Trong Chiến tranh Việt Nam, mối quan tâm lớn nhất của mỗi người lính chiến là sự hỗ trợ y tế một khi bị thương trên chiến trường.
Đối với lính Mỹ, sự hỗ trợ này nằm trong tầm tay. Việc cứu thương có ảnh hưởng tới nhuệ khí của quân đội nên sự chăm sóc y tế luôn được khẩn trương thực hiện. Việc chuyển thương bằng trực thăng cho phép binh lính Mỹ được chữa trị thường chỉ sau vài giờ.
Người Việt Nam ở bên kia chiến tuyến cũng đặc biệt quan tâm tới y tế, nhưng họ lại không có những điều kiện tương tự để chăm sóc cho thương binh của mình. Thương binh phải mất hàng ngày, thậm chí hàng tuần mới được chăm sóc, thậm chí là không bao giờ. Ngay cả khi có cơ sở y tế, sự khan hiếm thuốc men và y cụ đã ngăn trở công việc điều trị của họ. Đội ngũ y tế phải tự nỗ lực để bù đắp cho thiếu thốn khi có thể, còn khi không thể thì người thương binh buộc phải chịu đựng.
CHÂN TRẦN, CHÍ THÉP bắt đầu với những câu chuyện chọn lọc, cho ta một cái nhìn vào bên trong các hoạt động y tế của phía Việt Nam. Có hai lý do để tôi bắt đầu cuốn sách bằng phần này. Thứ nhất, chúng cho phép người đọc có một trực cảm đối với những gian khó trên chiến trường. Thứ hai, đó là một lý do cá nhân, tôi muốn dành phần mở đầu cho những con người đã truyền cảm hứng cho tôi viết sách – các bác sĩ Lê Cao Đài (“Trong Bụng Dã Thú”) và Nguyễn Huy Phan (“Hàn Gắn Vết Thương Chiến Tranh”). Những ngày được gặp Bác sĩ Đài và Bác sĩ Phan trước khi họ mất đã giúp tôi hiểu rõ hơn rất nhiều về cuộc chiến tranh và những đau khổ mà nó gây ra cho người Việt Nam. Các cuộc gặp gỡ này đã giúp tôi rất nhiều trong tiến trình hàn gắn vết thương của chính mình.
Và đây là những câu chuyện của họ…
Trong Bụng Dã Thú
Hàn Gắn Vết Thương Chiến Tranh
Bác Sĩ Đau Đớn
Trận Chiến Kết Thúc Nhưng Cuộc Chiến Thực Sự Mới Bắt Đầu