Ánh trăng mờ ảo chiếu qua cửa sổ rải lên sàn một màu trắng bạc, khiến tôi nhìn thấy một chiếc áo nằm trên sàn nhà trống trơn. Liên tưởng tới giấc mơ ban nãy, tôi bèn quay đèn bàn về phía đó, nhìn rõ chiếc áo xường xám màu xanh sậm, trên cổ có đính một viên ngọc trai màu vàng tối, chính là chiếc “Tần Hoài đăng ảnh thanh kỳ bào”.
Sau khi chôn cất Úy Bân, tôi luôn trong trạng thái tinh thần lơ mơ, không thể nào tập trung được. Tôi cũng không thể may xường xám được nữa, mỗi khi nhìn vào những con số ghi trên các bức phác thảo, đầu tôi luôn trống rỗng, đành phải ngừng việc nhận đơn đặt hàng mới, chỉ mở cửa bán những tấm kỳ bào may sẵn. Thế nên khách đến hiệu Cẩm tú kỳ bào vốn đã ít nay lại còn ít hơn.
Phần lớn thời gian tôi thường ngồi đờ đẫn ra trong đó, có lúc Tiểu Lâm ở cửa hàng bên cạnh tranh thủ lúc vắng khách chạy qua buôn chuyện, tôi cũng thường đáp lại một cách rời rạc, nói trước quên sau. Những lúc như thế, Tiểu Lâm chỉ lắc đầu, trên mặt lộ ra vẻ thương hại.
Cùng với đó tôi cũng thường xuyên nằm mộng, cảnh mộng cứ lặp đi lặp lại như một bộ phim truyền hình nhiều tập, đều mơ thấy Úy Bân và Tiểu Cổ.
Hai tháng tăm tối đó dài tựa một năm.
Vân Phong cũng bận rộn với công việc kinh doanh của gia đình nên không có nhiều thời gian dành cho tôi, hơn nữa anh ấy cũng không biết chuyện chiếc kỳ bào, mà dù có nói thì anh ấy cũng chẳng tin, nên chỉ còn có Thanh Lâm là thường xuyên dành thời gian đến rủ tôi đi dạo phố cho đỡ buồn. Bình thường cô ấy vẫn cẩu thả tùy tiện, nhưng khi gặp chuyện gì đó, thì lại hết sức chu đáo. Từ khi quen biết nhau hồi năm thứ nhất, tôi cũng không chơi thân thực sự với ai, chỉ có Thanh Lâm là người duy nhất có thể khiến tôi dốc hết ruột gan. Có lẽ vì tính cô ấy đơn thuần, bất cẩn, làm việc gì cũng không có bụng dạ nên lại khiến người khác thấy yên lòng.
Nhìn thấy bộ dạng như mất trí của tôi, Thanh Lâm luôn hỏi rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì. Mấy năm chơi với nhau, cô ấy hiểu tình trạng của tôi không phải chỉ vì việc Úy Bân tự sát, song cũng không cố truy hỏi tôi nguyên nhân thực sự. Từ trước đến nay Thanh Lâm vẫn nhát gan, tôi làm sao có thể đem mấy chuyện đáng sợ đó nói ra cho cô ấy được.
Thanh Lâm khi đó đã bỏ việc quay về làm cho công ty của gia đình, đây là việc sớm muộn gì thì cũng phải tiếp quản, chẳng bằng làm luôn từ giờ cho quen. Thực ra cô ấy cũng không quen lắm với ngành kinh doanh của nhà họ Hà, thế nên thường xuyên bận tối mắt tối mũi, mỗi lần đến chỗ tôi cũng thường phải ôm theo cả đống giấy tờ để đọc. Vừa nói chuyện với tôi, Thanh Lâm vừa dùng máy tính ở cửa hiệu để lên mạng tìm tư liệu. Vì Thanh Lâm không thích lái xe, nên có lúc muộn quá, tôi lại gọi điện cho Vân Phong bảo anh tiện đường đưa cô ấy về nhà. Tính kiên nhẫn của Vân Phong không phải là tốt lắm, song trong việc này anh lại cực kỳ chịu khó, hễ gọi là tới ngay, đến mức có khi tôi còn thấy trong lòng hơi chua xót, chỉ là một chút ghen tị thoáng hiện lên rồi tan biến đi ngay, sau đó tự an ủi mình rằng đó có lẽ là cách anh “yêu cả đường đi lối về”.
Thanh Lâm hay hỏi Vân Phong mấy việc liên quan đến kinh doanh, nên hai người thường trò chuyện rất tâm đầu ý hợp, khác hẳn với hồi còn ở trường, họ thường xuyên đối đầu với nhau gay gắt. Sau này Vân Phong cũng hình thành thói quen, ngày nào cũng đến cửa hiệu của tôi đón Thanh Lâm rồi mới về nhà. Thanh Lâm đi ra đến hiệu sách bên cạnh, thế nào cũng phải đứng trước tấm gương lớn bên đó chỉnh sửa lại áo quần, lấy tay vuốt vuốt tóc hay làm gì đó. Có lúc còn cười với mình trong gương, khi cười đôi môi đỏ như cánh hoa anh đào hơi hé mở, trông dáng vẻ cực kỳ xinh đẹp. Từ ngày quen cô ấy đến giờ, tôi chưa từng thấy Thanh Lâm tỏ ra nữ tính đến thế, nghĩ chắc chắn con nha đầu này yêu rồi. Tôi cũng từng hỏi, song Thanh Lâm luôn tìm cách lảng tránh, không muốn trả lời. Vì chuyện này mà tôi cũng thấy ngứa ngáy trong lòng, bởi tôi gần như chưa từng giấu giếm cô ấy một chuyện gì. Sau cùng vì sự chu đáo của Thanh Lâm với mình, thêm vào đó tinh thần không được ổn lắm, nên tôi cũng chẳng có lòng dạ đâu mà để tâm đến chuyện đó nữa.
Thực ra, người thấy nặng nề không chỉ có mình tôi, còn có cả bà nội nữa. Tôi phát hiện ra rằng sau khi Úy Bân chết đi, tinh thần của bà cũng càng ngày càng ủ rũ, hoàn toàn thua xa với vẻ cứng cỏi và mạnh mẽ trước khi tôi đi Lệ Giang. Từ trước đến nay bà vẫn luôn trẻ trung hơn hẳn những người cùng lứa tuổi với mình. Nhất là mái tóc, dù đã bạc phơ, nhưng mỗi sợi đều sáng bóng lên như được quết dầu, buộc thành một bó dày, rất ít khi bị rụng. Còn giờ đây, tóc bà như bị hút hết chất dinh dưỡng, dính bết lên da đầu tựa đã héo khô. Sáng hôm đó, bà đứng trên ban công chải đầu, tôi đứng ngay phía sau nhìn tấm lưng gày guộc của bà. Khi chiếc lược gỗ chải qua, tóc cứ rơi xuống từng mảng như kéo tơ.
Tôi cầm lấy chiếc lược gỗ, dồn sức vào bàn tay để cố chải thật nhẹ cho bà, song dù tôi có cẩn thận tới mức nào thì tóc vẫn cứ không ngừng rơi xuống, khiến người ta thấy chua xót trong lòng. Nghĩ bà cả đời buồn khổ vì cô đơn, rồi lại nghĩ đến cái chết của Úy Bân, nước mắt tôi bất giác rơi lã chã.
“Ảnh Ảnh, sao lại khóc thế?”, bà vẫn đứng xoay lưng lại với tôi, hỏi.
“Không, không có gì!”, tôi cố nén những tiếng nức nở, chụp mớ tóc đã được búi lại bằng một chiếc chụp lưới. Chiếc chụp mọi khi vẫn đầy căng lên vì tóc giờ đây xẹp lép, rũ xuống sau gáy khô khốc.
“Ảnh Ảnh, đã mua đất làm mộ cho Úy Bân chưa? Cháu giúp bà đến hỏi bà ngoại thằng bé, xem có đồng ý cho nó mang họ Lý không nhé?”.
Cuối cùng thì bà cũng chấp nhận đứa cháu đó. Tôi biết trong lòng bà cũng đau khổ như tôi, điều duy nhất mà bà không thể nào tha thứ chỉ là mẹ Úy Bân đã chen chân vào cuộc đời chúng tôi và sự phản bội của bố tôi. Bà luôn tự trách mình, bà cho rằng việc con trai ngoại tình có liên quan tới việc mình dạy dỗ không nghiêm. Cả đời bà hết sức kiên cường, có thể đứng vững sau hết nỗi bất hạnh này đến bất hạnh khác, song đối với một số người hoặc việc gì đó thì lại khó tránh khỏi sự cố chấp tới mức gần như không còn tình nghĩa. Tuy nhiên khi nhìn những dấu vết của mấy chục năm trôi qua lãng phí hằn in trên cơ thể bà, ai nỡ nhẫn tâm trách móc bà kia chứ?
“Bà nội, bà yên tâm, cháu sẽ đi nói chuyện với bà ngoại Úy Bân. Bà đừng lo lắng nữa nhé? Nghỉ ngơi cho khỏe, còn có cháu nữa mà”. Tôi khẽ khàng ôm lấy vai bà, tựa đầu mình vào lưng bà nói.
“Còn nữa, Ảnh Ảnh, hiệu kỳ bào thì thế nào? Cháu là con gái, đâu thể cứ vất vả như vậy mãi? Hơn nữa...”. Bà lại nhắc tới chuyện cũ, dù ngữ điệu không cứng rắn như bao nhiêu lần trước, nhưng cũng vẫn rất kiên quyết.
“Bà ơi, cháu không đóng cửa đâu. Cửa hàng đó không chỉ là hy vọng của một mình cháu. Còn nữa, nếu như có một ngày ông nội quay về, nhìn thấy nhất định sẽ rất vui lòng!”.
Tôi không muốn đóng cửa, hiệu kỳ bào đó không chỉ là tâm huyết của mình tôi, mà còn là kỳ vọng. Trước sau tôi vẫn tin chắc rằng có một ngày ông nội lại quay về, nên làm sao có thể đóng cửa được. Tôi không giống như bà nội năm đó đưa tôi rời khỏi trung tâm thành phố náo nhiệt, mà chọn cách này để có đủ can đảm quên đi những tháng năm đã trôi qua. Nhớ năm đó khi ông nội bỏ đi, có biết bao nhiêu người đã muốn lấy thương hiệu của ông để may xường xám, nhưng bà thà sống thanh đạm đến hết đời cũng không chịu thỏa hiệp với những người này.
“Ảnh Ảnh, có hiệu kỳ bào đó bà luôn cảm thấy trong lòng mình không yên ổn. Ông cháu đã gặp cái thứ “Tần Hoài đăng ảnh thanh kỳ bào” gì đó, Úy Bân cũng đi rồi... Cháu nói xem, từ khi nhà chúng ta mở cửa hiệu làm xường xám, chính là vì tấm kỳ bào đó, nên ông nội cháu cả đời mê đắm không màng thế sự, cuối cùng lặng lẽ bỏ đi không dấu tích, bố cháu từ nhỏ đã không có ai dạy bảo, thời niên thiếu không có chỗ dựa, không biết chịu trách nhiệm và gánh vác mọi việc, nên cuối cùng mới không sống được đến già. Giờ đây Úy Bân cũng... Ba thế hệ đều không ra gì. Hiện giờ chỉ còn có mình cháu ở với bà, cháu nói xem... Nếu như cháu có chuyện gì, cháu bảo bà làm sao sống nổi?”.
Bà càng nói càng xúc động, đến câu cuối cùng thì nước mắt đã trào ra, trên khuôn mặt không còn vẻ quả quyết cứng rắn ngày xưa nữa, chỉ có sự yếu đuối của một bà lão già nua. Lời nói của bà khiến tôi chua xót không sao kể xiết, nhưng rõ ràng tôi chưa từng nhắc đến nguyên do vì sao Úy Bân lại ra đi với bà, nên không thể không hỏi:
“Làm sao bà biết?”.
“Sao bà lại không biết? Rất lâu rồi cháu không hỏi bà chuyện tấm kỳ bào đó, nhưng có một buổi tối khi ở cửa hiệu về cháu có nhắc đến nó, khi đó bà đã hơi lo lắng. Ảnh Ảnh! Cháu vẫn luôn là một đứa trẻ hiểu chuyện, cháu biết bà không vui thì không nhắc đến nó nữa, nếu như không phải vì gặp nó thì chắc cháu sẽ không đột nhiên hỏi vậy. Song bà vẫn cứ nuôi hy vọng, không muốn tin rằng cháu đã gặp nó, ngày ngày bà đều thắp hương, cầu bồ tát che chở cho cháu, gần đây ngủ cũng không yên, mỗi đêm đều trở dậy thắp hương đến mấy lần. Bà vốn tưởng rằng tất cả đã qua đi, thế nhưng...”, bà hít một hơi rồi nói tiếp:
“Vẫn có người ra đi. Bà không nghĩ người đó lại là Úy Bân, đứa bé mà bà vẫn không thể nào chấp nhận được. Tấm kỳ bào đó đã không còn chỉ chọn phụ nữ nữa ư? Ảnh Ảnh, bà không mong sẽ có chuyện xảy ra với cháu, tấm kỳ bào đã liên lụy đến chúng ta quá nhiều rồi. Ngày hôm đó, khi bà cầm bức phác thảo của cháu lên, trong lòng bà vừa hận vừa đau, mỗi mũi kim đâm xuống, rút lên đều giống như đâm vào chính trái tim mình. Ảnh Ảnh, từ ngày cháu nói muốn mở cửa hiệu xường xám, bà đã mong sẽ có ngày cháu từ bỏ nó, bà chấp nhận để cháu sống một cuộc sống giản đơn, vui vẻ, hoàn toàn không giống như hai thế hệ trước đã trải qua”.
“Bà ơi, cháu rất vui mà! Bà cứ để cháu suy nghĩ thêm một thời gian nữa nhé? Cháu đi đến nhà bà ngoại Úy Bân đã”. Tôi cầm túi xách lên. Không phải trước đây bà chưa từng đề nghị tôi đóng cửa cửa hiệu xường xám, tuy nhiên từ trước đến nay bà chưa từng nói với tôi những lời gan ruột mà cả hai chúng tôi đều muốn giữ kín không nói ra nhiều đến vậy, từ đó có thể thấy bà đã kiên quyết đến chừng nào. Tôi cũng không muốn từ bỏ, nhưng bị kẹp chặt giữa hai bên, cảm giác như mình bị bức bách tới nỗi còn không thở nổi. Chỉ nghĩ đến việc sẽ mất cửa hiệu xường xám đó, lòng đã đau đến co thắt lại.
Vừa đi ra đến cửa lại nghe tiếng bà nói với theo: “Tiểu Ảnh, đừng trách bà!”.
Giọng bà nghe mỏng manh tới mức không có chút sức nặng nào, xem ra bà cũng không tới nỗi căm ghét kỳ bào như bà từng biểu hiện ra. Thực ra từ sau hôm nhìn thấy bà đang khâu áo, tôi nghĩ có lẽ bà cũng từng có thời gian yêu thích xường xám không kém gì ông nội, nhưng không dám hỏi thẳng bà, sợ sẽ lại gợi lên những chuyện đau lòng cũ mà bà đã dần quên. Suy cho cùng thì con người ta sẽ không thể căm ghét những thứ gợn lên dư vị về hạnh phúc đã qua của mình.
“Bà ơi, cháu hiểu tấm lòng của bà mà!”.
Tới nhà họ An, tôi đứng bên ngoài lưỡng lự hồi lâu rồi mới gõ cửa. Người ra mở cửa là cô giúp việc. Căn biệt thự này của nhà họ An do mẹ Úy Bân mua từ hồi còn trẻ.
Thực ra trong khi gia đình chúng tôi căm hận mẹ Úy Bân, thì người nhà họ An cũng hận chúng tôi đến tận xương tủy. Nếu như không có bố tôi, thì con gái của họ đã có tiền đồ xán lạn, chắc chắn sẽ không chết vào thời điểm đang ở đỉnh cao sáng chói như vậy, thế nên hai nhà chưa bao giờ qua lại với nhau. Khi biết tôi là ai, người giúp việc đó sững ra một lát, cánh cổng vốn đã mở ra liền khép vào đến ba phần, “Cô chờ một chút, để tôi đi hỏi bà”.
“Xin chị chuyển lời đến An tiên sinh và An phu nhân, tôi chỉ muốn bàn với họ mấy chuyện liên quan đến Úy Bân”.
Nghe tôi nói xong, chị giúp việc liền đóng xuỳnh cánh cổng vào. Tôi đứng chờ bên ngoài chừng ba phút, cánh cổng mới lại tiếp tục mở ra: “Phu nhân nhà chúng tôi mời cô vào”.
Trên các mặt tường trong phòng khách của nhà họ An treo đầy những bức ảnh chụp phong cảnh, vừa trông qua đã biết là tác phẩm của Úy Bân. Giờ đây ảnh còn mà người mất, chỉ trong vòng vài tháng ngắn ngủi mà chúng tôi đã âm dương cách biệt. Tôi ngồi xuống ghế salon, càng nhìn càng thấy đau lòng, những hình ảnh đầy màu sắc trong quá khứ lại lần lượt hiện về...
“Chào cô, Lý tiểu thư!”. Nghe thấy có tiếng người đi xuống, tôi mới nhận ra mình đã hơi thất thố, vội vàng lấy khăn giấy trong túi ra lau đi nước mắt của mình.
An phu nhân trông khoảng ngoài sáu mươi, dù rằng có vẻ hơi tiều tụy, nhưng không hề già một chút nào, khuôn mặt hiền từ, đường nét dịu dàng đẹp đẽ, khi còn trẻ chắc chắn phải là một cô gái cực kỳ xinh đẹp. Hai tay đeo vòng mã não, bà mặc trang phục ở nhà. Vành mắt đỏ lựng lên, thấy ngay là bà vừa mới khóc. Tôi đứng dậy: “Chào An phu nhân!”.
“Cô cũng gọi tôi là bà như Úy Bân đi”, bà ra hiệu cho tôi ngồi xuống.
“Hôm nay cô đến đây là vì…?”. Chắc là khi còn sống, thường ngày Úy Bân cũng nhắc đến tôi nên An phu nhân mới để tôi gọi như vậy, chứng tỏ bà ấy đã thừa nhận quan hệ của tôi với Úy Bân.
“Bà, là thế này. Cháu và bà nội cháu muốn Úy Bân nhận tổ tông, đổi thành họ Lý trên bia mộ. Úy Bân đi rồi, nó thậm chí còn mong được nhà họ Lý thừa nhận hơn cả mẹ mình khi trước. Đề nghị này giờ đây có lẽ đã quá muộn, nhà cháu cũng cảm thấy có lỗi với em, là chị em với nhau bao nhiêu năm như vậy, cháu vẫn luôn biết được tâm nguyện của Úy Bân, cũng hy vọng ông bà có thể chấp nhận để làm tròn tâm nguyện của em ấy khi còn sống. Cháu nghĩ được vậy chắc Úy Bân dưới suối vàng cũng sẽ rất vui mừng”. Tôi sợ mình nói không đủ chân thành sẽ khiến bà ngoại Úy Bân không đồng ý, cũng sợ hễ dừng lại thì sẽ không nói tiếp được, thế nên dồn hết một hơi nói ra toàn bộ những điều mình muốn nói.
“Nhà họ Lý các người rốt cuộc có coi nhà họ An chúng tôi ra gì không? Khi mẹ Úy Bân chết vẫn trong tình trạng danh không chính ngôn không thuận, gia đình chúng tôi đã cầu xin gia đình bên đó cho chúng một chút danh phận để làm tròn tâm nguyện của chúng khi còn sống, dù gì thì cũng chết cùng giờ cùng ngày cùng tháng cùng năm. Chúng tôi đã cầu xin rằng dù gì người cũng đã mất, hãy tha thứ cho chúng nó, cho phép chôn cùng nhau, coi như là một chút an ủi cho người còn sống. Khi ấy bên nhà các người đã nói gì? Những điều bà cô nói đời này kiếp này tôi sẽ không bao giờ quên được!”. An phu nhân kích động đứng dậy đập bàn, giọng run lên.
Tôi nhớ mang máng có người nói, hồi đó bà nội cũng rất tuyệt tình, khi biết mong mỏi đó của nhà họ An, bà thậm chí còn hất cả bàn ra, giẫm lên linh vị bố tôi: “Nó sống là con tôi, chết cũng là con tôi, là tôi dạy dỗ nó không nên thân mới khiến nó đi nhầm đường, dù chết rồi cũng phải sửa chữa lỗi lầm cho nó. Kỷ Yên Như nếu như không cải giá thì sẽ là con dâu duy nhất của nhà họ Lý chúng tôi, nếu có cải giá thì song huyệt của con trai tôi cũng sẽ để trống một bên, không thể chôn theo người nào khác, tôi chấp nhận để nó làm người cô quả dưới đất sâu, coi như đó là một sự trừng phạt đối với nó. Còn nữa, tôi chấp nhận để nhà họ Lý đứt đường hương hỏa, cũng không để cho nghiệt chủng mà nghịch tử có được với đứa con gái ở bên ngoài bước chân vào cửa nhà họ Lý.”
Những câu nói đó chẳng khác nào một cái tát vào mặt nhà họ An, chuyện con gái quan hệ với một người đàn ông có vợ đã chẳng lấy gì làm vinh quang, sau khi chết cũng vẫn bị người ta làm nhục, nhà họ An làm sao có thể nhẫn nhịn nổi, lập tức bỏ đi trong căm hận.
Tôi không biết phải nói thế nào, nhưng cũng không dễ dàng từ bỏ:
“Bà, bà nội cháu cũng nói năm đó bà cháu cứng nhắc quá, nếu đổi chỗ cho nhau bà thử nghĩ xem, ai có thể chấp nhận được trong hoàn cảnh đó chứ? Năm đó cả hai nhà đều trong cảnh đau lòng muốn chết, nhưng cháu, mẹ cháu và Úy Bân có gì sai chứ? Cháu với Úy Bân lớn lên cùng nhau, ban đầu cháu cũng không thể chấp nhận nổi nó. Bà ơi, đôi khi sự tổn thương giống như lưỡi kiếm đôi, làm người đau mười thì mình cũng tự làm mình đau đến tám phần, cả hai bên cùng đánh thì không ai tránh được nỗi đau. Giờ đây tất cả bọn họ đều không còn nữa, bọn cháu cũng đã quên hết những ân oán trước kia. Úy Bân không có lỗi, nó còn trẻ như vậy mà đã chết, nếu như nó không có ý muốn được quay về nhà họ Lý, thì hôm nay cháu cũng chẳng muốn nhắc đến việc này. Úy Bân vẫn luôn nghĩ đến thân phận không được chấp nhận của mình, bà nói xem, chúng ta đang sống như vậy làm sao có thể không thay nó thực hiện nguyện vọng khi còn sống kia chứ? Nhất là khi đó cũng chẳng phải việc gì khó khăn đối với chúng ta”.
“Phải đấy, Tiểu Vân! Chúng ta hãy để Úy Bân mang họ Lý đi, chẳng phải thằng bé vẫn luôn muốn vậy hay sao?”. An tiên sinh khi đó cũng đã đến ngồi bên cạnh từ bao giờ, nhẹ nhàng ôm lấy vợ, khẽ nói. Có thể thấy tính cách của Úy Bân đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ ông ngoại.
“Nhưng mà...”, An phu nhân vừa lên tiếng đã bị chồng cắt ngang.
“Tiểu Vân, là Úy Bân muốn như vậy, cũng là việc chúng ta có thể làm được, chẳng phải hay sao? Thằng bé đã đi rồi, chúng ta còn có thể làm gì cho nó nữa? Chúng ta cứ đi so đo với những lời nói trong lúc tức giận liệu còn có nghĩa lý gì? Con gái đi rồi, giờ đây cháu ngoại cũng đi rồi, chỉ còn lại hai người già chúng ta, sống đến mấy chục năm còn quan tâm đến thể diện nữa ư?”.
An tiên sinh khẽ vỗ lên vai vợ với vẻ đau buồn vô hạn. An phu nhân nghe vậy cũng đau lòng tới mức không nói thành lời, song cũng không phản đối như trước nữa.
Phải rồi, trong mớ bòng bong ái hận tình thù này, chúng ta cứ đi so đo với lỗi lầm của người chết thì có nghĩa lý gì kia chứ? Phải chăng tôi cũng nên vứt bỏ mối oán hận trong lòng với bố mình để có thể sống một cách vui vẻ? Cũng không dễ, tôi có thể tha thứ cho Úy Bân và mẹ nó, song người duy nhất tôi không thể tha thứ chính là bố tôi.
Khi tôi ra khỏi nhà họ An thì phố đã lên đèn. Lúc về tới nhà, bà nội đã ngủ. Rất ít khi bà ngủ sớm thế này, có lẽ là vì gần đây phải chịu gánh nặng về tư tưởng quá lớn. Tôi rón rén đi về phòng mình, nằm duỗi trên giường. Bên ngoài cửa sổ là vầng trăng non đầu tháng trong veo, đường viền cong cong dần trở nên mơ hồ, gió đêm rì rào, dễ chịu tới mức chỉ một lát tôi đã chìm vào giấc mộng...
“Tiểu Ảnh, Tiểu Ảnh...”. Giọng nói quen thuộc đến vậy song tôi lại không thể nhớ ra nổi đó là ai, là ai đang gọi tôi kia? Mở miệng ra nhưng lại không nói được tiếng nào, tôi mở to mắt ngồi bật dậy theo tiếng kêu thét, chỉ thấy một người đang đứng dưới ánh trăng. Nhìn vóc dáng hơi gày gò có thể đoán được đó là một người già, song vì ngược sáng nên tôi không nhìn rõ mặt. Đang định bật đèn, thì ánh trăng bên ngoài cửa sổ bỗng sáng lên như thể hiểu được lòng tôi, khuôn mặt của người đó sáng dần lên trong bóng tối, mỗi lúc một rõ hơn. Khuôn mặt mới quen thuộc làm sao, là ông nội ư? Tôi không dám tin, ra sức chớp mắt để xác thực lại hình ảnh trong ký ức.
“Ông nội!”, tôi nhào xuống khỏi giường, cảm thấy người mình nhẹ tựa một đóa hoa bông, chạy đến nơi đó cầm lấy tay trái của ông khẽ dụi lên má mình:
“Ông nội, có đúng là ông không? Tiểu Ảnh nhớ ông lắm!”.
“Con bé ngốc!”. Ông nội khẽ vuốt ve mái đầu tôi, ánh mắt cực kỳ ấm áp. Tôi tựa vào lòng ông, trái tim cứ treo lơ lửng trong sự bất an bao nhiêu năm cuối cùng cũng tìm được nơi ký thác.
“Ha ha ha ha!”. Âm thanh nghe sắc nhọn đến chói tai vang lên trên đầu, tiếp đó là hơi lạnh phun vào cổ tôi, lạnh ghê người. Ngẩng đầu lên chỉ thấy một khuôn mặt trắng nhợt, đôi mắt trống rỗng và cả chiếc răng nanh u ám. Mái tóc dài rối bời xõa trên vai, nhìn xuống bên dưới, cô ta mặc chiếc áo ngủ màu trắng, ống quần trống không, mà, mà... không có chân!
Tôi giật mình, tưởng được tựa vào ký ức, nào ngờ lại hẫng người trong không khí, còn ông nội đâu? Ngoài cửa sổ trống tênh, đã không còn bóng người quen thuộc đó nữa, nỗi sợ hãi cứ đẩy dần tôi về phía sau, cho đến khi chạm vào thành giường. Muốn nhắm mắt lại không nhìn nữa, nhưng lại không dám nhắm, thậm chí còn sợ hễ nhắm mắt lại thì “người” đó sẽ lao lên.
Tôi càng lùi về sau, cô ta lại càng tiến đến gần, từ mép giường tôi lùi đến kịch đầu giường, tường lạnh tựa như những viên gạch làm bằng băng, lạnh tới mức đâm vào lưng tôi đau nhói.
Trên khuôn mặt của cô ta vẫn là nụ cười đông cứng ở đó, miệng phát ra những tiếng ha ha ha rít qua kẽ răng.
“Không được đến đây, cô đừng có đến đây!”. Tôi sợ hãi hét lên.
Cô ta không tiến đến nữa, nhưng trong phòng lập tức xuất hiện thêm mấy bóng người, một là thiếu phụ họ Lạc, một là Tiểu Cổ, một là Úy Bân!
Những “người” vừa rồi hợp lại với thiếu phụ họ Lạc thành một, tất cả bọn họ đều vừa cười vừa đưa tay về phía tôi, trong miệng vang lên những tiếng ha ha ha ghê rợn.
“Úy Bân!”. Tôi gọi tên đứa em trong đau khổ, đồng thời đưa tay lên bịt tai để không phải nghe thấy những tiếng cười chói tai đó nữa, song dù tôi có bịt đến đau cả hai tai, những âm thanh ấy vẫn xuyên vào tận trong màng nhĩ.
“Ha ha! Trả cho cô! Trả cho cô! Cùng đi thôi...”. Trên tay mỗi người có thêm một tấm áo màu xanh sẫm nữa, trông lờ mờ đúng là kiểu dáng của chiếc Tần Hoài đăng ảnh thanh kỳ bào đó, sau đó đồng loạt ném về phía tôi. Tôi hoảng loạn lắc đầu, xua tay muốn đuổi họ đi, nhưng bọn họ vẫn không ngừng tiến đến gần tôi. Đột nhiên tôi thấy cổ mình lạnh ngắt, một đôi tay lạnh lẽo đã siết chặt lấy nó. Tôi ra sức giẫy giụa, thở mỗi lúc một khó khăn hơn, trong ý thức mơ hồ còn sót lại, tôi cảm giác thấy bọn họ ùa vào kéo mình ra ngoài, cho đến lúc cơ thể tôi sắp rơi vào không khí…
“Ai đang ôm đàn tỳ bà gảy khúc nhạc làm vỡ vụn gió đông, lá phong nhuốm màu lên câu chuyện mà anh vừa mở ra đoạn kết…”. Tiếng nhạc chuông điện thoại vang lên, đầu tôi như bị quất một nhát roi đau điếng, đau tới mức tôi mở choàng mắt ra.
Trên trán thấy một vùng lạnh ngắt, mồ hôi vã ra như mưa. Tôi thở gấp, bật đèn lên, nhìn thấy bên góc gối là tấm bùa mà Đường Triêu đã cho mình, sợi dây không biết đã bị đứt từ lúc nào. Tôi vuốt ngực, mãi sau mới bình tĩnh lại được.
Ánh trăng mờ ảo chiếu qua cửa sổ rải lên sàn một màu trắng bạc, khiến tôi nhìn thấy một chiếc áo nằm trên sàn nhà trống trơn. Liên tưởng tới giấc mơ ban nãy, tôi bèn quay đèn bàn về phía đó, nhìn rõ chiếc áo xường xám màu xanh sậm, trên cổ có đính một viên ngọc trai màu vàng tối, chính là chiếc “Tần Hoài đăng ảnh thanh kỳ bào”.