Một vài ý kiến tại Mỹ cho rằng nếu tiến hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam một cách hợp lý, không có áp lực chính trị, thì người Mỹ đã chiến thắng. Trước khi trở lại Việt Nam vào năm 1994, tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng giờ đây tôi nghĩ khác. Chuyển biến trong tôi chỉ diễn ra sau khi tôi thấu hiểu được rằng người Việt Nam có một ý chí sắt đá để có thể chiến đấu đến chừng nào đạt được mục tiêu thống nhất đất nước mới thôi.
Không nơi nào mà quyết tâm được thể hiện rõ như thái độ những người sống và chiến đấu dọc Đường mòn Hồ Chí Minh và Địa đạo Củ Chi. Hiểu được quyết tâm duy trì Đường mòn cũng như bám trụ tại Địa đạo Củ Chi chính là hiểu được “chí thép” của họ.
Sau đây là câu chuyện lịch sử về quá trình hình thành và phát triển của Địa đạo Củ Chi và Đường mòn, trước hết là thông qua trải nghiệm của những người từng sống và chiến đấu ở đấy – những trải nghiệm đó là câu chuyện về lòng quyết tâm, tính kiên trì, sự khéo léo, những khó khăn, chịu đựng và sự hy sinh bản thân. Đó chính là ý chí thép đặc trưng và rất đặc biệt của người Việt Nam, vốn đã thôi thúc họ tiến lên để giành chiến thắng trong cuộc chiến trước người Mỹ - cuộc chiến mà nước Mỹ thiếu một quyết tâm tương xứng.
Như chương cuối cùng của phần này đề cập, chính quyền Hà Nội – nhận thấy rằng chỉ có họ mới sở hữu ý chí thép để chiến đấu đến cùng – đã từ chối đề nghị của các đồng minh về việc gửi lực lượng chiến đấu tới hỗ trợ, thay vào đó đã quyết định tự mình chiến đấu, khác với bên phía miền Nam.
Đường Mòn Vô Địch (Và Vô Hình)
Chiến Đấu Dưới Lòng Đất