Nhiếp Thu Sính đi trên chiếc xe đạp cũ của mình đến trường học đón Thanh Ti về nhà, sau đó liền đến thẳng chuồng gà, lấy bát đựng uống nước cho gà ra, dùng nước sạch rửa lại.
Rửa xong, cô nhìn kỹ lại chiếc bát lần nữa, nhìn trái nhìn phải cũng không thấy có điểm gì kỳ lạ, chẳng qua là so với bình thường thì đẹp hơn một chút, có thêm hoạ tiết cây cối màu xanh lam.
Trước đây nhà Nhiếp Thu Sính rất nghèo, cha mẹ tuổi tác đã cao, ngay cả việc muốn để cô đến trường cũng khó khăn, cuối cùng, cô bỏ học, ở nhà giúp cha mẹ làm việc đồng áng nên bằng cấp không cao, cái bát thô sơ này của cô có chút giống sứ Thanh Hoa, chuyện khác thì cô một chút cũng không biết, nếu chiếc bát này thật sự là cổ vật, nếu người ở hiệu cầm đồ lừa cô thì biết làm sao?
Nhiếp Thu Sính thở dài, nếu cô có thể được đi học thêm hai năm nữa thì mọi chuyện đã tốt rồi.
Năm đó cha mẹ cô lâm bệnh nặng, vì để xoay xở tiền bạc chữa bệnh cho cha mẹ, cô cũng không biết phải làm thế nào, đúng lúc có người muốn cầu thân - chính là Yến Tùng Nam - cô đắn đo một hồi liền gả cho hắn ta.
Vốn cô chỉ muốn đem một ít tiền sính lễ mang ra chữa bệnh cho cha mẹ, nhưng hai người bọn họ lại không đồng ý, nói rằng nếu lấy tiền sính lễ chữa bệnh - nghĩa là con gái họ đến nhà chồng vừa không có đồ cưới lại mang tiền sính lễ tiêu mất - thì về sau ở nhà chồng đương nhiên sẽ không có tháng ngày yên ổn, chính vì thế nên dù cô nói thế nào cha mẹ cô cũng không đồng ý. Sau khi Nhiếp Thu Sính được gả đi, không bao lâu sau, cha mẹ cô lần lượt bệnh nặng mà qua đời.
Yến gia vốn đã ghét bỏ cô và nhà mẹ đẻ cô, chờ đến khi cha mẹ cô vừa tạ thế liền đối xử với cô không hề hoà nhã nữa, nói cô là đứa khắc chết người khác.
Mặc dù nhớ tới chuyện quá khứ nhưng lòng Nhiếp Thu Sính cũng không thấy nhiều chua xót, từ nhỏ đến lớn, bản thân cô đã quen chịu khổ nên cho dù cuộc sống có khó khăn thì so với chết vẫn tốt hơn.
Cô đứng dậy, lấy vải bố bọc chiếc bát sứ nhỏ kia lại, lại tìm trong nhà một chiếc tráp gỗ đơn giản chuyên dùng để đựng đồ thêu thùa may vá, bên dưới rải một ít rơm lúa mạch rồi mới bỏ chiếc bát vào, sau khi cất cẩn thận mới quay sang nấu cơm cho Thanh Ti ăn.
Lúc ăn cơm, cô hỏi: “Thanh Ti, ngày mai là thứ Sáu phải không con?”
Thanh Ti gật đầu: “Vâng.”
“Mẹ dẫn con đi thị trấn nhé, được không?”
“Thị trấn...” Thanh Ti tròn đôi mắt to, vẻ mặt mê man không hiểu lắm, đối với cô bé, trấn trên là là một nơi xa lắm rồi, thị trấn, nơi ấy hẳn phải xa hơn nữa phải không nhỉ?
Nhiếp Thu Sính gắp cho cô một đũa rau xanh: “Trả lời mẹ nào, mẹ dẫn con đi thị trấn được không?”
Thanh Ti gật đầu: “Được ạ, nhưng mà mẹ ơi, thị trấn có phải rất xa không?”
“Cũng không phải quá xa đâu, chúng ta sẽ lên trấn trên ngồi xe đi...”
“Oa, có thể đi xe nữa cơ á?” Ánh mắt của Thanh Ti sáng lên, cô bé đã lớn đến tuổi nay cũng chưa từng được ngồi xe bốn bánh lần nào.
Nhiếp Thu Sính áp chế mùi vị chua xót trong lòng, gật đầu: “Đúng vậy, chúng ta sẽ ngồi xe trước, hôm nay đi ngủ sớm một chút, ngày mai có thể sẽ phải dậy sớm đó con gái.”
Thanh Ti thật vui vẻ, liên tục gật đầu: “Vâng vâng, con ăn xong sẽ đi ngủ luôn.”
Ăn cơm xong, Thanh Ti rửa chân, lại dùng nước ấm lau người xong mới lên giường đi ngủ...
Mò mẫm lau chùi chiếc bát một lần nữa, Nhiếp Thu Sính mới đi vào giường. Thanh Ti đã ngủ rồi, dưới ánh đèn mờ mờ, khuôn mặt nhỏ nhắn của Thanh Ti có chút ánh vàng, hai hàng lông mi dài giống như cánh bướm tùy thời có thể bay lên, vầng trán mềm mại, khuôn mặt nhỏ nhắn phấn nộn tròn tròn như cái trống.
Trái tim Nhiếp Thu Sính trở nên mềm mại, Thanh Ti càng lớn càng giống cô, nhìn con gái mình, cho dù cô có mệt mỏi tới đâu cũng có thể tinh thần sáng láng, vì con gái, cô có thể đánh đổi mọi thứ.
Chỉ cần không chết, cuộc sống sẽ từng chút một tốt lên.