Đức Phật đã dạy chánh niệm là một phần của Bát Chánh Đạo, con đường chân chính của Phật giáo; nhưng ngay cả khi bị tách ra khỏi nguồn gốc tôn giáo, chánh niệm vẫn có giá trị thực tiễn. Theo một nghĩa nào đó, chánh niệm cũng gần với những nguyên tắc của lòng tốt trong Kitô giáo – lòng nhân ái và sự tha thứ.
Ở thế kỷ 6 TCN, Đức Phật đã nhận ra cuộc sống đầy rẫy những vấn đề, khổ đau và phiền muộn; chưa kể đến những vấn đề khác, con người luôn phải đối mặt với tuổi già, bệnh tật và cái chết. Phần lớn những người mà Ngài quan sát đều bối rối với chính bản thân và cần được hướng dẫn về cách sống. Nhưng trong bất cứ thời đại nào, sự thiếu hiểu biết của con người về hiện hữu đích thực cũng đều phổ biến. Vào thời của Ngài, tôn giáo truyền thống bị thống trị bởi hệ thống phân chia giai cấp: Một thầy tư tế quyền uy – người kiểm soát việc cúng tế và lễ hội trong thời kỳ đó – đặt một con người ngay từ lúc sinh ra vào một vị trí xác định trong xã hội. Đức Phật muốn cho con người một thứ khác, Ngài đã đem tới cho họ một con đường để theo đuổi. Đó là con đường không phụ thuộc vào bất cứ một hệ thống xã hội hay một thầy tư tế nào, ở đó mỗi người sẽ chịu trách nhiệm cho chính sự tiến bộ tinh thần của mình. “Hãy tinh tấn để được giải thoát!”, đó là những lời cuối cùng Ngài nói với đệ tử.
Vấn đề cơ bản mà Ngài xác định ở đây là vấn đề của “cái tôi”. Mỗi chúng ta đều bám chấp vào cái ý thức đầy kích động về bản thân, một sự tập trung sai lầm và đó là nguồn cơn của rất nhiều đau khổ. Điều này xuất hiện như một thách thức cho những người phương Tây vốn lớn lên trong một nền văn hóa ca ngợi cá nhân, tán dương sự tự tin và củng cố “cái tôi”. Chúng ta ngưỡng mộ những nhân vật kiệt xuất và vinh danh họ bằng vô số bài viết. Nhưng có lẽ chúng ta đã quen suy nghĩ về bản thân theo một cách sai lầm nào đó.
HỌC CÁCH CHẤP NHẬN CHÚNG TA LÀ AI
Người đang đi bộ đó là ai? Chúng ta có thể đang phải đương đầu với những cảm giác tiêu cực về bản thân, về con người mình và cách cư xử của mình; với những mảnh ký ức khiến chúng ta xấu hổ và cả với những nỗi lo lắng làm chúng ta hao mòn. Nhưng các cảm giác và suy nghĩ của chúng ta đến và đi như những đám mây trong cơn bão và việc nhận ra rằng không có gì trong số chúng là “ta” có thể là một sự giải phóng tuyệt vời.
Hầu hết chúng ta sẽ không muốn đi xa như Đức Phật trong việc phân tích tự ngã; Ngài kết luận rằng, nếu tước bỏ hết lớp vỏ che đậy thì sẽ không có thứ gì gọi là “ngã” nữa (mục tiêu của Ngài là một trạng thái vui thường tách biệt và không lời – Niết bàn). Xét theo khoa học thần kinh hiện đại, Đức Phật miêu tả bản ngã như một “cấu trúc” – một phát kiến của bộ não để lưu giữ mọi trải nghiệm của chúng ta theo một cách có ý nghĩa. David Hume, nhà triết học người Scotland ở thế kỷ 18, cũng quan sát thấy điều tương tự; ông miêu tả con người đơn thuần là một mớ các giác quan. “Về phần tôi, khi thâm nhập sâu vào cái mà tôi gọi là bản ngã, tôi luôn phải lưỡng lự giữa nhận thức này với nhận thức khác, nóng hay lạnh, ánh sáng hay bóng tối, tình yêu hay thù hận, đau khổ hay vui sướng. Tôi không bao giờ có thể nắm bắt bản thân mà không có sự tri nhận cũng không bao giờ có thể quan sát bất cứ cái gì trừ sự tri nhận.”
Chúng ta có lẽ sẽ thích thứ ngôn ngữ của tâm hồn khi nói về nội tâm của mình. Dẫu vậy, bất kể góc nhìn của chúng ta về bản chất của “cái tôi” như thế nào thì cách tiếp cận của Phật giáo ít nhất cũng gợi ý rằng, chúng ta có thể buông bỏ nhiều thứ đang hành hạ chính mình – những thứ nằm trong cái tôi tưởng tượng. Nhờ vậy, chúng ta có nhiều sự tự do bên trong hơn. Chúng ta học cách chấp nhận việc chúng ta là ai.
BUÔNG BỎ SUY NGHĨ
Thực hiện một chuyến đi bộ có chất lượng là một cách tuyệt vời để buông bỏ gánh nặng của “cái tôi”. Nó cho chúng ta khoảng thời gian êm ái để sắp xếp lại các ý nghĩ để có thể chấp nhận những điều cơ bản nhất của con người – cái chết, ưu phiền với những nỗi nghi ngờ và cảm giác tội lỗi, tổn thương vốn thường bị che mờ bởi sự vô minh. Điều đó không có nghĩa là chúng ta chạy trốn khỏi những vấn đề của bản thân; mà là đón nhận vấn đề đó một cách cân bằng, nhìn chúng đúng như bản chất và không cho phép chúng thống trị chúng ta thông qua những cảm giác tội lỗi, lo lắng hay căng thẳng.
Khi đi bộ có chánh niệm (thiền hành), chúng ta chỉ đi mà thôi, thay vì vật lộn với các gánh nặng của mình thì hãy buông bỏ suy nghĩ, đó chính là thử thách đầu tiên của chúng ta. Chỉ bước đi, chân nọ nối tiếp chân kia. Sau đó, mọi thứ sẽ bắt đầu tự sắp xếp một cách trật tự, mà không cần cố gắng. Hãy để cho cái đầu và trái tim trở nên trong sáng, rõ ràng mà không cần phải khổ sở. Bắt đầu nhìn ra bên ngoài; chú ý đến các âm thanh xung quanh mình, tiếng gù của một con bồ câu hay tiếng kêu ro ro của máy nông nghiệp ở phía xa; chào những người qua đường bằng một cái gật đầu hay một nụ cười; dừng lại và nhìn ngắm đường bay của một con bướm. Hít thở không khí một cách có ý thức và cảm nhận sự sống mà nó mang lại cho cơ thể.