Quy luật cuộc đời - Chỉ có trong đời những thứ mình muốn có
“Sự đời không như mình tưởng”.
Chúng ta có những lúc thất vọng đối với những sự việc xảy đến trong cuộc đời. Tuy nhiên, chính là do ta nghĩ “cuộc đời chẳng bao giờ được như mong muốn” nên mới dẫn đến kết quả đó. Nếu ta cứ một mực suy nghĩ cuộc đời sao mà luôn trục trặc thì chắc chắn cuộc đời sẽ trục trặc đúng như ý nghĩ của ta.
Cuộc đời của một người được tạo ra bởi chính những suy nghĩ của người đó. Nhiều người thành công trên đường đời đều có chung quan điểm này. Tôi cũng vậy. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi mang trong lòng một niềm tin mãnh liệt rằng: “Điều gì mà mình không muốn thì chắc chắn nó sẽ không đến với mình”. Tức là chỉ có những thứ mình muốn mới hiện hữu trong cuộc đời. Còn mình đã không muốn thì ngay cả những thứ tưởng như chắc chắn nằm trong tầm tay cũng sẽ vuột đi mất.
Nói cách khác, tâm nguyện của ta như thế nào thì cuộc đời ta trong thực tế sẽ là như vậy. Vì thế, nếu chúng ta định làm điều gì thì trước hết phải xác định mình mong muốn “việc đó sẽ như thế này hoặc như thế kia” trước đã.
Khao khát “muốn như vậy” là rất quan trọng.
Tôi cảm nhận được điều này từ hơn 40 năm trước, khi lần đầu tiên tôi đến dự buổi diễn thuyết của ông Matsushita Konosuke1. Ông Matsushita thời đó chưa được “thần thánh hoá” như những năm sau này. Và ngày đó tôi cũng chỉ là giám đốc một công ty mới thành lập, không tên tuổi.
1 Matsushita Konosuke (1894-1989): Nhà phát minh đồng thời là người sáng lập hãng Panasonic Nhật Bản (ND).
Trong buổi thuyết trình đó, ông Matsushita đề cập đến phương pháp kinh doanh nổi tiếng theo hình thức xây đập. Những dòng sông không có đập thường gây ra lũ lụt vào mùa mưa và khô cạn vào mùa khô. Vì vậy cần phải xây đập trữ nước để điều hòa lưu lượng, không quá phụ thuộc vào khí hậu. Trong kinh doanh cũng vậy. Lúc đang ăn nên làm ra thì đã phải tích lũy, chuẩn bị sẵn, dự phòng khi thất bát. Bài thuyết trình của ông xoay quanh phương thức kinh doanh có dự phòng như vậy.
Cả mấy trăm con người, giám đốc các công ty vừa và nhỏ trong hội trường, xôn xao trước những điều ông Matsushita nói.
“Nói thế mà cũng nói được. Nếu dư dả thì đã chẳng phải bàn. Vì không dư dả nên mới phải lo lắng chạy vạy. Điều mà chúng tôi muốn nghe là làm cách nào để xây được con đập như ông nói. Còn con đập quan trọng ra sao thì ai chẳng biết”. Ngồi ở hàng ghế sau cùng, tôi chứng kiến tất cả. Mọi người trong hội trường trao đổi râm ran.
Sau khi kết thúc thời gian thuyết trình, vào phần hỏi đáp giữa diễn giả và người nghe, một người đứng bật dậy, bức xúc: “Thật là lý tưởng nếu xây được con đập như ông trình bày. Nhưng trên thực tế thì không thể. Tôi và mọi người tụ họp ở đây cứ ngỡ được nghe ông chỉ bảo cho cách xây đập chứ không phải đến nghe những điều dông dài”.
Trước bức xúc của người nghe, ông Matsushita im lặng hồi lâu, vẻ mặt hiền hòa, nụ cười kiên nhẫn. Rồi bất chợt ông cất lời khiến mọi người chưng hửng, bật cười: “Chính tôi cũng không biết cách làm sao để xây được con đập. Nhưng không xây thì không ổn”.
Tất cả đều thất vọng trước câu giải đáp của ông - mà thật ra không thể coi đó là câu trả lời.
Tôi thì khác, không cười, cũng không thất vọng. Ngược lại, cảm thấy như có một luồng điện chạy dọc cơ thể, tôi ngây người ra, mặt tái đi. Bởi vì đối với tôi, câu chuyện ông Matsushita đã gợi ra một chân lý cực kỳ quan trọng.
Không ngừng suy nghĩ, ngay cả trong giấc ngủ
“Không nghĩ không được”. Lời nói buột miệng của ông Matsushita đã đề cập đến tầm quan trọng của việc “phải suy nghĩ trước đã”. Phương pháp xây đập thì mỗi người mỗi cách, không phải là thứ dạy sao là làm y chang như vậy.
Trước hết là phải có ý muốn xây con đập đó. Ý muốn sẽ khởi đầu tất cả. Tôi chắc rằng điều ông Matsushita muốn nói là như vậy.
Nghĩa là, nếu chúng ta không muốn làm thì không thấy cách làm và thành công cũng không đến. Vì thế, điều quan trọng là phải có khát vọng mãnh liệt và suy nghĩ nghiêm túc. Trên cơ sở đó, ý muốn trở thành khởi điểm và sau đó sẽ hình thành cách làm. Cuộc đời của bất kỳ người nào cũng sẽ hiện hữu như những gì người đó đã khao khát và hình dung. Ý muốn giống như hạt giống là nhân tố đầu tiên và quan trọng nhất để hiện thực nảy mầm, bén rễ, thành cây, ra hoa, kết quả trong mảnh vườn cuộc đời.
Tôi cảm nhận được chân lý này - chân lý sẽ xuyên suốt cuộc đời của chúng ta dẫu lúc tỏ lúc mờ - từ lời nói buột miệng sau tiếng thở dài của ông Matsushita khi ấy. Ngoài ra, tôi còn học hỏi và lĩnh hội nó sâu sắc từ cuộc sống thực tế sau này.
Tuy nhiên, để biến khát vọng thành hiện thực thì suy nghĩ ở mức bình thường là không đủ. Suy nghĩ phải thấu đáo, phải liên tục, không ngừng nghỉ cả ngày lẫn đêm, khi thức cũng như khi ngủ chứ không nửa vời theo kiểu “làm được thì tốt”. Toàn bộ cơ thể từ đỉnh đầu đến gót chân đều tràn ngập suy nghĩ. Nếu đứt chân đứt tay thì “suy nghĩ chảy ra chứ không phải máu chảy ra”. Tập trung suy nghĩ, mãnh liệt suy nghĩ. Đó là nguồn động lực sáng tạo của con người.
Tại sao cùng có khả năng như nhau và mức độ nỗ lực ngang nhau nhưng người thì thành công, người thì thất bại? Người ta thường đổ lỗi cho vận số, cho may rủi.
Nhưng thực ra đó là do sự khác nhau về sức mạnh, tầm cao, độ sâu và độ cháy bỏng của khát vọng mỗi người.
Đọc đến đây, có lẽ một số độc giả sẽ lắc đầu không đồng tình vì cho rằng tôi thuộc loại “lạc quan chủ nghĩa”. Nhưng, việc suy nghĩ, suy nghĩ đến quên ăn quên ngủ, suy nghĩ đến cùng kỳ lý là hành vi hoàn toàn không dễ dàng, không phải người nào cũng có thể làm được.
Lúc nào cũng phải nung nấu suy nghĩ mãnh liệt, khát vọng cháy bỏng và những điều đó phải ăn sâu vào tâm thức.
Ngay cả trong lĩnh vực kinh doanh, để triển khai những kế hoạch mới, để tạo ra một sản phẩm mới nếu chỉ suy nghĩ trong đầu không thôi thì phần lớn chúng ta chỉ nghĩ tới khó khăn và những cản trở.
Nếu cứ theo cung cách thông thường đó thì sự việc không trục trặc cũng phải trục trặc. Còn nếu thực sự có ý định làm gì thì điều không thể thiếu là phải có tư duy mãnh liệt, khát vọng mãnh liệt.
Để biến điều “không thể” thành “có thể” thì trước hết phải suy nghĩ mãnh liệt tới mức “điên khùng”. Tiếp đến là phải có niềm tin rằng sẽ làm được. Và cuối cùng quá trình lao động nỗ lực hướng về phía trước.
Đó là phương thức duy nhất để chúng ta đạt tới mục tiêu trong cả hoạt động kinh doanh lẫn trong cuộc đời.
Có thể thấy sản phẩm hiện ra trước mắt với đủ màu sắc không?
Khát vọng mãnh liệt là động lực để quá trình lao động hoàn tất sự vật. Cũng có người tránh không muốn đề cập tới cụm từ này vì cho rằng nó là biện pháp thuần tinh thần chứ không mang tính biện chứng khoa học.
Tuy nhiên, với một sự vật, nếu chúng ta luôn suy nghĩ về nó, suy nghĩ một cách triệt để, một cách thấu đáo thì sẽ phát sinh hiện tượng: Như thể chúng ta nhìn thấy được kết quả cuối cùng.
Nghĩa là chúng ta sẽ có thể nhìn thấy trước kết quả nếu suy đi tính lại “làm thế này thì… làm cách kia thì…” một cách nghiêm túc về quy trình, về các bước thực hiện, lặp đi lặp lại các thử nghiệm mô phỏng chứ không đơn thuần chỉ là muốn “được thế thì tốt quá” hoặc “muốn làm như thế” và chỉ muốn không thôi.
Chúng ta dùng phương pháp giả định thực nghiệm nhiều lần quá trình dẫn đến kết quả, như thể tính hàng vạn nước cờ, rồi chỉnh sửa kế hoạch mỗi lần gặp trục trặc như thể xoá đi những nước cờ không ổn.
Khi đã kiên trì theo đuổi một cách nhất quán quá trình tư duy như vậy thì thế nào cũng “thấy” con đường dẫn đến thành công giống như nhìn lại con đường đã từng đi qua.
Khi đó, chúng ta có thể vẽ ra một cách tỉ mỉ, chi tiết trong đầu toàn bộ trạng thái sự vật đã được hình thành và hoàn tất, chẳng khác nào từ trong giấc mơ, sự vật dần dần hiện ra trong thực tế và ranh giới giữa giấc mơ và hiện thực sẽ không còn nữa.
Hơn nữa, nếu sự vật mà chúng ta thấy vẫn ở hai màu đen trắng thì có nghĩa là nó vẫn còn chưa hoàn tất. Chỉ khi nào thấy sự vật với đầy đủ màu sắc chứng tỏ nó đã sát với thực tế hơn. Hiện tượng như tôi vừa kể thực sự xảy ra. Giống như phương pháp giả định trong thi đấu thể thao. Tình huống luyện tập càng tỉ mỉ, càng sát với thực tế, càng cô đọng thì người luyện tập sẽ càng thấy “hiện thực kết tủa”.
Tương tự, sẽ không có tính sáng tạo trong công việc và sẽ không thành công trong cuộc đời nếu chúng ta không tư duy trước một cách mạnh mẽ, suy nghĩ một cách sâu sắc và không nghiêm túc bắt tay vào nghiên cứu sự vật cho đến khi có thể nhìn thấy rõ mồn một hình thù của nó khi hoàn tất.
Chẳng hạn, để thiết kế một sản phẩm mới nếu chỉ tính toán việc đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết như tính năng, tác dụng thì vẫn chưa đủ.
Một thiết kế sẽ không đạt tiêu chuẩn lý tưởng - “thấy” rõ nó trên cơ sở suy nghĩ thấu đáo trước khi bắt tay vào thực hiện - thì cũng không được coi là thiết kế tốt mặc dù nó đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định. Các sản phẩm được thiết kế với tiêu chuẩn thông thường như thế chắc chắn sẽ không được tiếp nhận rộng rãi trên thị trường.
Trước đây, có một nhà nghiên cứu trạc tuổi tôi vốn tốt nghiệp một trường đại học nổi tiếng, cùng với các nhân viên của mình, anh ta đã hoàn thành một mẫu sản phẩm sau suốt mấy tháng mầy mò, vất vả nghiên cứu, thiết kế. Anh ta đưa sản phẩm cho tôi xem. Vừa nhìn thấy nó, tôi đã khẳng định: “Không được”. Anh ta tỏ vẻ khó chịu ra mặt.
- Sản phẩm làm đúng theo yêu cầu của khách hàng, vậy mà ông lại bảo là chưa được. Tại sao vậy?
- Thứ mà tôi kỳ vọng là một sản phẩm cao cấp hơn nhiều chứ không chỉ như thế này. Anh nhìn lại xem, màu sắc vừa thô vừa xỉn.
- Ông cũng là nhà kỹ thuật sao lại đưa ra đánh giá dựa trên cảm nhận về vẻ ngoài của nó? Đây là sản phẩm công nghiệp chứ không phải đồ mỹ nghệ nên không thể đánh giá một cách cảm tính.
- Cứ cho là tôi nói theo cảm tính nhưng thứ mà tôi hình dung trong đầu không phải là một đồ gốm với màu sắc tệ như thế này. Lý do là vậy.
Tôi yêu cầu anh ta làm lại. Bao nhiêu công sức của anh ta từ trước tới giờ đổ xuống sông xuống biển. Khỏi phải nói anh ta tức giận như thế nào. Nhưng công việc là công việc. Cái thứ mà anh ta làm ra khác hẳn sản phẩm mà tôi hình dung - ngay cả hình thức bên ngoài.
Thế rồi sau biết bao lần làm đi làm lại, cuối cùng nhóm thiết kế đã thành công với mẫu sản phẩm đạt đến mức độ lý tưởng.
Khi đó, tôi nói với họ: “Chúng ta phải làm ra những sản phẩm sắc sảo đến mức… sờ vào là đứt tay”. Nghĩa là sản phẩm phải hoàn hảo gần như tuyệt đối. Đó là điều tôi muốn nói.
“Sờ vào là đứt tay”, đây là câu nói cửa miệng của cha mẹ tôi mà tôi nghe được từ thủa nhỏ. Khi một sản phẩm hoàn hảo đến mức lý tưởng hiện rõ trước mắt khiến chúng ta vừa ngạc nhiên vừa khao khát đến mức chỉ muốn sờ vào nó nhưng lại do dự không dám chạm tay. Cha mẹ tôi diễn đạt điều đó bằng câu “sờ vào là đứt tay”.
Câu nói ấy cũng bật ra từ miệng tôi.
Phải không tiếc công sức, nỗ lực cho đến khi hoàn thành sản phẩm mà mình tự tin rằng “có một không hai”. Đây là điều vô cùng quan trọng và cũng là nghĩa vụ tinh thần của bất kỳ người nào định nhắm tới đỉnh cao chót vót của hành trình sáng tạo.
Sẽ thực hiện được nếu hình dung ra mọi chi tiết của công việc
Đương nhiên, điều này không chỉ giới hạn trong công việc. Ngay cả khi định thực hiện một nỗ lực nào đó trong cuộc đời thì chúng ta cũng phải nhắm tới mục tiêu “hoàn hảo đến độ lý tưởng”. “Suy nghĩ thấu đáo cho tới khi thấy sự vật hiện ra trước mắt” - tức là phải duy trì niềm khát vọng mãnh liệt trong suốt quá trình thực hiện.
Phải đặt ra những chuẩn mực cao hơn mức thông thường. Bắt tay và tập trung cao độ vào công việc cho tới khi ranh giới giữa ý tưởng và hiện thực bị xóa nhòa.
Làm được như vậy thì mới có thể có kết quả mãn nguyện.
Ngoài ra, còn một điều thú vị nữa. Việc nhìn thấy trước, thấy một cách thực sự, chắc chắn sẽ cho ra kết quả cuối cùng là một sản phẩm hoàn hảo “sờ vào là đứt tay”. Ngược lại, nếu không “thấy” trước như vậy thì sản phẩm ra đời cũng không thể hoàn hảo.
Sự thật này là điều tôi từng trải nghiệm trong rất nhiều hoàn cảnh. Khi Công ty DDI (hiện nay là KDDI) bước chân vào lĩnh vực điện thoại di động, tôi đã tuyên bố: “Từ nay sẽ là thời đại của điện thoại di động”, mọi người đều lắc đầu tỏ ý không đồng tình. Họ cho rằng đó là điều không tưởng.
Cho dù tôi luôn khẳng định, thời đại truyền thông bằng điện thoại di động, vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu và với bất kỳ ai, sẽ không còn xa nữa, thời đại mà từ trẻ em cho tới người già, tất cả đều có điện thoại di động đang tới, tôi cũng chỉ nhận được những cái cười khẩy của mọi thành viên trong ban lãnh đạo công ty.
Riêng bản thân tôi thì đã “thấy” nó.
Điện thoại di động - sản phẩm ẩn chứa những tính năng vô hạn - sẽ được phổ cập ra sao? Tốc độ phổ cập như thế nào? Giá bán bao nhiêu? Kích cỡ sản phẩm như thế nào? Lưu hành ra sao trên thị trường? Tất cả những điều ấy tôi đã “thấy” trước.
Bằng cách nào điều đó có thể xảy ra? Thông qua việc Kyocera đang sản xuất các linh kiện bán dẫn, tôi có đủ tri thức và kinh nghiệm về tốc độ cách tân kỹ thuật các linh kiện này, về kích cỡ và giá thành của chúng. Dựa trên các yếu tố tương tự, tôi suy luận, tính toán khá sát với thực tế về phạm vi thị trường của sản phẩm mới - điện thoại di động.
Không những thế, tôi còn có thể đưa ra cả biểu giá: Giá thuê bao như thế nào? Cước cơ bản hàng tháng ra sao? Tiền cước phụ trội là bao nhiêu? Và dự đoán được cả quy trình định giá cước trong tương lai nữa.
Một thành viên ban lãnh đạo công ty đã ghi lại những điều tôi dự đoán vào sổ tay. Đến lúc thời đại điện thoại di động bắt đầu thì thành viên đó nhớ ra và lật sổ tìm những gì đã ghi chép. Xem xong, anh ta thốt lên: “Trời ơi! Làm sao mà những điều ông nói khi xưa lại giống hệt thực tế bây giờ thế này?”
Tất cả giá sản phẩm và các dịch vụ liên quan được hình thành trên cơ sở tính toán quan hệ cung cầu trên thị trường, khả năng thu hồi vốn đầu tư… đều trải qua quá trình tính toán chi ly, phức tạp.
Tôi đã hình dung một cách tường tận các biểu giá ngay từ lúc bắt tay nghiên cứu sản phẩm điện thoại di động khiến người nhân viên đó sửng sốt: “Ông cứ như thánh sống, có thể biết trước được mọi việc ấy”. Điều anh ta ngạc nhiên chính là việc tôi “nhìn thấy”. Một khi bạn đã hình dung một cách chi tiết, “thấy” tường tận tới mọi ngóc ngách của sự vật thì chắc chắn sản phẩm sẽ thành công.
Nói cách khác, bạn sẽ làm được thứ mà bạn “thấy”, và ngược lại, nếu đã không thấy thì không làm được.
Theo lẽ đó, khi chúng ta đã “ước muốn làm điều gì” thì phải luôn suy nghĩ đến điều đó, suy nghĩ sâu xa, suy nghĩ không ngừng nghỉ, với khát vọng mãnh liệt, và phải đạt tới khả năng “thấy” nó hiện ra trước mắt, như thể bạn đã hình dung được sự thành công.
Bản thân “ước muốn” đã là bằng chứng cho việc bạn đang âm thầm chuẩn bị nỗ lực để biến ước muốn đó thành hiện thực.
Người không có năng lực, thiếu tố chất thành công thì ít khi nghĩ: “Mình muốn làm được việc đó”. Còn người nào có thể vẽ ra trong đầu một cách tỉ mỉ hình thù của sự vật thì sẽ có xác suất thành công vô cùng lớn.
Khi nhắm mắt lại, ta vẫn thấy rõ mồn một hình thù sự vật lúc hoàn tất thì cũng có nghĩa là ta đủ khả năng biến sự vật thành hiện thực.
Không thể thành công nếu không lập kế hoạch chi tiết và chuẩn bị chu đáo
Khi bắt tay vào làm một việc mà từ trước tới nay chưa có tiền lệ, chưa từng có ai làm, bạn sẽ không thể tránh khỏi những lời dị nghị, dèm pha hay phản đối của những người xung quanh.
Mặc dù vậy, nếu trong tâm, bạn vẫn giữ vững niềm tin “sẽ làm được” và đã hình dung được các bước thực hiện thì cần mạnh dạn phát triển ý tưởng thành phương án tổng thể.
Nếu nhìn nhận một cách lạc quan, một ý tưởng có tiềm năng có thể tự phát triển trên đôi cánh tư duy. Đồng thời, bạn phải tập trung quanh mình một đội ngũ nhân viên tích cực, năng động - những người ủng hộ một cách tích cực tính táo bạo của ý tưởng.
Trước đây, mỗi khi nghĩ ra ý tưởng mới, tôi thường tập trung đội ngũ nghiên cứu trong công ty lại và nói với họ: “Các bạn thấy thế nào? Ý kiến của các bạn về ý tưởng mới này ra sao?”. Trong những buổi như vậy, đội ngũ nghiên cúu giỏi trong công ty - những người đã tốt nghiệp các trường đại học nổi tiếng - thường phản ứng khá lạnh nhạt trước đề xuất của tôi. Họ phân tích khá tỉ mỉ và phản bác, nào là ý tưởng xa rời thực tế, thiếu tính khả thi…
Các ý kiến phản biện của họ ở một khía cạnh nào đó cũng có lý và sắc sảo. Nhưng nếu phân tích chỉ để phê phán bác bỏ thì chẳng khác nào dội gáo nước lạnh vào mọi ý tưởng mới dù tốt đến mấy. Mà đã vậy thì những gì lẽ ra làm được sẽ không bao giờ làm nổi.
Những buổi phân tích phản biện một cách tiêu cực cứ lặp đi lặp lại suốt. Cuối cùng, tôi quyết định đổi mới nhân sự các buổi thảo luận. Cụ thể là khi bắt tay vào công việc mới và khó, tôi chỉ tập trung các nhân viên không hẳn là thông minh và sắc sảo nhưng cởi mở và có thể xem xét một cách vô tư đề xuất của tôi: “Ý tưởng được đấy ạ. Cho chúng tôi làm thử.” Thà tập trung đội ngũ nhân viên bình thường còn hơn là đội ngũ giỏi giang, sắc bén nhưng chỉ biết vận dụng sự giỏi giang, sắc bén để ẩn trú trong an toàn, tránh né cái mới.
Đọc đến đây có lẽ bạn đọc cho rằng tôi là người độc đoán nhưng theo kinh nghiệm của tôi thì ở giai đoạn lập phương án tổng thể, chúng ta cần những người dám nghĩ, dám làm.
Tuy nhiên, khi chuyển sang giai đoạn lập phương án chi tiết thì phải thay đổi suy nghĩ. Tức là phải hơi ngả theo khuynh hướng bi quan, tiêu cực - lập phương án một cách thận trọng, chặt chẽ, tỉ mỉ và phải tính hết được những rủi ro có thể xảy ra.
Lạc quan, mạnh dạn chỉ có hiệu quả trong giai đoạn lập phương án tổng thể, phát triển ý tưởng.
Nhưng đến giai đoạn thực hiện kế hoạch thì lại phải trở về khuynh hướng lạc quan, mạnh dạn hành động, không do dự chần chừ.
Nói tóm lại: Phải lạc quan, mạnh dạn ở giai đoạn phát triển ý tưởng, lập phương án tổng thể. Thận trọng, chu đáo khi lập phương án chi tiết. Mạnh dạn, lạc quan khi bước vào giai đoạn thực hiện. Như vậy bạn có thể hoàn tất công việc, biến giấc mơ thành hiện thực.
Về vấn đề này, xin bạn đọc tham khảo câu chuyện của nhà thám hiểm Nhật Bản nổi tiếng Oba Mitsuro. Ông là người đầu tiên trên thế giới thực hiện thành công chuyến thám hiểm một mình từ Bắc cực đến Nam cực.
Ông đến thăm tôi để cảm ơn Kyocera đã cung cấp thiết bị cần thiết cho chuyến đi.
Gặp ông, tôi đã hết lời ca ngợi lòng quả cảm, không quản hiểm nguy để thực hiện thành công chuyến thám hiểm. Ông tỏ ra lúng túng trước lời khen ngợi của tôi. Ông đã phủ nhận khi tôi vừa dứt lời:
“Không. Tôi không dũng cảm như ông tưởng tượng đâu. Ngược lại là đằng khác. Suốt cuộc thám hiểm, tôi lo sợ đủ mọi thứ. Tính tôi vốn nhút nhát. Vì thế tôi rất cẩn thận, chuẩn bị chu đáo và lường trước mọi tình huống xấu có thể xảy ra. Nguyên nhân dẫn đến chuyến thám hiểm thành công chỉ là như vậy. Đối với các nhà thám hiểm, nếu chỉ có lòng quả cảm không thôi thì dễ liều mạng lắm.”
Nghe xong, tôi vô cùng khâm phục những người đã hoàn tất một sứ mạng khó khăn nào đó. Họ thật phi thường bởi họ nắm vững một thứ mà người ta vẫn gọi là chân lý đời sống.
Lòng quả cảm được kết tinh từ đức tính lo xa, thận trọng và tỉ mỉ, chứ không phải là chuyện “hữu dũng vô mưu”.
Có lẽ là điều ông Oba muốn nói là như vậy.
Ngã bệnh - Học được nguyên tắc lớn của đời sống tinh thần
Từ đầu đến giờ tôi đề cập đến các nguyên tắc lớn để con người tồn tại. Đó là tâm thức ra sao thì cuộc đời như vậy và cuộc đời chúng ta có thể thay đổi.
Thật ra, đời tôi là một chuỗi thất bại và nản chí. Biết bao lần tôi gặp chuyện chẳng lành, cho nên tôi thực sự thấm thía, thấu hiểu các nguyên tắc đó.
Nếu nói về thời tuổi trẻ của tôi thì tất cả những điều tôi mong ước thực hiện đều bị trục trặc. Tôi chưa từng đạt được mong ước dù chỉ một lần.
Vì sao cuộc đời mình lại trục trặc suốt, số mệnh mình lại đen đủi đến thế? Tôi từng tự hỏi và nghĩ mình bị Trời Phật xa lánh, vì thế nỗi bất mãn ngày một tăng. Đã không ít lần tôi thấy thù ghét xã hội.
Trong suốt quãng đời đầy thất bại, bế tắc đó, dần dần tôi ngộ ra rằng: Tất cả mọi sự đều từ tâm mà ra.
Thời đó, bệnh lao vẫn là căn bệnh nan y, vô phương cứu chữa. Hơn nữa, gia tộc tôi bị coi là có “phả hệ bệnh lao”, hai ông chú và một bà thím của tôi chết do lao phổi.
“Mình đang ho ra máu, chắc cũng sắp đi”. Tuổi còn trẻ nhưng tôi đã lâm vào tình thế tuyệt vọng. Những cơn sốt âm ỉ khiến tâm trạng tôi luôn bị dày vò trong vô vọng và ngày ngày chỉ nằm bẹp trên giường bệnh.
Khi đó một bà hàng xóm, có lẽ thấy tội nghiệp cho tôi đã đưa tôi mượn cuốn sách Chân tướng cuộc đời của nhà hoạt động tôn giáo Taniguchi Masaharu - người sáng lập giáo phái “Ngôi nhà trường sinh” và khuyên tôi đọc.
Cuốn sách quá khó đối với một đứa trẻ vừa học hết cấp 1 và mới thi trượt cấp 2, nhưng tôi đã đọc ngấu nghiến với hy vọng vào một phép mầu nào đó trong cuốn sách.
Khi đọc đến đoạn: “Có một cục nam châm luôn hút các hoạn nạn trong tâm chúng ta. Chúng ta ngã bệnh là do tâm chúng ta yếu đuối dẫn đến bệnh tật”, tôi dán mắt vào trang sách. Ông Taniguchi đã dùng từ “tình trạng tâm thức” để chỉ ra rằng mọi sự vật ta gặp trong cuộc đời đều do tâm thức lôi kéo đến. Bệnh tật cũng không phải là ngoại lệ. Ông thuyết giảng rằng: Trên thực tế, tất cả đều do tình trạng tâm thức tạo ra.
“Bệnh do tâm mà ra” có thể là cách nói hơi quá một chút nhưng bản thân tôi lúc đó thật sự thấm thía điều này.
Bởi mỗi lần đi qua căn phòng chú tôi bị lao nằm tĩnh dưỡng - dù căn phòng cách xa nơi tôi ở - tôi đều bịt mũi và chạy thật nhanh vì sợ bị lây nhiễm. Trong khi bố tôi ngày ngày đến để chăm sóc chú tôi, anh trai tôi cũng thản nhiên nói với tôi: “Không dễ dàng bị lây nhiễm thế đâu.” Trong gia đình chỉ có mình tôi là cố tình né tránh và sợ hãi căn bệnh của người thân thuộc.
Đúng là “ghét của nào trời trao của ấy”, trong khi cả bố lẫn anh trai tôi không ai bị sao cả, thì tôi bị lây nhiễm. “Hoá ra là vậy”, tôi nghĩ thầm.
Chính cái tâm thức yếu hèn, cố “tránh xa người bệnh, tránh xa người bệnh”, của tôi đã thu hút bệnh tật đến. Khi chúng ta sợ hãi thì điều sợ hãi sẽ xảy ra. Tôi thấm thía sâu sắc: Tâm tiêu cực thì sẽ gọi hiện thực tiêu cực đến.
“Tâm thế nào hiện thực thế ấy”, khi đã thấu hiểu câu nói của ông Taniguchi, tôi tỉnh ngộ và từ đó tôi tự thề rằng phải luôn nghĩ điều thiện, điều tốt lành trong mọi hoàn cảnh. Biết là thế nhưng không phải dễ dàng thay đổi tâm thức ngay được và cuộc đời tôi tiếp tục khúc khuỷu, gian truân.
Nhận ra chân lý: Tâm thức quyết định vận mệnh
Thật may, tôi khỏi bệnh và có thể đi học bình thường trở lại. Nhưng cuộc đời của tôi sau đó vẫn không tránh khỏi thất bại và trục trặc. Thi đại học thì trượt nguyện vọng thứ nhất, phải vào học đại học cộng đồng ở địa phương cho dù thành tích học tập của tôi không đến nỗi nào. Tình hình kinh tế Nhật Bản lúc đó trở nên ảm đạm do những đơn hàng “nhu cầu đặc biệt” của cuộc chiến tranh Triều Tiên đã lắng xuống. Tôi thi tuyển vào công ty nào là trượt công ty ấy. Thời đó, các cuộc thi tuyển nhân viên dành cho sinh viên nông thôn tốt nghiệp các trường đại học địa phương mới thành lập cũng rất ít. Tôi cảm thấy căm ghét xã hội bất công và cả nỗi bất hạnh của mình.
Cùng là con người tại sao số phận tôi lại đen đủi đến thế. Giả sử có mua vé số thì người xếp hàng đằng trước và đằng sau tôi sẽ trúng còn tôi thì trượt là cái chắc.
Tôi học karatedo, công lực cũng khá nên đã từng bén mảng đến văn phòng của một tổ chức xã hội đen đặt ở một khu sầm uất với quyết tâm trở thành một yakuza.
May thay, nhờ sự giúp đỡ của một thầy giáo dạy đại học, tôi đã được nhận vào làm việc ở Công ty Kyoto chuyên sản xuất sứ cách điện. Công ty trong tình trạng sắp phá sản, lương thì chậm, nội bộ gia đình chủ công ty thì mâu thuẫn.
Vất vả mãi mới được đi làm, mà nơi làm việc lại trong tình trạng như thế. Tôi và mấy đồng nghiệp vào công ty cùng lúc với tôi gặp nhau là than vãn và bàn chuyện bỏ công ty. Sau một thời gian, họ tìm được việc làm ở công ty khác, một người rồi hai người bỏ, cuối cùng còn trơ lại mình tôi.
Quả thật, chỉ đến khi bị dồn vào đường cùng thì con người mới trở nên mạnh mẽ hơn. Có kêu ca hoàn cảnh đến đâu đi nữa cũng không giải quyết được gì. Tôi thay đổi thái độ 180o, tập trung vào công việc. Tôi đem cả nồi niêu xoong chảo vào phòng nghiên cứu để có thể làm việc cả ngày lẫn đêm.
Thế rồi, kết quả nghiên cứu bắt đầu khả quan, phản ánh sự thay đổi trong tâm thức tôi. Cấp trên khen ngợi khi các kết quả nhìn thấy rõ ràng. Tôi ngày càng đam mê nghiên cứu. Một vòng tuần hoàn thuận sinh ra, kết quả nghiên cứu ngày càng tốt hơn.
Cuối cùng bằng phương pháp của riêng mình, tôi là người đầu tiên tại Nhật Bản đã thành công trong việc tìm ra và tổng hợp được vật liệu fine ceramic dùng để sản xuất các ống chân không trong tivi đang phổ cập rộng rãi thời đó.
Nhờ vậy, đánh giá của mọi người xung quanh đối với tôi ngày càng cao. Tôi cảm thấy thích thú công việc đến mức quên hẳn cả đồng lương vẫn tiếp tục bị trả chậm. Tôi cảm thấy mình sống có ý nghĩa.
Những kỹ năng được tích lũy và kết quả công việc khi đó trở thành nền tảng để tôi lập ra Công ty Kyocera sau này.
Giây phút thay đổi tâm thức đã trở thành bước ngoặt trong cuộc đời tôi và từ đó, tôi đoạn tuyệt với vòng tuần hoàn nghịch, thay vào đó là vòng tuần hoàn thuận theo hướng tích cực.
Từ kinh nghiệm này, tôi xác định rằng cuộc đời mình tốt hay xấu đều do ý chí của chính mình tạo ra, hoàn toàn không phải là con người buộc phải đi theo con đường số mệnh đã định sẵn.
Nói cách khác, tất cả những gì xảy ra đối với mình là do tâm mình tạo ra. Nhận thức cơ bản này xuyên suốt cuộc đời tôi. Tôi có được nó sau khi trải qua cả một chặng đường gập ghềnh khúc khuỷu. Và giờ đây nó nằm sâu trong lòng tôi.
Với những người đã sống cuộc đời ba chìm bảy nổi, số mệnh của họ do chính tay họ tạo ra, thì núi cao, vực sâu, hạnh phúc, bất hạnh…, tất cả đều do tâm họ mang lại.
Rải những hạt giống “sự kiện” trong đời ta, không ai khác, đó chính là ta.
Quả thật là mỗi người chúng ta đều có một số mệnh nhưng số mệnh đó không phải được định sẵn, con người không thể chống lại được, mà số mệnh có thể thay đổi theo tâm thức. Đúng vậy, chỉ có một thứ duy nhất có thể làm thay đổi được số mệnh đó là tâm ta. Cuộc đời chúng ta do chính chúng ta tạo ra.
“Cách suy nghĩ” chính là chất liệu màu sắc vẽ lên tấm vải cuộc đời mỗi người. Vì thế, có thể nói màu sắc cuộc đời bạn thay đổi tùy theo tâm của bạn.
Không bỏ cuộc, làm đến cùng sẽ thành công
Người có thể hoàn tất công việc là người hoàn toàn tự tin vào khả năng của mình. Khả năng là “năng lực thể hiện trong tương lai”. Cứ ngồi một chỗ mà suy luận “làm được hay không” với năng lực hiện có thì hết cả đời cũng chẳng làm được việc gì ra hồn.
Tin vào khả năng của mình, tự đặt ra cho mình những rào cản cao hơn năng lực hiện có, toàn tâm toàn ý để đạt được mục tiêu đã đặt ra. Luôn đốt cháy, không được để tắt ngọn lửa tư duy. Những điều đó sẽ dẫn đến thành công, hiện thực hóa giấc mơ, đồng thời cũng nâng cao năng lực của chúng ta.
Khi Công ty Kyocera nhận được đơn hàng khổng lồ của IBM sản xuất các linh kiện điện tử, đòi hỏi về quy cách sản phẩm của họ chi li nghiệt ngã đến mức không thể tưởng tượng được. Thời đó, các bản quy cách sản phẩm thường chỉ là một bản vẽ, vậy mà của IBM là cả một quyển sách dày cộp. Việc kiểm định chất lượng sản phẩm cũng hết sức chặt chẽ. Vì thế, chúng tôi làm thử mãi mà vẫn không thành công. Nhiều lần tưởng là đã hoàn thành mẫu sản phẩm theo đúng quy cách thì bị IBM trả lại toàn bộ với con dấu đỏ: “Hàng không đạt chất lượng”.
Kích thước sản phẩm đòi hỏi chính xác cao độ, trong khi chúng tôi không có những thiết bị tinh xảo. Biết bao lần, ý nghĩ “với những gì hiện có thì không thể làm được” chạy ngang qua đầu tôi. Nhưng với Kyocera - một công ty nhỏ bé không tên tuổi thời đó - thì đây là cơ hội quý hơn vàng để nâng cao trình độ công nghệ, để mọi người biết tới tên tuổi của mình.
Tôi la rầy, khích lệ nhân viên không được nản chí, yêu cầu họ phải tập trung toàn tâm toàn ý, bằng mọi cách, có bao nhiêu ý tưởng trong đầu đưa hết ra.
Nhưng công việc hỏng vẫn hoàn hỏng. Thấy một kỹ sư phụ trách công đoạn nung đứng đực mặt trước lò đốt sau khi đã áp dụng đủ mọi cách, tôi nói: “Cậu đã cầu Trời khấn Phật chưa?”. Ý tôi là, nếu đã dốc toàn bộ khả năng mà vẫn không được thì chỉ còn cách chờ mong Trời Phật phù hộ mà thôi. Nhưng liệu nhân viên của tôi đã hết lòng hết sức chưa?
Nhờ những nỗ lực phi thường và không biết mệt mỏi, cuối cùng chúng tôi cũng thành công, tạo ra thứ sản phẩm “sờ vào là đứt tay” - đạt quy chuẩn cao đến không ngờ.
Suốt hơn hai năm, nhà máy hoạt động hết công suất và đã hoàn tất đơn hàng sản phẩm với khối lượng khổng lồ đúng thời hạn.
Khi chuyến xe tải cuối cùng rời khỏi nhà máy, tôi thầm nhủ: “Khả năng của con người thật là vô hạn”.
Tập trung toàn bộ tinh lực, không tiếc công sức, miệt mài nghiên cứu khi đứng trước mục tiêu cao chót vót - thoạt nhìn tưởng như không thể nào thực hiện được sẽ khiến khả năng của chúng ta được nâng cao mà bản thân chúng ta cũng không ngờ. Điều đó đánh thức được sức mạnh to lớn tiềm ẩn trong mỗi con người.
Vì thế, trước những việc tưởng như không thể làm được, thì ta phải tự nhủ: Chẳng qua là bản thân ta ở thời điểm hiện tại chưa làm được nhưng trong tương lai sẽ làm được. Phải tin rằng, vấn đề là do ta chưa biết cách đánh thức năng lực đang ngủ quên đó thôi.
Khi đó, phải nói là chúng tôi đã nhận làm một đơn hàng đòi hỏi trình độ cao hơn hẳn khả năng của mình. Nói là tôi đã nhận bừa cũng được.
Nhưng, cực chẳng đã buộc tôi phải vậy. Tôi thường nhận các đơn đặt hàng khó mà các công ty lớn đã từ chối. Không phải vì chúng tôi đủ sức làm các công việc đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao đến mức các công ty lớn cũng từ chối mà chẳng qua là nếu không nhận làm thì những công ty mới thành lập như chúng tôi sẽ chẳng bao giờ có được công việc. Thực tế lúc đó như vậy.
Nhưng tôi không bao giờ nói: “Chúng tôi không làm được”. Và cũng không nói: “Chúng tôi có thể làm được”. Tôi thường đem hết dũng khí để nói: “Chúng tôi sẽ làm được” và quyết định nhận các công việc khó.
Nhân viên lo ngại, nhưng tôi luôn nghĩ chắc chắn “sẽ làm được”. Tôi đưa ra các ý tưởng bằng cách nào để làm được. Tôi cố gắng thuyết phục mọi người: Nếu chúng ta làm được thì sẽ có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển công ty sau này ra sao. Tôi nỗ lực sao cho mọi người cùng sẵn lòng chấp nhận thử thách với khát vọng cháy bỏng.
Mặc dù có quyết tâm cao đến mấy nhưng khi bắt tay vào thực tế thì chẳng có gì dễ dàng cả. Mỗi khi đứng trước khó khăn, tôi lại khích lệ nhân viên: “Không thể chỉ là ga xép để đoàn tàu đi ngang qua. Chắc chắn chúng ta sẽ là ga chính nếu huy động toàn bộ sức lực và tính kiên trì”.
Quả thật là ở thời điểm đó, nhận một công việc không thể làm nổi mà lại nói là làm được cũng chẳng khác gì nói dối. Nhưng nếu bắt đầu từ chỗ “không thể”, suy nghĩ ngày đêm, làm đủ mọi cách đến mức ông Trời thấy thương chìa tay ra giúp và cuối cùng hoàn thành công việc thì lời nói dối, nhận bừa sẽ cho ra kết quả thực.
Không phải chỉ một lần, tôi đã nhiều lần như vậy: Biến cái không thể thành có thể. Tóm lại, điều tôi muốn nói ở đây là luôn luôn hướng tới tương lai và bằng năng lực trỗi dậy trong tương lai, chúng ta tiến hành mọi việc.
Nếu nỗ lực tiếp nối nỗ lực thì điều bình thường sẽ trở thành phi thường
Ông Murakami Kazuo, giáo sư danh dự của trường đại học Tsukuba, nhà nghiên cứu di truyền học hàng đầu Nhật Bản đã có bài viết về vấn đề được gọi là “Sức mạnh ‘khùng’ trong hoả hoạn”. Vì sao sức mạnh của con người - khi bị dồn vào chân tường có thể phát huy đến cực hạn như vậy - lại ngủ quên trong chúng ta? Đó là vì chức năng của loại gene tạo ra nguồn năng lượng ghê gớm ấy bình thường luôn ở trạng thái OFF (đóng). Nếu ta bật công tắc đưa nó vào trạng thái ON (mở) thì nó có thể tạo ra nguồn năng lượng “khùng” như trong cơn hoả hoạn.
Và ông giải thích rằng: Trạng thái tinh thần tích cực, tâm thức luôn hướng về phía trước - cụ thể là ý tưởng tích cực, tư duy tích cực - có tác dụng to lớn để đưa sức mạnh tiềm ẩn đó vào trạng thái ON (mở).
Sức mạnh của tư duy có thể huy động khả năng to lớn trong con người được giải mã bằng gene di truyền.
Vậy thì khả năng của con người tới đâu, làm được những việc gì? Nếu nhìn từ góc độ gene di truyền thì hầu như những việc được chúng ta hình thành trong đầu như “muốn làm việc này”, “muốn làm việc kia” đều thuộc phạm vi thực hiện được. Điều này có nghĩa là năng lực “đạt được ước muốn” luôn tiềm ẩn trong chúng ta.
Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đặt ra mục tiêu cao và để thực hiện mục tiêu đó thì sự nỗ lực âm thầm từng bước là điều không thể thiếu.
Từ thời Kyocera chỉ là một nhà xưởng nhỏ, số công nhân chưa đầy 100 người, tôi luôn lặp đi lặp lại những lời có vẻ “vĩ cuồng”: “Đến một ngày nào đó, Kyocera của chúng ta nhất định trở thành công ty hàng đầu thế giới”. Điều tôi nói quả là một giấc mơ xa vời vào thời điểm đó, nhưng tôi ôm ấp một khát vọng mãnh liệt trong lòng: “Nhất định sẽ làm được”.
Nhưng dù có ngước mắt lên trời xanh thì đôi chân vẫn đứng trên mặt đất. Giấc mơ, khát vọng có cao đến mấy thì ngày ngày chúng tôi vẫn phải lăn lưng ra làm những công việc nhỏ nhặt nhất, đơn giản nhất.
Để đưa công việc dở dang ngày hôm qua nhích lên dù chỉ một li cũng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, cố gắng cật lực. Chưa kịp giải quyết cả đống việc nằm chình ình trước mắt thì đã hết ngày.
“Ngày nào cũng như ngày nấy, cứ như thế thì biết bao giờ mới trở thành số một thế giới được?”. Trước khoảng cách quá xa giữa giấc mơ và hiện thực, đã biết bao lần tôi rơi vào tình trạng tuyệt vọng.
Nhưng rốt cục cuộc đời chẳng qua chỉ là quá trình “mỗi ngày” được xếp chồng lên nhau và là một chuỗi liên tục “hiện tại”. Việc tích tụ từng giây phút hiện tại sẽ trở thành một ngày. Việc xếp chồng mỗi ngày lên nhau sẽ trở thành một tuần, một tháng, một năm, đến khi nhận ra mình đã đứng trước một ngọn núi cao chót vót tự lúc nào. Và đó là hình ảnh cuộc đời chúng ta.
Dù muốn nhanh, muốn gấp nhưng nếu không sống ngày hôm nay thì ngày mai sẽ chẳng đến. Không có con đường đi nào mà lại có thể chỉ bước một bước đã đi được cả ngàn dặm để tới đích.
Để đi được ngàn dặm cũng phải bắt đầu từ bước chân thứ nhất. Hành trình xa xôi đến mấy cũng phải bắt đầu từng bước mỗi ngày. Kết quả lớn lao chỉ đạt được từ quá trình tích tụ kiên nhẫn.
Nếu sống hết mình, sống cật lực cho ngày hôm nay thì sẽ nhìn thấy ngày mai. Nếu sống hết mình, sống cật lực cho ngày mai sẽ nhìn thấy tương lai xa... Điều này có nghĩa là, chúng ta cần phải dồn sức, sống cho khoảnh khắc hiện tại. Sống cho khoảnh khắc hiện tại thì chẳng mấy chốc chúng ta sẽ nhìn thấy tương lai.
Cuộc đời tôi cũng y hệt những bước chân của loài rùa. Quá trình âm thầm tích tụ mỗi ngày và liên tục đã biến một công ty nhỏ thành một tập đoàn khổng lồ từ lúc nào và bản thân tôi như hiện nay.
Vì vậy, thay vì cứ chăm chăm trông ngóng ngày mai, vào tương lai chưa thấy đâu thì trước hết ta hãy dành toàn bộ sức lực cho ngày hôm nay.
Đó là cách tốt nhất, là con đường tốt nhất để biến ước mơ thành hiện thực.
Tìm tòi suy nghĩ mỗi ngày sẽ đưa đến kết quả to lớn
Người tài hay mắc bệnh chủ quan, hay có xu hướng thấy trước những trở ngại khó khăn, họ ghét kiểu đi chậm, chắc của loài rùa, thích những bước nhảy nhanh như thỏ. Cũng bởi do quá suốt ruột với thành công, không ít người tài bị hụt chân ở nơi mà họ không ngờ tới.
Từ trước đến nay, có rất nhiều người giỏi giang, đầu óc nhanh nhạy vào làm việc tại Công ty Kyocera. Nhưng rồi phần lớn trong số đó bỏ đi vì cho rằng không có tương lai ở công ty này. Những người ở lại là những người bình thường, có phần chậm chạp và cũng không có khả năng để tìm nơi làm mới.
Nhưng mười năm sau, hai mươi năm sau, những người chậm chạp ấy đều trở thành những nhân vật chủ chốt, lãnh đạo các phòng ban. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp như vậy.
Điều gì đã khiến những người bình thường như họ trở thành xuất sắc?
Đó là khả năng âm thầm nỗ lực không biết mệt mỏi hoàn tất từng công đoạn, từng việc của họ. Nói cách khác, là khả năng sống hết mình cho từng ngày, tích lũy thành tựu của từng ngày. Họ tiến bộ từng bước từng bước, từng ngày từng ngày một cách nỗ lực nghiêm túc, cẩn thận, không chọn con đường dễ dàng.
Khả năng biến giấc mơ thành hiện thực, hoàn tất ý tưởng đã biến những người vốn bình thường trở thành những người phi thường.
Bền bỉ là sức mạnh nhưng không có nghĩa là cứ lặp đi lặp lại công việc một cách thụ động. Bền bỉ khác với lặp đi lặp lại. Hôm nay phải làm tốt hơn hôm qua. Ngày mai phải làm tốt hơn hôm nay. Ngày kia phải làm tốt hơn ngày mai. Tinh thần tìm tòi sáng tạo sẽ làm gia tăng tốc độ đến với thành công.
Có lẽ tôi cũng mắc bệnh của người làm kỹ thuật, luyện cho mình thói quen trăn trở, đòi hỏi ở mình: Như thế mà chấp nhận được hay sao? Có thể làm tốt hơn không? Với sự trăn trở đòi hỏi không ngừng như vậy, chúng ta sẽ tìm ra vô số khía cạnh sáng tạo trong những công việc nhỏ nhoi hàng ngày.
Tôi lấy ví dụ đơn giản: Việc quét dọn vệ sinh, từ trước đến nay các nhân viên vẫn dùng chổi quét, nếu bây giờ dùng cây chổi cọ nhà thì sẽ thế nào? Hoặc chấp nhận tốn tiền một chút mua máy dọn vệ sinh, kết quả sẽ ra sao? Điều tôi muốn nói ở đây là thường xuyên suy nghĩ các thao tác sao cho hợp lý, bắt đầu công việc từ đâu để gọn gàng và dứt điểm. Có như vậy, công việc mới hiệu quả, kể cả về thời gian và chất lượng. Giữa người bắt tay vào công việc với tinh thần tìm tòi cải tiến, dù công việc nhỏ đến mấy, và người chỉ biết dập khuôn, về lâu về dài, giữa hai người sẽ có một khoảng cách xa đến kinh ngạc. Một người có thể trở thành giám đốc công ty còn người kia vẫn chỉ là công nhân quét dọn mà thôi.
Hôm qua đã nỗ lực tìm tòi suy nghĩ, hôm nay lại nỗ lực thêm. Hôm qua đã tiến, hôm nay cố gắng tiến thêm một chút nữa. Siêng năng chịu khó suy nghĩ để hôm nay tốt hơn hôm qua, dần dần sẽ tạo ra bước nhảy vọt.
Bí quyết của thành công là không đi lại những con đường đã quá quen thuộc.
Bạn có nghe thấy tiếng vị thần ở hiện trường không?
Có những việc bế tắc vẫn hoàn bế tắc dù chúng ta đã suy nghĩ tìm tòi, đã mầy mò làm đi làm lại, đã tìm đủ mọi phương cách, giống như người mắc bệnh nan y đi vái tứ phương. Thế nhưng ngay khi chúng ta cảm thấy bó tay thực ra lại là bước khởi đầu. Lúc ấy, bạn hãy bình tâm trở lại, lặng lẽ quan sát tỉ mỉ nơi bạn làm việc.
Tôi đã có dịp gặp ông Nakabo Kohei - người đã từng là trưởng đoàn luật sư giải quyết nhiều vụ án nổi tiếng (trong đó có vụ án bỏ thuốc độc vào sữa Morigana hay vụ Công ty thương mại Toda) - và hỏi ông: “Điều gì quan trọng nhất khi ông bắt tay vào giải quyết vụ việc?”.
Ông trả lời tức thì: “Chìa khoá của vụ việc bao giờ cũng nằm ở hiện trường. Có một vị thần hiện diện ở đó”.
Dù tôi và ông làm việc ở hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau nhưng qua câu trả lời của ông, một lần nữa tôi hiểu sâu hơn điều mà người ta thường nói: Điểm mấu chốt của vấn đề là nắm vững sự việc, quan sát hiện trường.
Đối với ngành sản xuất chế tạo thì điều quan trọng là phải coi trọng quy trình, xem xét kỹ sản phẩm, thiết bị, nguyên vật liệu, công cụ và đánh giá tất cả một cách khách quan, trung thực.
Đây là điều mà dường như ai cũng hiểu: Chẳng qua là kiểm tra cẩn thận về mặt vật chất và quán triệt quyết tâm về mặt tinh thần chứ có gì đâu? Nhưng thực ra nó quan trọng hơn nhiều.
Nếu quan sát kỹ, nghe ngóng kỹ nơi làm việc sẽ nghe thấy tiếng nói của một vị thần ở nơi làm việc, ở các sản phẩm, nói với chúng ta về phương án giải quyết: “Thử cách này xem sao?”. Tôi gọi việc này là “Lắng nghe tiếng thì thầm của sản phẩm”.
Sản phẩm của chúng tôi là một loại gốm dùng trong ngành công nghiệp điện tử. Nó được tạo ra bằng cách nén bột kim loại đã oxy hoá vào khuôn và nung ở nhiệt độ cao. Yêu cầu về chất lượng rất khắt khe, không cho phép sai lệch về kích thước dù rất nhỏ, không được có tì vết hay biến dạng dù chỉ chút xíu.
Thời kỳ công ty mới thành lập, khi chúng tôi đưa sản phẩm vào lò nung thử thì cả mẻ gốm bị cong vênh không khác gì mực nướng.
Sau biết bao lần mầy mò thử nghiệm, chúng tôi mới tìm ra nguyên nhân là do lực nén khác nhau, mật độ bột kim loại không đồng đều ở mặt trên và mặt dưới khiến sản phẩm cong vênh. Tuy tìm ra được nguyên nhân về mặt kỹ thuật nhưng điều chỉnh trong thực tế lại vô cùng khó khăn. Sau bao nhiêu suy nghĩ tìm tòi, làm đi làm lại vẫn không được, tôi quyết định đục một lỗ ở thân lò để quan sát tận mắt xem sản phẩm cong vênh như thế nào, biến dạng ra sao.
Và tôi thấy khi nhiệt độ tăng cao thì sản phẩm cứ nhảy lên nhảy xuống như một sinh vật. Nung đi nung lại kiểu nào nó vẫn cứ nhảy như muốn trêu ngươi tôi. Chứng kiến cảnh đó, bất giác tôi muốn thò tay vào trong lò: “Thôi nào, đừng nhảy nữa”. Tôi chỉ muốn lấy tay đè chặt sản phẩm để chúng nằm im. Dù biết là không thể nhưng thực sự đó là ý muốn của tôi, thể hiện sự sốt ruột của người điều hành công ty. Không thể thất bại mãi.
Đương nhiên chẳng ai điên đến mức đưa tay vào trong lò nung ở nhiệt độ hàng ngàn độ cả. Biết vậy, nhưng vì tức không chịu nổi, áp lực trong con người tôi tăng đến muốn nổ tung.
Và rồi thực tế đã không phụ lòng tôi.
Vì sao vậy? Khi theo phản xạ định thò tay vào lò “bắt sản phẩm nằm im”, giây phút ấy đã làm loé lên trong đầu tôi phương pháp giải quyết thực tế. Sau đó, chúng tôi đặt một tấm vỉ bằng chất liệu chịu nhiệt đè lên trên sản phẩm và tiếp tục nung. Kết quả là mẻ gốm đó không còn cong vênh nữa.
Tôi suy nghĩ mãi về việc này. Đáp án thực ra luôn có ở hiện trường. Nhưng để có được đáp án, về mặt tinh thần, chúng ta phải có quyết tâm “nhất định không chịu thất bại”. Về mặt vật chất, chúng ta phải để tâm quan sát kỹ càng hiện trường, tìm hiểu sự việc.
Quan sát, lắng nghe, tìm hiểu kỹ càng. Có như vậy chúng ta mới có thể nghe thấy “tiếng thì thầm của sản phẩm” và tìm ra phương cách giải quyết.
Có thể cách giải thích của tôi không khoa học, hay nói cách khác là không phù hợp với lối suy nghĩ của người làm công tác khoa học kỹ thuật. Nhưng, thực sự là từ chiều sâu tư duy, từ sự sắc bén trong quan sát của chúng ta, “sự sống” ẩn náu trong vật chất như các sản phẩm, công cụ sản xuất đã cất lên tiếng nói thì thầm của chúng.
Từ những khoảnh khắc giao cảm tâm-vật như thế, chúng tôi đã tìm ra phương án xử lý, hoàn tất công việc, và kết quả là đã tạo ra những sản phẩm “sờ vào là đứt tay”.
Thường xuyên để ý có chủ đích
Tập đoàn Kyocera chế tạo máy in, máy sao chụp sử dụng màng cảm quang thường được gọi là màng amorphous silicon. Màng cảm quang đặc trưng này có độ cứng rất cao nên khi in với số lượng lớn hàng trăm ngàn bản cũng không bị mài mòn, và nó bền đến mức máy in hết tuổi thọ vẫn không cần phải thay thế.
Đây là một sản phẩm thân thiện với môi trường và Kyocera là công ty đầu tiên trên thế giới thành công trong việc sản xuất hàng loạt màng cảm quang này. Màng amorphous silicon phủ lên bề mặt của ống nhôm hay bị mòn một lớp silicon mỏng. Lớp silicon mỏng này nếu không phủ đều thì sẽ không có tác dụng cảm quang. Làm thế nào để phủ đều lớp màng này trên toàn bộ bề mặt ống nhôm? Đây là một thách thức về mặt kỹ thuật. Độ dày của lớp phủ chỉ cần sai số một phần ngàn milimét hoặc có tì vết là thất bại.
Kể từ khi bắt đầu nghiên cứu vấn đề này, mãi đến năm thứ ba chúng tôi mới thành công được một lần. Sau đó chúng tôi định thử lại lần nữa nhưng không làm được, cũng đồng nghĩa với việc không thể sản xuất hàng loạt với số lượng lớn. Thời đó, việc nghiên cứu màng cảm quang amorphous silicon đang được tiến hành tại nhiều nước trên thế giới nhưng không nơi nào thành công để có thể sản xuất hàng loạt. Bản thân tôi cũng tạm thời cho dừng việc nghiên cứu.
Tuy vậy, tôi vẫn cứ muốn thử lại một lần nữa trên cơ sở của tinh thần quyết tâm giống như lúc đầu và rà soát lại toàn bộ hiện trường nghiên cứu. Tôi nghĩ, nếu nhìn tận mắt từng hiện tượng, từng sự biến đổi trong quá trình thí nghiệm thì dứt khoát sẽ tìm ra điều gì đó và chắc chắn sẽ nghe được tiếng thì thầm của vị thần tại hiện trường.
Thế rồi, tôi chỉ đạo nhân viên phụ trách thí nghiệm phải để ý từng thời điểm, phải quan sát kỹ càng tỉ mỉ, không được bỏ sót bất kỳ chi tiết nào.
Vậy mà, vào một đêm, tôi xuống hiện trường kiểm tra thì thấy nhân viên của mình, lẽ ra phải căng mắt quan sát thì lại đang ngủ lăn quay như một khúc gỗ. Thay vì nghe thấy tiếng thì thầm của sản phẩm thì tôi chỉ nghe thấy tiếng ngáy của cậu ta.
Tôi quyết định thay một nhân viên khác có khả năng quan sát sắc bén, đồng thời cho chuyển bộ phận nghiên cứu từ Kagoshima đến Siga và tuyển hàng loạt nhân viên mới, thay thế cả lãnh đạo.
Tôi đã thay máu triệt để toàn bộ quy trình nghiên cứu mặc dù những nhân viên làm việc ở đó đã có kinh nghiệm vài năm. Theo cách nghĩ thông thường, cách làm này có độ rủi ro cao. Nhưng kết cục là việc thay máu của tôi có hiệu quả và chỉ một năm sau, chúng tôi đã thành công và có thể sản xuất hàng loạt.
Xem xét kỹ càng, suy nghĩ cẩn thận về công việc mình làm, sản phẩm mình chế tạo, không xao nhãng, chăm chú quan sát tỉ mỉ hiện trường - những tính cách này thiếu ở các nhân viên cũ và có ở các nhân viên mới. Luôn luôn khắt khe - đó là nguyên tắc không thể thiếu trong việc chế tạo các sản phẩm tinh vi. Nhờ nguyên tắc ấy, chúng tôi đã thành công, tạo ra sản phẩm mới.
Trong tiếng Nhật có từ “hữu ý chú ý”. Tức là tập trung ý thức, tinh thần vào đối tượng quan sát một cách nghiêm túc, có mục đích. Nói cách khác là để ý có chủ đích. Điều này khác với “vô ý chú ý” là khi nghe thấy tiếng động, ta quay đầu về phía tiếng động phát ra theo phản xạ, đó chỉ là phản ứng vô ý thức.
Hành động quan sát được đề cập trong phần trước vốn dĩ phải là một chuỗi liên tục “để ý có chủ đích”. Không thể gọi là để ý có chủ đích được nếu chỉ quan sát hiện tượng một cách lơ đãng, thiếu tập trung.
Ông Nakamura Tenpu cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc để ý có chủ đích. Ông nói rằng: “Sẽ vô nghĩa nếu không để ý có chủ đích trong mọi hành động”.
Do khả năng tập trung của chúng ta có giới hạn nên rất khó thường xuyên dồn sự chú ý chỉ vào một sự việc. Nhưng chúng ta phải nỗ lực để làm được như vậy, dần dần biến “để ý có chủ đích” thành thói quen, nắm vững được bản chất vấn đề, trung tâm của sự việc, chuẩn bị khả năng đưa ra những quyết đoán kịp thời.
Bản thân tôi, khi còn trẻ vì quá bận rộn nên nhiều khi chỉ đứng trao đổi công việc với cấp dưới ở ngay hành lang nơi mọi người qua lại. Và trục trặc phát sinh từ đó. Cấp dưới nói đã báo cáo với tôi. Tôi thì nói chưa thấy báo cáo. Sau nhiều lần như vậy, tôi quyết định cấm tất cả mọi cuộc trao đổi báo cáo công việc tại hành lang. Và quy định nếu có việc gì cần trao đổi, bàn bạc thì dứt khoát phải vào phòng hoặc một nơi nào đó yên tĩnh có thể tập trung lắng nghe. Tôi cũng tự cấm bản thân, không được phép khinh suất khi đang làm việc khác mà nhân tiện nghe báo cáo của cấp dưới.
Tôi tạm so sánh việc để ý có chủ đích với cái dùi. Các bạn đều biết, cái dùi là công cụ rất hiệu quả để làm việc bằng cách tập trung lực vào một điểm ở mũi dùi.
Nếu ai cũng tập trung toàn lực vào một điểm, một mục đích như cái dùi thì chắc chắn sẽ hoàn tất được những công việc khó khăn.
Khả năng tập trung dẫn đến sức mạnh, chiều sâu, tầm vóc của tư duy. Để thành công trong sự nghiệp thì năng lực tập trung tư duy phải trở thành khởi điểm của quá trình thực hiện.
Chúng ta ấp ủ giấc mơ mãnh liệt đến mức nào, duy trì và bắt tay vào thực hiện ý tưởng nghiêm túc ra sao, tất cả sự thành bại đều phụ thuộc vào điểm khởi đầu.
Ôm ấp hoài bão lớn - Cuộc đời sẽ trở nên phi thường
Từ đầu cuốn sách đến giờ, tôi đã đề cập đến tầm quan trọng của việc biết và sử dụng một cách có ý thức sức mạnh tư duy, kèm theo những ví dụ minh họa.
Để sức mạnh tư duy được kích hoạt, tạo ra thành quả to lớn trong công việc, chúng ta phải có hoài bão lớn và có ý chí lớn - nền tảng của thành công.
Hãy có hoài bão lớn.
Hãy có chí lớn.
Hãy khát vọng mãnh liệt.
Bạn đọc sẽ cho rằng, trong khi hàng ngày phải vật lộn với cuộc sống còn không đủ sức thì hơi đâu mà nghe những điều viển vông: nào là ước mơ, nào là khát vọng…
Tuy vậy, những người có thể tạo lập cuộc đời bằng bàn tay và khối óc của mình là những người có trong mình nền tảng đó - hoài bão lớn, khát vọng lớn, ý chí mạnh mẽ vượt lên chính mình.
Bản thân tôi cũng vậy. Có thể nói giấc mơ lớn lao, mục tiêu cao cả tôi ôm ấp từ khi còn trẻ chính là nguồn động lực khiến tôi được như ngày hôm nay.
Như tôi đã đề cập ở phần trước, ngay từ thời mới thành lập Công ty Kyocera, tôi đã nuôi chí lớn: “Phải làm sao để Kyocera trở thành công ty hàng đầu thế giới” và tôi thường xuyên nói điều đó với nhân viên công ty.
Thời đó, tuyên bố như vậy không có nghĩa là tôi đã có chiến lược cụ thể hoặc kế hoạch tổng thể gì cả. Đó chỉ là giấc mơ, một giấc mơ không biết người biết ta của tôi thôi.
Tuy vậy, mỗi lần tụ họp hay tiệc tùng, tôi cứ lặp đi lặp lại với nhân viên về giấc mơ của mình. Thông qua những lần như vậy, suy nghĩ của tôi dần dần trở thành suy nghĩ của mọi nhân viên và thế rồi nó đã ra hoa kết quả.
Ước mơ dù xa vời nhưng nếu không ước mơ thì chẳng bao giờ điều mong muốn của chúng ta thành hiện thực. Ta chỉ có thể có trong tay những gì mà tâm ta khao khát mạnh mẽ muốn được như thế.
Để đạt được ước mơ thì phải không ngừng suy nghĩ về nó, đến khi nó thấm sâu vào tiềm thức.
Khi chúng ta có thể nói ra thành lời những ước muốn thì cũng là lúc chúng ta bắt đầu hành động, và nhờ những hành động thực tế, chúng ta đã có thể biến những ước muốn thành hiện thực.
Hoài bão càng lớn thì quãng đường để đi càng xa. Tuy nhiên nếu ta có thể “thấy” rõ ràng sự vật được hoàn tất, nếu ta làm đi làm lại theo phương pháp mô phỏng quá trình đi tới kết quả, và hình dung được toàn bộ một cách chi tiết thì cùng với việc hiện rõ con đường dẫn đến thành công, chúng ta cũng có được vô số đáp án để tiến gần hơn mục tiêu.
Ngay cả khi chúng ta lững thững tản bộ trên đường, khi chúng ta nhấm nháp ly trà và chìm trong những suy tư mông lung, khi chúng ta trò chuyện với bạn bè thì ý tưởng, lời giải sẽ chợt đến một cách không thể ngờ từ những điều nhỏ nhặt, trong những hoàn cảnh chẳng đáng kể chút nào mà người ngoài cuộc không hề để ý.
Cùng nhìn, cùng nghe một sự việc nhưng có người rút ra được những bài học quan trọng, có người thì chẳng nhận được gì. Điều gì dẫn đến sự khác biệt ấy? Đó chính là ý thức hàng ngày ở mỗi người khác nhau.
Người ta thường hay lấy ví dụ: Biết bao người đã từng nhìn thấy quả táo rơi từ trên cây xuống nhưng chỉ có Newton nhận ra sự tồn tại của lực hấp dẫn mà thôi.
Đó là do Newton luôn ý thức vấn đề một cách mãnh liệt, thấm sâu vào mọi suy nghĩ hàng ngày. Và ở phần trước tôi đã nói về “lời thì thầm của vị thần” - cảm hứng sáng tạo - chỉ được ban cho những người luôn ấp ủ hoài bão, không bao giờ từ bỏ khát vọng mãnh liệt trong giấc mơ của mình.
Chúng ta hãy ấp ủ hoài bão đến tận cuối cuộc đời, chúng ta hãy trở thành con người có thể tạo nên tương lai xán lạn cho chính mình.
Sáng tạo và thành công sẽ không bao giờ đến với những người không có hoài bão. Ngay cả sự trưởng thành cá nhân mang tính người cũng không nốt. Bởi vì, nhân cách con người chỉ được mài giũa và trưởng thành thông qua hoài bão, suy nghĩ và tìm tòi, qua cả quá trình nỗ lực không biết mệt mỏi. Với ý nghĩa đó, tôi muốn nhấn mạnh với các bạn rằng, hoài bão và cách tư duy chính là đà bật nhảy của cuộc đời.