Ánh chớp ấy làm anh bất an.
Một tia sáng, trắng hoặc vàng nhạt, ở đằng xa.
Từ nước chăng? Từ mũi đất băng qua cái vịnh ngọc lam yên bình ấy chăng?
Nhưng tại nơi đây, không thể có nguy hiểm. Nơi đây, anh đang ở trong một khu nghỉ dưỡng xinh đẹp và biệt lập. Nơi đây, anh thoát khỏi cái nhìn soi mói của giới truyền thông và tầm ngắm của kẻ thù.
Roberto Moreno nhíu mắt nhìn ra ngoài cửa sổ, mới gần tứ tuần mà mắt anh đã kém. Anh đẩy gọng kính lên sống mũi rồi lướt mắt qua khung cảnh tuyệt mĩ - khu vườn ngoài cửa sổ của dãy phòng, bờ cát hẹp trắng xóa, biển màu xanh ngọc đang vỗ nhịp. Xinh đẹp, biệt lập… và nghiêm mật. Không tàu bè nào bập bềnh trong tầm mắt. Và giả sử có một kẻ thù nào đó cầm súng trường biết anh đang ở đây rồi lén lút băng qua khu nhà máy công nghiệp trên mũi đất cách chỗ anh tận một cây số rưỡi bên kia biển, thì khoảng cách và sự ô nhiễm đến mịt mờ tầm nhìn cũng sẽ vô hiệu hóa phát súng.
Không còn ánh chớp, cũng chẳng còn tia sáng. Mày đang được an toàn. Dĩ nhiên là vậy.
Song Moreno vẫn thận trọng. Như Martin Luther King, như Gandhi, anh luôn trong tình cảnh nguy hiểm. Đây là lối sống của anh. Anh không sợ chết. Nhưng anh sợ chết trước khi xong việc. Và ở độ tuổi trẻ trung này, anh vẫn còn nhiều việc phải làm. Chẳng hạn, sự kiện mà anh vừa tổ chức xong cách đây khoảng một tiếng - một sự kiện trọng đại, nhất định sẽ thu hút sự chú ý của nhiều người - chỉ là một trong số cả chục kế hoạch được lên cho năm sau.
Và xa hơn nữa, một tương lai dư dật đang chực chờ.
Vận một bộ com lê vàng nâu nhạt kín đáo, sơ mi trắng và cà vạt màu xanh hoàng gia - đậm chất Caribê - người đàn ông phương phi rót đầy hai tách từ bình cà phê mà nhân viên phục vụ phòng vừa giao rồi trở lại chỗ đi văng. Anh trao một tách cho ông phóng viên, lúc này đang sửa soạn máy ghi âm.
“Señor1 de la Rua. Ông dùng ít sữa nhé? Hay đường?” “Không, cảm ơn anh.”
1 Señor: Dùng trước tên đàn ông ở các nước nói tiếng Tây Ban Nha, tương đương với “Ông.”
Họ đang trò chuyện bằng tiếng Tây Ban Nha, thứ tiếng mà Moreno rất thành thạo. Anh ghét tiếng Anh và chỉ sử dụng thứ tiếng này khi cần thiết. Anh chưa bao giờ hoàn toàn trút bỏ chất giọng New Jersey khi nói bằng tiếng mẹ đẻ của mình, “her ” nghe như “hehr ”, “mirror ” nghe như “mirrah”, “gone” nghe như “gun.” Hễ nghe chính giọng điệu của mình là anh lại nhớ về những ngày đầu ở Mỹ - bố anh dành nhiều giờ dằng dặc làm việc trong tỉnh táo, còn mẹ anh lại đắm chìm nhiều giờ dằng dặc trong hơi men. Những khung cảnh ảm đạm, những kẻ bắt nạt từ một trường trung học gần đó. Rồi sự cứu rỗi xuất hiện: Gia đình anh dọn tới một nơi tử tế hơn hẳn South Hills, một nơi mà ngay cả lời ăn tiếng nói cũng mềm mỏng và tao nhã hơn.
Ông nhà báo nói, “Cứ gọi tôi là Eduardo được rồi.” “Còn tôi là Roberto.”
Tên anh thật ra là “Robert” nhưng cái tên ấy sặc mùi luật sư phố Wall, mùi chính trị gia Washington và mùi của lũ tướng tá nơi chiến trường luôn gieo trên đất khách những cái xác của dân bản địa như mớ hạt giống rẻ tiền.
Thế mới có cái tên Roberto.
“Ông sống tại Argentina”, Moreno nói với ông nhà báo, một người đàn ông nhỏ nhắn, đầu đang hói dần, mặc một chiếc sơ mi màu lam không cà vạt cùng một bộ com lê đen đã sờn chỉ. “Thành phố Buenos Aires phải không?”
“Đúng vậy.”
“Ông có biết gì về tên gọi của thành phố đó không?” De la Rua nói không. Ông chẳng phải người bản địa.
“Nghĩa của nó dĩ nhiên là ‘không khí trong lành’ rồi”, Moreno nói. Anh đọc rất nhiều - vài cuốn sách mỗi tuần, phần lớn thuộc thể loại lịch sử và văn học Mỹ Latin. “Nhưng ‘không khí’ ở đây là ở đảo Sardinia của nước Ý, không phải ở Argentina. Được đặt theo tên một khu định cư trên đỉnh một ngọn đồi tại Cagliari. Khu này nằm bên trên, để xem nào, đủ thứ mùi hăng nồng của thành phố cổ bên dưới nên được đặt tên là Buen Ayre. Nhà thám hiểm người Tây Ban Nha đã phát hiện rồi đặt tên Buenos Aires theo khu định cư này. Dĩ nhiên đó là khu định cư đầu tiên của thành phố. Chúng bị người địa phương quét sạch vì dân bản địa không thích bị người châu Âu bóc lột.”
De la Rua nói, “Ngay cả các giai thoại anh kể cũng có hơi hướng chống thực dân thấy rõ.”
Moreno cười. Nhưng sự khôi hài biến mất và anh lại nhìn nhanh ra ngoài cửa sổ.
Cái tia sáng chết tiệt ấy. Nhưng anh vẫn không thấy gì ngoài cây cối trong vườn và mũi đất mù sương cách đây một cây số rưỡi. Khách sạn này nằm trên phần bờ biển tây nam gần như hoang vắng của New Providence, hòn đảo tại quốc gia Bahamas nơi thủ đô Nassau tọa lạc. Khuôn viên được rào và canh phòng. Khu vườn được dành riêng cho dãy phòng này và được bảo vệ bằng một hàng rào cao ở phía bắc và phía nam, với bãi biển ở phía tây.
Không có ai đằng kia. Không thể có ai đằng kia. Một con chim chăng? Một chiếc lá rung rinh.
Simon đã kiểm tra khuôn viên cách đây không lâu. Moreno liếc nhìn cậu ta, một người Brazil to con, ít nói, da ngăm đen, mặc một bộ com lê đẹp - vệ sĩ của Moreno ăn mặc đẹp hơn anh mà không diêm dúa. Simon, ngoài ba mươi, trông nguy hiểm đúng như kỳ vọng và mong muốn của người đời đối với cái nghề này, mặc dù cậu ta chẳng phải dân anh chị. Cậu ta từng làm sĩ quan trong quân đội, trước khi trở về làm thường dân trong vai trò chuyên gia an ninh.
Cậu ta cũng rất thạo nghề. Đầu Simon xoay đi, cậu ta đã để ý thấy cái nhìn trân trối của ông chủ nên lập tức bước đến chỗ cửa sổ, mắt nhìn ra ngoài.
“Một ánh chớp thôi mà”, Moreno giải thích. Người vệ sĩ đề xuất đóng mành lại.
“Chắc không cần đâu.”
Moreno đã quyết rằng Eduardo de la Rua, sau khi bỏ tiền túi đáp chuyến bay hạng phổ thông đến đây từ thành phố của không khí trong lành, xứng đáng được chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt mỹ này. Ông ấy không có nhiều cơ hội trải nghiệm sự phồn hoa, vì bản thân là một phóng viên năng nổ được tiếng luôn tường thuật sự thật thay vì viết những bài tâng bốc nhân viên cao cấp doanh nghiệp và chính trị gia. Moreno cũng quyết định thết đãi người đàn ông này một bữa trưa thịnh soạn ra trò tại nhà hàng cao cấp của khách sạn South Cove.
Simon nhìn chằm chằm ra ngoài một lần nữa, trở lại ghế rồi cầm lên một cuốn tạp chí.
De la Rua nhấn máy ghi âm. “Bây giờ tôi xin phép nhé?”
“Xin tự nhiên.” Moreno dồn toàn bộ sự chú ý vào ông nhà báo. “Anh Moreno, Phong trào Trao quyền Địa phương của anh vừa mở văn phòng ở Argentina, là văn phòng duy nhất tại nước này. Anh có thể cho biết mình đã thai nghén ý tưởng này như thế nào không? Và nhóm của anh làm gì?”
Moreno đã thuyết giảng bài này cả chục lần. Nội dung thay đổi tùy theo nhà báo hoặc khán giả cụ thể, song mục đích cốt lõi của nó rất đơn giản: khuyến khích dân bản địa cự tuyệt chính phủ Mỹ cùng sức ảnh hưởng của doanh nghiệp Mỹ bằng cách tự cung tự cấp, nhất là thông qua tín dụng vi mô, nông nghiệp vi mô và kinh doanh vi mô.
Anh trả lời, “Chúng tôi kháng lại sự phát triển của doanh nghiệp Mỹ. Cũng như các chương trình viện trợ và chương trình xã hội của chính phủ Mỹ, mà suy cho cùng, mục đích cũng chỉ là khiến chúng tôi nghiện ngập các chuẩn mực của họ. Chúng tôi không được xem là con người, chúng tôi bị xem là nguồn nhân công rẻ mạt và thị trường cho hàng hóa Mỹ. Ông có thấy cái vòng luẩn quẩn đó chưa? Dân của chúng tôi bị bóc lột trong nhà máy của người Mỹ rồi sau đó bị dụ dỗ mua sản phẩm từ chính các công ty đó.”
Ông nhà báo nói, “Tôi đã viết nhiều về mảng đầu tư kinh doanh ở Argentina và các nước Nam Mỹ khác. Và tôi được biết phong trào của anh cũng có những khoản đầu tư tương tự. Người ta có thể lý luận là anh cực lực phản đối chủ nghĩa tư bản song cũng tán đồng nó.”
Moreno vuốt mái tóc hơi dài, đen và bạc trước tuổi. “Không phải, tôi cực lực phản đối việc áp dụng sai chủ nghĩa tư bản - cụ thể là việc người Mỹ áp dụng sai chủ nghĩa tư bản. Tôi lấy việc kinh doanh làm vũ khí. Chỉ có kẻ ngốc mới dựa vào một mình hệ tư tưởng để tạo ra thay đổi. Tư tưởng là bánh lái. Tiền là chân vịt.”
Ông nhà báo mỉm cười. “Tôi sẽ lấy đoạn đấy làm phần dẫn nhập. Tôi được biết một số người gọi anh là nhà cách mạng.”
“Ha, tôi chỉ là một kẻ to mồm, thế thôi!” Nụ cười phai dần. “Nhưng nhớ kỹ lời tôi đi, trong khi thế giới đang tập trung vào Trung Đông, thì mọi người đã bỏ sót mất sự ra đời của một lực lượng hùng mạnh hơn hẳn: Mỹ Latin. Tôi chính là người đại diện cho vùng đất ấy. Trật tự mới. Chúng tôi không thể để người khác phớt lờ mình nữa.”
Roberto Moreno đứng dậy bước đến cửa sổ.
Đội lên trong khu vườn là một cây gỗ độc, cao khoảng mười hai mét. Anh trọ tại dãy phòng này thường xuyên và rất thích cái cây. Thật ra, anh đã nảy sinh tình đồng chí với nó. Gỗ độc là loại cây đáng gờm, kiên gan và đẹp một cách mộc mạc. Nó còn rất độc, như cái tên gợi tả. Phấn hoa hoặc khói tỏa ra sau khi đốt gỗ và lá cây có thể lẻn vào phổi, gây đau rát tột độ. Dẫu vậy, loài cây này nuôi dưỡng loài bướm phượng Bahamas xinh đẹp, còn loài bồ câu mào trắng lại sống nhờ vào quả cây.
Mình cũng giống cái cây này, Moreno nghĩ. Một bức ảnh đẹp cho bài báo chăng. Mình sẽ đề cập chi tiết này nữa…
Lại tia sáng ấy.
Trong tích tắc: Một chuyển động lập lòe đánh động đám lá thưa thớt của cái cây, rồi cái cửa sổ cao trước mặt anh nổ tung. Thủy tinh biến thành hàng triệu tinh thể tuyết ào ạt, lửa bùng nổ trong ngực anh.
Moreno bỗng thấy mình nằm trên chiếc đi văng mà trước đó nằm sau lưng anh hơn mét rưỡi.
Nhưng… nhưng chuyện gì vừa xảy ra ở đây? Cái gì thế này? Mình đang ngất, mình đang ngất.
Mình không thở được.
Anh nhìn trân trân cái cây, giờ đây nó rõ hơn, rõ hơn hẳn, khi không còn tấm kính cửa sổ ở đó. Cành cây đung đưa trong cơn gió biển ngọt lịm. Lá cây hết phồng lại xẹp. Cái cây đang thở hộ anh. Bởi lẽ anh không thở được, khi ngực anh đang cháy rực. Khi cơn đau vẫn còn đó.
Tiếng thét, tiếng la ó cầu cứu quanh anh. Máu, máu khắp nơi.
Mặt trời đang lặn, bầu trời tối dần. Nhưng chẳng phải đang buổi sáng sao? Moreno thấy hình ảnh vợ mình, cậu con trai và cô con gái đang tuổi mới lớn. Những suy nghĩ của anh tan biến đến khi anh chỉ nhận thức được một thứ duy nhất: cái cây.
Vừa độc vừa hùng dũng, vừa độc vừa hùng dũng.
Ngọn lửa bên trong anh đang yếu dần, tan biến dần. Sự nhẹ nhõm đẫm lệ.
Bóng tối đang thẫm lại. Cây gỗ độc.
Gỗ độc… Độc…