Ở nước ta hàng năm có nhiều trường hợp côn trùng cánh màng đốt chủ yếu là ong, gây tử vong do không được xử trí kịp thời và đúng cách.
Ong thuộc họ cánh màng gồm 2 họ chính:
• Họ ong vò vẽ: ong vò vẽ, ong bắp cày, ong vàng.
• Họ ong mật: ong mật và ong bầu.
Thông thường ong đốt hiếm khi gây ra phản ứng nghiêm trọng. Hầu hết các phản ứng là đau chói, ngứa và sưng nề tại chỗ, có thể tự hết sau một vài ngày.
Bộ phận gây nọc độc nằm ở phần bụng sau của con ong cái.
Cần đến viện ngay nếu có MỘT trong các dấu hiệu sau:
1. Có nhiều vết đốt
2. Có vết đốt vùng đầu mặt cổ kèm dấu hiệu phù nề lan nhanh
3. Dấu hiệu toàn thân: Sốt, mệt mỏi, khó thở, nước tiểu ít dần, nước tiểu màu đỏ như máu
4. Có dấu hiệu dị ứng hoặc đã từng dị ứng với ong đốt: mẩn ngứa, đỏ da toàn thân hoặc cảm giác choáng váng chóng mặt
Cách xử trí
Bước 1: Di chuyển nạn nhân đến khu vực an toàn để tránh bị đốt nhiều hơn
Bước 2: Loại bỏ ngòi: Nếu ong mật đốt, sẽ dễ dàng thấy ngòi ở giữa vết đốt và cần lấy nó ra.
Bước 3: Rửa vùng da bị đốt bằng xà phòng và nước lạnh. Có thể sát khuẩn bằng cồn y tế hoặc dung dịch sát khuẩn.
Bước 4: Chườm lạnh trên vùng bị đốt bằng nước lạnh hoặc một túi đá khoảng 20 phút
Bước 5: Nâng vùng có vết đốt lên cao hơn tim → giảm sưng nề và đau.
Bước 6: Bôi thuốc kháng histamin nếu vết đốt ngứa.
Bước 7: Luôn chú ý các triệu chứng dị ứng.