Nhiều cựu chiến binh Việt Nam mà tôi có dịp phỏng vấn biết rõ một dấu mốc trong quan hệ Mỹ - Việt mà hầu hết người Mỹ không biết: thời điểm người lính Mỹ đầu tiên thiệt mạng và mất tích. Mỗi năm, lễ kỷ niệm ngày Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc đã lấn át sự kiện tưởng niệm quân nhân Mỹ đầu tiên ngã xuống tại Việt Nam. (Vào năm 1996, Quốc hội Mỹ chính thức xác nhận ngày khởi đầu chiến tranh Việt Nam là 28 tháng 2 năm 1961 – cái ngày mà người ta cho rằng nước Mỹ đã chịu tổn thất đầu tiên về nhân mạng – bởi trên thực tế không có một lời tuyên chiến chính thức nào được đưa ra. Tuy nhiên, sự thực xung quanh cái chết của một trung tá Lục quân trẻ tuổi cho thấy rằng ông xứng đáng nhận được sự ghi nhận mơ hồ này).
Cái chết của bất kỳ người lính nào đang phụng sự Tổ quốc là một bi kịch cá nhân, nhưng sự mất mát nhân mạng đầu tiên của nước Mỹ tại Việt Nam, xét trên nhiều phương diện, lại là một bi kịch quốc gia. Đó là một bi kịch quốc gia báo hiệu cho “sự khởi đầu của điểm khởi đầu” trong hành trình của nước Mỹ tới vũng lầy Đông Nam Á. Đó là bi kịch của một lời cảnh báo bị rơi vào quên lãng: lời cảnh báo mà một người lính đầy trách nhiệm đã cố gắng đưa ra trước khi ngã xuống. Đó là bi kịch của cơ hội bị đánh mất: tức là một thất bại, theo sau cái chết của quân nhân này, trong việc xây dựng mối quan hệ đồng minh vốn đã từng tồn tại giữa nước Mỹ và Việt Nam hai tháng trước đó.
***
Một phần tư thế kỷ sau ngày xâm lăng Việt Nam vào năm 1858, người Pháp đã áp đặt chế độ thực dân. Gần nửa thế kỷ sau, Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ đầy uy tín của dân tộc Việt Nam (ảnh bên) – chào đời – người về sau đã thành công trong việc nhen lên ngọn lửa của tinh thần dân tộc tại đất nước này.
Vào thời điểm mà Chiến tranh Thế giới thứ hai phát khởi tại châu Âu, một loạt các cuộc khởi nghĩa lẻ tẻ của người Việt Nam chống lại giới chủ thực dân đã nổ ra. Khi Paris rơi vào tay người Đức năm 1940, sự kiểm soát của người Pháp đối với Việt Nam cũng lung lay.
Nhật Bản đã tận dụng sự lụn bại đó của Pháp tại Việt Nam. Họ chiếm ngay vùng Bắc Đông Dương, dưới danh nghĩa là được người Pháp “chuẩn thuận” nhưng trên thực tế là do người Pháp không đủ khả năng ngăn cản. (Vào ngày 29 tháng 7 năm 1941, Pháp và Nhật ký “Hiệp ước phòng thủ chung Đông Dương” cho phép quân Nhật sử dụng hầu hết các sân bay và cảng biển quan trọng ở Việt Nam. Văn kiện này chính thức công nhận sự hiện diện quân sự của Nhật Bản trên toàn Đông Dương). Tuy nhiên, tới tháng 8 năm 1944, quân Đồng Minh sắp sửa giải phóng Paris. Nhận thấy rằng những ngày chiếm đóng với danh nghĩa được Pháp “chuẩn thuận” đang sắp kết thúc, Tokyo một lần nữa ra tay. Tháng 3 năm 1945, Nhật giải tán chính phủ Pháp ở Đông Dương, tuyên bố Việt Nam “độc lập”.
Người Việt Nam không coi trọng tuyên bố này. Họ nhận thấy mình chỉ là con tốt trong bàn cờ mà người Nhật đang chơi để hợp pháp hóa sự chiếm đóng Việt Nam. Họ cũng biết rằng, với khả năng quân Nhật sắp bại vong, quân Pháp sẽ sớm tìm cách tái áp đặt sự kiểm soát đối với Việt Nam. Từ góc độ của người Việt Nam, tuyên bố của Nhật Bản có nghĩa là giờ đây họ phải đối mặt với hai kẻ ngoại xâm chứ không chỉ một.
Ngày 7 tháng 5 năm 1945, Đức đầu hàng Đồng minh. Với việc chiến tranh kết thúc ở châu Âu, quân Đồng minh hướng tới việc tung ra một đòn quyết định cuối cùng nhằm đánh bật Nhật Bản ra khỏi cuộc chiến. Cơ quan Tình báo Chiến lược (OSS), tiền thân của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã lập các chiến dịch để hỗ trợ nỗ lực này.
Tháng 7 năm 1945, OSS phát động một chiến dịch nhằm hỗ trợ lực lượng Việt Minh vốn được trang bị thô sơ và đang suy yếu của Võ Nguyên Giáp, lúc này đang tham gia đánh Nhật. Một đơn vị OSS có mật danh “Con Nai” nhảy dù xuống khu căn cứ trong rừng của ông Giáp ở miền Bắc Việt Nam để trợ giúp ông này và ông Hồ Chí Minh chống Nhật. (Trớ trêu thay, nhóm Con Nai đã giúp cứu sống ông Hồ Chí Minh, vốn lúc đó đang bị sốt rét, lị và nhiều bệnh khác hành hạ, cận kề với cái chết).
Ngay sau khi gặp ông Giáp và bàn luận phương thức trợ giúp cho lực lượng của người Việt Nam, nhóm Con Nai lên kế hoạch dùng máy bay thả đạn dược và vũ khí xuống khu căn cứ trong rừng. Họ cũng bắt đầu huấn luyện chiến thuật và sử dụng vũ khí cho đội quân của ông Giáp. Chẳng bao lâu, Việt Minh và các binh sĩ Mỹ đã chiến đấu bên nhau, thực hiện một loạt cuộc công đồn Nhật.
Ngày 24 tháng 7 năm 1945, Tổng thống Truman và những lãnh đạo khác của phe Đồng minh tham dự Hội nghị Potsdam để bàn luận về nhiều chủ đề, trong đó có chủ đề về số phận của Việt Nam sau khi Nhật Bản bại trận. Họ quyết định rằng nên lấy vĩ tuyến 16 để chia Việt Nam ra làm hai, với quân Trung Quốc kiểm soát miền Bắc, quân Anh kiểm soát miền Nam. Chưa đầy một tháng sau, vào ngày 14 tháng 8 năm 1945, quân Nhật đầu hàng, và chính thức tuyên bố đầu hàng vào ngày 2 tháng 9. Như đã thống nhất tại Potsdam, quân Trung Quốc và quân Anh lần lượt tiến vào Hà Nội và Sài Gòn.
Giữa lúc quân Anh do Trung tướng Douglas D. Gracey tiến vào Sài Gòn, một nhóm OSS khác do Trung tá Lục quân Mỹ A. Peter Dewey, 28 tuổi, chỉ huy được điều tới hỗ trợ. Tới nơi vào ngày 4 tháng 9, nhiệm vụ của nhóm là giải phóng cho những quân nhân Đồng minh đang bị bắt làm tù binh và tìm kiếm người Mỹ mất tích. Dewey rất hợp với nhiệm vụ này. Ông có nhiều phẩm chất và kỹ năng tốt, trong đó có việc nói tiếng Pháp trôi chảy nhờ thời gian hoạt động tại Pháp ngay trong lòng quân Đức. Trớ trêu thay, khả năng nói tiếng Pháp trôi chảy rốt cuộc đã góp phần dẫn tới cái chết của ông ba tuần sau đó.
Trong khi Dewey là một sự lựa chọn tốt để đại diện cho nước Mỹ tại Việt Nam thì Gracey lại không phải là một sự lựa chọn tốt để đại diện cho nước Anh. Từng đối mặt với người dân thuộc địa trong phần lớn binh nghiệp của mình, Gracey không mấy thiện cảm với họ. Ông được lệnh giữ lập trường trung lập về chính trị trong vấn đề độc lập của Việt Nam trước sự kiểm soát của người Pháp. Tuy nhiên, mối cảm tình mà Gracey dành cho Pháp rốt cuộc đã giúp họ tái lập sự kiểm soát tại phần lớn miền Nam Việt Nam, trái ngược với mệnh lệnh duy trì trung lập.
Gracey cũng được lệnh giải giới quân Nhật và duy trì trật tự tại Sài Gòn. Nhưng ngay lập tức ông đã thực hiện một loạt hành động cực kỳ thiếu tế nhị đối với người Việt Nam. Đầu tiên, khi ông Hồ Chí Minh gửi phái đoàn từ Hà Nội vào gặp Gracey, vị tướng Anh đã đường đột tống họ ra khỏi văn phòng của mình. Thứ hai, ông áp dụng thiết quân luật đối với người Việt Nam, lựa chọn lính Pháp và tù nhân Nhật Bản được giải phóng để thực thi thiết quân luật.
Dewey rất lo ngại về các kế hoạch mà Gracey đang tiến hành cũng như sự thiếu tế nhị của ông này đối với người Việt Nam. Ông thấy rằng Gracey đang hướng tới một thảm họa, thổi bùng thêm ngọn lửa thù hận trong lòng người Việt Nam nhằm vào phương Tây. Rõ ràng Dewey và Gracey đang nhìn vào Việt Nam từ hai góc độ rất khác nhau; và chắc chắn họ sẽ phải đụng độ nhau. Dewey liên tục gửi báo cáo về Washington trong đó chỉ trích vị tư lệnh người Anh ngày một dữ dội. Mệt mỏi trước sự chỉ trích của Dewey cũng như công việc của một vị tư lệnh của lực lượng chiếm đóng, Gracey đã lệnh cho Dewey rời Việt Nam.
Dewey mới chỉ tới Việt Nam được ba tuần, nhưng chừng đó cũng đủ để ông hình thành một niềm tin mạnh mẽ về đất nước này. Ông tin rằng bất cứ quốc gia nào rắp tâm chiếm đóng Việt Nam hoặc tự ý duy trì sự hiện diện ở đây sẽ phải chuốc lấy tai ương. Đó là niềm tin mà Dewey đã nêu rõ trong bản báo cáo cuối cùng gửi về Washington trước khi ông ra đi. Trong báo cáo, ông đã có đánh giá như một lời tiên tri:
“Nam Kỳ đang bốc cháy; người Pháp và Anh sẽ bị kết liễu tại đây, và chúng ta phải chạy khỏi Đông Nam Á”.
Sự ra đi của Dewey, rốt cuộc đã đi vào lịch sử, được Stanley Karnow ghi lại trong cuốn sách của mình – VIỆT NAM: MỘT LỊCH SỬ (VIETNAM: A HISTORY), do Penguin (USA) Inc. xuất bản:
“Rạng sáng 26 tháng 9 năm 1945, Dewey chuẩn bị ra đi… Ông tới sân bay Sài Gòn cùng một đồng nghiệp (người Pháp), Đại úy Herbert J. Bluechel, nhưng máy bay hoãn chuyến. Sau đó, họ trở lại ngay trong buổi sáng để kiểm tra lịch bay; Dewey ngồi sau vô lăng chiếc xe jeep – vốn bị Gracey cấm treo cờ Mỹ với lý lẽ rằng chỉ có ông ta (Gracey), trong vai trò tư lệnh khu vực, mới có quyền treo cờ trên xe. Trước đó, Việt Minh đã bắn bị thương một sĩ quan OSS khác (cũng ngồi trên một chiếc xe không treo cờ tương tự) và Dewey rất lo ngại về điều này. Ông chạy đường tắt qua sân gôn Sài Gòn. Đột nhiên, ông thấy một mớ cây bụi nằm chắn giữa đường. Ông cho xe thắng lại và chạy vòng để lách qua chướng ngại vật, chợt phát hiện ba người Việt Nam đứng ở rãnh mương bên đường. Ông giận dữ chửi họ bằng tiếng Pháp. Tưởng rằng ông là sĩ quan Pháp, họ đáp trả bằng một tràng súng máy làm bay mất phần sau hộp sọ của ông. Bluechel, không mang theo vũ khí, nhanh chóng chạy thoát; khi đang chạy, một viên đạn đã làm bay mũ của ông”.
Người Pháp đổ lỗi cho Việt Minh gây ra cái chết này; Việt Minh lại đổ lỗi cho người Pháp và Anh. Ông Hồ Chí Minh, sau khi nhận ra sai sót nghiêm trọng ấy, đã viết thư cho Tổng thống Truman để chia buồn. Trong thư có đoạn: “Sự việc này có thể do người Anh hoặc người Pháp kích động, nhưng cũng có thể là những nhầm lẫn do tối trời… Chúng tôi vô cùng xúc động trước tin này và sẽ làm tất cả để tìm ra và trừng trị thủ phạm”.
Thật trớ trêu, người đầu tiên tiên đoán được sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam là một thảm họa cũng trở thành người Mỹ đầu tiên thiệt mạng vì chủ trương can thiệp sâu của nước này. Cái chết của Dewey đồng thời đánh một dấu mốc khác: bởi thi thể bị thất lạc nên ông cũng là người Mỹ đầu tiên mất tích (MIA) thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai tại Việt Nam.
Cái chết của Trung tá Dewey có thể xuất phát từ một nhầm lẫn không may, nhưng nó đã tạo ra một bước ngoặt trong tiến trình Mỹ can dự vào Đông Nam Á. Khi mà Washington tiếp tục tiến đến vũng lầy, hàng loạt sai lầm trong hoạch định chính sách đã xảy ra, đẩy người Mỹ lún sâu. Việc Mỹ không rút quân khi mà viễn cảnh chiến thắng tắt ngấm rốt cuộc đã khiến có thêm hàng ngàn binh sĩ của hai phía thiệt mạng.
Dewey là người có viễn kiến vĩ đại. Hai mươi năm trước khi người lính Thủy quân lục chiến đầu tiên của Mỹ đặt chân xuống Đà Nẵng, ông đã xác quyết rằng Mỹ không nên can thiệp quân sự vào Việt Nam. Tương tự, chắc chắn ông là người biết khi nào thì nước Mỹ, vốn đã rút ra khỏi vũng lầy sau khi thất bại, chấp nhận bàn tay hữu nghị chìa ra từ phía kẻ thù cũ. Nếu còn sống vào năm 1995 khi Tổng thống Clinton quyết định bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia, Dewey chắc hẳn phải thừa nhận tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ mới với Việt Nam theo sau cuộc chiến tranh vốn dĩ đã biến đồng minh một thời thành kẻ thù không đội trời chung.
Ngày 6 tháng 8 năm 1995, lần đầu tiên sau bốn mươi năm, văn phòng đại diện ngoại giao của Mỹ tại Hà Nội đã được nâng cấp lên thành đại sứ quán, đánh dấu một điểm sáng trong quan hệ Mỹ - Việt. Có lẽ Trung tá A. Peter Dewey, bằng linh hồn chứ không phải thể xác, là một trong những quan sát viên cho sự kiện này. Nếu quả thực như thế, chắc hẳn ông đã gật đầu vui vẻ để biểu thị sự tán đồng lặng lẽ của mình.