1. Câu hỏi 1: Thế nào là tin giả trên không gian mạng?
Trả lời: Tin giả trên không gian mạng là những thông tin sai sự thật được cố ý đăng tải, lan truyền nhằm mục đích không chính đáng, gây hiểu lầm cho người đọc, người xem hoặc những thông tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do không được kiểm chứng, xác minh hoặc bị phóng đại, suy diễn, làm thay đổi bản chất của sự việc, thường xuất hiện dưới dạng tin tức và được lan truyền chủ yếu trên mạng xã hội.
2. Câu hỏi 2: Những hành vi nào bị cấm khi sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng?
Trả lời: Tại Điều 7 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018 và Điều 5 Nghị định số 72/2013/ NĐ-CP của Chính phủ đã quy định chi tiết về các hành vi bị cấm khi sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
3. Câu hỏi 3: Mức xử phạt đối với hành vi đăng tải tin giả, thông tin sai sự thật trên không gian mạng là gì?
Trả lời: Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, đối với hành vi đăng tải, lan truyền, chia sẻ thông tin giả, tin sai sự thật, tin bóp méo sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng.
4. Câu hỏi 4: Làm thế nào để xác định một thông tin nào đó trên mạng có phải là tin giả, thông tin sai sự thật?
Trả lời: Để nhận biết tin giả trên không gian mạng, cần lưu ý những nội dung sau:
(1) Xem xét nguồn tin, kiểm tra tác giả;
(2) Kiểm tra thông tin, hình ảnh minh họa và đường dẫn liên kết;
(3) Kiểm tra thời gian đăng với thông tin;
(4) Đọc toàn bộ nội dung;
(5) Tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc các cơ quan chức năng.
5. Câu hỏi 5: Để thông báo, phản ánh khi phát hiện tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng thì cần thông báo cho ai?
Trả lời:
* Cơ quan tiếp nhận phản ánh tin giả:
- Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) thuộc Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông).
Website: https://tingia.gov.vn
Email: [email protected]
Điện thoại: 18008108
- Sở TT&TT hoặc Văn phòng UBND các tỉnh, thành đối với tin giả liên quan tới địa phương (có thể lấy thông tin liên hệ qua website của các cơ quan này).
6. Câu hỏi 6: Cơ quan nào có trách nhiệm công bố tin giả?
Trả lời: Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) thuộc Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) có trách nhiệm công bố tin giả tại địa chỉ: https://tingia.gov.vn.
7. Câu hỏi 7: Cách xử lý khi phát hiện tài khoản trên mạng xã hội bị giả mạo là gì?
Trả lời: Khi phát hiện tài khoản trên mạng xã hội bị giả mạo, người dùng cần thông báo tới đơn vị cung cấp dịch vụ và cơ quan chức năng có thẩm quyền (Bộ Thông tin và Truyền thông, Cơ quan công an). Hiện nay, các nền tảng cung cấp dịch vụ mạng xã hội lớn tại Việt Nam là Facebook, YouTube, TikTok đều có tính năng báo cáo khi phát hiện tài khoản bị giả mạo.
8. Câu hỏi 8: Mức phạt trong trường hợp đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ trên mạng là gì?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ- CP của Chính phủ, hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ người khác trên mạng có thể bị phạt vi phạm hành chính lên tới 20.000.000 đồng nếu hành vi gây ra bởi tổ chức, nếu là cá nhân gây ra hành vi đó có thể bị phạt lên tới 10.000.000 đồng, tùy theo mức độ nghiêm trọng. Nếu có hành vi vu khống, xúc phạm người khác một cách nghiêm trọng thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
9. Câu hỏi 9: Trường hợp tài khoản mạng xã hội của cá nhân/tổ chức bị mất quyền kiểm soát, chủ tài khoản có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu tài khoản bị sử dụng để đăng tải, chia sẻ tin giả, thông tin sai sự thật hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác không?
Trả lời: Trường hợp tài khoản của cá nhân/tổ chức bị mất quyền kiểm soát, thì chủ tài khoản đó phải thông báo tới đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội và cơ quan chức năng có thẩm quyền (Bộ Thông tin và Truyền thông, Cơ quan công an). Trong thời gian tài khoản cá nhân/tổ chức bị mất quyền kiểm soát, chủ sở hữu/quản lý tài khoản đó không phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài khoản để đăng tải, chia sẻ tin giả, thông tin sai sự thật nếu có đầy đủ bằng chứng chứng minh về việc bị mất quyền kiểm soát.
10. Câu hỏi 10: Nếu cá nhân phát hiện tin giả, thông tin sai sự thật trên không gian mạng nhưng không thông báo, tố giác thì có bị truy cứu trách nhiệm pháp lý không?
Trả lời: Theo quy định của pháp luật hiện hành thì không bị truy cứu trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, khuyến khích người sử dụng kịp thời thông báo, tố giác tin giả, thông tin sai sự thật để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra đối với xã hội.
11. Câu hỏi 11: Chủ tài khoản nếu vô tình chia sẻ tin giả, thông tin sai sự thật thì có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hay không?
Trả lời: Hành vi chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng là một trong những hành vi bị nghiêm cấm, được quy định cụ thể trong Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng và Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Người có hành vi chia sẻ tin giả, thông tin sai sự thật trên mạng sẽ bị xử phạt hành chính từ 5 triệu đến 10 triệu đồng, tùy theo mức độ vi phạm. Người sử dụng cần có trách nhiệm đảm bảo những thông tin bản thân đăng tải, chia sẻ trên mạng là những thông tin đúng sự thật, tránh chỉ vì chưa tìm hiểu kĩ mà tiếp tay cho hành vi lan truyền tin giả trên mạng.
12. Câu hỏi 12: Cách khắc phục khi phát hiện bản thân đang chia sẻ tin giả, thông tin sai sự thật trên mạng là gì?
Trả lời: Khi phát hiện bản thân đang chia sẻ tin giả, thông tin sai sự thật trên mạng, cần phải nhanh chóng gỡ bỏ thông tin đó, đồng thời đăng tải thông tin đính chính, tránh để những người đã đọc, xem được nội dung đó hiểu nhầm và tiếp tục lan truyền, chia sẻ tin giả, thông tin sai sự thật.
13. Câu hỏi 13: Những tiêu chí, yêu cầu đối với thông tin phản ánh về tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng?
Trả lời: Yêu cầu đối với thông tin phản ánh về tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng như sau:
(1) Thể hiện rõ nội dung phản ánh, đường link, hình ảnh vi phạm;
(2) Gửi kèm thông tin của cá nhân, tổ chức phản ánh tin giả để cơ quan chức năng liên hệ khi cần: họ và tên đối với cá nhân/tên cơ quan, tổ chức phản ánh; số điện thoại; email liên hệ.
14. Câu hỏi 14: Mức xử phạt với hành vi đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật trên mạng (ví dụ: Đặt quảng cáo vào nội dung xuyên tạc, sai sự thật) là gì?
Trả lời: Theo quy định tại Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ, đối với hành vi đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật (quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ) sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng và buộc tháo gỡ quảng cáo.
15. Câu hỏi 15: Đối tượng nào cần tuân thủ các quy tắc ứng xử trên mạng xã hội?
Trả lời: Căn cứ Khoản 2 Điều 2 Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 16/7/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông, đối tượng áp dụng của bộ quy tắc gồm có:
(1) Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội;
(2) Tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội;
(3) Nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam.
16. Câu hỏi 16: Nguyên tắc bồi thường thiệt hại khi bị xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm trên mạng xã hội như thế nào?
Trả lời: Hành vi chia sẻ tin giả, thông tin sai sự thật trên mạng, gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín và nhân phẩm của tổ chức, cá nhân là một trong những hành vi bị nghiêm cấm, được quy định cụ thể trong Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật An ninh mạng và Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Người bị xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm trên mạng xã hội có quyền yêu cầu bồi thường và việc bồi thường sẽ tuân thủ theo Điều 585 của Bộ luật Dân sự 2015.
17. Câu hỏi 17: Những quy định cần tìm hiểu liên quan đến hoạt động sử dụng thông tin trên mạng?
Trả lời: Một số quy định cần biết khi sử dụng thông tin trên mạng:
(1) Quy định về các hành vi bị cấm khi sử dụng không gian mạng: Điều 7 Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018, Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ;
(2) Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội;
(3) Tiêu chuẩn cộng đồng của các nền tảng cung cấp dịch vụ mạng xã hội.