Khi James G.Zumwalt viết “Chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến duy nhất mà người Mỹ đối đầu với người Việt Nam. Để đảm bảo rằng bi kịch ấy không lặp lại, chúng ta cần phải thấu hiểu lẫn nhau. Bàn đạp để thực hiện điều đó là hai bên cần phải hiểu biết lẫn nhau hơn và thấu hiểu hơn nỗi chịu đựng của nhau”, thì có nghĩa là ông đã có cách lý giải thỏa đáng nhất của mình về cái mà ông coi là “vết hằn không bao giờ phai mờ cho nước Mỹ”.
Việc đối diện với “cuộc chiến nội tâm” phải chăng là một cách để thế hệ cựu chiến binh ấy thừa nhận sự ám ảnh của di sản? Chỉ biết rằng, nếu cách đó đồng thời tạo ra cảm hứng cho một cuốn sách quý thế này thì đáng trân trọng biết bao!
Tác giả của cuốn sách vốn xuất thân trong một gia đình truyền thống binh nghiệp, lại có hành trang thực tiễn của cả cha và con cùng là cựu chiến binh trong chiến tranh Việt Nam, do đó những trang viết của James G.Zumwalt có nhiều sức thuyết phục bởi sự chân thực và cả những ám ảnh phải chịu đựng qua năm tháng thôi thúc ông đi-tìm-hiểu-viết. Ông viết với động cơ “để sai lầm trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam không bao giờ xảy ra với các thế hệ người Mỹ trong tương lai”, chứ không nhằm “đưa ra một phát ngôn chính trị”. Mặc dù thế người đọc vẫn thấy ở đoạn kết có những dòng cảm xúc vượt quá khuôn khổ cá nhân một nhà báo: “Có lẽ sai lầm lớn nhất của chúng ta tại Việt Nam là đã không nhận ra rằng chúng ta đang chiến đấu với “thế hệ vĩ đại nhất” của đất nước này – một thế hệ với quyết tâm thống nhất và duy trì sự tồn tại của dân tộc sẵn sàng đứng lên đánh đuổi hết quân ngoại xâm này đến quân ngoại xâm khác”.
James G.Zumwalt muốn triết lý rằng trong chiến tranh “Tính phổ quát” là một nguyên tắc đơn giản, “nó thừa nhận khổ đau là một phạm trù phi chiến tuyến, để từ đấy, một khi cuộc chiến kết thúc, một mảnh đất màu mỡ có thể được cày xới để gieo lên hạt giống của tình hữu nghị. Đó là một nguyên tắc mà tôi, khi đang trải qua bi kịch cá nhân, đã không nhìn thấy được”. Như thế tôi tin đây không phải là cuốn sách duy nhất của ông về đề tài này và sẽ có nhiều cuốn sách hay nữa của nhiều người có “bi kịch” về Việt Nam, làm cầu nối cho sự thông hiểu và thiết lập tình hữu nghị.
Với cuốn sách mang tên rất Việt Nam và sớm được Công ty First News – Trí Việt dịch ra tiếng Việt, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản, thông điệp mà James G.Zumwalt mang đến là cho nhiều người thuộc cả nhiều bên chiến tuyến xưa, rằng: “tinh thần dân tộc và lòng tự hào luôn bùng cháy, thổi lên trong lòng mỗi người dân Việt Nam quyết tâm đánh đuổi ngoại bang. Tinh thần dân tộc, lòng tự hào và quyết tâm ấy phát triển thành một sức mạnh vĩ đại nhất – một CHÍ THÉP – giúp họ thực hiện được điều tưởng như không thể. Để cuối cùng, CHÍ THÉP đã đánh bại công nghệ của siêu cường hùng mạnh nhất thế giới”.
Tôi đọc một mạch “Chân trần chí thép”, rồi sau đó lại một mạch và một mạch, mặc kệ ngoài kia trời bỏ sáng qua chiều và về khuya tự lúc nào. Như thế không phải cách của một Phó Giáo sư Trưởng khoa Lịch sử, mà là người cựu chiến binh tình cờ gặp lại ở đây những câu chuyện không dứt về đồng đội cũ, chiến trường xưa. Tuy không thích cách gọi “kẻ thù cũ” của ông, nhưng từng câu chuyện của khoảng 200 cuộc gặp cứ nối với nhau thành hiểu biết và cảm thông.
Có một cách viết của James G.Zumwalt rất tự nhiên và chân thực, rất hay về bố cục 11 phần khá logic và 29 câu chuyện sống động được chọn dịch trong đó. Tuy có những câu chuyện còn có vẻ dang dở và nhiều ẩn dụ (Chẳng hạn các chuyện: Trong bụng dã thú; Trận chiến kết thúc nhưng cuộc chiến thực sự mới bắt đầu; Chạy tìm sự sống; Bay đến tự do; Sai lầm suýt chết…), nhưng nhìn chung là thú vị và rất thật, có tính điển hình và có cả chiều sâu, chuyện rất vui vì rất “lính”, rất nhân văn vì đó là chuyện của người Việt Nam trong chiến tranh yêu nước. Chính James G.Zumwalt qua sách này cũng đã góp “cái nhìn mới về cuộc chiến”. Đọc “Chân trần chí thép” như đang xem lại cuốn phim với đầy đủ những gam màu chân thực của cuộc sống thời chiến ở Trường Sơn, địa đạo Củ Chi, ở hai miền Nam-Bắc Việt Nam những năm gian khổ, ác liệt, những con người “chân trần” mà có “chí thép” đã sống, chiến đấu và chịu đựng.
Chiến tranh đã đi qua mấy chục năm, hơn một thế hệ bấy nay đã và đang hăng say trên những giảng đường, những diễn đàn quốc tế, những vạt rừng, những cánh đồng, những bến cảng, công trường xây dựng… Nhưng không một thế hệ nào được bỏ quên quá khứ trong hành trình đi tới, bởi đó là di sản lịch sử của mỗi quốc gia dân tộc. Vì thế ta đồng tình với James G.Zumwalt khi ông dành những dòng cuối sách để viết bài thơ “Xin đừng quên” tưởng niệm những người hy sinh trong cuộc chiến vừa qua; và hơn thế, xin đừng quên tất cả những gì mà “Chân trần chí thép” đã hơn một lần nói đến trong cuốn sách hay này.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng Tư, 2011
PGS-TS HÀ MINH HỒNG
TRƯỞNG KHOA LỊCH SỬ, ĐH KHXH&NV ĐHQG - TPHCM