Năm 1973, đồng chí Hoàng Đan (sau này là Thiếu tướng) là Tư lệnh Sư đoàn 304. Thời gian này, một số đơn vị của Sư đoàn 304 được rút về bên bờ bắc sông Thạch Hãn để củng cố lực lượng, tổ chức huấn luyện, nhận quân...
Để động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ, Tư lệnh Hoàng Đan đã trực tiếp đến vị trí đóng quân của các đơn vị. Biết tin, cán bộ, chiến sĩ ai cũng vui mừng, phấn khởi, củng cố nơi ăn ở để đón thủ trưởng đến thăm.
Tư lệnh đến kiểm tra Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66 lúc đó đóng quân tại Gio Linh, Quảng Trị. Với tính cách sâu sát và thói quen đến đơn vị nào cũng “thực mục sở thị” từng vị trí nên khu vực chăn nuôi của đơn vị ở xa đã được Tư lệnh Hoàng Đan “ghé thăm” đầu tiên. Câu chuyện dưới đây do cựu chiến binh Nguyễn Văn Du, nguyên Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 kể lại:
Sau khi kiểm tra các nơi, trong cuộc nói chuyện rút kinh nghiệm với cán bộ Tiểu đoàn 9, Tư lệnh Hoàng Đan mở đầu bằng câu hỏi: “Các đồng chí, ở đây nhiều bùn và nước rứa (vậy) có nuôi lươn không?”. Tất cả đều bất ngờ với câu hỏi của tư lệnh. Không biết thủ trưởng đang phê bình hay gợi ý, đề xuất cho anh em nuôi lươn để cải thiện bữa ăn. Mọi người liền trả lời: “Đơn vị chúng em mới nuôi lợn chứ chưa nuôi lươn thủ trưởng ạ”. Tư lệnh Hoàng Đan liền nói: “Dại lắm. Sao không nuôi lươn mà ăn, tôi thấy lươn cắn đứt chân của lợn rồi, lươn nhiều rứa mà không nuôi thì dại lắm”.
Rồi Tư lệnh Hoàng Đan nói tiếp: “Tôi đi kiểm tra nơi ăn ở, trú quân của đơn vị thấy sạch sẽ, gọn gàng, vậy là rất tốt. Tuy nhiên, các đồng chí nuôi lợn mà để bùn nhiều trong chuồng như vậy thì lợn nhiễm trùng chân, làm sao mà lớn được. Hơn nữa, ở đây đất đai tốt, phân động vật nhiều, các đồng chí nên tăng gia sản xuất, trồng rau để cải thiện bữa ăn, nếu mình chưa kịp thu hoạch thì các đơn vị đến sau sẽ có cái mà dùng”. Lúc này, cán bộ đơn vị mới hiểu ra tư lệnh đang phê bình đơn vị không chủ động vệ sinh chuồng trại, chưa tích cực tăng gia sản xuất.
VÕ ĐÔNG