Hãy thử mời một người chưa từng sống ở thành phố miêu tả những đặc điểm của một người thành thị; tôi đánh cuộc rằng, họ sẽ liệt kê tính hiếu chiến, hiếu thắng, xu hướng bị stress và nỗi ám ảnh về tiền bạc của chúng ta.
Họ cũng có thể sẽ nói rằng chúng ta đều đi quá nhanh, quá thô lỗ và hung hăng, nhất là khi cần giành lấy ghế ngồi cuối cùng trên một chuyến tàu đông đúc. Thậm chí họ còn có thể nói liều rằng, hết thảy thị dân đều điên rồ khi lựa chọn một cuộc sống đòi hỏi chúng ta chèn ép lên người khác để tồn tại.
Nhà văn người Anh William Blake từng viết: “Nơi không có con người, thiên nhiên cằn cỗi”. Đúng vậy. Các nhà nghiên cứu và người hâm mộ Blake có thể đúc rút ra nhiều cách giải thích từ những lời đó. Nhưng câu văn này – trích từ cuốn The Marriage of Heaven and Hell (Tạm dịch: Cuộc hôn nhân giữa thiên đường và địa ngục) – thuận với cách nhìn nhận của tôi về thành phố: Sống ở một nơi mà chúng ta bị cô lập với những người khác có khi lại là điều điên rồ hơn.
Chúng ta rất dễ để bỏ qua một điều, đó là việc tạo ra sự kết nối với những người khác ngoài bốn bức tường quanh mình chính là bản năng đi tìm ý thức về “nhà”, để thiết lập ý thức về việc chúng ta là ai và không phải là ai. Đã từng có lúc tôi không nhận ra điều đó: Chạy theo một lịch trình mà cứ tuần này qua tuần khác luôn cảm thấy quá tải – với những buổi hẹn ăn tối, những cam kết cho các công việc mà bản thân không có đủ thời gian để hoàn thành; các cuộc hẹn đông, tây, nam, bắc. Tôi đã tin rằng, một cuộc sống lý tưởng là khi mình không phải đáp ứng lại quá nhiều người.
Tôi đã sai về điều đó. Ở một quán cà phê nhỏ cạnh biển, nơi tôi uổng công kiếm tìm sự bình yên trong cuộc sống yên tĩnh, tôi đã nhận được một lời khuyên thông thái về công thức của hạnh phúc. “Cháu đừng bao giờ cho phép bản thân thu mình lại” – một lữ khách, ông của sáu đứa cháu, người bàn đối diện nói với tôi. “Cháu càng kết nối với người khác thì càng có nhiều năng lượng cho cuộc sống.”
Tôi đã thu mình lại – nó chính là lý do khiến tôi cảm thấy khó mà thoải mái được khi ở cách xa thành phố tôi yêu và những người tôi quen biết hàng trăm dặm. Tôi đã trải qua tuổi đôi mươi và phần lớn tuổi ba mươi ở London; và trong suốt quãng thời gian ở đó, mặc dù không ý thức được nhưng tôi đã học cách vươn lên từ sự đông đúc ồn ào của nó. Giờ đây, tôi đã thấy được ý nghĩa của cụm từ “đông đúc ồn ào” khi nói về các đô thị – điều thực sự được ám chỉ đến ở đây chính là nguồn năng lượng mang tính thúc đẩy được tạo ra khi mọi người dành thời gian ở bên nhau, nói chuyện, làm việc, sáng tạo và hợp tác. Một thành phố thú vị là bởi sự tương tác giữa con người với nhau.
THÔNG ĐIỆP BÌNH YÊN NHẤT
Tất nhiên, một số người trong chúng ta có thể thích nghi với sự cô lập. Một số người có thể sống ở những ngôi làng nhỏ và vẫn tìm thấy cộng đồng. Nhưng riêng với bản thân tôi, thành phố chính là cộng đồng của tôi và tôi thực sự là một phần của nó, tôi chưa bao giờ cảm thấy dễ dàng tìm được sự yên bình trong tâm trí bằng cách hướng nội – mà thực ra thì việc liệu có ai thực sự làm được như vậy không vẫn là điều đang gây tranh cãi.
Các thành phố là những cộng đồng mà ở đó ta được bộc lộ hết con người mình. Và thường thì những nét biểu lộ khá đa dạng – về chủng tộc, văn hóa, tôn giáo và khuynh hướng tình dục. Những nét bộc lộ đó không phải là một sự đe dọa, mà như một thứ huân chương danh dự, như nền tảng không thể chối cãi cho căn tính của nó và đó là một môi trường tích cực nơi chúng ta thuộc về. Ở bất cứ một cộng đồng nào cởi mở theo cách như này, chúng ta học cách vượt qua những sự khác biệt. Những bậc thầy nói với chúng ta rằng, sự bình an và chánh niệm không được tìm thấy bằng cách chú mục vào căn tính cá nhân của mỗi người, bằng cách thu mình lại để nuôi dưỡng bản ngã – những hành vi như vậy chỉ là nguồn cơn của rất nhiều nỗi đau khổ và bất mãn mà thôi.
Đối với tôi, chính những con người mà mình gặp, các trải nghiệm với nhiều tính cách và nền văn hóa sẽ đem tới cơ hội lớn hơn để nhìn chính bản thân mình dưới góc độ khác. Chúng ta cũng bắt đầu hiểu được sức mạnh của giống loài mang tính xã hội của mình và thực tế về sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta. Chúng ta chắc chắn tìm thấy các cơ hội đó ở các đô thị.
Chúng ta có một nhu cầu nội tại đối với tự nhiên; nó có thể nói với chúng ta rất nhiều về một lối sống chánh niệm. Nhưng chúng ta không thể loại bỏ con người ra khỏi phương trình đó. Chúng ta là tự nhiên; chúng ta là tế bào, là nguyên tử, là một phần của các hiện tượng vật lý trên Trái đất. Chúng ta đã nhìn thấy nhiều hậu quả tồi tệ từ xu hướng tách rời tự nhiên khỏi con người, tách bạch nông thôn ra khỏi thành phố, cây cối ra khỏi nhựa đường. Sự tách biệt đó là cần thiết cho sự tồn tại của loài người – đó là một sự dối trá chúng ta cần nhận thức được.
Không thể phủ nhận rằng, vẻ thoát ly của một con đường bên vách đá, những tiếng vọng của một hang động, sự rậm rạp của rừng đem tới một cảm giác dễ chịu. Nhưng đối với tôi, ngôn ngữ của loài người vẫn có khả năng truyền tải thông điệp bình yên hơn cả. Khi bước đi trên các con phố hỗn loạn, ồn ào của các thành phố mà chúng ta đã xây dựng nên – dưới bầu trời mênh mông, không thể nhận thức được và trên những cảnh quan hàng triệu năm tuổi – đó là lúc tôi có thể nghe thấy thông điệp đó rõ ràng nhất.
Số phận của chúng ta là ở bên nhau.