Ông Lê Thành Chơn luôn tỏ ra rất tự tin. Sau khi đã trải qua hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ, có lẽ ông có quyền tự tin như thế.
Sinh năm 1942, ông gia nhập Việt Minh từ năm mười lăm tuổi. Những bạo tàn mà quân Pháp giáng xuống đầu người dân đã nung nấu trong Chơn quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi đất nước mình.
Từng tham gia công tác trinh sát, ông Chơn nhớ lại lần đầu tiên chứng kiến trực tiếp hành động dã man của quân Pháp mà không thể làm gì được do sợ lộ bí mật đơn vị:“Có lần, lính lê dương Pháp trói dựng đứng một phụ nữ Việt Nam rồi mổ bụng bà để moi gan. Lần khác, tôi thấy lính Pháp đá dồn dập vào một phụ nữ mang thai”.
Sau khi quân Pháp thất trận, Chơn ra Hà Nội, để lại một người anh trai, một em gái và cha mẹ ở miền Nam. Sự dịch chuyển này đã dẫn đến những ngả rẽ trong gia đình nhiều năm về sau, tương tự như thời Nội chiến Mỹ, khi anh em ruột chiến đấu cho chính quyền miền Nam còn bản thân Chơn phục vụ miền Bắc. “Nhiều gia đình có con cái ở hai chiến tuyến”, ông Chơn giải thích. “Sự khác biệt ở đây là, trong khi tại miền Bắc, chúng tôi chiến đấu cho lý tưởng thì tại miền Nam, người ta bị ép phải đi lính”.
Năm 1958, Chơn vào Trường Không quân ở Cát Bi, Hải Phòng, học lái cả YAK-18 (cùng với phi công huấn luyện - ảnh bên) lẫn MIG-17. Đầu năm 1962, ông được gửi sang Trung Quốc học ba năm về điều hành bay và kỹ thuật chiến đấu hiện đại. Đối với Chơn, đó là khoảng thời gian lãng phí. “Trên thực tế, khi trở về Việt Nam, tôi không thể sử dụng các kỹ thuật của Trung Quốc để chống người Mỹ”, ông nhớ lại. “Chương trình huấn luyện không chiến của Trung Quốc dựa vào những kinh nghiệm chống Mỹ mà họ có được thời chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, thời chiến tranh Triều Tiên thì Mỹ làm gì có công nghệ máy bay tân tiến như tại Việt Nam”. Một trong những khác biệt nữa đó là, trong chiến tranh Triều Tiên, cuộc chiến trên không là sự đối đầu giữa các lực lượng không quân cân bằng, trong khi tại chiến tranh Việt Nam, quân Bắc Việt ít máy bay hơn nhiều so với Mỹ.
Ông Chơn cũng chê phi công Liên Xô. Ông cho biết khi máy bay Mỹ sắp oanh kích Hà Nội, các cố vấn Liên Xô tỏ ra rất lo lắng. Chơn rất ngạc nhiên khi những phi công không tham chiến này tỏ ra lo sợ, bởi lâu nay ông thường tin rằng người Liên Xô được huấn luyện rất kỹ về điều đó. Mới làm quan sát viên mà đã hồi hộp rồi thì không biết khi trở thành phi công đánh trận sẽ thế nào, Chơn băn khoăn.
Phi công và chiếc MIG trên sân bay
Được các đồng minh đào tạo phi công, nhưng chính người Việt Nam đã tự phát triển các chiến thuật đánh Mỹ. Ông Chơn, lúc bấy giờ mới là thiếu tá không quân, dành nhiều thời gian để tìm hiểu chiến thuật của Mỹ và sáng tạo ra các đối pháp. Ông tin rằng chìa khóa thành công trong việc đối đầu với người Mỹ chính là khả năng triển khai đấu pháp “bất kỳ khi nào chúng tôi muốn” chứ không để người Mỹ làm chủ thế trận. Ông đã trở thành một huấn luyện viên về chiến thuật không chiến.
Ông Chơn thừa nhận việc không quân miền Bắc tổn thất nặng nề trong thời kỳ đầu “là do phi công được huấn luyện ở Trung Quốc; nhưng rồi chúng tôi bắt đầu sử dụng chiến thuật của chính mình.”
Chấp nhận đối mặt với cả sự vượt trội về công nghệ lẫn khả năng triển khai quân nhanh chóng của Không lực Mỹ, phi công Việt Nam tập trung áp dụng các chiến thuật vốn đã thu được thành công trên mặt đất – “chiến thuật đánh chớp nhoáng”. Ông Chơn cho biết các phi công được dạy, nếu có thể thì nên tránh lộ diện khi gặp quân địch vượt trội về số lượng, hãy chờ đến lúc được chuẩn bị kỹ càng khả năng chiến đấu cũng như tận dụng yếu tố khách quan để chiếm lợi thế. Phi công được huấn luyện tận dụng các yếu tố như mây, mặt trời, thậm chí núi non trong trường hợp bay thấp. Ông Chơn nói rằng việc triển khai thành công các chiến thuật này đã dẫn tới chiến thắng vào tháng 9 năm 1966 trong cuộc đụng đầu với máy bay Mỹ.
***
Tháng 9 năm 1966, một nhóm máy bay gồm mười hai chiếc F-105 của Không quân Mỹ định tấn công hai chiếc MIG-17 đóng ở sân bay Nội Bài gần Hà Nội. Nhưng có một điều người Mỹ không hề biết, đó là hai chiếc máy bay mục tiêu kia đã được chuyển đến một căn cứ không quân khác ở Hà Bắc trước khi quân Mỹ dự định oanh kích. Khi tiến tới bầu trời Nội Bài, phi đội máy bay Mỹ tách ra ba tốp, mỗi tốp bốn chiếc.
Có hai ngọn núi nằm ở phía Bắc sân bay: chếch về hướng Tây Bắc là núi Tản Viên cao 893 mét; về hướng Đông Bắc là Tam Đảo cao 1.020 mét. Hai ngọn núi này cách nhau chừng 20 cây số.
Một tốp máy bay Mỹ tiếp cận sân bay Nội Bài từ hướng Tây Nam ở độ cao 1.500 mét. Một tốp khác, lợi dụng ngọn Tản Viên để tránh bị phát hiện, tiếp cận mục tiêu từ phía Đông Bắc của ngọn núi ở độ cao 600 mét. Tốp thứ ba lợi dụng Tam Đảo làm lợi thế để tiếp cận mục tiêu từ hướng Tây Bắc ở độ cao 500 mét.
Khi toàn bộ máy bay Mỹ tập trung vào sân bay Nội Bài, hai chiếc MIG bốc lên từ sân bay ở Hà Bắc để thực hiện một cú đánh bất ngờ nhằm vào tốp F-105 thứ ba. Chúng tiếp cận tốp thứ ba từ hướng Đông Nam dãy Tam Đảo.
Khi đang đột kích từ phía sau lưng mục tiêu thì những chiếc MIG bị phát hiện. Tốp F-105 liền thả thùng xăng phụ để đón đánh hai chiếc MIG. Nhưng, theo ông Chơn, khi các chiếc F-105 kịp xoay xở thì chiếc MIG thứ nhất đã ở phía trên lưng tốp thứ ba rồi. Đạn của chiếc MIG bắn trúng một máy bay Mỹ, buộc phi công phải nhảy dù.
Tương tự, chiếc MIG thứ hai đưa một chiếc F-105 vào tầm ngắm. Nó cũng lập tức ghi điểm khi chiếc máy bay Mỹ thứ hai bị bắn rơi. Hai chiếc MIG phóng vù đi ngay tức thì. Cả hai viên phi công Mỹ đều bị bắt sống trên mặt đất.
(Ông Chơn cho biết một trong hai phi công là Thiếu tá Jim Cutler; người còn lại chỉ được biết qua cái tên “Damon”).
Ông Chơn nói rằng thành công này là nhờ vào khả năng làm mất thế chủ động của phi công Mỹ, buộc người Mỹ phải đối đầu với những chiếc MIG một cách thụ động.