T
rong vài năm trở lại đây, giá vàng đã gia tăng rất mạnh. Và vì “im lặng là vàng” cho nên ngày nay sự tĩnh lặng càng đáng giá hơn bao giờ hết, một món hàng càng hiếm thì càng đắt giá kia mà.
Thực tế là ngày nay, chúng ta hiếm khi tìm được chốn nào yên tĩnh trong xã hội nhộn nhịp. Hồi còn nhỏ, tôi thường đến các nhà thờ trong thành phố không phải để cầu cho mưa dứt hay điều gì khác mà chỉ để tìm thấy một nơi tôn nghiêm tĩnh lặng nhằm xoa dịu bộ não năng động quá mức của mình và tái tạo đôi chút sự bình an cho tâm trí.
Lần cuối cùng tôi làm điều đó là sau một ngày bận rộn trong thành phố, tôi tìm đến tu viện Westminster để thiền trong nửa giờ. Vừa đến nơi là tôi đã thất vọng ngay vì một hai tuần trước đó người ta đã cho lắp một hệ thống truyền thông để phát liên tục các bài giảng và thông báo của tu viện. Thế là đã không còn sự yên tĩnh, tôi đành bỏ đi.
Từ trải nghiệm có được ở tu viện Westminster, tôi trân quý sự tĩnh lặng đến nỗi đã bằng mọi khả năng, cố gắng tìm cách tạo ra những thiên đường tĩnh lặng trong các ngôi chùa, tu viện mà mình có ảnh hưởng. Đến một ngày thì chuyện này xảy ra:
Một nhân viên giám định tòa nhà của chính quyền địa phương hẹn gặp tôi, khiến tôi lo rằng kiến trúc tu viện của mình có vấn đề gì đó. Thế nhưng ông ta đã nhanh chóng giúp tôi xóa bỏ mọi âu lo, vì ông đến chỉ để cảm ơn tôi.
Ông ta cho tôi biết đã làm việc nhiều năm tại hội đồng địa phương, có nhiệm vụ phê duyệt lần cuối các dự án xây dựng mới hoàn toàn cũng như các dự án trùng tu. Đó là một công việc đầy áp lực bởi các nhà thầu luôn muốn cắt bỏ chi phí trong khi ông thì luôn muốn đảm bảo an toàn và chất lượng. Mỗi lần cảm thấy sắp vượt qua giới hạn, ông lại lên xe và tìm đến tu viện của chúng tôi. Ông không cần phải vào tu viện mà chỉ cần đậu xe bên ngoài, ngồi trong xe và đắm chìm vào không gian tĩnh lặng đó để rũ bỏ mọi căng thẳng, mệt mỏi. Từ đó đến nay ông đã trải qua không biết bao nhiêu tiếng đồng hồ giải tỏa căng thẳng tại nơi đậu xe của tu viện. Quả thật, đó là một chốn lý tưởng để ông chạy trốn khỏi căng thẳng trong công việc. Ông cho tôi biết mình sắp về hưu, do vậy mà ông phải đến đây để tỏ lòng biết ơn đối với chúng tôi vì đã tạo nên sự tĩnh lặng tuyệt vời đó ở bãi đỗ xe.
Các tu viện là nơi các nhà sư thiền trong tĩnh lặng. Qua nhiều năm, sự tĩnh lặng đó trở nên cô đọng lại và thấm đẫm trong từng viên gạch của tu viện. Nó vừa dễ chịu như một bát súp ấm giữa đêm lạnh giá, vừa êm ái và bình yên như một cái ôm trìu mến. Bạn không cần phải có những bài giảng và lời lẽ thông thái, bởi sự tĩnh lặng vừa là một người thầy thông thái và vừa là phương thuốc chữa lành cho tất cả, cho bất kỳ ai trước bất kỳ nghịch cảnh nào.
Một người bạn từng kể cho tôi nghe rằng trong một chuyến viếng thăm một ngôi chùa tĩnh lặng ở Bangkok, khi anh bước vào sân thì nhìn thấy một người phụ nữ ngồi một mình trên một băng ghế, nước mắt giàn giụa. Anh không hiểu rõ về văn hóa Thái Lan nên không thoải mái đủ để đến xem chị ta có việc gì cần giúp đỡ hay không. Thay vào đó, anh đi vào trong các công trình để làm xong những việc tham quan lặt vặt.
Nửa tiếng sau, khi trở ra, anh thấy người phụ nữ ấy vẫn còn ngồi trên băng ghế đó, nhưng chị ta không còn khóc nữa. Vậy nên anh đến bên chị và hỏi xem chị có cần sự hỗ trợ nào không.
Người phụ nữ ấy nói tiếng Anh rất thạo. Chị giải thích rằng chị vừa trải qua một biến cố lớn và suy sụp đến mức phải tìm đến tu viện để tự trấn an. Chị không cần đến sự giảng giải của bất kỳ nhà sư nào, cũng không cần người lạ dang tay tương trợ. Chỉ cần tìm thấy một băng ghế trống thinh lặng và được khóc cho buông xả hết nỗi lòng là chị đã thấy nhẹ nhõm rồi. Kể xong, người phụ nữ đứng dậy và rời đi.
– Chị có phiền không nếu tôi hỏi, biến cố đó là gì vậy? – Bạn tôi cất tiếng hỏi.
– À, – người phụ nữ đáp, – tôi làm mất chìa khóa xe.