T
rong quan niệm của nhiều người, đạo Phật không phải là một tôn giáo; cũng có người cho rằng đạo Phật đúng là một tôn giáo, có điều thuộc nhóm không có tổ chức. Nhiều người thậm chí còn hỏi rằng thế nào là Thượng đế trong quan điểm của đạo Phật. Thôi thì tôi sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện này:
Trong một buổi hội thảo giữa các lãnh tụ tinh thần tại trường đại học ở địa phương, tôi có dịp trò chuyện với một giáo sĩ Thiên chúa dòng Benedict vì tình cờ ông là một người bạn cũ. Đến phần hỏi-đáp dành cho khán giả, một người nổi tiếng là con chiên ngoan đạo đã yêu cầu tôi giải thích thế nào là quan điểm của Phật giáo về Thượng đế.
Nếu tôi trích dẫn một câu nào đó trong Kinh Phật hay cứ dùng những lời giảng mà các thầy truyền cho thì hẳn nhiên mọi việc quá dễ dàng, có điều sẽ chẳng giải quyết được việc gì cả. Vì vậy, tôi quyết định sẽ giải đáp theo hướng giúp mọi người đi sâu hơn vào những tầng uyên nguyên của tri thức để tạo ra một sự kết nối nhịp nhàng giữa hai hệ thống tôn giáo lớn của thế giới.
– Bạn tôi, Đức Cha Placid, – tôi bắt đầu, – đang ngồi cạnh tôi đây, đã từng nói với tôi rằng một trong những đức tin then chốt của ông là mỗi người đều đang trên hành trình tìm kiếm Thượng đế. Tôi tôn trọng bạn mình và chấp nhận đức tin này của ông. Vậy thì tôi và các phật tử đang tìm kiếm điều gì?
– Chúng tôi tìm kiếm sự bình an, lòng từ bi, sự chân xác, sự tôn trọng, lòng thứ tha và tình yêu vô điều kiện. Nếu đó là những gì mà các phật tử hay những người vô thần tìm kiếm, thì tôi tin là với những con chiên đang tìm kiếm Thượng đế của mình, tất cả những phẩm hạnh này đều thuộc về Thượng đế của các bạn. Sự bình an, lòng từ bi, sự chân xác, sự tôn trọng, lòng thứ tha và tình yêu vô điều kiện – đây là những gì mà một phật tử hiểu về Thượng đế.
Dẫu thuộc bất cứ một tôn giáo nào, tất cả khán giả đều tỏ ra rất vui vẻ, hài lòng với câu trả lời của tôi.