Năm 2022, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tái bản có bổ sung cuốn sách “Lịch sử căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước (1960-1975)”. Cùng với giá trị của một công trình lịch sử, cuốn sách còn tập hợp những nghiên cứu, đánh giá của các nhà khoa học, các nhân chứng, đại diện các cơ quan chức năng về nghệ thuật xây dựng “thế trận lòng dân” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Thôn Hồng Phước thuộc xã Hòa Khánh, huyện Hòa Vang (nay thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 10km về phía Tây Bắc, diện tích gần 2km2. Địa hình Hồng Phước khá phức tạp, gồm những bãi cát trắng nằm đan xen với các ao hồ, đầm lầy như: Bàu Sậy, Hóc Quân, Hóc Chánh... Ven các đầm lầy, cây gai lưỡi long (giống cây xương rồng) mọc ken dày, có cây cao tới 2m, hình thành những hàng rào tự nhiên. Phía Nam Hồng Phước gần núi thấp Thanh Vinh, phía bắc cách Quốc lộ 1 gần 2km. Từ sườn núi Hải Vân, tiếp cận Hồng Phước khá thuận tiện, là một trong những đường nhánh từ đường mòn Hồ Chí Minh tỏa về nội đô. Trong kháng chiến, Hồng Phước sớm được các cấp ủy đảng xác định xây dựng nơi đây làm bàn đạp để bố trí lực lượng bí mật từ căn cứ Núi Chúa, phía bắc vào để tiến công các mục tiêu nằm sâu trong nội thành Đà Nẵng.
Nhà bà Phạm Thị Dĩ tại căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước. Ảnh tư liệu
Sau khi Hiệp định Geneva năm 1954 có hiệu lực, Huyện ủy Hòa Vang tổ chức cho cán bộ, đảng viên tập kết ra Bắc, đồng thời bố trí lực lượng ở lại tiếp tục chỉ đạo đấu tranh đòi thi hành hiệp định. Tránh nguy cơ mất cơ sở, mất phong trào và địa bàn đứng chân trong vùng địch kiểm soát, cán bộ Huyện ủy và đoàn công tác xã Hòa Liên bí mật về Hồng Phước gặp các gia đình cơ sở ở đây như: Gia đình ông Dương Chương-bà Phạm Thị Dĩ, ông Lê Văn Mùi-bà Nguyễn Thị Liên, ông Đinh Viết Lãng-bà Lê Thị Cảnh... xây dựng các gia đình này thành cơ sở cách mạng cốt cán. Từ các gia đình này, ta tiếp tục gây dựng, phát triển nhiều nhà khác tại thôn Hồng Phước. Huyện ủy nhận định: Do không nằm sát núi Thanh Vinh, cũng không nằm sát Quốc lộ 1 nên Hồng Phước ít bị địch để ý. Bộ máy quản lý của chúng ở đây cũng tương đối lỏng lẻo.
Mặt khác, Hồng Phước được các thôn khác có cơ sở cách mạng vững mạnh như: Thanh Vinh, Đa Phước, Xuân Thiều... che chắn nên an toàn hơn. Mỗi khi địch truy lùng, được các thôn bạn báo động, cán bộ ta kịp thời lui vào bí mật, nhân dân Hồng Phước trở về trạng thái bình thường. Vì vậy, tháng 2-1960, sau khi quán triệt Nghị quyết 15 của Đảng, Ban Cán sự đảng Đà Nẵng phân công các đồng chí Võ Thanh Hùng và Tăng Ngọc Phương về khu Tây Đà Nẵng tổ chức xây dựng Hồng Phước thành căn cứ lõm cách mạng. Trước hết, đội công tác dựa vào cơ sở do Huyện ủy Hòa Vang trước đây xây dựng để bắt liên lạc, gây dựng, chắp nối... Năm 1961, Ban Cán sự đảng Đà Nẵng đã xây dựng được các cơ sở nòng cốt là: Nguyễn Thị Liên, Phạm Thị Dĩ, Hà Thị Mau, Lê Thị Tính... Các cơ sở này tích cực đào thêm nhiều hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ, bộ đội cánh Bắc Hòa Vang và khu Tây Đà Nẵng. Cụ thể, cả thôn đã đào được 46 căn hầm bí mật, mỗi căn có thể ở được từ 3 đến 5 người. Trong đó, nhà bà Phạm Thị Miên 7 hầm, bà Phạm Thị Dĩ 4 hầm, bà Hà Thị Mau 4 hầm... Ngoài ra, căn cứ lõm cách mạng (mật danh là B1) Hồng Phước còn làm giao liên cho các tuyến hành lang từ căn cứ miền núi xuống đồng bằng, đô thị.
Tượng người mẹ và ngọn đèn Hồng Phước tại Khu lưu niệm căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước. Ảnh: NGUYỄN SĨ
Trong điều kiện địch vây tứ bề (có thời điểm 7 lính Mỹ/1 người dân xã Hòa Khánh, chưa kể bộ máy tề ngụy của chúng), ban cán sự đã dùng ngọn đèn dầu đặt trên bệ xi măng trước hiên nhà bà Dĩ và bà Liên làm tín hiệu thông báo tình hình địch. Đèn sáng: Báo yên. Đèn tắt: Có địch. Để nắm chắc hoạt động của chúng, gia đình cơ sở vừa lao động sản xuất vừa quan sát nắm tình hình địch. Đến giờ G, thấy tình hình bảo đảm an toàn tuyệt đối thì mới được thắp đèn lên, cán bộ ta về đến nơi thì đèn tắt. Nhờ đó, trong những thời điểm khó khăn nhất của cách mạng miền Nam thì căn cứ lõm B1 Hồng Phước vẫn luôn bảo đảm an toàn.
Không chỉ là nơi đứng chân của cán bộ cánh Bắc Hòa Vang, quận Một (năm 1969 đổi thành quận Nhì) trước khi thâm nhập nội thành Đà Nẵng, B1 Hồng Phước còn là nơi xuất phát tiến công của các đơn vị biệt động, đặc công và bộ đội chủ lực như: Đánh trận địa pháo Thanh Vinh thuộc Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ ngày 17-4-1965; tập kích tiểu đoàn xe tăng Mỹ tại Hố Chùa, Đa Phước tháng 10-1967; tập kích tổng kho hậu cần Bàu Mạc của quân Mỹ ngày 17-5-1968...
Khu lưu niệm căn cứ cách mạng B1 Hồng Phước. Ảnh: NGUYỄN SĨ
Suốt 15 năm tồn tại trong vùng địch kiểm soát nhưng không một cán bộ, đơn vị bộ đội nào khi về hoạt động tại căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước bị địch phát hiện, không một cơ sở nào bị lộ bí mật. Thành công của việc xây dựng căn cứ lõm B1 Hồng Phước đã chứng minh sự đánh giá đúng đắn về đặc điểm dân cư, vị trí địa chính trị của thôn Hồng Phước của Ban Cán sự đảng Đà Nẵng, trực tiếp là Huyện ủy Hòa Vang. Đồng thời, đây cũng là bài học kinh nghiệm quý báu trong việc xây dựng “thế trận lòng dân” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ghi nhận công lao của cán bộ và nhân dân thôn Hồng Phước, ngày 28-4-2018, Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho cán bộ, nhân dân căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước.
NGUYỄN SỸ LONG