CÁC CƠ QUAN THAM GIA THẢI ĐỘC
Bảy cơ quan này phối hợp với nhau để đào thải và thanh lọc độc tố/chất thải
THẢI ĐỘC LÀ GÌ?
VỀ CHẤT ĐỘC VÀ ĐỘC TỐ
Cha đẻ ngành độc chất học (toxicology) người Thụy Sỹ, Theophrastus von Hohenheim từ thế kỷ 16 đã cho rằng chẳng có gì là tuyệt đối không độc hại, tùy thuộc vào liều lượng, chất nào cũng có thể độc. Điều này được rút gọn thành phương châm của môn độc chất học: “Liều lượng làm nên chất độc” (tiếng Latin Sola dosis facit venenum).
Như vậy, có vô số cách xác định thế nào là chất độc và phân loại chúng. Theo quan niệm chung nhất, độc tố được coi là bất cứ thứ gì can thiệp vào quá trình sinh lý bình thường của con người và tác động tiêu cực đến chức năng cơ thể. Dựa vào nguồn gốc, độc tố có thể được phân thành các nhóm chính sau đây:
Độc tố từ môi trường bên ngoài cơ thể. Ví dụ rõ nhất là ô nhiễm không khí và nước, khói thuốc lá, rượu, thuốc, hóa chất trong thực phẩm chế biến, thuốc trừ sâu, bình xịt và chất tẩy rửa, nguyên vật liệu nha khoa… hay ít gặp hơn như các loại nọc khi bị động vật, côn trùng cắn. Lượng nhỏ các chất này được coi là an toàn, nhưng khi tích lũy trong cơ thể, chúng lại trở nên độc hại.
Một nhóm khác cũng đến từ môi trường là sóng điện từ hay bức xạ điện từ phát ra từ lò vi sóng, điện thoại di động, máy tính, Internet không dây, màn hình TV, dòng điện, sét, rò rỉ phóng xạ,v.v.. Không thành “chất” theo nghĩa thông thường, nhưng chúng có thể độc hại, nhất là ở liều cao.
Độc tố sinh ra trong cơ thể do dư lượng thực phẩm chưa tiêu hóa, kết quả của chế độ ăn quá đà hoặc tiêu hóa kém, tạo ra tắc nghẽn và làm suy yếu lưu thông các hệ thống. Bị ứ đọng lâu, chúng lên men và tạo ra môi trường axit cho các gốc tự do phát triển, gây ra phản ứng viêm và nhiều loại bệnh tật.
Một số sản phẩm sinh ra trong hoạt động bình thường của cơ thể như amoniac, axit uric, axit lactic hay homocysteine cũng được coi là cặn bã, khi không được đào thải tích cực và bị tích tụ ở liều lượng cao, nhiều khi vì các cơ quan thải độc gặp trục trặc, rất dễ sinh bệnh. Chẳng hạn, nguyên nhân của bệnh gút là bởi axit uric lắng đọng lâu ngày trong khớp.
Một nhóm độc tố lớn là do các vi khuẩn có hại và nấm Candida sinh ra trong cơ thể. Nội độc tố (tiếng Anh là endotoxin, nay được dùng đồng nghĩa với lipopolysaccharide) là các chất độc của màng ngoài tế bào vi khuẩn, được giải phóng khi vi khuẩn bị phá hủy hoặc trong quá trình chúng trao đổi chất. Ngoại độc tố, hay exotoxin được vi khuẩn tiết ra, gây hại cho vật chủ bằng cách phá hủy tế bào hoặc phá vỡ quá trình chuyển hóa tế bào bình thường. Đây là những chất độc rất mạnh và có thể gây hại nghiêm trọng cho vật chủ, ảnh hưởng cục bộ hoặc gây hiệu ứng xấu cho toàn hệ thống.
Độc tố cảm xúc phát sinh do các cảm xúc tiêu cực như căng thẳng, sợ hãi hoặc chấn thương tình cảm có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh và nội tiết tố, từ đó làm suy yếu khả năng thải độc của cơ thể.
CƠ THỂ NHIỄM ĐỘC VÀ THẢI ĐỘC THẾ NÀO?
Ta thường cho rằng hóa chất độc hại xâm nhập vào cơ thể qua miệng cùng thức ăn đồ uống. Nhưng thực ra, tiếp xúc qua da và hít thở mới là con đường chính mà hóa chất, nhất là các chất tẩy rửa, được hấp thu vào từ những vật dụng hằng ngày. 60% những thứ chạm vào làn da đều ít nhiều có ngấm vào người và phần lớn hóa chất mất chưa đầy 1 phút để hòa vào hệ tuần hoàn.
Chất độc ngoại xâm cùng với độc tố nội sinh (như hormone dư thừa, gốc tự do, vi khuẩn và nấm mốc) qua hệ tuần hoàn đi khắp cơ thể, tới tất cả các tế bào, cũng như hòa vào dịch ngoại bào rồi xâm nhập vào tế bào, huyết tương và hệ bạch huyết.
Cơ thể con người vốn được thiết kế để tự thải độc rất tài tình qua năm cơ quan chính là gan, ruột, thận, phổi và da – trong đó gan, ruột và thận xử lý phần lớn chất độc – thông qua hai kênh giao thông thiết yếu là hệ tuần hoàn và hệ bạch huyết. Khi các cơ quan và hệ thống thải độc hoạt động không thông suốt, hoặc chất độc được sinh ra quá nhiều so với khả năng xử lý của cơ thể, chúng tích tụ lại để rồi lâu dần sinh bệnh.
Hai dạng chất độc chính cơ thể phải đối phó là loại tan trong nước và loại tan trong chất béo. Các độc tố hòa tan trong nước được thải tương đối dễ dàng qua máu rồi bị loại ra ngoài qua nước tiểu, mồ hôi và phân. Vấn đề lớn nhất của loại độc tố này là chúng dễ quay ngược lại vào máu nếu ta bị tắc mồ hôi, bí tiểu hoặc táo bón.
Nhưng xử lý độc tố hòa tan trong chất béo phức tạp hơn nhiều. Để cơ thể thải được những thứ này – thường là kim loại nặng, thuốc trừ sâu, chất bảo quản, chất ô nhiễm, nhựa hay các hóa chất môi trường – chúng cần phải được chuyển đổi (chủ yếu tại gan) thành chất tan được trong nước để có thể thải được ra ngoài qua những đường vừa nói.
Quá trình thanh lọc độc tố
Khi hệ thống thải độc tại ruột và gan không loại hết được chất độc hòa tan trong chất béo, cơ thể "cất" chúng vào các tế bào mỡ để tránh cho ta khỏi bị tác hại do chúng gây ra. Cơ chế bảo vệ này sinh ra nhiều mỡ và trở thành một trong những nguyên nhân chính của bệnh béo phì. Trữ vào lớp mỡ dưới da còn đỡ, chất độc được cất trong mỡ nội tạng bao quanh tim, gan, tuyến tụy, thận, đường tiêu hóa không chỉ gây bụng phệ khó coi mà còn làm các cơ quan nội tạng dễ bị nhiễm độc và là thủ phạm gây ra các bệnh tiểu đường, gút, tim mạch, rối loạn chức năng trao đổi chất, ung thư, v.v.. Còn nguy hiểm hơn nữa nếu chất độc được lưu trữ vào các tế bào mỡ của não và hệ thần kinh. Chất béo vốn chiếm 60–80% thành phần não và bao bọc tất cả các dây thần kinh để cách nhiệt và cải thiện tín hiệu thần kinh. Bởi vậy độc tố tích tụ thường dẫn đến biểu hiện như lờ đờ, đau đầu, chán nản, hay cáu gắt, mất ngủ, tê chân tay.
KHI CƠ THỂ BÁO HIỆU QUÁ TẢI CHẤT ĐỘC
Chúng ta đều biết cơ thể sẽ bị quá tải độc tố khi ta thường xuyên uống rượu, hút thuốc lá, sinh hoạt không điều độ, lười vận động, ăn uống không vệ sinh, dùng nhiều thuốc Tây hoặc bị chất độc xâm nhập từ môi trường như khí thải, thuốc trừ sâu, chất diệt cỏ, phân bón, hương liệu, hóa chất sinh hoạt. Bạn nào có lối sinh hoạt phóng khoáng, nạp nhiều thực phẩm công nghiệp hoặc bị phơi nhiễm hóa chất, hẳn đều tự nhận thức rõ rằng mình cần phải thải độc.
Nhưng dù bạn có cố sống rất lành mạnh và tự bảo vệ khỏi tác động từ môi trường tới mức nào, nhiều khi cơ thể vẫn có lúc cần được hỗ trợ để thải độc tốt hơn. Khi đó nó có cách cầu cứu bạn. Sau đây là một số tín hiệu chung, dù chưa thật đầy đủ, để nhận biết rằng cơ thể cần được ứng cứu vì đang bị nhiều chất độc ứ đọng hoành hành:
Tăng cân. Bạn có thấy bị tăng cân dù đang kiểm soát chặt chẽ lượng calo và vẫn tập thể dục đều đặn? Có thể thủ phạm là chất độc trong người đang bị chứa quá nhiều. Rất nhiều độc tố, nhất là thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ bắt cơ thể sản sinh ra nhiều tế bào mỡ để cất giấu chúng. Thành thử hầu như không thể nào giảm cân cho đến khi đã loại bỏ được các độc tố.
Hay mệt mỏi. Bạn ngủ nhiều, nhưng luôn thấy mệt mỏi? Lượng độc tố dư thừa tạo ra nhiều căng thẳng và lâu ngày làm suy tuyến thượng thận, khiến bạn cảm thấy kiệt sức và buồn ngủ. Chưa kể một số chất kích thích như caffeine phá vỡ chức năng tuyến thượng thận một cách tiêu cực bằng cách buộc cơ thể phải tỉnh táo mà vật lộn để tống chúng ra ngoài.
Mất ngủ. Khi bạn thấy luôn tỉnh táo và căng thẳng là lúc cơ thể đã bị mất cân bằng về mức cortisol – loại hormone cơ thể giải phóng (nhất là vào buổi tối) để giảm căng thẳng. Bình thường nồng độ cortisol cao vào buổi sáng và giảm dần trong suốt cả ngày. Khi bị mất cân bằng, nồng độ cortisol vào buổi tối sẽ tăng cao làm mất ngủ, lâu dài sẽ gây vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tim.
Suy nghĩ sút kém, nhức đầu vô cớ. Chất độc ảnh hưởng trực tiếp đến não. Những chất tạo vị như bột ngọt, chất thay thế đường (aspartame) hay màu thực phẩm, chất bảo quản dùng phổ biến trong thực phẩm và kim loại nặng cũng dẫn đến đau đầu bởi chúng có khả năng diệt tế bào não và cản trở quá trình oxy hóa của não.
Tâm trạng thất thường, giảm ham muốn tình dục. Bạn bị thay đổi tâm trạng suốt cả ngày? Đó là dấu hiệu của mất cân bằng nội tiết tố. Các độc tố như phụ gia thực phẩm hay BPA (bisphenol-A) và PCB (polychlorinated biphenyls) thông dụng trong đồ nhựa gây tác động như estrogen ngoại lai, làm mất cân bằng nội tiết tố, ảnh hưởng xấu đến cả phụ nữ và đàn ông.
Mùi hôi cơ thể. Hôi miệng, khí và phân có mùi hôi, là dấu hiệu cho thấy gan và ruột già đang phải vật lộn để loại bỏ lượng chất độc quá nhiều. Tương tự, nếu bị đầy hơi trong thời gian dài, chẳng bao giờ cảm thấy đói thì hẳn là bạn cần giúp cơ thể loại bỏ độc tố, đặc biệt từ gan.
Vấn đề về tiêu hóa: táo bón, đầy bụng, trào ngược dạ dày. Cơ thể cần loại bỏ chất thải hằng ngày. Nếu bạn không thể đại tiện đều đặn mỗi ngày thì chất độc sẽ bị hấp thu ngược vào máu và tích tụ lại. Hãy uống nhiều nước, ăn nhiều chất xơ – và chủ động thải độc.
Đau mỏi cơ bắp. Độc tố dư thừa trong cơ thể cũng có thể kéo theo hiện tượng đau nhức xương khớp và đó là lúc bạn cần thải độc.
Phản ứng của da. Gan chịu trách nhiệm loại bỏ hầu hết các chất độc ra khỏi cơ thể. Khi bị quá tải chất độc, gan thải không xuể và các cơ quan khác cố gắng đẩy chất độc qua da. Da sẽ phản ứng tiêu cực với quá trình loại bỏ độc tố, dẫn đến mụn trứng cá, phát ban da, chàm, viêm da, mụn nhọt hay dị ứng. Làn da sáng, mịn và khỏe mạnh luôn là dấu hiệu của hệ thống thải độc hiệu quả.
TRÁNH VÀ THẢI ĐỘC THẾ NÀO?
Để chủ động hỗ trợ cho các cơ quan thải độc (ruột, gan, thận, phổi và da) đang phải vật lộn với hàng trăm chất độc hại trong cơ thể, ta cần lưu ý ở ba cấp độ: i) phòng tránh chất độc; ii) nuôi dưỡng cơ thể để tự thải độc tốt; và iii) chủ động thải độc.
CÁC CƠ QUAN THAM GIA THẢI ĐỘC
Bảy cơ quan này phối hợp với nhau để đào thải và thanh lọc độc tố/chất thải
Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tránh đưa chất độc vào cơ thể là điều vô cùng quan trọng và có vô số tài liệu cho chủ đề bao la này. Ngày càng có thêm nhiều chất độc mới được phát hiện. Nhiều đến mức nếu cố tránh hết các chất độc hại thì khéo phải ở tịt trong nhà, không động chân động tay và chịu chết đói chết khát mất. Vậy thì ngoài cố gắng nhận biết và phòng tránh những hóa chất, vật phẩm hay thực phẩm rõ ràng là độc hại, ta cần xét đến cấp độ thứ hai.
Đó là nuôi dưỡng cho các cơ quan thải độc được khỏe mạnh. Cùng với tránh tiếp xúc hóa chất độc hại, bạn hãy bảo hành làn da bằng các loại dầu tự nhiên như dầu dừa nguyên chất. Không chỉ ngăn ngừa độc tố xâm nhập qua hệ tiêu hóa và bài tiết, bạn hãy chọn chế độ dinh dưỡng lành mạnh và phù hợp với tình trạng sức khỏe, để nuôi dưỡng cơ thể khỏe mạnh cho nó tự thải độc hiệu quả – toàn bộ Phần 2 của cuốn sách này được dành cho chủ đề đó.
Phần 1 của cuốn sách đã đề cập đến cấp độ 3, là các phương pháp chủ động hỗ trợ các cơ quan thải độc chính, gồm đường tiêu hóa, gan và thận. Có rất nhiều phương pháp thải độc, cũng có nhiều cơ sở tiến hành các chương trình thải độc tinh vi và công phu, tất nhiên với giá cả tương ứng. Phần 1 của cuốn sách này đã đưa ra các hướng dẫn cụ thể để bạn có thể tự thực hiện thải độc tại nhà với những dụng cụ, nguyên vật liệu thông thường có thể mua tại hầu hết các khu chợ hay siêu thị.
GIỚI THIỆU VỀ ĐƯỜNG TIÊU HÓA
Hệ tiêu hóa bao gồm đường tiêu hóa (còn gọi là ống tiêu hóa) cộng với cơ quan phụ trợ tiêu hóa (gồm lưỡi, tuyến nước bọt, tụy, gan và túi mật). Đường tiêu hóa dài khoảng 9m ở người lớn, chia thành hai phân đoạn. Miệng, họng, thực quản và dạ dày là những cơ quan tạo nên ống tiêu hóa trên. Ống tiêu hóa dưới có ruột non, ruột già [gồm cả ruột thẳng (trực tràng) và hậu môn].
Đường tiêu hóa thực hiện bốn hoạt động chính: ăn uống, tiêu hóa, hấp thu và đào thải. Khi ta ăn, thực phẩm được phân hủy cơ học bằng việc nghiền (nhai) và phân hủy hóa học với trợ giúp của nhiều loại enzyme. Enzyme có trong dịch tiết ra từ nhiều tuyến khác nhau của hệ tiêu hóa như nước bọt, dịch dạ dày, dịch ruột, dịch tụy và mật.
Khi thức ăn đã được “tán nhỏ” cả về kích thước lẫn cấu trúc phân tử qua quá trình phân giải, còn gọi là dị hóa (catabolism), các hạt dinh dưỡng được hấp thu qua thành ruột vào máu và mạch bạch huyết để được đưa đến các tế bào của cơ thể, rồi lại được tổng hợp thành những chất xây dựng nên cơ thể chúng ta, quá trình này gọi là đồng hóa (anabolism).
Ruột loại bỏ bất kỳ thực phẩm nào không thể tiêu hóa hoặc hấp thu được (chẳng hạn các chất xơ thực vật) dưới dạng phân. Phân còn chứa mật, độc tố và các chất thải do sự phân hủy của hồng cầu. Mật chứa bilirubin có nguồn gốc từ tế bào hồng cầu đã chết, làm phân có màu nâu.
Trong hệ tiêu hóa khỏe mạnh, khoảng 1/3 chất thải được tạo thành từ vi khuẩn đường ruột đã chết. Phần còn lại là chất xơ khó tiêu và bong ra khỏi niêm mạc ruột. Bản thân đường tiêu hóa, cùng các cơ quan thải độc khác, tạo thành liên hợp xử lý chất thải công suất khổng lồ trong cơ thể. Cơ thể hoạt động được trơn tru và hiệu quả chỉ khi ruột loại bỏ được tất cả các chất thải tạo ra hằng ngày.
Nhưng nhiều khi cỗ máy đó bị quá tải và tắc nghẽn, cùng lúc gây ra hai điều tai hại: một là chất thải độc hại bị tích lại, ngấm ngược vào máu và đi khắp cơ thể; hai là những độc tố đó tấn công đường tiêu hóa cũng như các bộ phận khác. Tình trạng nhiễm độc kéo dài tạo ra vòng luẩn quẩn – cơ thể thì bị chứa chất ngày càng nhiều độc tố, trong khi đường tiêu hóa suy yếu dần làm khả năng thải độc của nó ngày càng giảm. Khi thấy hình ảnh các đoạn ruột của mình bị biến dạng hoặc kết quả nội soi báo có u nang, polyp trong dạ dày, ruột non, ruột già, bạn hãy hiểu rằng đường tiêu hóa đã phải vất vả đến đâu, đang bị đe dọa ra sao và cần được trợ giúp tới mức nào.
Thải độc hệ tiêu hóa không chỉ dừng ở đường tiêu hóa. Những cơ quan khác là gan và thận cũng rất cần được thải độc và đã được nói đến trong Chương 3, 4 và 5. Chương 1 hướng dẫn các phương pháp thải độc từ miệng, đến thực quản, dạ dày, ruột non và ruột già.
Các biện pháp thải độc chủ yếu nhằm vào một số mục đích:
– Thứ nhất, loại bỏ những cặn bã cũng như hóa chất độc hại lưu cữu mà cơ thể bạn không đủ sức thải ra ngoài.
– Thứ hai là tống tiễn những sinh vật có hại, gồm cả ký sinh trùng như giun sán hay vi khuẩn có hại như nấm Candida, hoặc các loại khuẩn có lợi nhưng đã yếu hoặc chết ra khỏi cơ thể.
– Thứ ba, tạo môi trường lành mạnh cho đường tiêu hóa trên bằng cách cân bằng độ pH cho đường tiêu hóa trên.
– Cuối cùng, thải độc làm thông thoáng ống tiêu hóa dưới, góp phần trả lại hình dạng tối ưu của các đoạn ruột cũng như khôi phục các chức năng của thành ruột, đặc biệt là niêm mạc ruột.
Một số bạn kiên trì thải độc đường tiêu hóa còn có được những sự hài lòng bất ngờ, khi các tổn thương như sưng, loét được chữa lành, hoặc kể cả u nang, u tuyến hay polyp cũng bị loại bỏ.
GIỚI THIỆU VỀ ĐƯỜNG HÔ HẤP
Hệ hô hấp của con người bao gồm đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Đường hô hấp trên có mũi, hầu, họng, xoang và thanh quản.
Chức năng chính của đường hô hấp trên là lấy không khí từ bên ngoài cơ thể, sưởi ấm và lọc không khí trước khi đưa vào phổi. Không khí được hít vào qua mũi hoặc miệng. Trong khoang mũi, một lớp màng nhầy hoạt động như một bộ lọc để ngăn các chất ô nhiễm và các chất có hại khác trong không khí.
Không khí di chuyển vào hầu họng qua một lối đi riêng tại giao điểm giữa thực quản và thanh quản. Việc đóng mở thanh quản được thực hiện thông qua nắp thanh quản. Nắp thanh quản được cấu tạo đặc biệt để chỉ mở cho không khí đi qua nhưng sẽ đóng lại để ngăn chặn thức ăn, đồ uống di chuyển vào đường thở.
Đường hô hấp dưới bao gồm khí quản, cây phế quản, phế nang, màng phổi, phổi,… làm nhiệm vụ lọc không khí và trao đổi khí. Từ thanh quản, không khí di chuyển vào khí quản và xuống các nhánh phế quản chính phải và trái. Mỗi nhánh phế quản này được tiếp tục phân nhánh nhiều lần thành các đường dẫn khí nhỏ hơn gọi là phế quản cuối cùng và kết nối với các cấu trúc chuyên biệt nhỏ gọi là phế nang – nơi thực hiện chức năng trao đổi khí.
Phổi nằm trong khoang ngực, được bảo vệ khỏi tổn thương vật lý nhờ lồng xương sườn. Ở đáy phổi là một tấm màng cơ gọi là cơ hoành. Cơ hoành ngăn cách phổi với dạ dày và ruột. Cơ hoành cũng là cơ chính của hô hấp, liên quan đến hơi thở, và được kiểm soát bởi hệ thần kinh giao cảm.
Phổi được bọc trong một màng huyết thanh tự gập lại để tạo thành màng phổi – một hàng rào bảo vệ hai lớp. Màng phổi tạng bao phủ bề mặt của phổi, và màng phổi thành gắn vào bề mặt bên trong của khoang ngực. Màng phổi bao quanh một khoang gọi là khoang màng phổi chứa đầy dịch màng phổi. Dịch màng phổi được sử dụng để làm giảm lượng ma sát mà phổi gặp phải trong quá trình thở.
Đường hô hấp trên là cơ quan ngoài cùng tiếp xúc với không khí. Đây là bộ phận phải “chịu đựng” mọi điều kiện của môi trường bên ngoài như khói bụi, nóng, lạnh, hơi độc, các loại virus, vi khuẩn, nấm mốc. Việc thường xuyên vệ sinh làm sạch khoang mũi, bộ phận đầu tiên của đường hô hấp trên (vốn luôn tiếp xúc với môi trường bên ngoài) sẽ giúp cơ thể phòng chống các bệnh về đường hô hấp.
NẤM CANDIDA VÀ TÁC HẠI
Trong chi nấm, Candida có hơn 200 loài, nhiều loài vô hại cho vật chủ. Tuy nhiên khi rào cản niêm mạc bị phá vỡ hoặc hệ miễn dịch bị tổn thương, một số loài xâm lấn và gây bệnh, gọi là nhiễm trùng cơ hội. Candida Albicans là dạng phổ biến nhất của nấm men trong miệng, đường ruột và âm đạo, nhưng cũng có ở da và các màng nhầy khác. Nếu hệ miễn dịch hoạt động tốt, nó không gây hại gì lớn. Khi phát triển ở mức độ thích hợp, Candida trong đường ruột còn giúp hấp thu và tiêu hóa chất dinh dưỡng.
Quần thể vi khuẩn tốt trong cơ thể và hệ miễn dịch khỏe mạnh là những tác nhân quan trọng để khống chế nấm Candida, không cho sinh sôi nảy nở quá nhiều. Candida Overgrowth Syndrome, hoặc COS (tạm dịch Hội chứng Quá tải Candida, hay cho đơn giản là bệnh Nấm Candida) là thuật ngữ được sử dụng khi Candida phát triển vượt tầm kiểm soát.
Nấm, virus, vi khuẩn biến đổi rất nhanh để tồn tại được trong những môi trường khác nhau. Khi hệ thống vi sinh ở đường tiêu hóa bị mất cân bằng, các loại virus, vi khuẩn và nấm xấu phát triển ồ ạt, sinh ra rất nhiều độc tố. Khi thấm qua thành ruột, chúng sẽ theo máu đi khắp cơ thể, làm ổ và trú ngụ ở những cơ quan, bộ phận khác nhau.
Một khi loại nấm này bắt đầu phát triển mạnh trong cơ thể, nhìn chung sức khỏe sẽ lao dốc theo vòng xoáy trôn ốc. Cơn thèm đường và thèm ăn nói chung lại nuôi dưỡng cho nấm men ngày càng sinh sôi. Hệ miễn dịch suy yếu đến mức bạn phải đi khám bệnh, được cho uống các loại kháng sinh để điều trị các triệu chứng, bằng cách đó tiễu trừ nốt các lợi khuẩn còn sống sót, để lại "vùng đất trống" cho nấm Candida xâm chiếm nốt.
Những nghiên cứu gần đây (của giáo sư Milton White) còn kết luận “Ung thư không hề là yếu tố di truyền, mà do nấm Candida gây ra” (thậm chí ở 88% các ca ung thư) qua các cơ chế sau:
• Candida bám chặt vào các bộ phận trong cơ thể, thò rễ vào tế bào, sinh ra tanol triệt tiêu khả năng hấp thu oxy của tế bào.
• Tế bào khỏe mạnh dần dần phải biến đổi ADN và trở thành tế bào ung thư để có thể tồn tại trong môi trường độc hại đó.
• Nấm Candida thải ồ ạt ra nhiều loại độc tố (có nghiên cứu liệt kê ra 79 loại), đặc biệt là mycotoxin gây ung thư.
• Candida còn là nguyên nhân gây viêm nhiễm và sưng của các cơ quan trong cơ thể. Hiện tượng viêm và nhiễm trùng sinh ra các phân tử gốc tự do, góp phần rất lớn làm tế bào ung thư phát triển nhanh.
NGUYÊN NHÂN GÂY NẤM CANDIDA
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra Candida, nhất là ăn nhiều chất đường bột tinh chế và uống nhiều rượu bia. Ngoài ra, có sáu nguyên nhân tiềm năng khác sau đây.
Dùng nhiều thuốc kháng sinh. Đôi khi ta cần kháng sinh để diệt vi khuẩn, tránh nhiễm trùng. Vấn đề ở chỗ kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn xấu mà chúng diệt cả những vi khuẩn tốt – là tác nhân hỗ trợ quá trình tiêu hóa và kiểm soát không cho Candida phát triển vô độ. Sau một đợt chữa trị kháng sinh, đội ngũ cảnh sát vi khuẩn tốt bị tổn hại nghiêm trọng, tạo điều kiện cho kẻ gian Candida sinh sôi và kéo bè kéo cánh.
Thuốc ngừa thai. Không như kháng sinh, bản thân thuốc ngừa thai không trực tiếp gây ra nhiễm nấm men hay hội chứng tăng trưởng Candida. Tuy nhiên, khi phụ nữ ăn nhiều đường bột tinh chế và lại dùng nhiều đợt kháng sinh thì thuốc ngừa thai có thể ảnh hưởng xấu đến cơ thể và dẫn tới nhiễm Candida. Chị em phụ nữ có thể nhận thấy thuốc ngừa thai kích thích nhiễm nấm men, thậm chí đã chữa khỏi rồi, nhưng dùng thuốc ngừa thai thì lại bị nhiễm nấm Candida.
Thuốc hen suyễn. Bệnh nhân điều trị hen suyễn bằng thuốc hít corticosteroid có nguy cơ bị nấm Candida trong miệng, dẫn đến nhiễm nấm Candida nói chung. Bệnh nhân dùng thuốc xịt corticosteroid phải tuân thủ hướng dẫn súc miệng sau mỗi lần sử dụng. Nếu phát hiện nấm Candida miệng, có thể điều trị bằng súc họng với dầu dừa và một hai giọt tinh dầu đinh hương.
Điều trị ung thư. Hóa trị và xạ trị diệt tế bào ung thư và khối u, nhưng cũng giết chết vi khuẩn tốt, kết quả là không còn gì chống lại nấm Candida tự do phát triển.
Bệnh tiểu đường. Ở người bị tiểu đường loại 1 hoặc loại 2, lượng đường trong miệng và các loại màng nhầy khác thường cao. Vì Candida là loại nấm men sống bằng đường nên bệnh nhân bị bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc hội chứng nấm Candida cao hơn.
Hệ miễn dịch suy yếu. Bất kỳ người nào có hệ miễn dịch suy yếu đều có nguy cơ bị nấm Candida. Thành phần này bao gồm trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người cao tuổi, bệnh nhân HIV/AIDS hoặc người mắc các chứng viêm và các bệnh tự miễn.
TRIỆU CHỨNG NHIỄM NẤM CANDIDA
Nấm Candida tăng trưởng vô độ có ảnh hưởng tệ hại và sẽ đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, cả về thể chất, tâm thần và tình cảm. Nó là nguyên nhân của rất nhiều vấn đề về sức khỏe mà dường như ta chẳng thấy liên hệ gì. Vì vậy, điều rất quan trọng là đừng nhìn vào những hiện tượng đơn lẻ để phán nguyên nhân bệnh tật. Nếu có một hoặc vài triệu chứng dưới đây, rất có thể bạn đã bị nấm Candida:
Tiêu hóa
– Hơi thở có mùi hôi
– Miệng khô, lưỡi trắng
– Đầy bụng, hay đánh hơi
– Khó tiêu
– Tiêu chảy hoặc táo bón mạn tính
– Đau bụng không có lý do
– Hội chứng ruột kích thích
– Hội chứng khó chịu khi đi cầu
– Loét trong miệng hoặc dạ dày
– Dị ứng
– Nhạy cảm với đồ ăn
– Nghiện đồ ngọt
– Tim đập nhanh
– Áp huyết thấp
Bệnh phụ nữ
– Tuyến giáp không ổn định
– Mạch đập không ổn định
– Vô sinh, khó thụ thai
– Nấm ở bộ phận sinh dục
– Hành kinh không đều (quá nhiều hoặc ít quá)
– Hay viêm tiết niệu
– Lãnh cảm
– Nội tiết tố (hormone) không bình thường
– Thiếu chất sắt
Tâm lý
– Xu hướng chán đời, tiêu cực
– Tâm lý không ổn định
– Luôn lo lắng, hồi hộp
– Đầu óc hay mụ mị
– Khó tập trung
– Hay đau đầu
– Tâm lý hay thay đổi đột ngột
– Tự kỷ
Da liễu
– Trẻ em bị loét khi mặc tã
– Mụn, ngứa hoặc dị ứng da
– Da khô
– Hay bị nấm ở ngón tay, chân và ngón chân
– Ngứa bộ phận sinh dục
– Da bị ứ nước
Liên quan đến miễn dịch
– Hay đuối sức
– Bệnh hen
– Quầng mắt sưng
– Hệ hô hấp hay bị viêm nhiễm
– Cơ thể hay bị lạnh, run rẩy
– Đau họng mạn tính
– Rụng tóc
– Viêm mũi dị ứng
– Béo hoặc gầy quá
– Tiểu đường
– Ngứa và nóng ở mắt
– Đau khớp và cơ
– Tê chân tay
– Có các chấm ở gan
– Già trước tuổi.
CÁCH THỬ NẤM CANDIDA
Nấm Candida là một trong những vấn đề sức khỏe khó phát hiện nhất vì chúng có số lượng rất nhỏ trong cơ thể. Cách tốt nhất để xác định xem bạn có bị tăng trưởng nấm men hay không là xem lại lối sống và chế độ ăn của bạn.
Bạn có thèm bánh kẹo và đồ ngọt? Hay ốm vặt, lúc nào cũng “không được khỏe”, cảm thấy tinh thần không tốt mà chẳng thuốc nào chữa được? Nếu có thì nhiều khả năng bạn đang bị tăng trưởng nấm men.
Cũng có thể thử bài kiểm tra nhổ nước bọt. Nghe hơi thô, nhưng đây là cách tốt cho ta biết về những gì đang xảy ra bên trong cơ thể và có thể phát hiện dấu hiệu nấm Candida tăng trưởng quá mức. Thời gian tốt nhất cho bài kiểm tra này là ngay khi thức dậy buổi sáng, thậm chí trước khi ra khỏi giường.
Nếu đám nước bọt của bạn nổi tương đối lâu, sau đó tan đi thì có thể thở phào vì nấm men của bạn đang được kiểm soát tốt.
Trong khoảng 15 phút, xem có những tia phóng xuống đáy cốc hay không. Nếu có và chúng trông như mảng lông chim hoặc sợi dây loằng ngoằng thì có lẽ bạn đã gặp vấn đề nấm Candida tăng trưởng quá mức.
Nếu nước bọt của bạn rất đục và chìm xuống đáy trong vòng vài phút, hoặc một phần đám nước bọt từ từ chìm xuống, thì bạn vẫn có thể bị nấm men tăng trưởng. Các hạt này là các khuẩn nấm men tích tụ lại với nhau.
Chương 2 giới thiệu một số phương pháp hiệu quả để tẩy nấm Candida.
SỎI GAN MẬT LÀ GÌ
GAN VÀ MẬT
Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể, nặng khoảng 1,5kg, có màu đỏ sẫm, nằm ngay dưới cơ hoành ở phần trên bên phải ổ bụng. Nó đảm trách hàng trăm chức năng khác nhau, là cơ quan hoạt động tích cực nhất và phức tạp nhất (chỉ sau não) trong cơ thể. Gan tham gia sản xuất, chế biến và cung cấp lượng lớn chất dinh dưỡng cho 60-100 nghìn tỷ tế bào trong cơ thể, mà bản thân mỗi tế bào là một tổ chức phức tạp với hàng tỷ phản ứng sinh hóa xảy ra mỗi giây. Để duy trì hoạt động vô cùng đa dạng này, gan phải cung cấp dinh dưỡng, enzyme và hormone – liên tục và không gián đoạn qua các mê cung phức tạp của tĩnh mạch, ống dẫn và tế bào chuyên biệt.
Gan sản xuất hormone, cholesterol (vật liệu xây dựng thiết yếu của tế bào nội tạng, mật,v.v.), tạo ra axit amin mới và chuyển đổi axit amin hiện có thành protein – là viên gạch chính để tạo ra các tế bào, hormone, chất dẫn truyền thần kinh, gen, v.v.. Mỗi phút gan nhận và lọc khoảng 1,4 lít máu, lọc và phân hủy rượu, phá hủy các tế bào cũ đã được sử dụng hết, tái chế protein và sắt, rồi lưu trữ vitamin và chất dinh dưỡng. Gan cũng xử lý hóa chất, vi khuẩn, ký sinh trùng; chuyển đổi chất thải và độc tố thành những thứ cơ thể có thể thải loại một cách an toàn qua mạng lưới ống mật.
Các tế bào gan tiết ra khoảng 1 lít mật mỗi ngày, chúng được đưa vào mạng lưới ống mật nhỏ trong gan, gom lại vào hai ống mật cũng nằm trong gan và đổ vào ống mật chủ. Từ đó mật đi theo hai hướng – thứ nhất vào ống túi mật, rồi vào túi mật hình quả lê dài quãng 6–8cm. Hướng thứ hai là chảy tiếp theo ống mật chủ vào tá tràng, phần đầu tiên của ruột non. Tuy nhiên, mật theo đường này không nhằm mục đích chính là hỗ trợ tiêu hóa, mà đóng vai trò chủ yếu là dòng chảy cuốn đi các chất độc và chất thải.
Túi mật bình thường chứa khoảng 60ml dịch mật, tương đối co giãn, có thể phình ra co lại. Tại đây, các loại muối thường và nước được tái hấp thu làm giảm thể tích của dung dịch chỉ còn 1/10 so với ban đầu. Tuy nhiên, muối mật (rất cần cho tiêu hóa) vẫn còn lại, do đó nồng độ của nó tăng lên khoảng 10 lần. Thành túi mật cũng thêm chất nhầy vào mật, làm cho nó đặc hơn. Do vậy mật đã qua xử lý trong túi mật hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn nhiều so với mật đi thẳng từ gan.
Khi ăn chất béo, đạm hoặc axit citric (có trong cam, bưởi chua), túi mật bị kích thích co bóp và bơm dịch mật xuống đường ruột, giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn. Nếu lượng chất béo và chất chua đủ nhiều thì túi mật sẽ dồn toàn bộ mật xuống tá tràng trong vòng 20–30 phút.
Gan, tụy, túi mật và ống dẫn mật
SỎI GAN-MẬT LÀ GÌ
Sỏi túi mật có thể mềm hoặc cứng, hình thành trong túi mật. Chúng gồm chủ yếu tinh thể cholesterol, tinh thể canxi, axit béo chuỗi dài và các sắc tố như bilirubin (sắc tố da cam làm vàng da, sinh ra khi hemoglobin bị phân hủy trong gan). Dù cholesterol chỉ chiếm 5% dung dịch mật, nhưng lại là thành phần chính trong 75% các loại sỏi mật. Tuy nhiên nhiều viên sỏi có thành phần hỗn hợp. Ngoài các chất kể trên, sỏi mật còn chứa muối mật, nước, chất nhầy, cũng như các độc tố, xác vi khuẩn và đôi khi cả xác ký sinh trùng, cũng như lecithin.
Cholesterol trong gan thường kết hợp với muối mật ở dạng cấu trúc micelle lơ lửng trong chất lỏng. Nhưng khi nồng độ muối mật thấp đi, dịch mật sẽ bị quánh lại như bùn. Chất bùn này gồm chủ yếu cholesterol tinh thể, chất nhầy và bilirubinate canxi (bilirubin bị vôi hóa). Khi các tinh thể cholesterol đạt đến bão hòa, nghĩa là không còn hòa tan thêm được nữa, chúng vón lại thành sỏi cholesterol ngay trong gan. Với lá gan có ống mật nội gan vốn không thông suốt, bilirubin càng bị tích tụ nhiều làm cho sỏi cholesterol hình thành nhanh hơn.
Sỏi cholesterol có ít nhất 80% thành phần là cholesterol, cũng như một số loại sỏi rắn khác (không tan trong nước nhưng không có cấu trúc tinh thể) rất khó phát hiện bằng siêu âm và các phương pháp chẩn đoán khác. Chúng thường có màu xanh lá cây nhạt (có khi vàng nhạt) cho tới xanh lá cây sẫm (có thể ngả nâu), và có khi có đốm đen ở giữa hạt.
Sỏi canxi trong túi mật có độ rắn khác nhau tạo nên từ bilirubin vôi hóa, gọi là bilirubinate, chất thải phát sinh từ sự phá hủy các hồng cầu già. Nồng độ bilirubin càng cao màu càng sẫm – từ nâu nhạt cho đến màu đen. Bệnh nhân bị thiếu máu tán huyết hoặc xơ gan thường có sỏi túi mật màu sẫm hơn. Màu càng nhạt càng có nhiều cholesterol hơn canxi.
Sỏi mật được coi là hình thành chủ yếu trong túi mật (sỏi túi mật hay sỏi mật), chỉ có khoảng 10% ở ống mật chủ (sỏi ống mật chủ), tiếng Anh gọi tình trạng này là choledocholithiasis. Hầu hết sỏi cứng hình thành ra trong ống mật. Nhưng rất nhiều chuyên gia y tế không hề biết rằng sỏi cholesterol được tạo ra rất phổ biến tại các ống mật nhỏ trong gan (sỏi gan). Trường Johns Hopkins University đặt tên cho hiện tượng này là intrahepatic biliary gallstones hay biliary stones và giải thích rằng sỏi nội gan có thể hình thành qua nhiều tháng, thậm chí nhiều năm mà không có bất cứ biểu hiện nào khi xét nghiệm gan, kể cả dùng siêu âm, chụp X quang hoặc chụp cắt lớp (CT scan).
Thông thường, sỏi trong túi mật to lên trong khoảng 8 năm trước khi xuất hiện các triệu chứng đáng chú ý. Những viên sỏi lớn hơn thường bị vôi hóa hoặc bán vôi hóa và có thể dễ dàng phát hiện bằng X quang hoặc siêu âm. Khoảng 85% sỏi mật được tìm thấy trong túi mật có đường kính 2cm, tuy một số có thể lên đến 5–8cm. Sỏi gan thường nhỏ hơn và có kích thước từ đầu tăm đến 2–3cm.
Sỏi cholesterol ở ống mật trong gan
Các loại sỏi trong túi mật
NGUYÊN NHÂN HÌNH THÀNH
Các loại sỏi gan-mật đều được hình thành do mất cân đối dịch mật, sinh ra hiện tượng quánh do mất nước, thay đổi hệ vi sinh, phá hủy enzyme và tăng hàm lượng cholesterol và bilirubin.
Có thể phân biệt bốn nhóm nguyên nhân phổ biết nhất dẫn đến tình trạng trên:
Nhóm 1. Chế độ ăn uống
– Ăn quá nhiều
– Ăn vặt giữa các bữa
– Ăn nặng vào buổi tối
– Ăn quá nhiều protein
– Ăn quá nhiều thịt
– Ăn quá ít mỡ
– Sử dụng chất ngọt nhân tạo
– Dùng thực phẩm biến đổi gen
– Dùng đường tinh luyện
– Dùng muối tinh luyện
– Mất nước
– Ô nhiễm kim loại nặng
– Giảm cân quá nhanh
– Uống sữa không béo
Nhóm 2. Thuốc Tây y
– Nghiện thuốc Tây
– Điều trị ung thư
– Dùng hormone thay thế
– Dùng thuốc tránh thai
– Dùng thuốc ngủ, dạ dày
– Fluoride (trong kem đánh răng, khử trùng nước máy)
– Chất nhuộm màu
– Dùng thuốc bọc đường
– Thuốc có gelation
– Vắc-xin
– Nhiều loại khác.
Nhóm 3. Lối sống
– Phá vỡ đồng hồ sinh học
– Giấc ngủ không tự nhiên
– Chu kỳ thức giấc sai
– Ăn uống thất thường
Nhóm 4. Khác
– Chức năng dạ dày kém
– Uống quá nhiều nước ép (không nhai và thiếu xơ)
– Xem truyền hình nhiều giờ
– Căng thẳng cảm xúc
Sỏi gan hình thành trong ống dẫn mật ở gan
TÁC HẠI CỦA SỎI GAN-MẬT
Sỏi gan-mật làm tắc nghẽn ống mật bên ngoài và bên trong gan, làm gan bị suy yếu khả năng giải và thải chất độc hại xâm nhập từ bên ngoài hoặc được tạo ra bên trong cơ thể do máu đưa đến. Lũ sỏi-sạn này cũng ngăn cản gan cung cấp dinh dưỡng và năng lượng cần thiết đến đúng nơi và đúng lúc. Điều này làm đảo lộn sự cân bằng tinh tế trong cơ thể, được gọi là cân bằng nội môi, gây căng thẳng và quá tải cho nhiều hệ thống, làm tổn hại rất nhiều cơ quan. Tác hại có thể liệt kê ra rất nhiều, không trừ một cơ quan hay hệ thống nào – dưới đây chỉ xin nêu ra một số ví dụ:
Khi sỏi làm tắc gan và mật, các hormone nội tiết estrogen và aldosterone không được phân hủy và thải loại sẽ tích tụ trong máu. Vốn chịu trách nhiệm điều hòa lượng muối và nước cần giữ lại trong cơ thể, khi nồng độ tăng cao, chúng làm sưng mô và giữ nước, dẫn đến mô phát triển quá mức và tăng cân. Còn ở nữ, estrogen tăng cao được coi là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư vú. Do vậy, khi không giữ được độ thông thoáng cho gan mật thì việc giảm cân ổn định là không tưởng. Không chỉ có vậy, việc giữ nước thừa trong mô kéo dài sẽ làm độc tố, chất thải và tế bào chết bị tích tụ ở nhiều bộ phận, kết quả là tắc nghẽn lưu thông và ngăn cản đào thải, lại dẫn đến sinh ra thêm sỏi gan-mật.
Thiếu dịch mật sẽ làm chất béo không được hấp thu hết mà dồn ứ lại trong ruột, khuyến khích loại vi khuẩn phân giải muối mật phát triển, dẫn đến thiếu muối mật hơn nữa – chất béo càng không tiêu hóa được và kết quả là hiện tượng phân nhiễm mỡ (steatorrhea) – nhiều mỡ không được hấp thu mà thải ra trong phân (chất béo nhẹ hơn nước làm phân nổi và có mùi hôi khó chịu). Khi không hấp thu đủ chất béo, cơ thể cũng không tiếp nhận được canxi, khiến máu thiếu hụt và phải lấy canxi từ xương. Không tiêu hóa được chất béo thực sự là nguyên nhân chính của bệnh loãng xương. Do đó, chỉ bổ sung canxi mà mật vẫn bị tắc sẽ không giải quyết được lý do cơ bản của chứng thiếu canxi.
Tất cả bệnh nhân mắc bệnh gan đều có sỏi làm tắc ống mật, dù ở trong hay ngoài gan. Sỏi gan-mật làm biến dạng cấu trúc thùy gan (đơn vị chính cấu thành gan). Sỏi ngăn chặn lưu thông máu tới hơn 50.000 thùy gan, buộc các tế bào gan cắt giảm sản xuất mật. Mật sản xuất ra bị mắc kẹt lâu ngày trở nên quánh lại sẽ biến thành bùn và sỏi, làm hỏng hoặc phá hủy tế bào gan. Mô sẹo xơ dần thay thế tế bào gan khỏe mạnh, tiếp tục gây tắc nghẽn và tăng áp lực lên các mạch máu trong gan. Khi tốc độ tái tạo tế bào gan không kịp so với mức độ thiệt hại, ta mắc bệnh xơ gan, là bệnh nan y thường dẫn đến tử vong.
Xơ gan
Gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ là khi có lượng lớn chất béo triglyceride tích tụ trong tế bào gan. Ở xã hội hiện đại có tới 1/10 dân số mắc căn bệnh này. Trước kia chỉ những người nghiện rượu mới hay bị, nhưng giờ đây các loại thuốc kháng sinh, chống loạn nhịp tim (amiodarone), thuốc cao huyết áp (diltiazem), thuốc hen (glucocorticoids), liệu pháp nội tiết tố (tamoxifen) hay điều trị ung thư (methotrexate),… đều có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ. Nhưng dù vì lý do nào, những bệnh nhân này đều có một điểm chung: tắc nghẽn ống mật. Một lá gan khỏe mạnh sẽ tống tất cả chất béo dư thừa qua hệ thống ống dẫn mật trong và ngoài gan vào đường tiêu hóa. Còn lá gan bị tắc nghẽn buộc phải để tế bào gan tích tụ mỡ, làm nó bị phì ra.
TRIỆU CHỨNG CẢNH BÁO
Cách chính xác nhất để phát hiện bạn có bị sỏi gan-mật hay không là làm thải độc để xem chúng nhiều tới chừng nào. Tất nhiên không phải bệnh nào cũng chữa được bằng cách thải độc, nhưng bạn sẽ thấy rằng khi tống khứ được cái đám sỏi đó đi, rất nhiều muộn phiền về sức khỏe sẽ biến mất theo.
Nếu bạn bị bất kỳ triệu chứng nào sau đây, rất có thể đó là dấu hiệu cảnh báo rằng bạn có sỏi mật và sỏi gan:
– Chán ăn – Hay thèm ăn – Tiêu chảy – Buồn nôn và nôn – Thường xuyên nôn – Đau bụng trên – Run và ớn lạnh – Táo bón – Phân màu đất sét – Thoát vị – Đầy hơi – Bệnh trĩ – Đau âm ỉ ở bên phải – Khó thở – Xơ gan – Viêm gan – Hay bị nhiễm trùng – Cholesterol cao – Hay chóng mặt và ngất xỉu – Mất trương lực cơ – Cân nặng quá mức – Đau nhiều ở vai và lưng – Đau ở đỉnh xương bả vai hoặc giữa hai bả vai – Quầng thâm dưới mắt – Nước da ốm yếu – Lưỡi bị viêm hoặc bị phủ màu trắng/vàng – Vẹo cột sống – Gút – Hay lạnh vai – Cổ cứng – Hen suyễn – Dị ứng – Nhức đầu và đau nửa đầu – Các vấn đề về răng và nướu – Da và mắt vàng – Đau thần kinh tọa – Tê và tê liệt chân – Bệnh khớp |
– Viêm tụy – Bệnh tim – Rối loạn não – Loét tá tràng – Hay cáu giận – Trầm cảm – Bất lực sinh lý – Các vấn đề tình dục khác – Viêm tuyến tiền liệt – Vấn đề tiết niệu – Mất cân bằng nội tiết tố – Rối loạn kinh nguyệt và mãn kinh – Vấn đề về thị lực – Bọng mắt – Bất kỳ rối loạn da nào – Đốm đồi mồi (nhất là mu bàn tay và vùng mặt) – Đau đầu gối – Loãng xương – Béo phì – Mệt mỏi mạn tính – Bệnh thận – Ung thư – Bệnh đa xơ cứng và đau cơ xơ hóa – Bệnh Alzheimer – Lạnh chân tay – Hay nóng bức và ra mồ hôi phần trên cơ thể – Tóc nhờn và rụng tóc – Vết xước/vết thương khó cầm máu và lâu lành – Khó ngủ, mất ngủ – Hay gặp ác mộng – Cứng khớp và cơ bắp – Nóng lạnh thất thường – Hay dị ứng. |
CÁCH CHỮA TRỊ
Các phương pháp điều trị thông thường với sỏi mật là hòa tan sỏi trong túi mật; bắn sỏi bằng sóng siêu âm hoặc nghiền thủy lực qua da; cuối cùng có thể phẫu thuật cắt bỏ túi mật. Những cách này chẳng tác động gì với sỏi gan tại hệ thống ống dẫn mật trong gan. Cần phải hiểu rằng ở người có sỏi mật, sỏi gan còn nhiều gấp bội. Cắt bỏ túi mật hoặc khử sỏi mật không làm lưu lượng mật tăng lên bao nhiêu, vì sỏi nằm ở ống mật trong gan tiếp tục ngăn chặn dòng mật.
Việc cắt bỏ túi mật còn làm tình hình nghiêm trọng hơn nhiều. Không còn túi mật để bơm, dịch mật mà gan sản xuất có thể ri rỉ nhỏ giọt qua các ống dẫn mật vốn bị tắc nghẽn. Vấn đề không đủ lượng dịch và dòng mật vào ruột non không được kiểm soát sẽ tiếp tục gây ra các biến chứng lớn cho quá trình phân giải và hấp thu dưỡng chất, nhất là chất béo.
Kết quả là chất thải độc hại tích tụ ngày càng nhiều trong đường ruột và hệ bạch huyết. Toàn bộ ruột trở thành một bãi thải của thức ăn thối rữa, tha hồ cho vi khuẩn hoành hành. Các vitamin tan trong chất béo A, D và K, cũng như các khoáng chất quan trọng như canxi và magiê vẫn không tiêu hóa được. Bởi vậy khi túi mật bị cắt bỏ, để tránh viêm và tăng huyết áp, bạn cần phải thường xuyên bôi dầu magiê xuyên da.
Nhiều bác sĩ đa khoa và bác sĩ phẫu thuật hứa với bệnh nhân: “Bạn sẽ ổn thôi. Mọi vấn đề về tiêu hóa sẽ biến mất sau khi cắt bỏ túi mật. Bởi các sách giáo khoa ngành y đều cho rằng túi mật chẳng có vai trò gì mấy, bỏ nó đi đâu có sao”. Họ không để ý rằng mật đã qua xử lý ở túi mật có khả năng tiêu hóa chất béo tốt hơn nhiều, còn mật được truyền trực tiếp từ gan vào ruột chỉ tốt cho việc cuốn trôi chất độc, chứ không phải để tiêu hóa thức ăn. Như vậy biện pháp cắt bỏ túi mật không ổn chút nào.
Khi khả năng phân giải và hấp thu chất béo bị hạn chế, các tế bào gan bị kích thích sản xuất nhiều cholesterol hơn. Sự điều động khẩn cấp này của cơ thể lại tạo ra nhiều sỏi mật hơn trong ống mật gan. Do đó, loại bỏ túi mật hoàn toàn không phải là giải pháp lâu dài, ngược lại còn là nguyên nhân gây ra các biến chứng nghiêm trọng hơn trong cơ thể, như ung thư, béo phì, tiểu đường, bệnh thận và bệnh tim.
Cuốn sách The Amazing Liver and Gallbladder Flush (Điều kỳ diệu của thải độc gan và mật) của tác giả Andreas Moritz
Mỗi năm có hàng triệu người cắt túi mật vì nghe cảnh báo của bác sĩ “nếu cứ để túi mật bị sỏi sẽ nguy hiểm đến tính mạng”, mà không hề nhận thức được rằng, bất kể phương pháp Tây y nào đang điều trị sỏi mật, dù có hiện đại hay phức tạp đến đâu cũng chỉ là chữa hiện tượng, vì nó không giải quyết được vấn đề chính, đó là hàng trăm hay hàng ngàn viên sỏi đang làm tắc nghẽn hệ thống ống mật từ tít sâu trong lá gan của bạn.
May mắn thay, có cách tiếp cận đơn giản, không rủi ro, rẻ tiền cho những người muốn phục hồi sức khỏe gan-mật và ngăn ngừa các bệnh phát sinh trong tương lai. Đó là tẩy sỏi gan-mật bằng phương pháp tự nhiên.
Người không may đã bị cắt mất túi mật cũng có lợi rất nhiều từ việc tẩy sỏi gan-mật, bởi họ còn có nhiều sỏi gan hơn người khác.
TẠI SAO PHẢI THẢI ĐỘC THẬN
HỆ TIẾT NIỆU
Hệ tiết niệu là một hệ thống bài tiết và điều tiết cực kỳ quan trọng trong cơ thể. Nó bao gồm hai quả thận – nơi hình thành và bài tiết nước tiểu; hai niệu quản – chuyển nước tiểu từ thận đến bàng quang; bàng quang (bọng đái) – thu thập và lưu trữ nước tiểu tạm thời; và niệu đạo – dẫn nước tiểu đi từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể.
Thận là cơ quan tiết niệu chủ yếu, gồm hai quả hình dạng như hạt đậu, nằm ở vùng bụng trên, có chức năng bài tiết chất thải vào nước tiểu. Chúng điều hòa lượng chất lỏng và lượng muối của cơ thể, giúp kiểm soát thể tích và thành phần máu, độ pH và mức đường huyết, sản xuất hai hormone quan trọng là calcitriol và erythropoietin.
Mỗi quả thận dài khoảng 12cm. Bàng quang là túi chứa nước tiểu có tính đàn hồi cao. Nước tiểu gồm 95% nước và các chất độc như ure được tạo ra ở gan, ngoài ra có một số protein và chất khác, nồng độ các chất này có thể bị tăng cao khi thận không lọc tốt.
Niệu đạo nam, dài 20cm, còn có vai trò dẫn nước tiểu và tinh dịch ra ngoài. Niệu đạo nữ giới chỉ dài khoảng 4cm, nên nữ giới thường nhịn tiểu kém hơn nam.
Mỗi ngày thận lọc khoảng 170 lít dung dịch. Ngoại trừ các tế bào máu, tiểu cầu và protein máu, tất cả các thành phần máu khác phải đi qua thận. Phần lớn dung dịch sau khi được lọc sẽ được hấp thu ngược lại vào máu và tiếp tục tuần hoàn. Chỉ có khoảng 1/100 xuống bàng quang để thải ra ngoài, nghĩa là hằng ngày chúng ta chỉ thải 1,5–1,7 lít nước tiểu.
CÁC BỆNH ĐƯỜNG TIẾT NIỆU PHỔ BIẾN
Các bệnh đường tiết niệu thường liên quan đến thận. Phải kể ra những chứng bệnh phổ biến là viêm thận (nephritis) và bệnh thận không viêm (nephrosis), khi trở thành mạn tính có thể dẫn đến suy thận mà lọc máu hoặc ghép thận là lựa chọn điều trị duy nhất.
Khi thông thoáng, các hệ thống đào thải dễ dàng đẩy các chất thải qua nước tiểu, mồ hôi, khí và phân, khi đó còn chưa chứa nhiều mầm bệnh, kể cả chất thải độc hại trong máu và bạch huyết còn lại từ thực phẩm không tiêu hóa hết bị lên men và thối rữa. Nhưng hầu hết các bệnh ở thận và các bộ phận khác của hệ tiết niệu đều liên quan đến mất cân bằng hệ thống lọc ở thận, dù có thể kể đến những nguyên trực tiếp hơn như tiểu đường, huyết áp cao, viêm cầu thận và bệnh thận đa nang.
Tác nhân gây bệnh thường là các phân tử nhỏ có tác dụng axit hóa mạnh mẽ trong máu. Cơ thể phải đẩy chúng vào các mô liên kết xung quanh tế bào, rồi ở đó giải phóng sản phẩm kiềm để trung hòa và loại bỏ chúng qua các cơ quan bài tiết. Tuy nhiên, hệ thống làm sạch tinh vi này gặp vấn đề khi chất độc được đưa vào nhiều hơn mức chúng được loại bỏ. Dần dần các mô liên kết quánh lại như thạch, làm chất dinh dưỡng, nước và oxy không còn có thể tự do lưu thông và các tế bào bắt đầu bị suy dinh dưỡng, mất nước và thiếu oxy.
Sỏi thận trong quả thận
Các loại sỏi thận cơ bản
Trong khi đó, thận trở nên quá tải và không thể duy trì cân bằng chất lỏng và chất điện giải bình thường trong cơ thể. Thêm nữa, sản phẩm tiết niệu như muối và khoáng chất có thể kết tủa và tạo thành các tinh thể và sỏi ở các dạng, kích cỡ khác nhau, từ nhỏ như hạt cát đến lớn bằng quả bóng bàn. Những viên sỏi thận sắc cạnh này có thể làm viêm mô thận mỏng manh và làm vỡ mạch máu, kích hoạt cơn đau dữ dội ở bụng, sườn và gây ra máu trong nước tiểu. Cứ 20 người lại có một người bị sỏi thận vào lúc nào đó trong đời, thường là vì lý do dinh dưỡng. Sỏi có thể được tạo ra không chỉ ở thận mà còn ở mọi nơi trong hệ tiết niệu như niệu quản và bàng quang.
Loại sỏi thận phổ biến nhất được hình thành khi nồng độ axit uric trong nước tiểu tăng cao do ăn nhiều thịt và đường, nó có thể dẫn đến tắc nghẽn đường tiết niệu, nhiễm trùng thận và cuối cùng là suy thận. Khi tế bào thận ngày càng thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng, đặc biệt là oxy, khối u ác tính sẽ được kích thích phát triển. Ngoài ra, các tinh thể axit uric không được đào thải qua thận có thể lắng lại ở khớp, gây ra bệnh thấp khớp, bệnh gút và tình trạng giữ nước.
NGUYÊN NHÂN HÌNH THÀNH SỎI THẬN
Nhìn chung, sỏi thận hình thành khi nước tiểu có nhiều chất tạo tinh thể (canxi, oxalate, axit uric) và không pha loãng được, hoặc khi nước tiểu thiếu chất ngăn chặn các tinh thể dính kết với nhau. Dù sao, khó chỉ ra một nguyên nhân rõ ràng, đơn lẻ, mặc dù một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ, trong đó tắc nghẽn lưu thông mật trong gan được coi là một trong những lý do hàng đầu dẫn đến sỏi thận. Ngoài ra còn một số nguyên nhân phổ biến như sau:
Thiếu nước. Nguyên nhân số một của sỏi thận đơn giản là không uống đủ nước. Ít nước làm tăng nồng độ các chất có thể tạo thành sỏi trong nước tiểu. Uống nhiều rượu, cà phê, trà đen và nước ngọt thay cho nước có thể dễ dàng dẫn đến mất nước mạn tính và sinh sỏi thận.
Thiếu magiê. Khoáng chất này điều chỉnh hơn 300 phản ứng sinh hóa trong cơ thể, nhất là hấp thu và đồng hóa canxi. Kể cả khi nạp nhiều canxi mà không có đủ magiê thì canxi sẽ không thể được hấp thu, cơ thể vẫn thiếu canxi trong khi lượng canxi dư thừa sẽ góp phần tạo ra sỏi thận, sỏi túi mật và ung thư. Nguồn cung cấp magiê/canxi tốt nhất là thông qua thực phẩm lành mạnh chứ không phải các loại thuốc bổ trợ.
Ăn nhiều đường. Đường làm đảo lộn cân bằng khoáng chất trong cơ thể bởi nó can thiệp vào quá trình hấp thu canxi và magiê. Nó cũng làm tăng đáng kể nồng độ axit uric trong máu, dẫn đến tổn thương mạch máu và sinh sỏi axit uric. Đặc biệt, tiêu thụ các loại đường không lành mạnh trong thực phẩm và đồ uống là yếu tố chính góp phần sinh sỏi thận và sỏi mật ở trẻ em.
Lười vận động. Lối sống ít vận động khiến xương phải giải phóng nhiều canxi vào máu và cũng làm tăng huyết áp. Cả hai yếu tố này đều góp phần hình thành sỏi. Tình hình còn tệ hơn nếu bạn phải nằm liệt giường.
Uống bổ sung canxi, ăn thực phẩm ít canxi. Hầu hết các bác sĩ đều khuyến cáo bệnh nhân sỏi thận nên tránh các thực phẩm giàu canxi vì nó là thành phần chính của hầu hết sỏi thận. Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học mâu thuẫn với lời khuyên phổ biến này, bởi tránh các thực phẩm giàu canxi có thể làm hại bạn nhiều hơn. Do canxi trong thực phẩm sẽ kết hợp với oxalate thực phẩm trong ruột, tránh cho cả hai thứ này bị hấp thu vào máu. Ăn không đủ canxi làm oxalate dư thừa qua đường máu đến thận và kết hợp với canxi ở đó sinh ra tinh thể canxi-oxalate rồi hóa thành sỏi. Mặt khác, uống bổ sung canxi không đúng cách cũng tăng nguy cơ sỏi thận lên 20%, bởi canxi tốt nhất được hấp thu vào cơ thể qua các thực phẩm tự nhiên.
Sử dụng dược phẩm như Lasix (furosemide), Topomax (topiramate) và Xenical, hoặc kết hợp một số loại thuốc Tây y, cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình lọc nước tiểu và dẫn đến hình thành sỏi thận.
TRIỆU CHỨNG CẢNH BÁO THẬN CẦN ĐƯỢC TRỢ GIÚP
Cách dễ nhất để xác minh xem thận đang hoạt động bình thường, hay đang bị qua tải, thậm chí bị sỏi thận là quan sát màu sắc nước tiểu. Nếu nó có màu vàng đậm mà bạn đang không uống thuốc gì làm nước tiểu sẫm màu (như vitamin tổng hợp hoặc vitamin B), thì thận đang phát tín hiệu cầu cứu. Hãy cố gắng giữ cho nước tiểu có màu vàng nhạt, nhiều khi rất đơn giản bằng cách uống 6–8 ly nước (1,5–2 lít) mỗi ngày. Ở xứ nóng, hoặc khi vận động nhiều, thì cần uống nhiều hơn.
Các triệu chứng mới đầu thường rất nhẹ, không “tương xứng” với độ trầm trọng tiềm ẩn của bệnh thận. Không chỉ màu sắc, mà những thay đổi bất thường về thể tích, tần suất nước tiểu cũng có thể là chỉ dấu của bệnh, có thể kèm với sưng mắt, mặt và mắt cá chân, cũng như đau ở lưng trên và dưới. Nếu bệnh đã tiến triển xa hơn, người bệnh còn bị mờ mắt, mệt mỏi, lờ đờ và buồn nôn.
Những triệu chứng khác cũng có thể cho thấy thận bị trục trặc: huyết áp cao, huyết áp thấp, đau chuyển từ bụng trên xuống dưới, khát nước quá mức, hay đi tiểu vặt (nhất là về đêm), gom được ít hơn 500ml nước tiểu mỗi ngày, cảm giác luôn đầy bàng quang, đau khi đi tiểu, sắc tố da khô hơn và nâu hơn.
Có thể làm một phép thử đơn giản, hãy kéo (vạch) phần da dưới mắt sang một bên về phía xương gò má và quan sát. Bất kỳ vết sưng bất thường, chỗ lồi ra, nổi mụn đỏ, trắng hay đổi màu (nâu sẫm hoặc đen) nào trên da đều có thể cho thấy sự hiện diện của sỏi thận.
CÁCH CHỮA TRỊ
Nhiều triệu người trên thế giới bị suy thận, rất nhiều trong số đó phải chạy thận và có hàng chục nghìn người được chỉ định thay thận như phương cách cuối cùng.
Căn bệnh tiết niệu phổ biến hơn là sỏi thận – nguyên nhân chính gây tắc nghẽn ở thận. Tuy nhiên, hầu hết mỡ/tinh thể/sỏi thận mới hình thành có kích thước quá nhỏ để phát hiện được qua công nghệ chẩn đoán hình ảnh như siêu âm hay chụp X-quang. Chúng được gọi là những “hòn đá im lặng” và lúc đầu không gây phiền toái gì, nhiều khi tự đào thải.
Đến khi phát triển lớn hơn, chúng có thể gây tổn thương đáng kể cho thận và do đó gây hại nghiêm trọng cho toàn cơ thể. Các quy trình y tế và kỹ thuật phẫu thuật hiện đang được sử dụng để điều trị sỏi thận là tống sỏi bằng thuốc (medical expulsive therapy), tán sỏi (lithotripsy) hoặc phẫu thuật (kể cả nội soi niệu quản – ureteroscopy). Những biện pháp này đều là dạng điều trị có tính xâm lấn và có nguy cơ gây tổn thương thận cao đến mức các bác sĩ có xu hướng tránh giới thiệu, trừ khi không còn lựa chọn nào khác – mà tỷ lệ tái phát sỏi thận được đánh giá ít nhất là 20%.
Trong mọi trường hợp, điều cực kỳ quan trọng là phải giữ cho thận sạch sẽ và khỏe mạnh, trong đó chế độ ăn uống lành mạnh vẫn là ưu tiên số một: uống nhiều nước, hạn chế thực phẩm qua chế biến công nghiệp, giảm muối, tránh đồ ngọt và giảm thiểu rượu bia.
Để thải độc thận tích cực hơn, bạn có thể dùng một số phương pháp tự nhiên giúp làm tan và loại bỏ các cặn lắng gây sỏi thận như axit uric, axit oxalic, phốt phát và sỏi axit amin. Làm sạch thận cũng giúp bạn kiểm soát huyết áp, cải thiện chức năng đường tiết niệu và bàng quang, tăng cường khả năng miễn dịch và loại bỏ độc tố khỏi toàn bộ cơ thể.