Theo Tổ chức Y tế Thế giới (TCYTTG), mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 5,8 triệu trường hợp tử vong do tai nạn thương tích. Tai nạn thương tích (TNTT) là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, chiếm 10% tổng số ca tử vong trên thế giới, nhiều hơn
32% so với số ca tử vong do sốt rét, bệnh lao và HIV/AIDS cộng lại. Ngoài ra, hàng chục triệu trường hợp cần chăm sóc và điều trị do TNTT không chủ đích gây ra, nhiều trường hợp trong số đó bị tàn tật suốt đời. Khoảng 90% trường hợp tử vong do TNTT xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Tại Việt Nam, trong giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 1,2 triệu trường hợp mắc TNTT với tỷ suất trung bình là gần 1.300/100.000 người, trong đó có khoảng 10.000 trường hợp tử vong chiếm tỉ lệ khoảng 1% so với tổng số mắc TNTT. Trong số đó, TNGT là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do TNTT, tiếp theo là đuối nước, ngã, bỏng và tai nạn lao động.
Tai nạn thương tích đang là một vấn đề y tế cộng đồng mang tính toàn cầu, chiếm 16% gánh nặng bệnh tật trên toàn thế giới. Thực tế cho thấy, nếu người bị nạn được sơ cấp cứu kịp thời, đúng cách có nhiều khả năng giữ được tính mạng, hoặc ngăn không cho tình trạng tổn thương hoặc bệnh lý diễn biến xấu đi, góp phần thúc đẩy quá trình lành bệnh, hồi phục.
Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta rất dễ dàng để bắt gặp một tình huống thương tích hoặc bệnh tật diễn tiến bất ngờ. Tình huống đó có thể xảy ra với tất cả mọi người bao gồm cả những người thân yêu của bạn. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi bạn phải quyết định được việc bạn cần phải làm để đảm bảo sự an toàn cho chính bản thân mình và người bị nạn.
CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT
Cấp cứu y tế là hoạt động nhằm can thiệp nhanh, kịp thời để cứu sống, hồi phục chức năng sống, hạn chế di chứng lâu dài cho nạn nhân. Khoảng thời gian một giờ đầu tiên sau khi bị tai nạn được coi là “giờ vàng” để cấp cứu nạn nhân. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam, rất nhiều trường hợp, khoảng thời gian “giờ vàng” này chưa được tận dụng triệt để.
Việt Nam là một trong số các nước có tỉ lệ tử vong do tai nạn thương tích cao trên thế giới. Vì thế việc nâng cao chất lượng sơ cấp cứu được xác định là giải pháp quan trọng, góp phần giảm thiệt hại về người trong các vụ tai nạn giao thông nói riêng và tai nạn thương tích nói chung.
Trong hầu hết trường hợp, việc đầu tiên khi cần sơ cứu là cần phải kiểm soát được 3 dấu hiệu cơ bản như sau:
1. Xem đường thở có tắc nghẽn không?
2. Xem bệnh nhân có còn thở hay không?
3. Xem tim bệnh nhân có còn đập hay không?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, yếu tố quan trọng nhất là cấp cứu cho người bị thương càng sớm càng tốt. Hầu hết tử vong xảy ra trong những giờ đầu tiên sau tai nạn do hệ thống hô hấp bị ảnh hưởng, đường thở bị tắc hoặc do bị mất nhiều máu, tất cả những vấn đề này đều có thể xử trí được nhờ sơ, cấp cứu. Nếu được sơ, cấp cứu kịp thời, nạn nhân tai nạn giao thông cũng như là các tai nạn thương tích khác có thể giảm đáng kể tỷ lệ tử vong cũng như những biến chứng, chấn thương.
Ví dụ:
• Nếu nạn nhân bị chảy máu thì phải tiến hành cầm máu vết thương...
• Nếu nạn nhân bị gãy xương thì phải tiến hành cố định xương gãy cho nạn nhân....
Và có rất nhiều các tình huống có thể xảy ra đối với nạn nhân và chúng ta có rất ít thời gian để suy nghĩ những việc mà mình cần phải làm để bảo vệ cho bản thân cũng như là nạn nhân của mình. Vì vậy hãy cùng Câu Lạc bộ Cấp cứu Ngoại viện theo dõi cuốn cẩm nang này để biết rõ hơn về sơ cấp cứu ban đầu nhé.