Cùng với danh xưng “Nữ kiệt miền Đông”, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Thị Bi còn được mọi người gọi bằng cái tên thân thương “Chị Năm chính sách”. Cả cuộc đời mình, bà đã nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, tận tâm tận lực thực hiện công tác chính sách, củng cố hậu phương quân đội...
“Bà già cừ thật...!”
Từ những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, người con gái quê hương Mười tám thôn Vườn Trầu - Hồ Thị Bi đã nổi danh với tài đánh giặc và lòng gan dạ, gây cho quân địch trong vùng bao phen khiếp sợ. Đến năm 1958, bà được phong quân hàm Đại úy, là một trong số rất ít nữ quân nhân được phong cấp Đại úy lúc đó. Sau đó, bà được giao phụ trách công tác quản lý gia đình hậu phương quân đội, bảo đảm việc thực hiện chính sách của Đảng chăm lo hậu phương để cán bộ, chiến sĩ an tâm chiến đấu. Bà làm việc với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, vì sự nghiệp giải phóng miền Nam thân yêu.
Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, Đại úy Hồ Thị Bi là cầu nối của các tấm lòng đồng bào miền Bắc dành cho miền Nam ruột thịt, từ những thứ rất nhỏ như con gà, buồng chuối… đã được nhân lên thành tài sản, tiền của góp sức cho miền Nam đánh Mỹ. Khi Mỹ leo thang chiến tranh ra miền Bắc, bà được giao nhiệm vụ đưa hàng trăm cháu nhỏ ra khỏi vùng máy bay địch oanh kích, sơ tán đến địa điểm an toàn, tổ chức trường trại mới để các cháu có nơi ăn, chốn ở và tiếp tục được học tập. Để giải quyết chính sách công bằng và hợp lý, bà đã không ngần ngại đi vào Quảng Trị bằng chiếc xe cũ kỹ, bất chấp hiểm nguy. Những chuyến đi thực tế đó đã giúp bà nhìn tận mắt, thấu hiểu sự khốc liệt của chiến tranh, từ đó, càng hối thúc người phụ nữ Nam Bộ phải thực hiện thỏa đáng các chính sách cho người có công. Sau chuyến đi, trở về Hà Nội, bà tìm mọi cách tổ chức, xoay xở nguyên vật liệu, thuê mướn xây cất 600m2 nhà ở cho gia đình cán bộ đi B.
Bác Hồ gặp gỡ đồng chí Hồ Thị Bi cùng các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng tại Hà Nội (năm 1960). Ảnh tư liệu
Chuyến đi ý nghĩa nhất là khi bà được phái vào chiến trường miền Nam cuối năm 1973, khi đó bà đang là Phó phòng Gia đình hậu phương quân đội thuộc Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị. Chuyến đi nhằm khảo sát nắm tình hình thực hiện chính sách ngay ở tiền phương và tổng hợp những gì chiến trường yêu cầu. Lúc này, bà đã gần 60 tuổi, sức yếu nhưng vẫn cố gắng vượt qua. Trong chuyến đi này, một trong những việc đầu tiên “chị Năm chính sách” chú ý là giải tỏa nhanh số thư từ của B2 còn ứ đọng, gửi hết ra cho cha mẹ, vợ con người thân ở hậu phương lớn miền Bắc. Cùng với các đồng chí phụ trách công tác chính sách ở B2, bà đã lập một danh mục những thứ thiết yếu đề nghịcục chi viện, phục vụ kịp thời cho gia đình quân nhân vừa được đưa ra vùng giải phóng.
Đầu năm 1975, bà trở ra miền Bắc gặp đồng chí Lê Đức Thọ để chuyển danh mục yêu cầu. Đồng chí Lê Đức Thọ đã nhận xét về bà một cách trìu mến: “Bà già cừ thật!”. Với thời gian không đầy hai tháng, bà đã tổ chức tập kết và chuyển hơn 30 tấn hàng gồm vải, quần áo trẻ em, thuốc chữa bệnh… vào chiến trường. Rồi bà lại nhanh chóng trở vào chiến trường miền Nam theo đường Trường Sơn tiếp tục công việc.
Không một ngày nghỉ ngơi thực sự
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, bà Hồ Thị Bi được điều về Quân khu 7, sau đó làm Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh. Vào thời điểm chiến tranh kết thúc, ta chưa kịp khắc phục hết những khó khăn thiếu thốn trong đời sống của cán bộ, chiến sĩ thì chiến tranh biên giới Tây Nam lại ập đến, cán bộ, chiến sĩ lại lên đường ra tuyến lửa. Bằng tình thương sâu nặng và sự thông cảm sâu sắc với đời sống bộ đội, bà đã không quản ngại khó khăn, lặn lội đến bất cứ nơi đâu tìm sự giúp đỡ, tạo điều kiện ổn định hậu phương cán bộ, động viên, tăng cường sức chiến đấu cho phía trước. Bà cũng không thể để những đồng chí về hưu trong điều kiện không có nhà ở, giường nằm… Bà đã lo được cho anh em 500 bộ khung nhà gỗ, 160 ván hòm, 55 giường nằm, một số phương tiện cho cơ quan làm việc.
64 tuổi, bà về hưu nhưng với bà chưa một ngày được nghỉ ngơi thực sự. Bà tiếp tục gắn bó với chị em Tổ sử Phụ nữ Nam Bộ và tham gia xây dựng Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. 73 tuổi, bà vẫn được đồng đội tín nhiệm bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Hội Cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh. Bắt tay vào nhiệm vụ mới với tinh thần trách nhiệm, không ngại khó khăn, bà làm mọi việc có thể để thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các cựu chiến binh và gia đình thương binh, liệt sĩ. Cho đến những năm tháng cuối đời, bà chưa bao giờ quên nhiệm vụ góp sức vào công việc chung. Bà từng tâm sự: “Tôi luôn cảm thông, gắn bó với những gia đình quân nhân, những người có công với cách mạng, chung lo thực hiện chính sách xã hội, phát huy, kế thừa tinh hoa, truyền thống của phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Năm 2011, người đàn bà bé nhỏ nhưng đầy nghị lực ấy mới dừng các hoạt động chính sách khi trút hơi thở cuối cùng.
Đại tá Hồ Thị Bi tên thật là Hồ Thị Hoa, sinh năm 1916 tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay là TP Hồ Chí Minh); nguyên đại biểu Quốc hội khóa II, III; nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Tháng 6-1936, bà được kết nạp Đảng; tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn trẻ và lập được nhiều chiến công. Bà được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Năm 1994, bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
MINH PHƯƠNG
(Sự kiện và nhân chứng, mục Nhân vật, số ra ngày 14/02/2017)