NỖI BUỒN CHIẾN TRANH, cuốn tiểu thuyết của một cựu chiến binh miền Bắc – Bảo Ninh, là tác phẩm văn chương đầu tiên viết về cuộc xung đột tại Việt Nam từ góc nhìn của đối phương. Nhân vật chính tên Kiên trở về sau chiến tranh, luôn “trăn trở với những cảnh bạo tàn mà anh từng chứng kiến, để từ đó nói lên ý nghĩa của cái chết, tình yêu và mất mát – cũng như chính sự sống sót của anh”.
Sau khi cuốn sách xuất hiện tại Mỹ, một nhà phê bình văn học bình luận: “Cơn chấn động đầy bạo lực của chiến tranh đã tạo ra những cơ hội đau đớn cho nhiều tiểu thuyết vĩ đại chào đời. Cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất nói về trải nghiệm trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất – mà nhiều người cho rằng về bất cứ cuộc chiến nào – đó là MẶT TRẬN PHÍA TÂY YÊN TĨNH********, do một người Đức viết. Cuốn sách không chỉ là thông điệp đối với những người đồng hương của tác giả mà còn đối với bất cứ ai tham chiến. NỖI BUỒN CHIẾN TRANH của Bảo Ninh có thể không phải là cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất về Chiến tranh Việt Nam, nhưng câu chuyện đầy sức mạnh về những cuộc đời bị chiến tranh hủy hoại đã nhận được nhiều sự khen ngợi quốc tế và dường như là một thông điệp có sức thuyết phục cả đối với người Mỹ lẫn những người đồng bào của tác giả”.
******** Mặt trận phía Tây yên tĩnh hay Phía Tây không có gì lạ (tiếng Đức: Im Westen nichts Neues) là cuốn tiểu thuyết phản chiến của Erich Maria Remarque (1898 –1970), một cựu chiến binh Đức từng tham gia Chiến tranh Thế giới I. Tác phẩm ra mắt lần đầu vào năm 1928.
Nhà phê bình này chưa gặp Bảo Ninh bao giờ. Chính vì thế, ông cũng không biết rằng nhận xét của mình chính xác đến nhường nào. Sau khi đọc NỖI BUỒN CHIẾN TRANH, tôi đã gặp Bảo Ninh để trao đổi về, giữa rất nhiều vấn đề, động cơ thôi thúc ông viết cuốn sách ấy. Khi phỏng vấn Ninh, tôi nhanh chóng nhận ra từ đâu mà ông đã vẽ nên nhân vật chính của mình – bởi Kiên có rất nhiều điểm chung với người sáng tạo ra nhân vật ấy.
“Chúng tôi đều lớn lên ở Hà Nội và đều chiến đấu ở Tây Nguyên. Nhưng Kiên dũng cảm chứ không như tôi”, ông nói một cách khiêm tốn. Đó là Ninh khiêm tốn; bởi đã xung phong nhập ngũ trước tuổi, nên ông – tương tự nhân vật hư cấu Kiên – thực sự là một người dũng cảm.
Sinh trưởng tại Hà Nội, thuở nhỏ, Ninh đã chứng kiến trận ném bom đầu tiên. Trải nghiệm đó nung nấu trong con người ông ước nguyện phụng sự đất nước. Vì thế năm 1969, ở tuổi 17, ông tình nguyện nhập ngũ. Vì dưới tuổi nên ông cần sự cam kết của cha mẹ. Cha ông đồng ý còn mẹ thì không. Thế rồi ông cũng tìm được cách để gia nhập quân đội.
Ông so sánh mình với người cựu chiến binh trẻ tuổi Ron Kovic trong bộ phim “Sinh ngày 4 tháng 7”.
“Còn rất trẻ nhưng tôi luôn khát khao chiến đấu”, ông nhớ lại. “Tôi thấy mình có nghĩa vụ cầm súng dù mới mười bảy tuổi. Đất nước đang bị chia cắt – tinh thần dân tộc tổn thương nghiêm trọng. Chúng tôi phải chiến đấu cho sự thống nhất đất nước – thanh niên tập hợp dưới ngọn cờ dân tộc”.
Ninh nhận ra rằng thanh niên Mỹ cũng có động cơ chiến đấu nhưng đó là một động cơ hoàn toàn khác, và rốt cuộc ông thấy rằng động cơ đó hoàn toàn sai. “Người Mỹ được cổ vũ đánh cộng sản… nhưng chúng tôi không phải cộng sản”, Ninh nói. “Tôi không thấy mình cộng sản chút nào. Người Mỹ đang chiến đấu chống lại những người dân tộc chủ nghĩa tại Việt Nam – không phải cộng sản. Nhưng thân phận người lính thì nước nào cũng giống nhau”, ông kết luận. “Dù về mặt cá nhân có dị biệt, nhưng rốt cuộc, khi đối mặt với cái chết, chúng tôi cũng tương tự nhau”. (Phát biểu của Ninh tương đồng với lời của đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ thời Chiến tranh Thế giới thứ hai, ông Abbot Low Moffat, chủ nhiệm Ban Đông Nam Á. Ông nhận xét về vị lãnh tụ của Việt Nam: “Tôi chưa bao giờ gặp một người Mỹ, dù là quân nhân, nhân viên của OSS, nhà ngoại giao hay nhà báo nào không có niềm tin rằng: Hồ Chí Minh là nhân vật dân tộc chủ nghĩa đầu tiên và lỗi lạc nhất của Việt Nam”).
Nhớ về những ngày huấn luyện, ông Ninh kể: “Tân binh của bất kỳ quân đội nào cũng phải được huấn luyện. Họ được rèn luyện để quên đi cuộc sống và gia đình ở hậu phương, được dạy kỹ năng bắn súng, tinh thần chấp hành mệnh lệnh, chịu đựng gian khổ… chúng tôi chỉ biết bắn nhau”.
Sau ba tháng huấn luyện, Bảo Ninh được điều vào Nam. Ông và đồng đội đã trải qua cuộc thử lửa đầu tiên rất sớm trước khi đến đích. “Dọc Đường mòn Hồ Chí Minh, chúng tôi thường xuyên bị ném bom”, ông kể.
Khi đến Tây Nguyên, Bảo Ninh được phân công ở trong một tổ ba người – trực thuộc một đội chiến đấu mười hai người. Đôi khi đơn vị của ông chiến đấu ở quy mô đại đội, nhưng thường thì hoạt động theo tiểu đội mười hai người.
Bảo Ninh có cảm nhận khác nhau về khả năng chiến đấu của các đơn vị quân Mỹ mà ông đối mặt. Ông rất nể phục một số đơn vị Lục quân, chẳng hạn Sư đoàn Kỵ binh bay số 1, đơn vị mà “chúng tôi luôn muốn tránh”; các đơn vị khác thì không thiện chiến bằng hoặc có hoạt động dễ dự đoán. Đề cập tới trường hợp thứ hai, ông Ninh nói: “Dù là tân binh nhưng chúng tôi cũng nhanh chóng nhận ra rằng hoạt động của một số đơn vị Mỹ là rất dễ dự đoán”. Ông đưa ra một ví dụ về cách thức Lục quân Mỹ đặt pháo trên chiến trường: “Lính Mỹ không mấy linh hoạt. Họ tới bằng trực thăng, đáp xuống một ngọn đồi, phát quang mọi thứ, đặt trận địa pháo và sau đó bắn bừa bãi”.
Ninh kể về trải nghiệm chiến đấu đầu tiên: “Đó là một trận đánh nhỏ mà qua đó tôi nhận ra rằng đánh đấm thật khác xa trong phim – chúng tôi cứ bắn nhau và chạy”.
Tiểu đội của Ninh được chia thành bốn tổ ba người, trong đó mỗi tổ chịu trách nhiệm một số mục tiêu nhất định. Là lính trẻ, ông được phân công về chung tổ với người chỉ huy tiểu đội. Ngay sau khi nhập ngũ, tiểu đội hoạt động ở khu vực Plei Me, nơi có khoảng 200 quân Mỹ đang chốt trên một vùng đất cao. Vành đai phòng ngự của Mỹ được đánh dấu bằng các hố cá nhân. Ban ngày, tiểu đội của ông định vị chính xác các hố cá nhân. Khi màn đêm buông xuống, bốn tổ vào vị trí chiến đấu. Tiểu đội trưởng sử dụng một khẩu phóng lựu M-79 thu được, sẽ ra hiệu tấn công.
Khi bắt đầu quen với bóng đêm, các binh sĩ định vị lại mục tiêu tấn công của tổ mình. Bài học chiến đấu đầu tiên của Ninh là “lính Mỹ rất dễ mất cảnh giác”. Một người lính Mỹ bất cẩn đã tạo sơ hở để tiểu đội dễ dàng tiếp cận mục tiêu. Nấp trong hố cá nhân, anh này vô tình tiết lộ vị trí của mình khi châm thuốc hút. Ninh còn rút ra bài học chiến đấu thứ hai, rằng “trong chiến đấu, ai hút thuốc ban đêm là tự sát”.
Viên chỉ huy chĩa khẩu M-79 về phía điếu thuốc đang cháy rực trên môi người lính khinh suất – và khai hỏa. Khi quả đạn nổ ngay mục tiêu, các thành viên khác của tiểu đội đồng loạt xả súng vào mục tiêu của mình. Dù không thấy rõ mục tiêu nhưng Ninh vẫn bắn. Khi bên kia bắn trả, tiểu đội của Ninh lập tức rút lui. Quân Mỹ bắn pháo sáng soi rõ một vùng rộng lớn. Nhưng ánh sáng đó chỉ cho thấy các vị trí chiến đấu trống không của đơn vị vì cả tiểu đội đã rút vào rừng. Sáng hôm sau, bốn tổ chiến đấu gặp nhau tại địa điểm hẹn trước. Không có tổn thất nào.
Đây không phải là lần đầu tiên tiểu đội của Ninh lợi dụng sự mất cảnh giác của lính Mỹ. Một sớm nọ, tiểu đội ngạc nhiên phát hiện lính Mỹ tụ họp ngoài trời, quỳ gối trước một người đang đứng giảng giải điều gì đó. Nhóm của Ninh hiếm khi bắt được một mục tiêu “tập thể” như vậy. Họ xả súng ngay lập tức. Về sau, ông mới biết rằng nhóm lính kia đang hành lễ ngày Chủ nhật. Ông thấy thật là trớ trêu khi người ta bị giết chết trong lúc đang cầu Thượng Đế che chở. Sự kiện này ban đầu khiến Ninh trăn trở nhưng rồi ông đã chấp nhận nó – bởi vì đó là tất cả những gì ông có thể làm. “Chiến tranh là tàn bạo và bất hợp lý”, ông kết luận.
Là một người đọc nhiều sách, khi được hỏi rằng cuốn nào có ảnh hưởng lớn đối với tác phẩm của mình, Ninh đã kể về một cuốn sách có ảnh hưởng đặc biệt sâu sắc đối với ông. Ông đọc cuốn sách ấy thời chiến tranh, sau một cuộc kỳ ngộ. Năm 1973, đơn vị của ông đọ súng với quân Việt Nam Cộng hòa. Khi trận đánh kết thúc, Ninh và đồng đội lục soát trên chiến trường. Ninh lục ba lô một người lính Việt Nam Cộng hòa tử trận để tìm thức ăn. Trong số những vật dụng mà ông tìm thấy, có một cuốn sách. Ông nhét sách vào túi nhưng chẳng có thời gian để đọc. Đến lúc có cơ hội đọc, Ninh thấy thật là trớ trêu khi cuốn sách mà ông có được sau một trận đánh đẫm máu lại truyền tải thông điệp phản chiến mạnh mẽ. Cuốn sách gây cho ông cảm xúc mãnh liệt, để về sau ông viết NỖI BUỒN CHIẾN TRANH.
Khi được hỏi nhan đề cuốn sách, Ninh nói rằng đó là MẶT TRẬN PHÍA TÂY YÊN TĨNH – chính là cuốn mà nhà phê bình người Mỹ nọ đã liên hệ tới khi bình luận về NỖI BUỒN CHIẾN TRANH!
Cuộc chiến kết thúc, Ninh được tiếp xúc với nhiều tác phẩm, cả phim ảnh lẫn văn chương, đề cập tới chiến tranh Việt Nam và người lính chiến ở cả hai phía. Ông nhận thấy bộ phim “Trung đội” của Mỹ khá hay nhưng không công bằng khi miêu tả lính miền Bắc Việt Nam là những người tàn bạo. Ninh tin rằng cả hai phía đều có những cá nhân độc ác, nhưng tập thể thì không. Tương tự như lòng can đảm, ông nói, tàn bạo là một tính cách cá nhân.
Ở trang bìa cuốn NỖI BUỒN CHIẾN TRANH có đoạn giới thiệu về Bảo Ninh: “Thời chiến tranh Việt Nam, ông phục vụ tại Lữ đoàn Thanh niên 27 anh hùng. Trong năm trăm người lên đường ra mặt trận cùng đơn vị năm 1969, ông là một trong mười người sống sót”.
Bảo Ninh nói rằng lời giới thiệu có thể là một sự cường điệu xuất phát từ óc tưởng tượng của nhà xuất bản. Ninh xác nhận khoảng ba tới bốn trăm thanh niên trong vùng nhập ngũ cùng lúc nhưng ông không rõ bao nhiêu người sống sót qua cuộc chiến.
Ở cả Kiên và Bảo Ninh, người ta có thể nhận thấy những tác động mạnh mẽ của chiến tranh lên cuộc đời của họ. Sau quãng tuổi trẻ hồn nhiên bị tước đoạt, họ trở về nhà để nhặt nhạnh và chắp ghép lại từng mảng cuộc sống. Câu chuyện này không quá dị biệt đối với phần đông người Mỹ trở về từ cuộc chiến ấy. Trở lại đời thường sau chiến tranh, cựu chiến binh cả hai phía đều có những ước nguyện và nỗi niềm tương đồng – đó là nhiệm vụ chu toàn cuộc sống cho bản thân và gia đình; đó là được sống trong hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc. “Chiến tranh luôn tàn bạo và bất hợp lý, nhưng có lẽ ‘nỗi buồn chiến tranh’ lớn nhất mà chúng ta nhận thấy sau cuộc chiến, đó chính là giữa ta và kẻ thù tương đồng nhau tới nhường nào”, Ninh đúc kết.