V
ài năm trước, có một làn sóng dư luận đầy phẫn nộ và hỗn loạn, lên án một viên cai ngục ở trại tù Vịnh Guantanamo vì y đã ném một quyển sách linh thiêng nào đó vào bồn cầu và xả nước.
Ngay hôm sau, một phóng viên của tờ báo địa phương gọi cho tôi và bảo rằng anh ta chuẩn bị viết một bài báo về hành vi xúc phạm đó nên muốn hỏi tôi cũng như tất cả các nhà lãnh tụ tôn giáo lớn tại Úc một câu gần giống nhau.
Câu hỏi đó là: “Ông sẽ làm gì nếu thấy có người bỏ quyển kinh Phật vào bồn cầu của ông rồi xả nước?”.
Không chần chừ, tôi đáp ngay: “Thưa ông, nếu thấy một người bỏ quyển kinh Phật vào bồn cầu rồi còn xả nước nữa thì việc đầu tiên tôi làm là gọi ngay cho người thợ sửa ống nước!”.
Người phóng viên phá lên cười một hồi và thú thật với tôi, đó là câu trả lời có lý nhất mà anh từng nghe.
Tôi giải thích sâu hơn, rằng người ta có thể cho nổ các tượng Phật, thiêu đốt các ngôi chùa hay cho giết các tăng ni… họ có thể hủy diệt tất cả những thứ đó nhưng tôi không bao giờ để họ hủy diệt tinh thần Phật giáo. Bạn có thể ném một quyển kinh Phật vào bồn cầu và giội nước nhưng tôi sẽ không bao giờ để bạn xả nước cuốn trôi lòng vị tha, sự hòa bình hay lòng trắc ẩn.
Bản thân quyển kinh không phải là một tôn giáo, cũng như tượng Phật, những chùa chiền hay người tu hành. Chúng ta phải tự hỏi, những cuốn sách kinh dạy chúng ta điều gì, bức tượng kia là biểu tượng cho cái gì và đâu là những phẩm chất mà một người thầy tu phải là hiện thân?
Một khi đã nhận ra sự khác biệt giữa cái vỏ và cái bên trong, chúng ta sẽ gìn giữ được cái bên trong ngay cả khi phần vỏ đã bị hủy diệt. Chúng ta sẽ lại in những quyển kinh khác, xây thêm những ngôi chùa và các bức tượng mới, thậm chí sẽ đào tạo thêm nhiều tăng ni hơn. Tuy nhiên, một khi chúng ta đã đánh mất tình yêu và sự tôn trọng đối với người khác và bản thân, thay thế chúng bằng bạo lực thì có nghĩa là cả tôn giáo đã bị xả nước cuốn xuống bồn cầu.