Hai sức mạnh vô hình chi phối cuộc đời
Tôi cho rằng có bàn tay vô hình chi phối cuộc đời con người. Hơn nữa, có tới hai bàn tay vô hình.
Thứ nhất là số mệnh: Con người sinh ra trên thế giới này mỗi người có một số mệnh khác nhau. Con người bị số mệnh chi phối hoặc thúc đẩy mà không hề biết nó là cái gì. Có lẽ cũng có người có ý kiến khác nhưng tôi thì cho rằng số mệnh là có thật, một sự thật hiển nhiên.
“Một cái gì đó lớn lao” mà ý chí, sự tư duy của con người không thể chạm tới, chắc chắn đang chi phối đời sống. Nó bất chấp hỉ, ố, ái, nộ của chúng ta, chảy xuyên suốt cả cuộc đời, không ngừng không nghỉ như một dòng sông lớn đưa chúng ta ra biển cả.
Phải chăng con người bất lực trước số mệnh? Tôi không cho là vậy. Bởi vì còn có một bàn tay vô hình nữa. Đó là luật nhân quả báo ứng. Tức là, nếu chúng ta làm điều tốt sẽ cho kết quả tốt, nếu làm điều xấu sẽ cho kết quả xấu. Nhân thiện thì sinh quả thiện, nhân ác thì sinh quả ác - đó là quy luật giản dị, rõ ràng, ràng buộc trực tiếp nguyên nhân và kết quả.
Mọi việc xảy ra đối với chúng ta đều có nguyên nhân. Nó chính là suy nghĩ và hành động của chúng ta. Tất cả những hành động, suy nghĩ đó trở thành “Nhân” để rồi sinh ra “Quả”. Hiện tại, bạn đang nghĩ về một điều gì đó, làm một việc gì đó thì tất cả những suy nghĩ và việc làm của bạn sẽ trở thành nguyên nhân nhất định dẫn tới một kết quả. Và rồi việc ứng phó với kết quả đó lại trở thành nguyên nhân dẫn tới các kết quả tiếp theo. Vòng tuần hoàn vô hạn của luật nhân quả này chi phối cuộc đời chúng ta. Trong Chương 1, tôi đã viết “Điều gì mà tâm không muốn thì nó sẽ không đến”, hay nói cách khác cuộc đời sẽ trở thành đúng như những gì mà ta đã vẽ ra trước đó. Điều này cũng dựa trên luật nhân quả báo ứng. Bởi vì những điều mà chúng ta đã nghĩ, chúng ta đã làm sẽ trở thành nguyên nhân đưa tới hiện thực tương ứng.
Trong Chương 3, tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mài giũa nhân cách, nâng cao tâm hồn, theo luật nhân quả này thì tâm thiện đã được gọt giũa chắc chắn trở thành nguyên nhân dẫn tới cuộc đời thiện.
Số mệnh và luật nhân quả, hai sức mạnh này chi phối cuộc đời của bất cứ ai. Nếu coi số mệnh là sợi chỉ dọc, luật nhân quả báo ứng là sợi chỉ ngang thì tấm vải cuộc đời của chúng ta đang được dệt lên.
Điều quan trọng ở đây là so với số mệnh an bài thì luật nhân quả báo ứng có vai trò điều chỉnh, làm cân bằng những sức mạnh áp chế cuộc đời chúng ta. Vì thế, dù số mệnh đã có sẵn từ lúc ra đời, chúng ta vẫn có thể tác động để thay đổi bằng cách sử dụng luật nhân quả báo ứng.
Theo lẽ đó, bằng cách nghĩ điều thiện, làm việc thiện, chúng ta có thể thay đổi vận mệnh của mình theo hướng tích cực. Con người một mặt bị số mệnh chi phối và mặt khác, con người còn có thể thay đổi số mệnh nhờ những suy nghĩ thiện, việc làm thiện của bản thân.
Nghĩ điều thiện, làm việc thiện
Số mệnh không phải là thứ đã được định sẵn bất di bất dịch. Chúng ta có thể thay đổi nó dựa vào luật nhân quả báo ứng. Đây không phải là điều tôi nghĩ ra, mà là điều Yasuoka Masahiro - nhà tư tưởng có ảnh hưởng lớn đến nhiều chính trị gia, doanh nhân - học được từ tác phẩm Âm chất lục, một tác phẩm cổ điển của Trung Quốc mà ông đã đọc. Âm chất lục là một cuốn sách dưới thời nhà Minh, giới thiệu câu chuyện liên quan đến nhân vật Viên Liễu Phàm. Viên Liễu Phàm sinh ra trong một gia đình có truyền thống về y thuật, cha mất sớm nên ông được chăm sóc bởi bàn tay người mẹ. Khi còn niên thiếu, ông đã được học ngành y để kế thừa gia nghiệp. Vào một ngày, đột nhiên có một ông lão tới thăm và nói rằng: “Ta là người nghiên cứu Dịch học, tuân theo thiên mệnh đến để truyền tinh hoa của Dịch học cho nhà ngươi”. Rồi ông lão hướng về phía người mẹ, nói: “Có lẽ bà muốn cậu bé này trở thành thầy thuốc, nhưng cậu ấy sẽ không đi theo con đường đó. Khi trưởng thành cậu ấy sẽ đi vào con đường khoa cử”. Sau đó ông lão còn dự đoán số phận của cậu bé, sẽ dự kỳ thi nào vào năm bao nhiêu tuổi, đỗ thứ hạng nào trong số bao nhiêu người, khi còn trẻ đã được cử làm quan tri phủ và được cất nhắc lên vị trí rất cao, sẽ lập gia đình nhưng hiếm muộn về đường con cái và sẽ mất vào năm 53 tuổi”…
Sau đó, cuộc đời Liễu Phàm diễn ra đúng như những gì ông lão dự đoán. Và khi trở thành quan tri phủ, một hôm Liễu Phàm tới thăm một ngôi chùa, nơi có vị thiền sư nổi tiếng và cùng tọa thiền với thiền sư. Khâm phục tư thế tọa thiền của Liễu Phàm, vị thiền sư đã cất tiếng khen ngợi: “Ngài tọa thiền thật đĩnh đạc khoan thai, không mảy may phân tâm. Hẳn là ngài đã từng tu luyện ở chùa nào rồi”. Liễu Phàm đáp: “Tôi chưa từng tu luyện ở đâu cả” và kể lại câu chuyện về ông lão đã gặp thời niên thiếu. “Cuộc đời của tôi đúng như lời ông lão đã nói, việc tôi từ giã cõi đời ở tuổi 53 có lẽ là số phận của tôi. Vì thế mà bây giờ tôi chẳng mảy may suy nghĩ về điều gì”. Nghe Liễu Phàm giãi bày như vậy, vị thiền sư bỗng đùng đùng nổi giận và lớn tiếng mắng Liễu Phàm: “Ta cứ ngỡ người là một bậc thông tuệ, một hiền nhân đã chứng ngộ. Hóa ra người cũng chỉ là hạng tầm thường ngu dốt mà thôi”.
Rồi thiền sư dịu giọng nói tiếp: “Thật ra, ông lão nói đúng. Mỗi người đều có số phận trời định. Nhưng chẳng có ai cam chịu số phận như thế. Vẫn có câu đức năng thắng số. Nếu luôn nghĩ điều thiện, luôn làm việc thiện thì cuộc đời sẽ trở nên tốt đẹp. Nếu chỉ nghĩ điều ác và làm điều ác thì cuộc đời rồi sẽ chẳng ra gì. Luật nhân quả đó có ở muôn vật. Biết luật nhân quả thì con người sẽ thay đổi được số phận”.
Liễu Phàm là người biết lắng nghe, từ đó ông đã hành thiện tích đức. Kết quả là ông có con và tuổi thọ cũng vượt qua số năm được dự đoán. Ông qua đời ở tuổi thượng thọ.
Như vậy, ngay cả vận mệnh đã được Trời sắp đặt cũng có thể thay đổi bằng sức mạnh tích cực của con người. Nếu tích đức, hành thiện, nghĩ đến điều thiện thì luật nhân quả báo ứng sẽ tác động và chúng ta có thể có cuộc đời tốt đẹp hơn so với những gì số mệnh đã sắp đặt. Ông Yasuoka Masahiro cũng nói, đó là lập mệnh.
Tuy nhiên, trong thực tế, rất ít người tin vào quy luật này. Nhiều người còn cười nhạo cho rằng đó là điều phi khoa học. Đối chiếu với tri thức hiện đại thì quan niệm vận mệnh hay số phận bị liệt vào dạng mê tín và luật nhân quả báo ứng cũng chỉ là trò lừa phỉnh trẻ em giống như dạy chúng về đạo đức “Làm việc xấu sẽ bị ong đốt”. Tất nhiên, với trình độ khoa học hiện nay cũng không có cách nào chứng minh được sự tồn tại của sức mạnh vô hình.
Nếu làm điều thiện, lúc nào cũng cho ngay kết quả tốt thì đương nhiên chúng ta sẽ không hoài nghi. Nhưng, hầu như không bao giờ nguyên nhân dẫn ngay tới kết quả. Không phải cứ hôm nay làm điều thiện thì ngày mai chuyện tốt đẹp sẽ đến, hơn nữa quan hệ nhân quả cũng ít thể hiện một cách rõ ràng giống như đáp số của phép tính 1 + 1 = 2. Vì sao vậy? Như phần trên đã đề cập, đó là bởi vì số mệnh và luật nhân quả báo ứng có quan hệ tương hỗ, đan xen vào nhau như quá trình dệt một tấm vải và chi phối cuộc đời của chúng ta.
Hai sức mạnh vô hình này can thiệp lẫn nhau, ví dụ như trong thời gian vận hạn xấu dù làm được một điều thiện thì điều thiện đó sẽ bị chìm khuất dưới sức mạnh số phận và không dẫn tới ngay kết quả tốt. Tương tự, dù đã gây ra điều xấu một chút nhưng vào thời điểm tốt thì chưa hẳn là “nhân xấu dẫn đến quả xấu” ngay. Những chuyện như vậy vẫn thường xảy ra.
Không nên sốt ruột chờ đợi kết quả của luật nhân - quả
Việc khó nhận biết và không tin vào luật nhân quả báo ứng là do chúng ta chỉ nhìn nhận sự vật trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, từ suy nghĩ và hành động tới khi có kết quả phải có thời gian và thường là thời gian phải tính bằng năm.
Tuy vậy, nếu xem xét sự vật trong cả quá trình dài từ 20 đến 30 năm thì nhất định cuối cùng Quả sẽ phù hợp với Nhân. Trong 40 năm qua kể từ khi tôi bắt đầu sự nghiệp, tôi đã chứng kiến sự thăng trầm của rất nhiều người. Nếu nhìn cả quá trình 30 đến 40 năm thì hết thảy đều thấy được kết quả tương xứng với cách sống hàng ngày trong cuộc đời của từng người.
Nếu xem xét sự vật trong cả một quá trình dài thì những người cảm thấy tiếc nuối, ân hận vì đã không sống thành thực và không làm việc thiện sẽ thấy cuộc đời mình chỉ toàn gặp nỗi bất hạnh và cũng sẽ thấy những kẻ làm điều ác, những kẻ sống vô trách nhiệm cũng sẽ không thành công mãi được.
Mặt khác, trong thực tế cũng có kẻ làm việc xấu lại thành công do ăn may; người nỗ lực vì điều thiện lại gặp chuyện chẳng lành. Nhưng thời gian trôi qua, mọi thứ dần dần thay đổi, cuối cùng tất cả sẽ thu được kết quả khớp với lời nói, việc làm, cách sống của từng người và hoàn cảnh do người đó tạo ra. Chúng ta sẽ thấy “Nhân nào Quả ấy” thể hiện chính xác đến mức đáng sợ.
Cách đây vài năm, Kyocera đã giúp đỡ Công ty công nghiệp Mita, một hãng sản xuất máy photocoppy đang rơi vào tình trạng phá sản. Sau khi lập ra công ty mới với tên gọi Kyocera Mita, tôi tiến hành tái thiết nó. Một thời gian sau, kết quả kinh doanh dần dần được cải thiện, khoản nợ khổng lồ cũng được trả sớm hơn so với dự tính rất nhiều và giờ đây nó đã trở thành một trong những trụ cột của tập đoàn Kyocera.
Người có công trong quá trình tái thiết đó là người phụ trách bộ phận thiết bị thông tin của Kyocera, được bổ nhiệm làm giám đốc của Kyocera Mita và chịu trách nhiệm công cuộc tái thiết này. Thực ra, trước kia người đó đã từng là quản đốc nhà máy của một hãng chế tạo thiết bị điện tử viễn thông tiên tiến.
Công ty công nghiệp Mita trước đó đã phát triển mạnh mẽ đúng lúc đang rộ lên cơn sốt máy photocoppy, nhưng khi cơn sốt thoái trào thì công việc kinh doanh cũng xuống theo. Sau khi nhận được lời đề nghị giúp đỡ, Kyocera đã chi viện tài chính và coi nó là một thành viên tập đoàn. Chuyện này xảy ra cách đây hơn hai mươi năm.
Chúng tôi cũng nếm đủ muôn vàn vất vả trong quá trình tái thiết. Số là trong các nhân viên của Mita có những thành viên công đoàn quá khích. Họ đưa ra nhiều đòi hỏi vô lý khó chấp nhận, thậm chí còn kéo đến cả nhà tôi đặt điều, dèm pha ác ý. Bản thân tôi chịu nhiều điều phiền phức và Kyocera cũng chịu nhiều điều tiếng.
Kyocera đã dang tay giúp đỡ công ty cũng như toàn bộ nhân viên của họ đang bị dồn vào đường cùng, vậy mà chúng tôi phải chịu những chuyện thị phi và riêng bản thân tôi cũng chỉ biết im lặng. Nhưng rồi trong quá trình tái thiết, nhiều người trong số họ đã hiểu ra, cảm ơn sự giúp đỡ của Kyocera, sự giúp đỡ của Inamori.
Một trong số họ là giám đốc đầu tiên của Kyocera Mita mà tôi đã đề cập. Từ chỗ là người trước kia đã được cứu giúp thì lần này đã đứng ở phía đi cứu giúp. Những điều anh nói với tôi đã cho tôi một cảm nhận sâu sắc: “Có thời, tôi đã được người khác cứu. Dịp này tôi trở thành người đi cứu người khác. Tôi cảm nhận được vòng tròn của số mệnh. Với việc chịu trách nhiệm tái thiết công ty Kyocera Mita, cơ hội để tôi trả ơn đã tới. Tôi đã cảm nhận rõ luật nhân quả!”.
Sau khi nghe lời giãi bày của anh, tôi thực sự cảm động. Khi xem xét sự vật trong cả một quá trình dài thì quan hệ nhân quả rất rõ ràng. Không thể nào cứ làm điều thiện mà kết thúc với kết quả xấu, có thể trong nhất thời tôi đã phải chịu nhiều sức ép nhưng kết cục tôi đã thành công trong công cuộc tái thiết và cũng đã nhận được lòng biết ơn từ các nhân viên Mita. Tôi tin tưởng chắc chắn vòng tuần hoàn nhân thiện dẫn tới quả thiện sẽ còn mở rộng hơn nữa.
Trong cuốn sách “Thái căn đàm” thời nhà Minh của Trung Quốc có câu: “Làm việc thiện mà chưa nhìn thấy lợi ích của nó cũng giống như tìm quả dưa gang nằm khuất trong đám cỏ tạp”. Câu này có nghĩa là mặc dù làm điều tốt nhưng kết quả tốt chưa xuất hiện thì cũng giống như quả dưa gang lặng lẽ phát triển lẫn trong đám cỏ mà chúng ta không nhìn thấy. Để nhân quả báo ứng thì cần có thời gian. Khắc sâu điều này trong tâm, chúng ta không được nóng vội, sốt ruột về kết quả mà hãy lặng lẽ hàng ngày làm điều thiện. Sự nỗ lực rồi sẽ được đền đáp.
Dòng chảy của vũ trụ khiến vạn vật không ngừng trưởng thành
Nhân quả báo ứng là quy luật của tự nhiên. Nếu nhìn sự vật trong cả quá trình lâu dài thì không thấy nghịch lý: Nhân thiện đưa đến quả ác hay nhân ác đưa đến quả thiện, mà tất cả đều theo chu trình thuận: Nhân thiện - quả thiện, nhân ác - quả ác. Bởi vì nó tuân theo quy luật của Trời. Điều này rất rõ ràng ngay cả khi chúng ta suy nghĩ về quá trình kiến tạo vũ trụ.
Cách đây 13 tỷ năm, dưới áp suất và nhiệt độ cực cao một vụ nổ lớn đã sinh ra vũ trụ này và tới tận ngày nay vũ trụ vẫn tiếp tục nở - đó là thuyết Big Bang và lý thuyết này đã được chứng minh trong khoa học vật lý vũ trụ. Cũng có thể nói vũ trụ đang không ngừng trưởng thành, chẳng khác nào một thực thể sống.
Tức là khi vũ trụ bắt đầu hình thành thì các đồng phân tử gốc được kết hợp lại do vụ nổ. Nhờ đó mà proton, neutron, meson được sinh ra, chúng hình thành hạch nguyên tử, đưa vào trong các electron và nguyên tử được tạo ra.
Thông qua phản ứng nhiệt hạch dung hợp, các loại nguyên tử ra đời. Các nguyên tử đó kết hợp với nhau tạo ra phân tử. Các phân tử lại kết hợp với nhau hình thành cao phân tử. Cao phân tử hình thành các chuỗi AND và sản sinh ra sự sống.
Trải qua thời gian dài dặc, sự sống nguyên sơ liên tục tiến hóa sinh ra sinh vật cao cấp là loài người - nên có thể nói lịch sử của vũ trụ là quá trình vận động, tiến hóa, phát triển đến sự sống cao cấp.
Vì sao quá trình tiến hóa đó lại xảy ra? Vì sao vũ trụ lặp đi lặp lại liên tục quá trình sinh thành, phát triển không ngừng nghỉ cho đến khi trở thành con người?
Cũng có giả thuyết cho rằng quá trình tiến hóa đó đơn thuần là do ngẫu nhiên, hoàn toàn không có mục đích - nhưng giả thuyết này không bình thường. Thà cho rằng quá trình tiến hóa đó mang tính tất yếu do tuân theo ý chí của Thượng đế là đấng sáng tạo ra tất cả nghe còn hợp lý hơn. Tôi nghiêng về giả thuyết cho rằng trong vũ trụ tồn tại một ý chí và sức mạnh, thể hiện bằng năng lượng khiến cho vạn vật sinh thành và phát triển không ngừng không nghỉ. Hơn nữa, đó là ý chí sáng tạo muốn hướng tất cả, từ sinh vật cao cấp là con người cho đến những sinh vật vô tri vô giác, theo chiều hướng tốt. Quy luật nhân quả báo ứng - làm việc thiện sẽ mang tới điều tốt - được hình thành, cũng như quá trình kết hợp giữa các nguyên tử, phân tử, và tiếp tục tiến hóa đến tận bây giờ cũng là bởi sự thúc đẩy của dòng chảy ý chí và sức mạnh đó.
Làm cho vạn vật trưởng thành và phát triển, dẫn đường cho sự sống đi về hướng tốt, đó chính là ý chí của vũ trụ. Nói cách khác, mục đích luận tạo ra quá trình tiến hóa khiến cho trong vũ trụ tràn đầy sự thương yêu và tấm lòng từ bi. Theo lẽ đó, việc suy nghĩ và sống sao cho phù hợp, hài hòa với với ý chí thiện hảo, với “lòng thương yêu” lớn lao của đấng sáng tạo là quan trọng hơn hết thảy. Bởi vì vũ trụ tràn đầy ý chí hướng thiện nên việc nghĩ điều thiện, làm việc thiện đương nhiên sẽ mang tới kết quả tốt, tới thành quả tương xứng.
Nói tóm lại như những gì tôi đã đề cập đến, điều quan trọng là lòng biết ơn và sự thành thật, làm việc chăm chỉ, biết lắng nghe, không quên nhìn lại bản thân, không thù hận, không ghen tỵ và nuôi dưỡng tinh thần vị tha luôn nghĩ đến người khác trước khi nghĩ đến bản thân mình… Những thiện ý, thiện hành như vậy đều là hành vi tuân theo ý chí hướng thiện của vũ trụ, tất yếu sẽ dẫn con người đến thành công và số mệnh cũng được cải thiện. Nói gọn lại, sự thành bại của con người hay mọi sự vật đều được quyết định bởi việc có đồng điệu với dòng chảy ý chí của vũ trụ hay không.
Đây là một nguyên lý rất đơn giản. Vạn vật tồn tại trong vũ trụ, trưởng thành và phát triển theo định hướng đó là điều tất yếu. Con người chúng ta cũng không thể ngoại lệ. Vì thế nếu cách suy nghĩ và cách sống của chúng ta thuận theo ý chí của vũ trụ thì cả cuộc đời lẫn công việc nhất định sẽ trôi chảy.
Một sức mạnh vĩ đại đang thổi sự sống vào muôn vật
Sự sống là sản phẩm tất yếu sinh ra do ý chí của vũ trụ mà không phải là do những ngẫu nhiên. Cách nghĩ về sự sống như thế không có gì đặc biệt. Ông Murakami Kazuo, giáo sư danh dự trường đại học Tsukuba - tôi đã từng đề cập ở phần trước - đã dùng từ “something grade” để chứng minh sự tồn tại của đấng sáng tạo. Giáo sư Murakami Kazuo nổi tiếng thế giới về các công trình nghiên cứu gen di truyền. Theo những nghiên cứu này thì chỉ có thể nói rằng có một ý chí huyền bí, vượt trên mọi hiểu biết của con người, đang điều khiển vũ trụ.
Nói đến gen là nói đến thông tin di truyền dù là của con người, của động vật, của thực vật hoặc những sinh vật đơn giản như nấm, khuẩn đại tràng…, tất cả đều sử dụng 4 mã số hình thành nên các chuỗi ADN. Ngay cả sinh vật cao cấp như con người cũng được tạo nên chỉ từ 4 “viên gạch” cơ bản này. Trong mỗi tế bào của con người có tới 3 tỷ thông tin di truyền được ghi nhận, nếu in lượng thông tin này thành sách, mỗi quyển 1 nghìn trang thì chúng ta có được một lượng sách khổng lồ lên tới 1 nghìn quyển. Gen thông tin di truyền có trong từng tế bào và mỗi con người có 6 tỷ tế bào cấu thành. Điều làm chúng ta ngạc nhiên hơn nữa là nếu tập hợp toàn bộ DNA của 7 tỷ người sống trên trái đất thì trọng lượng của nó cũng chỉ tương đương với trọng lượng một hạt gạo. Trong vi thể nhỏ bé như vậy, lượng thông tin khổng lồ được sắp xếp một cách mạch lạc không hề lẫn lộn.
Suy nghĩ đến đây thì khó có thể cho rằng sự sống được hình thành bởi một sự ngẫu nhiên nào đó, mà chúng ta phải gọi quá trình hình thành sự sống là kỳ tích. Nếu không giả định có sự tồn tại của “một cái gì đó” lớn lao vượt xa trí tưởng tượng của con người và đang chi phối toàn bộ vũ trụ thì không sao giải thích được. Giáo sư Murakami Kazuo đã đặt tên cho tồn tại đó là something grade.
Something grade, tôi không rõ nó ra sao, nhưng có thể xác quyết rằng nó là sự tồn tại vĩ đại đã sáng tạo ra vũ trụ và sự sống. Có người gọi tồn tại đó là thánh thần, còn tôi gọi nó là dòng chảy năng lượng của vũ trụ hoặc là ý chí vũ trụ. Gọi theo cách nào thì gọi nhưng tóm lại nó là một điều bí ẩn đối với năng lực nhận thức có hạn của con người.
Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta nên khẳng định về sự tồn tại của “một cái gì đó” vĩ đại. Nếu không khẳng định sự tồn tại thì không thể giải thích được quá trình hình thành, phát triển của vũ trụ hay cấu tạo tinh xảo của sự sống.
Loài người chúng ta chẳng qua chỉ là đang mượn sức sống từ sự tồn tại vĩ đại ấy. Nói cách khác, qua bàn tay của đấng tạo hóa - năng lượng sống hiện hữu khắp mọi nơi trong vũ trụ và không ngừng thổi sự sống vào vạn vật. Năng lượng này chính là sức mạnh và tình thương yêu mong muốn đưa vạn vật đi theo hướng tốt.
Khoảng 30 năm trước, khi Kyocera lần đầu tiên thành công trong việc tổng hợp đá quý nhân tạo, tôi đã từng cảm nhận được ý chí vũ trụ như vậy. Loại đá quý nhân tạo mà chúng tôi tổng hợp có kết cấu hoàn toàn giống với đá quý tự nhiên, được chế tạo bằng phương pháp làm nguội dần các oxyd kim loại có thành phần giống đá quý tự nhiên từ nhiệt độ cao. Quá trình làm nguội các thành phần đã tan chảy hoàn toàn, tức là cấy những tinh thể đá quý tự nhiên vào làm “nhân”, khiến chúng tái kết tinh giống như là nuôi cấy chúng vậy. Tuy nhiên, chọn được thời điểm thích hợp để cấy “nhân” là khó nhất; nếu cấy quá sớm tinh thể sẽ tan chảy do nhiệt độ cao; nếu cấy quá muộn thì không đưa “nhân” được.
Suốt 7 năm vừa làm vừa mày mò, tìm hiểu, cuối cùng tôi đã thành công. Khi quan sát trạng thái hình thành đá quý nhân tạo từ những tinh thể đá quý tự nhiên được cấy vào thời điểm thích hợp chẳng khác nào như nhìn thấy sự sống trưởng thành, khiến tôi nghĩ rằng có một sức mạnh nào đó đã tác động vào chúng. Tôi có thể cảm nhận thấy chắc chắn đang tồn tại “một cái gì đó” mà mắt thường không thể nhìn thấy. Đó là ý thức, tư tưởng, lòng thương yêu, sức mạnh, năng lượng… mạnh mẽ và âm thầm đang hướng vạn vật đến chiều hướng tốt giống như tôi đã thấy vật chất trưởng thành chẳng khác nào thực thể sống qua ví dụ nói trên.
Ý chí phổ quát trong không gian vô hạn trở thành cội nguồn phát sinh sự sống, là gốc rễ và cũng là động lực của vạn vật.
Ý chí vũ trụ, something grade, bàn tay vô hình của đấng sáng tạo … gọi thế nào cũng được, tôi chỉ nghĩ rằng chúng ta hãy tin vào sự tồn tại của trí và lực bí ẩn, không thể đo được bằng thước đo khoa học hiện nay. Bởi vì nó không chỉ quyết định cho sự thành bại của cuộc đời mà nó còn giúp xóa bỏ những cái xấu, sự ngạo mạn trong con người và mang lại đức, thiện - sự khiêm tốn.
Vì sao tôi quyết chí quy y cửa Phật?
Đấng tạo hóa chờ đợi điều gì khi sinh ra chúng ta trong thế gian này? Vì sao đấng tạo hóa lại định sẵn việc ban cho chúng ta sự sống để loài người không ngừng trưởng thành và phát triển? Nói cách khác, chúng ta phải sống ra sao để có thể đáp ứng định hướng lớn lao đó của vũ trụ? Điều tự vấn này có thể là một câu hỏi lớn mà tri thức con người chưa chạm tới được. Tôi cho rằng không có câu trả lời nào khác ngoài việc nâng cao tâm hồn con người lên tận thiện, tận mỹ.
Tôi đã đề cập nhiều lần về điều này, đó là khi từ giã cõi đời, chúng ta hãy trở nên thiện hảo hơn dù chỉ một chút so với lúc sinh ra. Cuộc sống ngắn ngủi khuyến khích con người nghĩ điều thiện, làm việc thiện, không ngừng hoàn thiện nhân cách và nhờ vậy ít nhiều cũng có thể nâng cao tâm hồn vào thời điểm từ giã cuộc đời. Đó chính là mục đích mà đấng tạo hóa mong muốn khi ban sự sống cho chúng ta.
Đứng trước mục đích lớn lao đó, tài sản, địa vị, danh dự mà chúng ta đã tạo dựng trong cuộc sống này hoàn toàn nhỏ bé. Cho dù con người có địa vị cao đến đâu, sự nghiệp thành công đến thế nào, của cải có nhiều đến mức cả mấy cuộc đời cũng không sử dụng hết, tất cả cũng chỉ là những thứ bỏ đi so với tầm quan trọng của việc mài giũa nhân cách và nâng cao tâm hồn.
Mục đích cuối cùng mà cuộc sống mỗi người nhắm tới là như vậy. Cuộc đời được ban tặng cho mỗi người chính là nơi để tu luyện.
Tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, việc tinh tiến trong cuộc sống hàng ngày là hết sức quan trọng để mài giũa nhân cách và nâng cao tâm hồn. Việc lưu tâm và làm theo sáu phép sửa mình sẽ giúp chúng ta theo đuổi mục tiêu ấy. Mặc dù còn mơ hồ nhưng tôi đã dần dần cảm nhận điều này thông qua các biến cố của cuộc sống. Như tôi đã nói từ trước, khi đến tuổi sáu lăm tôi có dịp tìm hiểu lại cuộc đời mình với mong muốn có được đức tin thực sự, tôi đã xuống tóc đi tu.
Và cũng đã từ lâu, tôi có ý định đến năm sáu mươi tuổi, sẽ từ bỏ mọi việc đang làm để hiến bản thân cho giáo lý của Đức Phật. Nhưng, tuổi sáu mươi lại đúng vào lúc tôi bắt đầu gây dựng quy trình điện thoại di động không thể giao phó cho người khác. Đến năm sáu mươi lăm tuổi, tôi nghĩ không thể trì hoãn việc quy y cửa Phật lâu hơn nữa, tôi đã rút lui khỏi chức chủ tịch Kyocera và KDDI, vào chùa đi tu.
Trước đây tôi đã từng nghĩ sẽ chia cuộc đời mình thành ba giai đoạn. Cứ coi như sẽ sống được tám mươi năm trên cõi đời này thì hai mươi năm kể từ lúc chào đời cho đến khi tự đứng vững trên đôi chân của mình được coi là giai đoạn đầu tiên. Bốn mươi năm tiếp theo, từ 20 tuổi đến năm 60 tuổi là giai đoạn thứ hai - đây là quãng thời gian dấn thân vào xã hội, không ngừng nỗ lực vừa học hỏi vừa làm việc, vì mọi người vì xã hội.
Còn giai đoạn thứ ba là khoảng thời gian 20 năm kể từ năm 60 tuổi. Đây là quãng thời gian dành để chuẩn bị cho chuyến đi vào thế giới tâm linh. Tôi nghĩ nếu như cần thời gian 20 năm để dấn thân vào xã hội thì cũng cần từng ấy thời gian để chuẩn bị cho việc tiếp đón cái chết.
Cái chết sẽ khiến thân xác tan biến nhưng linh hồn chúng ta vẫn tồn tại. Tôi tin vào điều này nên đối với tôi cái chết trong kiếp này chẳng qua là việc bắt đầu của hành trình mới của linh hồn. Chính vì thế, để chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến đi, 20 năm cuối cùng tôi xem là cơ hội để tìm hiểu lại “Cuộc đời là gì?” và chuẩn bị cho cái chết. Nghĩ như thế nên tôi đã quyết tâm thụ giới.
Không ngừng tinh tiến mới là điều đáng quý
Đối với tôi, việc xuống tóc và tu hành sau đó là hoàn toàn nghiêm túc và là một trải nghiệm sâu sắc. Thông qua việc đi hành khất nhận bố thí, tôi có thể tiếp xúc sâu hơn với lời dạy từ bi của Đức Phật. Sau khi xuất gia, nếu như tôi đã thấy một thế giới mới thì cũng có cả suy nghĩ: “Trước kia mình đã nỗ lực thế nào thì nay cũng vẫn tiếp tục nỗ lực như thế”. Tôi được biết một câu trong Thiền: “Trước khi Ngộ đã bổ củi, gánh nước. Sau khi Ngộ cũng vẫn bổ củi, gánh nước”. Ngay cả sau khi đã quy y cửa Phật, tôi vẫn ở trong cuộc sống thấm đẫm bụi bặm thế gian. Tuy nhiên, tôi cảm nhận được rằng bên trong con người tôi có một cái gì đó thay đổi.
Ví dụ, nhờ tu hành tôi mới có cơ hội nhận thấy sự chưa chín muồi của tâm hồn mình. Vậy mà, với vai trò người đứng đầu công ty, tôi đã từng chỉ đạo cấp dưới huấn thị họ những lời to tát, viết thành sách, thuyết giảng những điều cứ như mình đã hiểu thấu đáo. Nhưng tôi đã được chỉ cho thấy những điều chưa ổn, chưa thấu suốt lẩn khuất trong con người mình như thế nào và tôi đã tỉnh ngộ.
Tôi cũng đã có dịp khắc sâu trong tâm hình ảnh những con người vô danh nhưng thực sự tuyệt vời. Đó là những tâm hồn cao cả thực sự. Những người như thế thật cao quý làm sao. Họ có một trí tuệ sâu sắc, giàu lòng cảm thông sâu sắc hơn vô số những người đạt được thành công, có tài sản và danh tiếng.
Còn một điều nữa, đó là dù có cố gắng tu hành bao nhiêu thì những phàm phu tục tử chúng ta xem ra không thể đạt tới cảnh giới của Ngộ. Việc những kẻ tầm thường đạt tới cảnh giới của Ngộ là điều không tưởng. Tôi đã cảm nhận sâu sắc điều này.
Trong lễ xuống tóc, sư thầy hỏi liệu tôi có chắc chắn tuân thủ giới luật không. Tôi đã trả lời là tuân thủ và được chấp nhận cho thụ giới. Tôi đã trì giới và được nhận vào làm lễ quy y. Tuy vậy tôi nghĩ rằng mình khó có thể hoàn toàn tuân thủ.
Cho dù đã có nỗ lực trì giới, cho dù luôn tinh tiến, cho dù có ngồi thiền hàng vài trăm giờ đi chăng nữa thì cuối cùng tôi cũng không đạt tới cảnh giới của Ngộ. Những người mà ý chí mềm yếu và không thể rũ bỏ hoàn toàn nỗi phiền muộn như tôi thì có nỗ lực làm việc thiện để mài giũa tâm hồn bao nhiêu đi nữa cũng không thể hoàn toàn loại trừ tư dục, không thể lúc nào cũng có lòng vị tha. Cho dù có nỗ lực trì giới như thế nào đi nữa thì cũng không thể tránh khỏi có lúc phá giới. Con người, trong đó có tôi, là một tồn tại không hoàn hảo.
Tuy nhiên, tôi cũng hiểu rõ rằng, việc cố gắng nỗ lực để đạt tới cảnh giới của Ngộ tự bản thân nó cũng là điều đáng quý cho dù cuối cùng không thành công.
Trong thực tế cuộc sống cho dù không thể tuân thủ hoàn toàn giới luật nhưng điều quan trọng là tâm ý tuân thủ, tâm ý tự tỉnh ngộ, tự răn đe bản thân một cách nghiêm túc về khả năng đã không thể giữ đúng giới luật. Chính việc suy nghĩ được như vậy mới là điều quan trọng và việc ngày ngày sống với tâm thế đó cho dù không đạt tới cảnh giới của Ngộ thì cũng giúp việc mài giũa tâm trí. Tôi tin vào điều này sau khi xuống tóc đi tu.
Thần, Phật hay ý chí của vũ trụ luôn ưu ái những người đang nỗ lực để vươn lên. Hãy tự xem xét lại những khiếm khuyết trong khả năng của mình: Làm chưa được và lại tiếp tục nỗ lực không ngừng. Thần, Phật sẽ giúp những người như thế.
Liệu tâm trí có thể được mài giũa nếu chỉ bằng nỗ lực không ngừng nghỉ? Tôi cho rằng “được”. Nói cách khác, chính ý chí muốn mài giũa nhân cách, nâng cao tâm hồn và quá trình thực hiện việc đó mới đáng quý. Bởi vì đó là hành vi phù hợp với trí tuệ và lòng từ bi của Đức Phật, phù hợp với ý chí vũ trụ.
Tôi nghĩ rằng tâm linh con người có cấu trúc đa tầng hình thành bởi các vòng tròn đồng tâm. Tức là nó có cấu tạo nhiều lớp theo thứ tự từ ngoài vào trong như sau:
1. Lý tính - tri thức lý luận bẩm sinh.
2. Tính cách - sự chi phối của các giác quan và cảm xúc…
3. Bản năng - động lực duy trì thể trạng
4. Linh hồn - nghiệp và kinh nghiệm đã tập hợp được ở kiếp này
5. “Chân ngã” - tạo thành “lõi” của thực thể, được định hướng theo hướng chân - thiện - mỹ.
Ở kiếp này khi chúng ta chào đời thì đã có sẵn ba lớp: Chính giữa là “chân ngã”, bao quanh “chân ngã” là “linh hồn” và bên ngoài “linh hồn” là bản năng.
Theo thời gian con người hình thành tính cách bao phủ bản năng và chuẩn bị hình thành lý tính. Điều này có nghĩa là trong quá trình sinh ra và trưởng thành, con người dần dần tạo thành nhiều lớp bao bọc lấy lõi “chân ngã”. Ngược lại, khi con người lớn tuổi già đi thì các lớp ngoài “bong” dần ra. Giả dụ quá trình mất trí nhớ thì đầu tiên là lớp lý tính bị suy yếu - con người bị suy yếu về tư duy, tri thức và lý luận dẫn đến làm lộ ra lớp tính cách, lớp tính cách này sẽ làm cho người già có hành động giống như trẻ em. Theo thời gian, mọi tính cách cũng bị mài mòn đi và lớp bản năng hiện ra. Cuối cùng lớp bản năng “sức sống” cũng mất dần và khiến con người tiến dần đến cái chết.
Ở đây có hai lớp quan trọng nhất là “chân ngã” và “linh hồn”. Chúng khác nhau như thế nào? “Chân ngã” là phần cốt lõi theo đúng nghĩa đen, là phần thực thể đồng nhất với vũ trụ “chân như”. Theo cách nói của Phật giáo thì khi chạm đến chân ngã là mở ra con mắt “trí huệ, mở ra cảnh giới của Ngộ, con người có thể thấu suốt mọi chân lý của vũ trụ. Cũng có thể coi đây là biểu hiện ý chí vũ trụ. Theo Phật giáo thì Phật tính có trong tất cả mọi vật: “núi, sông, cây cỏ, tất cả đều mang Phật tính” và “chân ngã” chính là Phật tính đó. “Chân ngã” cũng có nghĩa là bản chất của mọi sự vật, là chân lý của đời sống. “Chân ngã” hiện hữu trong tâm hồn con người.
“Chân ngã” là Phật tính nên tràn đầy tình thương yêu, trung thực, hài hòa hay nói cách khác nó bao gồm cả chân - thiện - mỹ. Con người là một thực thể luôn khao khát “chân - thiện - mỹ” bởi vì nằm chính giữa tâm hồn là “chân ngã” vốn đã hàm chứa “chân - thiện - mỹ”.
Từ hoạn nạn, khó khăn có thể chuyển đổi Nghiệp
Linh hồn bao phủ “chân ngã”. Tất cả những tư tưởng và hành động, hay ý thức và trải nghiệm đều được tích lũy trong linh hồn. Kể cả mọi tư niệm, hành vi của bản thân ta ở kiếp này cũng được gắn kết vào đó.
Nói cách khác, linh hồn tạo nên Nghiệp, hàm chứa và tích lũy mọi thiện ý và ác ý, hành vi thiện và hành vi ác trong suốt quá trình luân hồi. Bởi vậy, nếu như “chân ngã” ở muôn người đều như nhau thì linh hồn ở mỗi người mỗi khác.
Tôi vẫn nhớ khi còn nhỏ bị mẹ mắng là “linh hồn con xấu xa”. Câu nói như thế ở vùng Kagoshima quê tôi ám chỉ những người căn tính không tốt, tính cách không chân thực. Mặc dù còn nhỏ nhưng trong linh hồn tôi đã hàm chứa một Nghiệp xấu nào đó, nó làm lệch lạc một phần tính cách của tôi. Có lẽ mẹ tôi đã nhìn thấy điều đó.
Vậy Nghiệp gắn kết trong linh hồn là cái gì? Người đã chỉ dạy sâu sắc điều này cho tôi là lão sư Nishikata Tansetsu - trưởng môn phái Lâm Tế tại Tôn Tâm Tự - cũng là người đã giúp tôi xuống tóc đi tu.
Câu chuyện gần hai mươi năm về trước. Lúc đó Kyocera đã sản xuất và kinh doanh khớp gối nhân tạo bằng gốm công nghệ cao khi chưa nhận được giấy phép của Bộ Y tế, do đó đã phải hứng chịu cơn bão chỉ trích từ các phương tiện truyền thông.
Việc này xảy ra do trước đó chúng tôi đã thành công trong việc nghiên cứu và sản xuất khớp háng nhân tạo - sản phẩm được Bộ Y tế cho phép và cũng chiều theo mong muốn mạnh mẽ của bác sỹ và nhu cầu của bệnh nhân đối với khớp gối nhân tạo cộng với sự bất cẩn của bản thân tôi. Trong suốt thời gian bị phê phán tôi đã im lặng không biện hộ trước mọi ý kiến chê trách.
Tôi đến thăm lão sư Nishikata Tansetsu và bộc bạch nỗi khổ tâm của tôi khi bị báo chí dựng chuyện lên án ra sao. Hình như lão sư đã đọc báo nên có biết về vấn đề này. Tôi cũng mong những lời an ủi ấm áp từ lão sư nhưng lão sư lại nói với tôi: “Cậu khổ sở quá phải không? Chẳng có cách nào khác. Trong cuộc sống thì đương nhiên cũng có lúc phải khổ tâm”. Rồi lão sư nói tiếp: “Khi gặp hoạn nạn, khó khăn thì phải vui lên chứ đừng thất vọng. Chính nhờ hoạn nạn mà cái Nghiệp gắn trong linh hồn từ trước cho tới bây giờ sẽ được chuyển đổi. Nhờ gặp hoạn nạn như vậy mà Nghiệp biến mất. Lẽ ra cậu phải nên ăn mừng chứ.” Chỉ một lời nói đó thôi mà tôi thấy như mình đã được cứu giúp. Tôi có thể tiếp nhận không biện hộ những lời phê phán từ thế gian giống như chấp nhận thử thách mà Trời đã dành cho tôi. Thật sự là lão sư đã cho tôi lời khuyên tuyệt vời nhất, có ý nghĩa hơn mọi lời an ủi khác. Tôi đã học được ý nghĩa của cuộc sống con người và học được cả chân lý vĩ đại ẩn sâu trong các biến cố.
Gọt giũa tâm hồn bằng trí tuệ và lương tâm hơn là muốn đạt tới cảnh giới ngộ
Nói đến linh hồn thì có lẽ không ít người phản đối. Nhưng chúng ta vẫn thường được nghe những câu chuyện kể về sự tồn tại của linh hồn hoặc chính bản thân chúng ta đã từng trải nghiệm. Điều được gọi là “trải nghiệm chết lâm sàng” có lẽ là một trong số đó. Đó là câu chuyện về những người “đã một lần chết” vì tai nạn hay bệnh tật nhưng đã sống lại sau khi cảm thấy cơ thể nhẹ bỗng bay lên trần nhà và từ trên cao nhìn thấy các bác sỹ đang loay hoay với xác chết là mình. Hoặc nhìn thấy một thế giới kỳ bí xuất hiện trước mắt. Trong số người quen của tôi cũng có người đã từng chết lâm sàng.
Người đó ngã xuống vào lúc nửa đêm do bệnh tim phát tác và được đưa vào bệnh viện. Mặc dù tim đã ngừng đập nhưng nhờ sự cứu chữa tận tâm của các bác sỹ nên đã sống lại. Nghe nói là trong lúc được các bác sỹ cứu chữa, người đó thấy mình đi dạo trên một cánh đồng hoa ở một nơi nào đó. Và không hiểu sao anh ta lại thấy tôi lại xuất hiện đi ngược chiều với anh ta. Nhìn thấy người đó tôi hỏi “Anh đang làm gì thế?”. Trong khoảnh khắc đó, đột nhiên anh ta nhận ra tôi và sống lại trên giường bệnh.
Sau khi được nghe trải nghiệm như vậy từ người bạn, tôi có dịp suy nghĩ: “Thân xác và linh hồn là hai thứ tách biệt”. Người đó kể rằng phong cảnh mà anh ta nhìn thấy ở ranh giới của sự sống và cái chết thật sự là một thế giới có thật. Mặc dù thân xác đã chết vậy mà anh ta vẫn nhớ mình đang ở trong “một thế giới khác”, và cảm nhận được phong cảnh của nó. Qua câu chuyện tôi hiểu là sau khi lìa khỏi thân xác, linh hồn tồn tại ở một chỗ khác. Linh hồn sẽ luân hồi chuyển kiếp. Khi chúng ta sinh ra trên cõi đời này đã mang theo “Nghiệp” được tạo thành từ kiếp trước và chúng ta chồng tiếp lên đó Nghiệp của kiếp này rồi đến dần với cái chết.
Linh hồn ẩn giấu “Chân ngã” gắn liền với Phật tính vô cùng đẹp đẽ và trong sáng. Nếu “Chân ngã” đó được hiển lộ thì con người sẽ có một trái tim đẹp, những suy nghĩ thiện và chỉ làm việc thiện. Nhưng linh hồn chúng ta hàm chứa Nghiệp và bản năng đầy dục vọng đã bao phủ, tạo nên bức tường ngăn cản “Chân ngã” hiển lộ. Có thể nói việc tập thiền, cũng không ngoài mục đích là mài giũa con người. Đó là quá trình mài từ ngoài vào trong giống như quá trình mài ống kính. Trước tiên là mài đi lớp lý tính ngoài cùng, chạm đến lớp tính cách, tiếp tục mài bỏ lớp tính cách đó, chạm đến lớp bản năng, lại mài bỏ lớp bản năng đó đi cho đến cuối cùng “Chân ngã” hiển lộ. Việc tu hành cũng là việc mài giũa để chạm tới “Chân ngã”. Tức là đạt tới Ngộ.
Nếu chạm được tới “Chân ngã” thì chắc chắn chúng ta sẽ hiểu được mọi chân lý và có được trí huệ của Phật. Người đạt tới cảnh giới đó sẽ không còn bị bản năng hay dục vọng chi phối và sẽ sống cuộc đời “vì loài người, vì thế gian”.
Tuy nhiên, như tôi đã nói từ trước, con người tầm thường không thể đạt tới cảnh giới Ngộ. Đối với phàm phu tục tử, việc mài giũa nhân cách để hiển lộ “Chân ngã” là việc hầu như không thể.
Vậy phải làm thế nào? Tôi cho rằng điều quan trọng là dùng trí tuệ và lương tâm để kiềm chế dục vọng, bản năng và nỗ lực làm chủ con người mình.
Tuân theo trí tuệ và lương tâm phát sinh từ “Chân ngã”, con người sẽ thâu nạp được các quan niệm đạo đức, luân lý và tạo thiện nghiệp. Nói cách khác, con người sẽ khắc sâu trong tim cách nghĩ “vì loài người vì thế gian”, cách sống “Biết đủ”, không để dục vọng thao túng.
Việc kiềm chế dục vọng và bản năng bằng lương tâm và trí tuệ như vậy cộng với việc ngày ngày tích lũy “Kinh nghiệm thiện” sẽ dẫn tới việc mài giũa nhân cách và làm cho bản thân mình tiến gần hơn tới cảnh giới Ngộ. Làm được như vậy, con người sẽ chuyển Nghiệp, tạo Nghiệp thiện, trừ Nghiệp ác không chỉ trong kiếp này mà còn được kế thừa tới tận kiếp sau nữa.
Sự vật dù nhỏ đến đâu cũng có một vai trò
Bản chất của con người là gì? Vì lẽ gì, chúng ta được sinh ra trên thế gian này?
Đây có lẽ là chủ đề mà chừng nào con người còn sống thì sẽ còn tiếp tục tìm hiểu. Liên quan đến chủ đề này, ông Izutsu Toshihiko, nhà nghiên cứu về Hồi giáo và triết học phương Đông đã đưa ra ý kiến như sau: Khi nhắm mắt tĩnh lặng suy tư để làm sáng tỏ bản chất của con người thì chúng ta đến trạng thái cảm nhận được một thực thể trong suốt không giới hạn. Đồng thời cũng cảm nhận được sự tồn tại của bản thân mình rõ ràng. Khi toàn bộ giác quan đều biến mất thì cuối cùng chúng ta ở trong trạng thái ý thức chỉ là đang “tồn tại”. Và có thể cảm nhận rằng vạn vật đều được hình thành từ một thứ gọi là tồn tại. Trạng thái ý thức này đã chỉ ra bản chất của đời sống.
Trước ý kiến của ông Izutsu thì nhà tâm lý học Kawai Hayao nguyên Bộ trưởng Bộ văn hóa đã nói một cách hài hước: Tự nhiên tôi muốn tâm sự với một bông hoa: “Thứ tồn tại gọi là bạn đang trong vai một bông hoa phải không? Còn thứ tồn tại gọi là tôi đang đóng vai Kawai. Thông thường khi nhìn thấy bông hoa, người ta nói bông hoa tồn tại còn giờ đây, khi nhìn bông hoa người ta cũng có thể nói tồn tại là hoa.”
Nói cách khác, nếu lấy đi những thuộc tính như thể xác và tinh thần, ý thức và tri giác thì tất cả chỉ còn lại một thứ là “tồn tại”. Sự sống mà trước hết là con người - lấy cái tồn tại đó làm “nhân” - để hình thành và mọi sự sống đều có “nhân” giống nhau. Từ “nhân” đó tồn tại mang hình dáng bông hoa, hoặc mang hình dáng con người.
Vì vậy tôi - người mang tên Inamori Kazuo không phải ngay từ đầu đã tồn tại, chẳng qua là tồn tại lấy hình dáng con người là tôi mà thôi. Ngay cả việc lập ra công ty Kyocera hay KDDI cũng không nhất thiết phải là tôi, chẳng qua chỉ là việc tôi đang diễn vai trò mà Trời cho tôi.
Hết thảy chúng ta đều được ông Trời ban cho một vai trò nào đó và mỗi người chỉ diễn đúng một vai do Trời sắp đặt. Với ý nghĩa đó có thể nói rằng tất cả chúng ta cũng đều có chia sẻ một điểm là sức nặng của tồn tại. Như những gì tôi đã đề cập trong Chương 2, từ tất cả mọi sinh vật cho đến một nhánh cây ngọn cỏ hay cục đá ven đường, vạn vật đều được đấng sáng tạo ban cho một vai trò và tồn tại tuân theo ý chí của vũ trụ.
Trong vũ trụ có quy luật bảo toàn năng lượng. Có nghĩa là tổng các nguồn năng lượng tạo nên vũ trụ vẫn không đổi cho dù vạn vật biến đổi. Ví dụ, đốn cây làm củi cho vào đống lửa đang cháy thì nguồn năng lượng vốn có trong cây được đổi thành nhiệt lượng còn tổng số nguồn năng lượng không thay đổi.
Nếu vậy, ngay cả là một hòn đá cũng là một tồn tại cần thiết để hình thành vũ trụ và dù là một vật nhỏ đến mấy nhưng nếu mất đi thì vũ trụ cũng không thể hình thành được.
Hãy hướng tới “cách sống” đúng với đạo làm người. Tương lai tươi sáng nằm trong tay bạn
Vạn vật tồn tại trong vũ trụ đều là một thành phần của sự sống mang tên vũ trụ dứt khoát không phải là vạn vật được sinh ra một cách ngẫu nhiên. Vạn vật tồn tại vì chúng cần thiết cho toàn thể vũ trụ. Trong vạn vật, con người được sinh ra mang theo một sức mạnh lớn lao hơn tất cả. Trong con người đã được chuẩn bị sẵn trí tuệ và ý chí, hơn nữa còn có trái tim và linh hồn tràn đầy tình yêu, lòng vị tha để được sinh ra trên thế gian này. Đúng là con người được ban cho vai trò thật quan trọng là “chúa tể” của vạn vật.
Chúng ta phải nhận thức được vai trò đó và có nghĩa vụ nỗ lực mài giũa nhân cách trong cuộc đời để có tâm hồn đẹp hơn dù chỉ một chút so với lúc chào đời. Chúng ta phải luôn tinh tiến. Tôi nghĩ đó cũng là câu trả lời cho câu hỏi “Con người sống để làm gì?”.
Hăng say làm việc. Luôn mang lòng biết ơn. Nỗ lực nghĩ điều thiện, làm việc thiện. Luôn tự sửa mình bằng những phản biện trung thực. Hằng ngày mài giũa nhân cách, nâng cao tâm hồn. Chỉ có như vậy cuộc sống mới thực sự có ý nghĩa. Tôi cho rằng không có cách nào khác ngoài cách sống này.
Trong một xã hội hỗn tạp, mọi người như thể dò dẫm tìm đường đi trong bóng tối. Mặc dù vậy tôi vẫn phải vẽ ra một tương lai tươi sáng, tràn ngập ước mơ và hi vọng. Từ đáy lòng, tôi mong muốn một xã hội tuyệt vời - ở đó mọi người sống hạnh phúc, gặt hái nhiều trái ngọt thành công - sẽ đến. Và tôi nghĩ rằng điều đó nhất định sẽ trở thành hiện thực.
Bởi vì, nếu sống đúng với cách sống như đã đề cập trong cuốn sách này thì dù là một cá nhân hay một gia đình, công ty hay quốc gia, nhất định cuộc đời sẽ đưa chúng ta tới một hướng tốt, mang lại những thành quả tuyệt vời.
Trước hết, với bản thân chúng ta, dù chỉ có ít người trong số nhiều người làm theo cách sống đó thì cũng sẽ hiểu được sứ mệnh cao cả mà con người được giao phó, sẽ thực hiện đến cùng những gì đúng với đạo làm người.
Tôi tin rằng bình minh rạng rỡ đang chờ đón chúng ta phía trước.