Đời người như năm ngón tay vậy, có người mong làm ngón cái to nhất, đứng đầu tất cả. Có người lại muốn làm ngón trỏ là ngón ra mệnh lệnh, tượng trưng cho sự lãnh đạo, chỉ huy; hoặc làm ngón giữa là ngón dài nhất, đứng trên hết mọi người; làm ngón vô danh (áp út) để thích hợp với trang sức, vàng bạc, kim cương; làm ngón út để khi chắp tay chúng ta có thể gần với các bậc thánh hiền, trưởng giả hơn.
Cho nên, về cơ bản thì con người đều luôn hướng tới khát vọng cao nhất của cuộc đời. Thí dụ như, để xây dựng hình ảnh một thương nhân thì phải ở vị trí cao nhất. Các chuyên gia về kỹ thuật thì phải mở ra một con đường dài nhất. Học sinh thì phải thi đạt đến điểm số tối đa, thậm chí ai cũng muốn thiết lập kỷ lục Guiness thế giới, ai cũng muốn trở thành quán quân của thế giới.
Tần Thủy Hoàng xây dựng Vạn lý trường thành, công lao cái thế; Tùy Dương Đế đào kênh mong muốn đến Dương Châu để hưởng lạc; Alexander đại đế tham vọng chinh phục cả thế giới với chí khí ngất trời; Napoleon khát khao thống nhất châu Âu, kiến lập sự nghiệp bất hủ.
Tay đấm bốc giỏi của thế giới lẽ nào không muốn đánh gục quyền vương Ali? Những vận động viên điền kinh trên thế giới, lẽ nào không mong muốn mình luôn là người về đích số một trong các cuộc thi Marathon? Rất nhiều tuyển thủ nhảy cao, nhảy xa cũng luôn hy vọng mình là người nhảy cao nhất, xa nhất. Quan trọng hơn nữa là dù ở bất cứ lĩnh vực nào họ đều hy vọng mình trở thành nhân vật đạt đến đỉnh cao, siêu việt nhân loại.
Ai cũng có khát vọng đạt đến giới hạn cao nhất trong cuộc sống, trở thành người giàu có nhất thế giới, tạo dựng cho mình sự nghiệp thành công nhất, mong muốn mình trở thành người giàu có nhất, quyền uy nhất, thành tựu nhất, có nhiều cống hiến nhất, v.v. Cậu bé bốn tuổi họ Đăng ở Trung Quốc có thể bơi qua sông Trường Giang; “người bay” số một châu Á là Kha Ái Lương có thể cưỡi xe máy vượt qua thung lũng bên sông Hoàng Hà, v.v. Họ đều là những nhân vật có khả năng vượt qua giới hạn bình thường của con người. Thậm chí có người sử dụng chiếc thùng để chinh phục thác Nicaragua; có người sử dụng máy bay trực thăng bay vòng quanh thế giới, v.v. Tất cả những người đó không màng đến sự nguy hiểm tính mạng của mình. Họ tạo ra và vượt lên trên giới hạn, quy chuẩn của cuộc đời, được sử sách ghi lại là người đứng đầu trên thế giới.
Mỗi người đều có bản năng dục vọng vô hạn, nhưng cũng có người hài lòng với hiện trạng, không dám khiêu chiến với chính mình.
Thật ra, giới hạn sâu nhất của con người chính là trí tuệ, có trí tuệ mới có thể “thấy được lẽ nhân duyên, ngộ được lý vô thường, sinh diệt”. Giới hạn lớn nhất của con người chính là từ bi, đạt đến “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”. Giới hạn rộng nhất của con người là phát tâm, có thể dùng chính thân thể mình để cúng dường chư Phật. Giới hạn cao nhất của đời người, chính là thành Phật “liễu sinh thoát tử, viên mãn cuộc đời”.
Chúng ta học Phật tu hành, chính là hướng đến giới hạn cao nhất, cũng có nghĩa là khiêu chiến với giặc phiền não trong tâm quấy nhiễu của công cuộc thành Phật, làm tổ. Chúng ta có dám khiêu chiến với cuộc sống, vượt qua mọi giới hạn cao nhất của cuộc đời hay không? Tại sao lại không chứ?