Tên khai sinh của chị là Đinh Thị Nhỏ, nhưng các chiến sĩ Quân Giải phóng thời chống Mỹ biết chị, trước sau đều gọi chị là “Năm Nhỏ”...
QĐND - Tên khai sinh của chị là Đinh Thị Nhỏ, nhưng các chiến sĩ Quân Giải phóng thời chống Mỹ biết chị, trước sau đều gọi chị là “Năm Nhỏ”. Bởi vì hai từ “Năm Nhỏ” gắn liền với bản lĩnh cách mạng kiên trung của chị, với tình cảm đôn hậu mà chị dành cho họ. Mỗi khi nghĩ đến “Năm Nhỏ”, cũng có nghĩa là lòng người chiến sĩ ở vùng Sơn Thượng hồi ấy ấm lên…
Người chiến sĩ cách mạng kiên trung
Chị sinh năm 1950 tại xã Sơn Thượng (nay là xã Quế Thuận), huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Năm 15 tuổi, chị tham gia cách mạng, đôi chân mảnh mai chạy bộ khắp nẻo đường đồng bằng, rừng núi, chuyển công văn cho cán bộ. Năm 18 tuổi, chị được kết nạp vào Đảng Nhân dân Cách mạng miền Nam Việt Nam và sau đó là Đảng ủy viên - Hội trưởng Hội Phụ nữ - Trưởng ban Địch vận xã Sơn Thượng.
Chị Năm Nhỏ (thứ ba, từ trái sang) và gia đình các chiến sĩ đặc công năm xưa trong lần hội ngộ tháng 3-2015, tại TP Đà Nẵng.
Chỉ không đầy ba năm, 4 người thân của chị đã bị kẻ thù giết hại. Đó là ba của chị-ông Đinh Giá, cán bộ xã Sơn Thượng, hy sinh năm 1969 khi tổ chức chống giặc càn. Khoảng giữa năm 1971, người yêu chị-một cán bộ nằm vùng tại quê hương chị, đã được gia đình chị nhận trầu cau; song vì anh đang hoạt động bí mật nên đành đợi dịp phù hợp sẽ làm lễ cưới, rủi thay, trong một trận địch tập kích vào thôn, anh đã hy sinh. Cũng trong năm ấy, địch giết chị gái Đinh Thị Trị và em gái Đinh Thị Nhị của chị. Nỗi đau mất quá nhiều người thân và thù giặc chất chồng không làm chị gục ngã, ủy mị. “Nước mắt rơi làm nhòa mặt quân thù/ Em phải bắn trúng đầu giặc Mỹ”. Chị gác việc riêng để công tác thật tốt, quyết tâm bắt kẻ địch phải đền tội.
Các chiến sĩ và bà con Sơn Thượng coi chị là người mà thần chết phải kiềng nể. Còn bọn giặc thì gọi chị là "con Việt cộng bất trị”. Không biết bao nhiêu lần chị đối diện với ác ôn, băng băng giữa đạn địch truy đuổi.
Một ngày cuối năm 1969, chị chuyển tài liệu mật từ xã lên huyện thì bị địch vây bắt. Nhanh trí, chị giấu tài liệu trong bụi cây rồi cố tình cho bọn giặc nhìn thấy mình chạy vào một ruộng mía. Ngay sau đó, chị khéo léo thoát ra, bò toài như lính bộ binh đến một bờ ruộng có cỏ um tùm, nằm im giấu mình. Quân địch quần thảo ruộng mía không thấy chị, chúng hò nhau phun xăng đốt trụi cả 4 cồn mía xung quanh rồi bỏ đi. Chị thoát chết, tài liệu an toàn.
Một lần, chị canh chừng cuộc họp của Đảng bộ huyện tại Núi Đất trên địa bàn xã Sơn Thượng. 12 giờ trưa, chuẩn bị ăn cơm thì có dấu hiệu cuộc họp bị lộ. Sau khi cấp báo tin dữ, chị ở lại gây sự chú ý của địch để các đồng chí cán bộ rút vào xóm an toàn. Địch tập kích. Chị đeo túi tài liệu, lợi dụng địa hình địa vật lẩn thoát dưới những làn đạn bay chiu chíu... Hôm ấy, một viên đạn sạt sườn, tướp cả vạt áo chị.
Đáng nhớ nhất là 23 giờ ngày 15-5-1971, chị đi công tác về, qua Đèo Le đúng lúc pháo địch từ căn cứ Cấm Dơi bắn cầm canh giội vào. Mảnh đạn pháo phang đứt ngang cánh tay bên phải của chị. Nhìn một phần cơ thể văng xuống đất, chị xót xa cho mình còn hơn nỗi đau đớn trong da thịt. Một tay, một mình, không làm thế nào băng bó được. Chị nằm lại bên một tảng đá, chờ người đến cứu. Hình như thần chết thực thi bổn phận, buộc phải lấy đi một cánh tay của chị mà không nỡ hủy hoại một nhan sắc yêu kiều đang độ xuân xanh-21 tuổi!
Trải qua những năm gian lao, vất vả, sức khỏe của chị giảm nhiều. Năm 1974, cấp trên tạo điều kiện cho chị ra Bắc an dưỡng, kết hợp tham quan một số nơi. Chị đưa ý kiến: “Chiến tranh chưa kết thúc, anh em chiến sĩ mình còn gian khổ. Tui chưa đi đâu hết. Tui ở lại để giúp đỡ họ”. Cấp trên ép mãi chị mới chịu đi. Ra Bắc không đầy một năm, chị trở về tiếp tục cùng đồng chí, đồng bào chiến đấu giải phóng quê hương cho đến ngày toàn thắng.
Người phụ nữ đôn hậu
Các cựu chiến binh An Văn Gia, Nguyễn Văn Đức (người Hải Dương)-nguyên chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 10 Đặc công-Mặt trận Quảng Đà, kể lại rằng, trời cho chị Năm Nhỏ một vẻ đẹp thanh tươi và trái tim nhân hậu. Những năm 1972-1973, ta và địch xen kẽ trong thế da báo. Các chiến sĩ đặc công hoạt động ở xã Sơn Trung rất gian khổ. Chị Năm Nhỏ coi các chiến sĩ như em ruột, giúp đỡ, chở che mọi điều. Đêm đêm, chị về xã Sơn Thượng mang đường mía (loại đường do bà con tự làm, rất sạch, ăn lành), đỗ đen để các chiến sĩ bồi dưỡng sức khỏe. Đêm Lễ Vu lan-15 tháng 7 âm lịch năm 1972, nghĩ thương các chiến sĩ xa nhà không được bày tỏ hiếu đễ với cha mẹ theo phong tục của dân tộc, chị đội mủng đựng trứng gà, thịt heo… cung cấp cho anh em bộ đội đặc công đang ém tại xã Sơn Trung. Địch phát hiện thấy chị, bắn theo như mưa. Một viên đạn làm bay mất tảng thịt heo. Tay chị vẫn giữ nguyên chiếc mủng trên đầu. Mò mẫm mãi không tìm lại được tảng thịt, chị khóc giữa đêm khuya…
Trong công tác địch vận, chị nổi tiếng về khéo cảm hóa bằng tình người. Tiếp cận tên ác ôn khét tiếng mang số hiệu 1-59, chị nói cho hắn thấy hậu quả tồi tệ của việc gây tội ác với đồng bào, với Quân Giải phóng. Chị phân tích ý nghĩa nhân văn sâu sắc của việc các chiến sĩ từ miền Bắc vào đánh đuổi ngoại xâm, giải phóng miền Nam. Nếu những kẻ ác ôn vẫn cứ tiếp tục gây tội ác với các chiến sĩ và đồng bào như thế, tất sẽ bị cách mạng trừng trị. Nay mai đất nước thống nhất, cha mẹ, vợ con sẽ ân hận đến bao giờ mới nguôi trước các oan hồn… Nghe chị giảng giải, nhìn đôi mắt chị hiền hậu nhưng kiên nghị, tên ác ôn sám hối, xin chị nói với cách mạng tha tội chết; nếu chị cần hắn làm bất cứ việc gì cho cách mạng, hắn sẽ đáp ứng. Chị giơ cánh tay còn lại của mình ra, nói ân cần: “Còn cả đôi tay có sức dài vai rộng như vậy, anh hãy làm thật nhiều cho cách mạng. Cách mạng sẽ ghi công và thứ tội cho anh”. Nghe chị nói vậy, gã đàn ông đã từng chém giết đồng bào, sát hại chiến sĩ ta không ghê tay bỗng cúi xuống đăm chiêu như một chú bé hối lỗi trước người chị lớn.
Năm 1977, đất nước thống nhất đã được hai năm. Gia cảnh của chị vô cùng khó khăn. Bà ngoại già yếu. Má là thương binh. Con trai đầu lòng mới 3 tuổi. Chị phải nghỉ công tác, hưởng chế độ thương binh hạng 2/4 và phụ cấp cán bộ trưởng ngành của xã. Một cánh tay gầy suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, bươn chải để nuôi cả gia đình. Những năm tháng khó khăn nhất của thời kỳ bao cấp, lại thêm duyên phận lận đận… cũng không làm chị nhạt phai tình yêu thương con người. Chị nhận tất cả cái khó về mình, chỉ cốt để mọi người được yên vui, bản thân chị không hổ thẹn với tiền nhân và đồng chí, đồng bào đã ngã xuống để Tổ quốc và nhân dân ta có độc lập, tự do, hạnh phúc.
11 giờ đêm 29-3-2005, nghe tiếng một người bà con gọi, báo tin có khách, chị bật đèn ra mở cửa. Sau một lát sững sờ, chị nhận ra các em Gia, Đức - những chiến sĩ đặc công năm xưa, từ miền Bắc vào. 30 năm mới gặp lại, chị mừng mừng tủi tủi, mổ vịt nấu cháo cho các em ăn thật no. Lần thăm ấy, hai cựu chiến binh ám ảnh mãi về động tác chị kéo nước giếng bằng một cánh tay, cuộn sợi dây gầu như người lính thông tin cuộn dây điện thoại. Các ông lau nước mắt, cố giấu để chị không nhìn thấy. Về miền Bắc, ông Gia gửi thư cho chị kèm theo tiền để chị làm giếng khoan lấy nước sinh hoạt. (Một cựu chiến binh được chị cho đọc lá thư ấy đã gọi điện cho ông Gia, bày tỏ sự cảm phục, mặc dù đã qua 40 năm xa cách mà những người cựu chiến binh vẫn nhớ về chị với một sự kính trọng vô bờ)... Từ bấy đến nay, chị Năm Nhỏ vẫn thường xuyên thăm hỏi các ông. Biết ông Gia đau yếu, chị chế biến cây bầu đường, gửi ra để ông pha nước uống giải nhiệt…
Chị Năm Nhỏ ở đâu cũng có người yêu quý, nể trọng. Một lần chúng tôi đến thăm chị, bà Nguyễn Thị Hương, sinh năm 1959, hiện là hàng xóm của chị ở số nhà 153 Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng, sang giúp chị tiếp khách. Bà chỉ lên tấm Huân chương Kháng chiến hạng ba do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh ký năm 1986-một trong nhiều phần thưởng ghi công lao của chị đối với đất nước, nói: “Bà Năm Nhỏ mà không hề nhỏ đâu nha! Bà đức độ, nhân hậu lắm, lại có nhiều thành tích kháng chiến. Ai ai cũng quý trọng bà!...”.
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG
(Sự kiện và nhân chứng, mục Nhân vật, số ra ngày 11/6/2015)