M
ột vị giáo sư triết học khả kính đọc được trên tờ báo địa phương rằng một nhà hàng năm sao vừa khai trương trong thành phố. Ngay lập tức, ông gọi điện đến nhà hàng để đặt chỗ. Tuy nhiên, vì đã có sẵn danh tiếng nên nhà hàng đã có một danh sách đặt chỗ kín đến tận hai tháng sau. Vậy là vị giáo sư phải chờ đợi.
Tám tuần sau, giáo sư xuất hiện tại nhà hàng trong trang phục hết sức phù hợp với đẳng cấp năm sao. Người quản lý hỏi xin ông thẻ căn cước để xác nhận ông đúng là đã đặt chỗ vào đêm đó. Thủ tục xong xuôi, ông được dẫn đến đúng bàn đã đặt.
Vị giáo sư sững sờ trước nội thất và sự bài trí trong nhà hàng đặc sắc này. Ánh sáng nhẹ từ chiếc đèn đứng không phô trương, tỏa ra như tưới sự ấm áp cho chiếc bàn ông ngồi, lại thêm những bóng sáng nhờ nhờ làm ông nghĩ đến ánh nắng chậm rãi chuyển động theo bóng mặt trời buổi hoàng hôn, vừa gợi vẻ kín đáo mà vẫn vừa đủ để con người quan sát nốt cảnh vật. Một người bồi bàn đeo chiếc nơ bướm màu trắng, vận một chiếc áo khoác lịch lãm đến bàn, trình cho vị giáo sư xem thực đơn.
Ngay cả thực đơn cũng quá đỗi phù hợp với bối cảnh hào nhoáng và sang trọng nơi nhà hàng năm sao này. Chữ được in trên giấy giả cổ, ngả vàng có viền màu đỏ boóc-đô, tên của tất cả món ăn được viết theo kiểu chữ xưa tao nhã mà ngày nay chúng ta thường thấy trong viện bảo tàng hơn là trong nhà hàng.
Vị giáo sư trân trối nhìn vào thực đơn với vẻ ngưỡng mộ, ông đọc đi đọc lại nhiều lần. Rồi ông ăn hết thực đơn. Sau đó, ông trả tiền, cám ơn người quản lý và ra về.
Vị giáo sư bất hạnh này, chính vì quá uyên bác trong thế giới lý thuyết nên không hiểu được rằng thực đơn khác với thức ăn thực. Những con chữ là tất cả những gì ông biết và quan tâm đến.
Còn các bạn, các độc giả của cuốn sách này, sau khi đã đọc hết những gì đề trong thực đơn có tên là Buông bỏ, buồn buông này, xin đừng bắt chước vị giáo sư khả kính nọ, xin đừng chỉ “ăn” chữ thôi nhé.