Một trong những điều tử tế nhất mà chúng ta có thể làm cho bản thân là thực hiện một chuyến đi bộ chất lượng. Đi bộ là một trong những hoạt động tự nhiên nhất trên thế giới, giúp rèn luyện thân thể, kích thích trái tim và cải thiện hơi thở, đồng thời cũng giải phóng tâm trí để trở nên cởi mở, linh hoạt và mẫn cảm hơn. Cũng tương tự như một cơ bắp bị căng cứng, tâm trí cũng cần được thả lỏng nhẹ nhàng trước khi ngơi nghỉ để rồi chúng ta có thể tận hưởng được khoảnh khắc hiện tại và đối mặt với thực tế. Sau một chuyến đi bộ thành công, tâm trí ta tươi mới và tỉnh táo.
25 suy tưởng trong cuốn sách này giúp bạn khám phá ra cách đi bộ như thế nào để gia tăng mức độ nhận thức và cải thiện cuộc sống ý thức của mình; để khiến cho cuộc đi bộ trở nên thú vị hơn, bởi chúng ta dần hiểu được chỗ đứng của mình trong thế giới tự nhiên và để ý thức hơn với khoảnh khắc hiện tại. Những câu hỏi vốn ẩn phía sau tâm trí có thể được gợi lên: Tôi là ai? Tôi đến từ đâu? Tôi đang làm gì ở đây? Tôi đang đi đâu? Những chuyến đi bộ có thể chỉ là cuộc đi dạo nhẹ nhàng hằng ngày hoặc có thể mở rộng ra thành những chuyến đi được lên kế hoạch cẩn thận: Đưa chúng ta đi qua đường chân trời, xuôi theo dòng của một con sông lớn hay vượt lên trên những rặng núi và xuyên qua các cánh rừng.
Chánh niệm là một cách để giữ kết nối với thực tại, là một điều quan trọng với con người – những cá thể riêng biệt nhưng đồng thời cũng là thành viên của một giống loài có sức mạnh và khả năng hủy diệt. Là một bài thực hành, nó có gốc rễ ở bản chất tự nhiên của con người và cả trong Phật giáo. Làm một con người không phải lúc nào cũng dễ dàng, chúng ta đang phải đối mặt với mối họa lo âu – lo lắng về quá khứ, thấp thỏm về tương lai, mà quên mất rằng cuộc sống là ở trong thời khắc hiện tại. Khi già đi, chúng ta cảm thấy mất mát thứ gì đó – cái khả năng hồn nhiên thích thú không ngờ vực với những điều đơn giản: một con bọ rùa, một món đồ chơi hay một món quà.
Hai nghìn năm trăm năm trước, Đức Phật đã kết hợp chánh niệm vào giáo lý của Ngài như là một yếu tố chính trong Bát Chánh Đạo, trong một chiến đấu lâu dài chống lại vô minh. Đức Phật khuyến khích những người theo Ngài chú ý hơn đến cơ thể, cảm giác và suy nghĩ của họ để biết và hiểu được những mối lo âu đang đe dọa cuộc sống và trở nên tỉnh thức. Trong thời đại của Đức Phật, xã hội đã có những thay đổi rất lớn khi các tôn giáo cũ bị nghi ngờ. Trong hoàn cảnh đó, Ngài đã truyền giảng một phương pháp tâm linh mới giúp khám phá và thấu hiểu cuộc sống – một con đường khả thi cho tất cả, bất kể đẳng cấp và tôn giáo.
Có một biểu tượng của đạo Phật, đó là hình ảnh Đức Phật ngồi xếp bằng thế hoa sen với tay chạm đất (xúc địa ấn). Trong câu chuyện gốc, thủ ấn này đại diện cho khoảnh khắc Ngài giác ngộ và kêu gọi mặt đất làm chứng nhân cho hạnh nguyện của Ngài. Đức Phật thiền định nhưng tâm trí Ngài không ở nơi nào khác, chỉ nối liền với Đất Mẹ, với thực tại hiện hữu trong vật cảnh và tâm cảnh.
Có một cách để thực tập chánh niệm, chúng ta chỉ đơn giản thực hiện một lời dạy của Đức Phật – “Khi đi, chỉ cần đi”.