấy, cùng lớp lớp những đoàn quân nối nhau ra trận, dì hăng hái lên đường trong màu áo tình nguyện tươi xanh. Điểm đến của dì là những địa danh trên các tuyến đường 15A và 1A đã đi vào lịch sử, từ Ngã ba Đồng Lộc, đến Khe Út, Khe Giao; từ cầu Giằng, cầu Treo, đến cầu Hạ Vàng, Treo Vọt, cầu Nghèn, cầu Phủ, ngầm Đá Hát, Đèo Ngang...
Nghị lực của người sơn nữ được tôi luyện qua khói lửa chiến tranh nhanh chóng giúp dì trưởng thành. Chỉ 6 tháng sau, dì đã là tiểu đội trưởng. Tiểu đội có 17 chị em, như một gia đình đông con mà người chị cả Hồ Thị Mai mẫu mực lo cho đàn em đang tuổi ăn tuổi lớn, từng mẩu bồ kết gội đầu, chiếc cặp ba lá, mảnh vải còn lành để vá những bộ quần áo rách te tua trong những ngày đi lấp hố bom, thông đường. 17 cô gái xuân thì ấy sau hai năm phấn đấu, đã có 7 người được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, trong đó có người chị cả thân yêu. Tập thể ấy luôn là con chim đầu đàn trong phong trào thi đua của Tổng đội 55, được báo cáo thành tích điển hình trong Đại hội chiến sĩ thi đua toàn tỉnh Hà Tĩnh, tháng 3-1968. Người chị cả ấy - “bông mai Đồng Lộc”-không chỉ nổi tiếng bởi nụ cười rạng rỡ, bởi sự dũng cảm, xung phong đi đầu trong mọi công việc, mà còn làm mê đắm lòng người bởi những khúc dân ca. Trong tiếng hát của chị có nương dâu, bãi mía ngút ngàn triền sông Ngàn Phố, có điệu hò ví dặm ngọt ngào sâu lắng ven bờ sông La, có tiếng cười trong trẻo của chị em trên những cung đường khi hố bom vừa được lấp, có tiếng vẫy chào những đoàn xe xanh lá ngụy trang ngày đêm rầm rập vào Nam át cả tiếng bom cày đạn réo, thôi thúc mọi người hăng hái lập công.
- Là người có 9 năm gắn bó với những cung đường, đã từng kinh qua các chức vụ: tiểu đội trưởng, đại đội phó, đại đội trưởng, trưởng phòng tổ chức, rồi Bí thư Đoàn Tổng đội 55P18 TNXP, những kỷ niệm ở chiến trường của dì có thể kể thành một cuốn truyện dài?
- Kỷ niệm ở chiến trường thì kể sao cho hết, nhưng với dì, những ngày tháng 7-1968 là khoảng thời gian không bao giờ nhạt phai trong ký ức. Đây là thời điểm giặc Mỹ tăng cường đánh phá Ngã ba Đồng Lộc, ta phải huy động mọi lực lượng mới đáp ứng được nhiệm vụ thông đường cho những đoàn xe chi viện vào Nam. Lúc bấy giờ, dì là Đại đội phó Đại đội 556, được giao quyền đại đội trưởng với sự đỡ đầu của Binh trạm 9 bước vào chiến dịch “Giải tỏa Ngã ba Đồng Lộc”. Ngày 20-7-1968, sau một ngày đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ, Ngã ba Đồng Lộc bị cắt đứt hoàn toàn. Lệnh của cấp trên huy động mọi lực lượng mở con đường máu ở ngã ba Đồng Liên, vòng phía sau con đường huyết mạch. Từ chập tối, đại đội của dì đã có mặt để mở đường. Kinh nghiệm cho hay khoảng thời gian từ 19 đến 24 giờ đêm là thời điểm an toàn nhất, nhưng do khối lượng công việc quá lớn nên đến 2 giờ sáng hôm sau đường mới được thông. Khi những chuyến xe đã vào Nam an toàn, trên đường đơn vị thu quân về đến Truông Kén thì bị máy bay Mỹ tập kích, đội hình của đại đội hầu như bị vùi trong đất đá... Dì mê man bất tỉnh, khi tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong bệnh xá của tổng đội, nhưng may mắn là đồng đội không có ai hy sinh.
Niềm vui chưa tày gang thì dì nhận được tin sét đánh: 10 người đồng đội thân yêu trong Tiểu đội 4 của Võ Thị Tần bị bom vùi khi san lấp hố bom! Trong 10 cô gái ấy, có tiểu đội phó Hồ Thị Cúc, vừa là người đồng hương, vừa là người có cùng cảnh ngộ như dì nên hai chị em chơi rất thân với nhau. Cúc đã kể cho dì nghe hoàn cảnh của mình: cha chết sớm, mẹ đi lấy chồng, cô phải ở với mấy người trong họ. Vất vả, người Cúc còi cọc lại, tóc vàng hoe. Lớn lên cô xung phong lên đường. Dì không bao giờ quên hình ảnh Cúc đứng khóc lúc đọc lá đơn của mình khi được kết nạp vào Đảng sau ba năm phá bom, san đường. Thế nhưng khi Cúc hy sinh, dì lại không thể có mặt vì phải điều trị vết thương. Hôm bom đánh, Cúc bị văng xa đến 20 mét. Ba ngày sau đồng đội mới tìm thấy cô hy sinh trong tư thế ngồi, chiếc nón còn đội trên đầu, chiếc cuốc dựa vào vai, mười đầu ngón tay rách tướp... Khi dì bình phục trở lại công tác thì mộ của những người đồng đội “mãi mãi tuổi hai mươi” cỏ đã xanh, và chiếc cuốc “đi cùng” Hồ Thị Cúc vẫn nằm đợi chủ càng làm cho ruột gan dì quặn thắt. Nó giống như chiếc cuốc của cha mẹ Cúc đã cầm trong những năm tháng chinh phục mảnh đất Nương Bao bên con sông Ngàn Phố xanh trong... Sau này, khi đã được điều về công tác ở Tổng đội, cảm kích trước những tấm lòng của các liệt nữ, dì đã chủ trương phát động trong tổng đội phong trào may áo lụa tặng thân nhân gia đình liệt sĩ, được toàn đơn vị hưởng ứng tích cực.
Sau chín năm gắn bó với những cung đường, đến cuối năm 1974 – trước ngày đất nước ca khúc khải hoàn, dì được chuyển vào công tác ở Tỉnh đoàn Hà Tĩnh. Năm 1976, dì chuyển công tác về huyện nhà, là huyện ủy viên, phó ban tổ chức Huyện ủy Hương Sơn, sau đó làm Bí thư huyện Đoàn, là đại biểu của tỉnh Nghệ Tĩnh dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IV. Năm 2001, dì nghỉ hưu về tham gia công tác ở khối phố, và từ ngày 20-12-2006 đến nay được bầu làm Chủ tịch Hội cựu TNXP huyện Hương Sơn.
Từ vị trí của người nơi tiền tuyến, hòa bình lập lại, dì Mai trở thành hậu phương vững chắc động viên chồng yên tâm chiến đấu vì nhiệm vụ quốc tế cao cả. “Bông mai Đồng Lộc” ngày nào tiếp tục tỏa hương trong cuộc sống đời thường. Chồng dì là người cùng xã, hai người quen nhau qua những cánh thư khi một người là TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc và một người là chiến sĩ mới huấn luyện ở Khe Lang. Sau khi nên vợ nên chồng, một năm gia đình chỉ được sum họp vào mấy ngày phép ngắn ngủi của anh, còn lại là những chuỗi ngày dài mong nhớ. Ba lần dì “vượt cạn” là cả ba lần chồng công tác ở xa. Đến năm 1981, chồng dì về nghỉ mất sức theo chế độ bệnh binh hạng 2/3. Tưởng rằng sau bao nhiêu năm trời xa cách, nay vợ chồng sum họp, ai dè những di chứng ở chiến trường đã hành hạ anh, kéo theo là những tháng ngày hai vợ chồng dắt nhau đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Đến năm 1993, khi tài sản trong nhà không còn gì đáng giá để bán thì anh đã ra đi mãi mãi. Nhìn đàn con thơ chưa hiểu được vì sao lại phải mang tang trắng trên đầu, dì nghẹn ngào nuốt nước mắt vào trong. Vượt lên số phận nghiệt ngã, hôm sớm tảo tần vừa gánh vác việc công, vừa phải lo cho gia đình 7 miệng ăn, gồm 4 đứa con thơ và 2 bố mẹ chồng già yếu, người mẹ ấy như con ong chăm chỉ góp mật cho đời. Bốn đứa con của dì hiểu được hoàn cảnh gia đình nên chăm ngoan, học giỏi, không phụ lòng tin của mọi người. Cậu con cả Nguyễn Đức Dĩnh, hiện là cán bộ Đội an ninh công an Hà Tĩnh. Cô con gái thứ hai Nguyễn Thị Thúy Hà nay đã là cô giáo. Cô thứ ba Nguyễn Thị Thùy Liên là kế toán công ty bò sữa, và cô út Nguyễn Thị Hồng Huệ vừa tốt nghiệp THCS.
Trên cương vị là Chủ tịch Hội cựu TNXP của huyện, dì cùng Ban liên lạc đã tổ chức cuộc gặp mặt cho gần 720 hội viên trong huyện nhân kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống TNXP tạo được ấn tượng sâu sắc. Tại cuộc gặp mặt này, các hội viên đã quyên góp được hơn 6 triệu đồng, và chỉ sau hơn một năm đã quyên góp xây được 3 nhà tình nghĩa trị giá hơn 30 triệu đồng tặng các hội viên nghèo.
Những ngày cả nước ta đang hướng về kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Đồng Lộc và tưởng niệm 10 liệt nữ TNXP đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất này, dì Mai cùng tôi về thăm lại chiến trường xưa. Trước mặt tôi, tượng đài Chiến Thắng hiên ngang như tên gọi - nằm ở ngã ba giao nhau của ba con đường huyết mạch và dãy núi Trọ Voi. Con đường ngày xưa các dì chăm chút như những người mẹ vá áo cho con, người vợ vá áo cho chồng, bây giờ đã trải bê tông nhựa dày, rộng thênh thang. Các hố bom đã lấp đầy bởi màu xanh của lúa, ngô, đậu, lạc. Từng đoàn học sinh thân yêu tung tăng sau tiếng trống trường. Dì Mai lẫn vào dòng người tần ngần bên hàng bia mộ những người đồng đội thân yêu. Từ trong sâu thẳm trái tim mình, tôi thầm nhủ, cuộc sống mới hồi sinh hôm nay sẽ mãi mãi khắc ghi công ơn những con người đã một thời nguyện sống chết với mảnh đất này.
Bài và ảnh: VĂN HỌC
(Sự kiện và nhân chứng, mục Nhân vật, số ra ngày 17/7/2008)