Chúng ta đã bắt đầu nhận biết thế giới xung quanh khi đi bộ, tận hưởng cơn mưa duy trì cuộc sống, trong khi hít thở mùi từ mặt đất ẩm ướt sau trận mưa; cái mùi tự nhiên đó nhắc nhở rằng, chúng ta cũng chỉ là một phần của đất.
Những người thường xuyên đi bộ được hưởng một đặc ân thưởng ngoạn quang cảnh của thế giới mà nhiều người không nhìn được. Khi thiền hành, chúng ta tự nhiên học được cách điều chỉnh suy nghĩ của mình về chuyện chúng ta là ai khi ta đang dạo bước qua cái phần nhỏ trên bề mặt hành tinh, hướng xuống những con đường thôn quê, xuyên qua các con phố nơi đô thị hay bước ra ngoài tự nhiên hoang dã. Chúng ta bắt đầu nhận ra mối liên kết giữa mình và thiên nhiên, cách mình hòa hợp vào mạng lưới của cuộc sống xung quanh. Chúng ta – những người đang đi thẳng, tự định vị bản thân, trân trọng vẻ đẹp qua những lời tự chất vấn – cũng là một sản phẩm của hệ sinh thái như cây cối, sâu bọ, bướm hay chim. Nhân loại đã mất một thời gian dài để hiểu ra điều này.
ĐỒNG LOẠI
Sự thật về sự phụ thuộc lẫn nhau của các sinh vật sống, bao gồm cả chúng ta, không phải là điều mà mỗi người có thể tự tìm ra được; chúng ta phải dựa vào những nghiên cứu khoa học trong hàng trăm năm và cả những lời của “các nhà tiên tri” hiện đại, những người có cái nhìn sâu sắc về mọi thứ như chính bản chất của chúng. Một trong những nhà tiên tri như vậy là John Muir, một con người thực sự phi thường, một sơn nhân và một nhà hiền triết hoang dã, một người thực tập thiền hành. Ông là một trong những người có tiếng nói nhất trong những người sáng lập của các công viên quốc gia lớn ở Bắc Mỹ, với một tình yêu đặc biệt dành cho Thung lũng Yosemite ở California. Theo quan điểm của ông, tất cả các sinh vật sống đều nên được nhìn như là “đồng loại”.
Trong thời kỳ đầu của quá trình tiến hóa của nhân loại, loài người đã giả định rằng họ vượt trội hơn tự nhiên theo cách nào đó. Họ tin rằng mình có quyền khai thác và thống trị thế giới xung quanh, một nguồn cung cấp cho sự tồn tại và lạc thú của chính họ. Quan điểm vượt trội này thậm chí còn được lưu giữ trong các cuốn sách cổ xưa, cho rằng con người “có quyền thống trị” trên tất cả các sinh vật khác.
GIỮ GÌN NHỮNG NƠI CHỐN HOANG DÃ
Muir (1838-1914) là một người Scotland đã cùng gia đình di cư đến Wisconsin vào năm 1849, khi ông mười một tuổi. Thuở nhỏ, ông đã đọc những cuốn sách viết về mệnh lệnh thiêng liêng cho nhân loại là khuất phục tự nhiên và “có quyền thống trị với loài cá dưới biển, loài chim trên không và với mọi sinh vật sống di chuyển trên Trái đất”. Nhưng khi lớn lên, đi bộ qua những khu rừng nơi quê hương mới, yêu những cái cây và loài chim, trèo lên các ngọn núi, khám phá các sông băng, ông bắt đầu nhìn mọi thứ theo cách khác đi. Ông đã tìm thấy một cuốn sách khác – cuốn sách của thiên nhiên.
Ông lên tiếng cho sự hoang dã, cho tự nhiên. “Trong cái hoang dã của Chúa có niềm hy vọng của thế giới”, ông viết, “sự hoang dã tươi mới tuyệt diệu chưa được chạm tới, chưa được đánh dấu”, và “Trong mỗi cuộc dạo chơi với thiên nhiên, người ta có thể có thể nhận được nhiều hơn điều mình tìm kiếm.”
Ông cũng viết về nhu cầu của con người đối với sự hoang dã. “Hàng ngàn người mệt mỏi, thần kinh căng thẳng, văn minh quá độ đã bắt đầu nhận ra rằng đi lên núi là trở về nhà, rằng hoang dã là điều cần thiết…” Ông kinh sợ trước sự thúc đẩy thương mại nhưng đôi khi lại chính là việc đùa giỡn với sự hủy diệt của thế giới sống – việc chặt hạ những cây gỗ đỏ hay bắn chết những con gấu Bắc cực – nên ông đã đấu tranh để bảo vệ chúng.
Những trích dẫn này được lấy từ tiểu sử tuyệt vời về Muir do Mary Colwell viết: John Muir: The Scotsman who saved America’s wild places (Tạm dịch: John Muir: Người Scotland đã cứu những miền hoang dã của nước Mỹ).
QUÁ TRÌNH CỦA SỰ SỐNG
Khi đi bộ, chúng ta có thể thấy rằng bản thân có chung tổ tiên với những cái cây đang thải oxy vào không khí cho chúng ta sống; chúng ta đến từ cùng một nguồn như những loại “cỏ” mang hạt cung cấp cho chúng ta bánh mì hằng ngày. Những con chuột và sóc, bò và ngựa mà mình chạm trán trên đường đi là những anh em họ gần gũi với động vật có vú. Đây cũng là thế giới của những sinh vật đó và cũng là của con người; tất cả thuộc về một liên doanh.
Nhưng cũng có một thiên nhiên không ngơi nghỉ, cộng hưởng với cuộc sống của chúng ta – luôn tiến về phía trước, khám phá các dạng thức mới khi nó phát triển. Cỏ dại và bụi rậm nhanh chóng chiếm chỗ khi đất đai còn hoang sơ, còn có cây liễu và cây tầm ma, cây kim tước và cây sơn thù du. Cuộc sống không tĩnh tại, và sự yên bình mà chúng ta tìm thấy qua chánh niệm sẽ không cho phép chính nó trở nên bế tắc trong khoảnh khắc hiện tại. Cuộc sống của chúng ta phát triển và thay đổi – đó là bản chất tự nhiên của quá trình sống.