Điều ứng/ hoặc Điều hợp (Accommodation): Thuật ngữ Piaget dùng để chỉ quá trình điều chỉnh sự hiểu biết của chúng ta dựa trên cơ sở tiếp nhận thêm thông tin mới.
Gắn bó (attachment): Theo Erikson đây là sự gắn bó giữa trẻ nhỏ với cha mẹ và những người chăm sóc trẻ đầu tiên.
Tự chủ (autonomy): Khả năng hành động một cách độc lập.
Thao tác cụ thể (concrete operations): Giai đoạn thao tác cụ thể là giai đoạn thứ ba trong lý thuyết về phát triển nhận thức của Piaget, kéo dài từ khoảng 6 đến 12 tuổi, trong thời kì này trẻ sử dụng suy luận để đưa ra những nhận định.
Những bài tập về tính bảo toàn (conservation tasks): Những thực nghiệm kinh điển do Piaget thiết kế, liên quan tới giai đoạn tiền thao tác (preoperational), cho thấy liệu đứa trẻ đã biết rằng những đặc tính vật lý nào đó của các vật thể vẫn giữ nguyên ngay cả khi hình thái bề ngoài của chúng có thay đổi hay chưa.
Kiến tạo tri thức (construction of knowledge): Theo Piaget đây là quá trình mà thông qua đó trẻ tạo ra một cách giải thích tâm lý (mental explanation) cho những trải nghiệm hoặc tri giác của mình.
Mất cân bằng (Disequilibrium): Thuật ngữ Piaget dùng để chỉ trạng thái tâm trí của trẻ khi sự hiểu biết về thế giới của trẻ bị thách thức bởi kinh nghiệm mà trẻ trải nghiệm, trước khi trẻ tạo ra một cách hiểu mới để diễn giải về kinh nghiệm mới của mình.
Duy kỷ (egocentric): nghĩ mọi thứ mình gặp phải (encounter) đều liên quan tới bản thân mình; nhìn thế giới từ một điểm qui chiếu duy nhất.
Tám giai đoạn đời người (Eight Ages of Man): lý thuyết về sự phát triển tâm lý xã hội của Erikson bao trùm toàn bộ vòng đời của con người.
Thấu cảm (empathy): năng lực đặt mình vào vị trí của người khác và hiểu được cảm nhận của người đó.
Nhà nhận thức luận (epistemologist): người nghiên cứu về bản chất và khởi nguồn của quá trình hiểu biết.
Cân bằng (equilibrium): thuật ngữ Piaget dùng để chỉ trạng thái tâm trí trong đó trải nghiệm của trẻ về thế giới được giải thích một cách phù hợp bởi hiểu biết của trẻ.
Chức năng thực thi (executive function): chỉ khả năng xử lý hoặc điều chỉnh những quá trình nhận thức và cảm xúc cơ bản, như sự tự điều chỉnh, năng lực tập trung vào các nhiệm vụ, khả năng tổ chức tư duy và dụng cụ, năng lực duy trì và hoàn thành các nhiệm vụ.
Ngoại tại (extrinsic): đến từ bên ngoài, được qui định bởi cái gì hoặc ai đó.
Thao tác hình thức (formal operations): giai đoạn phát triển nhận thức thứ tư theo Piaget, kéo dài từ khoảng 12 tuổi đến tuổi trưởng thành, người thuộc giai đoạn này có khả năng tư duy trừu tượng, tư duy khái niệm và tư duy giả định.
Khủng hoảng bản sắc (identity crisis): thuật ngữ Erikson dùng để chỉ sự xung đột những người trẻ trải qua khi họ tiến vào tuổi trưởng thành.
Nội tại (intrinsic): đến từ bên trong, phần cốt yếu trong bản chất của cái gì đó.
Học tập trải nghiệm (learning experience): thuật ngữ Dewey dùng để chỉ một hoạt động đáp ứng năm tiêu chí: dựa trên hứng thú của trẻ và xuất phát từ hiểu biết và kinh nghiệm trẻ đã có; hỗ trợ sự phát triển của trẻ; giúp trẻ phát triển những kĩ năng mới; bổ sung vào vốn hiểu biết về thế giới của trẻ; trang bị cho trẻ khả năng sống trọn vẹn hơn.
Giáo dục sai lầm (mis-educative): thuật ngữ Dewey dùng để chỉ một hoạt động thiếu tính mục đích và tổ chức phù hợp để hỗ trợ quá trình học tập của trẻ.
Sự ổn định của đối tượng/ hay Hằng định đối tượng (object permanence): theo Piaget đây là thời điểm trẻ nhận ra đối tượng vẫn tồn tại ngay cả khi trẻ không nhìn thấy chúng nữa.
Tính mở (open-ended): một hoạt động hay một câu hỏi không có sản phẩm hoặc câu trả lời xác định.
Tiền thao tác (preoperational): giai đoạn phát triển nhận thức thứ hai theo Piaget, kéo dài từ khoảng tháng thứ 18 đến 6 tuổi, trong thời kì đó trẻ học thông qua tri giác và trải nghiệm.
Giáo dục tiến bộ (progressive education): Một phong trào hướng tới hình thức giáo dục dân chủ và lấy trẻ làm trung tâm, tránh lối hướng dẫn phân cấp và mô phạm, khởi đầu từ cuối thế kỉ 19.
Tính phản xạ (reflexive): Không có tư duy.
Bắc giàn (Scaffolding): Thuật ngữ Vygotsky dùng để chỉ sự trợ giúp của bạn đồng lứa hoặc người lớn, giúp trẻ học một kĩ năng hoặc phát triển kiến thức mà trẻ không tự mình làm được.
Cảm giác vận động (sensorimotor): Giai đoạn phát triển nhận thức đầu tiên theo Piaget, kéo dài từ khi mới sinh đến tháng thứ 18, trong đó sự phát triển tư duy của trẻ phần lớn chịu ảnh hưởng từ những gì trẻ tiếp nhận qua các giác quan và những gì mà trẻ học được qua những hoạt động phản xạ.
Lo âu phân tách (separation anxiety): Phản ứng của trẻ đối với sự đau khổ khi phải tách khỏi cha mẹ hoặc người chăm sóc.
Vùng phát triển gần nhất (zone of proximal development – ZPD): Thuật ngữ Vygotsky dùng để chỉ khoảng cách giữa nhiệm vụ khó nhất mà trẻ có thể thực hiện một mình và nhiệm vụ khó nhất mà trẻ có thể làm với sự trợ giúp; vùng phát triển trẻ chưa tự mình vươn tới được mà phải nhờ sự trợ giúp từ người khác.