Thái độ sống tích cực có sức mạnh vô song, nó có thể đưa bạn đạt đến bất kỳ đỉnh cao nào. Nó đã từng đưa vô số người bình thường trở nên giàu có, thành công và hạnh phúc.
Một trong những ví dụ điển hình nhất về hiệu quả của thái độ sống tích cực là W. Clement Stone - cựu Tổng giám đốc Tổ chức Napoleon Hill, một triệu phú tự thành đạt, người luôn xem việc tập sống tích cực là việc phải làm trong mọi hoàn cảnh. Cuộc đời ông là bằng chứng sống động nhất về tác động của thái độ sống cầu tiến và lạc quan.
Nhìn ở bất kỳ góc độ nào thì cuộc đời của Stone cũng được xem là thành đạt. Ông đã sống hơn 95 năm, trong đó phần lớn cuộc đời ông sống trong hạnh phúc, giàu sang, được mọi người kính trọng và bên người vợ hết mực thương yêu. Ông là chủ tịch danh dự của công ty bảo hiểm Aon, một trong những hãng bảo hiểm lớn nhất nước Mỹ; ông được biết đến như một nhà triệu phú đa diện, ông đã ủng hộ các hoạt động từ thiện và giúp những người khó khăn với số tiền hàng trăm triệu đô-la.
Bên cạnh đó, Stone còn là tác giả của ba quyển sách chia sẻ những thành công trong ý tưởng sống tích cực với mọi người, và đã có hàng ngàn người cũng từ những kinh nghiệm đó mà đạt được thành công trong cuộc đời. Qua lời nói và việc làm của mình, ông chứng minh cho mọi người thấy điều kỳ diệu có thể xảy ra khi có thái độ tích cực.
Chúng ta hãy cùng xem lại một lần nữa 10 bước về thái độ sống tích cực được giới thiệu trong sách này, và xem W. Clement Stone đã thực hiện từng điều một như thế nào. Khi soi vào cuộc đời ông, bạn có thể sẽ sáng tạo được nhiều cách khác để sử dụng sức mạnh của tinh thần tươi vui, lạc quan cho mình.
Bước 1: Làm chủ tâm trí bằng niềm tin vững chắc
Bạn còn nhớ bạn cần có niềm tin gì khi thực hành bước này không? Một trong những điều quan trọng của bước này là:
Tôi tin tôi có khả năng làm chủ và điều khiển tâm trạng, tình cảm, cảm xúc, trí óc, khuynh hướng, thái độ, đam mê và thói quen của mình cho mục tiêu xây dựng và phát triển một đời sống tươi vui tích cực.
Hãy nghe những gì Stone nói về ý tưởng làm chủ tâm trí mình:
“Đã một thời tôi là người say mê thu lượm các ý tưởng và những câu danh ngôn có khả năng đi ngay vào ý thức đánh bại những tư tưởng tiêu cực vẫn thường gặp phải trong cuộc sống…
Từ thời niên thiếu, tôi đã chủ động tự đào luyện mình tránh được thái độ tiêu cực lây lan từ người khác. Nếu có ai bảo tôi: ‘Chuyện đó là không thể’ hay ‘Cậu không làm nổi chuyện đó đâu’ thì ngay lập tức, tiềm thức tôi lóe lên một ý nghĩ và chuyển nó vào ý thức một cách tích cực thế này: ‘Đối với ông ta thì không thể, nhưng đối với mình thì có thể!’. Tôi đã rèn luyện mình nhiều đến nỗi nó đã trở thành phản xạ tự nhiên và tức thì”. Stone không hề phóng đại những điều ấy. Thật ra, cuộc đời ông đã trải qua nhiều hơn những gì ông đã kể. Sinh ra ở Chicago vào thời điểm được xem là bước-ngoặt-thế-kỷ, ông đã chịu cảnh mồ côi cha khi mới ba tuổi. Mẹ ông phải làm việc vất vả nhưng bà vẫn không thể kiếm đủ tiền để nuôi nấng hai anh em ông. Vì vậy, khi mới lên sáu, Stone đã bắt đầu bán báo dạo trên đường phố. Cậu đã bị những đứa trẻ bán báo khác lớn hơn đánh đập và đuổi ra khỏi khu vực của chúng.
Nhưng Stone không bỏ cuộc. Cậu chuyển sang địa điểm khác là những nhà hàng và cửa hiệu: “Tôi bắt đầu học được cách vượt qua nỗi sợ hãi bằng hành động.” - ông nói. Khả năng hành động bất chấp nỗi sợ hãi là điều cốt lõi của thái độ sống tích cực: Đặt sức mạnh của tâm trí lên trên những tác động tiêu cực bạn gặp phải trong cuộc sống.
Việc có sẵn những tư tưởng và hành động tích cực để đối phó những hoàn cảnh tiêu cực là điều không dễ dàng. Đó là lý do vì sao Stone luôn tận dụng sự chủ động, tức những ý nghĩ truyền cảm hứng có sẵn trong đầu để thêm lửa cho tinh thần tích cực của mình.
Dưới đây là một vài ý tưởng mang tính chủ động của Stone:
• Hãy hành động ngay bây giờ
• Chúng ta đang gặp rắc rối - thế là tốt lắm!
• Hãy nhắm đến một mục tiêu thật cao!
• Những nghịch cảnh hằng ngày luôn ngầm ẩn một hạt mầm cơ hội cho những ai biết sống tích cực!
• Những ai cố gắng và bền tâm rèn luyện tinh thần tích cực sẽ gặt hái và giữ được thành công!
Đây là những điều chính yếu thể hiện quyền làm chủ tâm trí: Bạn chọn lựa thái độ bạn muốn để nhìn và đánh giá mọi việc, như Stone vẫn nói:
“Nếu có một tính cách được dùng để phân biệt người thành công với những người an phận trong thất bại và sai lầm, thì đó chính là tư duy tích cực. Nơi người tiêu cực cảm thấy khó khăn thì người tích cực sẽ nhìn ra cơ hội. Tương lai của bạn sẽ trải rộng đến vô biên nếu bạn chọn lựa hướng suy nghĩ tích cực, và khi đó, bạn sẽ sớm khám phá ra rằng thu nhập cũng như mức độ giàu có hoàn toàn nằm trong tay bạn.”
Bước 2: Tập trung vào những điều mình thích và tránh điều ngược lại
Bước này là kết quả theo lô-gíc của bước đầu tiên, là cách áp dụng cụ thể khái niệm sống tích cực. Trong bước này, bạn cần phải thường xuyên chú ý và tập luyện để có được lợi ích hai mặt: 1) Giải thoát mình khỏi sự lo lắng, sợ hãi, 2) Bắt đầu tạo ra những hoàn cảnh cần thiết để đạt được điều bạn mong muốn.
Theo Stone: “Từ bẩm sinh, chúng ta đã có khuynh hướng nghiêng về những điều tiêu cực. Chúng ta liên tục phải nghe người lớn cấm đoán điều này điều nọ, và được giải thích rằng tại sao không nên làm chuyện đó. Vì thế chúng ta phải mất nhiều công sức, ý thức, và nỗ lực mới có thể làm chủ được những ảnh hưởng tiêu cực”.
Và ông nói thêm: “Sự khác biệt giữa thành công và thất bại, giữa hạnh phúc và đau khổ tùy thuộc vào suy nghĩ của bạn tích cực hay tiêu cực. Thái độ là một trong số những điều ít ỏi trong đời mà bạn hoàn toàn có thể làm chủ”.
Stone gợi ý những bí quyết nho nhỏ giúp bạn hướng tâm trí về suy nghĩ tích cực khi gặp phải những hoàn cảnh mà sự tiêu cực tràn ngập đến mức muốn nuốt chửng bạn:
• Hãy thật hăng hái và hào hứng: Tập trung vào công việc trước mắt, như một vận động viên điền kinh chuyên nghiệp tập trung chạy, hay một diễn viên đặt hết tâm hồn vào vở diễn. Bạn có mặt ở đó là để chiến thắng - hãy cho phép bản thân nếm trải niềm vui của người chiến thắng.
• Hãy tin tưởng vào bản thân: Cũng như một người bán hàng, bạn nên biết rằng, dù có gặp phải khó khăn ban đầu nhưng cuối cùng, “món hàng” cũng sẽ được bán đi. Điều khiến bạn bận tâm là vì sao người ta không cần đến sản phẩm hay dịch vụ của mình. Hãy đóng vai người bán hàng với sự tự tin vì biết bạn có trách nhiệm về những người bạn sẽ gặp, và chắc chắn bạn sẽ bán được hàng.
• Giải tỏa căng thẳng: Nếu bạn âu lo, sợ hãi, hoặc gặp khó khăn trong việc làm chủ cảm xúc, hãy tìm cách lấy lại quân bình. Không phải lúc nào cảm xúc cũng cần đến lý luận, mà luôn là đối tượng của hành động! Một trong những cách hữu hiệu là cười lên, và nhớ để nụ cười, niềm vui hiện trên cả ánh mắt và khuôn mặt bạn. Hãy vui đùa và dí dỏm để xua đi căng thẳng, âu lo. Cách này cũng giúp người khác được giải tỏa nữa, vì họ sẽ cùng cười với bạn. Bất kể cảm giác của người khác là gì, bạn luôn có sức mạnh để tác động đến phản ứng của họ bằng lời nói, biểu hiện và hành động của mình.
Stone là chuyên gia trong việc áp dụng những kỹ năng này vào trong cả cuộc sống lẫn công việc, ông luôn mang nụ cười trên môi, và luôn bắt đầu buổi họp bằng cách chia sẻ ít nhất năm tin vui, dù với ban giám đốc hay với nhân viên bán hàng, ông tìm ra được sự phấn khởi trong tất cả những sự kiện mới, dùng chúng để nhóm lửa cho chính mình và lan truyền ngọn lửa tới những người xung quanh. Có thể trong buổi họp, ông phải đề cập đến những điều không hay đã xảy ra, nhưng dù mục đích buổi họp là gì, ông cũng bắt đầu bằng cách hướng tâm trí mọi người vào những điều tốt đẹp hiện hữu.
Một điều khác nữa mà Stone cho thấy sức mạnh của ông trong việc làm chủ tâm trí mình là trong suốt nhiều năm tôi được biết ông, như một người bạn và một cộng sự, tôi chưa bao giờ nghe ông thốt ra điều gì nặng nề hơn chữ “lũ chuột” khi phải đón nhận những tin xấu nhất. Đối với một triệu phú đa năng, luôn đón nhận nhiều tin cả vui, buồn về doanh thu lẫn lợi tức, thì ông quả là một tấm gương về tài điều khiển tâm trí mình.
Đôi lúc, chúng ta cũng hay thốt ra những lời độc địa khi nhận những tin bất lợi hoặc trong cơn giận dữ và thất vọng. Đó là kết quả của việc bày tỏ cảm xúc một cách tự phát, không qua luyện rèn. Do đó, chúng ta càng kính nể khả năng điều khiển cảm xúc của Stone, nó là bằng chứng rõ ràng về mức độ tôi luyện và giữ gìn tinh thần sao cho luôn tích cực trong mọi tình huống.
Mỗi khi bạn đón nhận thất bại với một tinh thần tự chủ thì cũng có nghĩa là bạn củng cố thêm một lần nữa cho thái độ tích cực của mình. Khi ấy, bạn có cơ hội đào luyện tâm trí mình để nó thêm khỏe mạnh và tăng hiệu suất hơn trước. Thái độ tích cực là một quá trình cần phải luyện tập thường xuyên cho đến khi trở thành thói quen, có khả năng biến những nghi ngờ về bản thân thành sự tự tin.
Bước 3: sống theo quy tắc vàng
Hãy làm cho người khác điều bạn muốn họ làm cho mình. Từ khi còn nhỏ, hẳn bạn đã được nghe điều này nhiều lần rồi. Có thể nó quen thuộc đến mức nhàm chán, đến mức bạn không còn cảm nhận gì về ý nghĩa ẩn chứa bên trong. Nếu bạn để cho mình rơi vào tình trạng thiếu linh hoạt ấy thì bạn đang bị đánh lừa về sự hiểu biết và lợi ích mà ý tưởng nền tảng của thái độ tích cực này đem lại được.
Trên con đường kinh doanh của mình, Stone đã gặp và tiếp xúc với hàng ngàn khách hàng, đối tác, cùng những nhân viên làm việc cho ông. Trong mối quan hệ với họ, ông luôn tỏ ra hào phóng và sẵn sàng giúp đỡ bất cứ khi nào có thể. Thỉnh thoảng, báo chí đưa tin về một gia đình mới bị sập nhà, hay một cặp vợ chồng mới bị cướp tiền bên ngoài thị trấn, thì vài hôm sau, đã có bài đưa tin về một nhà từ thiện âm thầm tặng quần áo cho gia đình ấy, hay hỗ trợ một ít tiền giúp đỡ cặp vợ chồng kia trở về nhà…
Khi nói về những việc làm của mình, ông tâm sự: “Chúng ta càng kiếm được nhiều tiền thì chúng ta càng phải chia sẻ với người khác. Điều tôi biết chắc là những người thành công thật sự luôn lấy việc chia sể làm bài tập cho mình. Từ những trải nghiệm bản thân, họ biết rằng, khi bạn cho đi bằng lòng nhiệt tâm - khi bạn làm một việc tốt không vụ lợi - thì bạn sẽ nhận được niềm vui đặc biệt hơn. Cho đi càng nhiều, bạn càng sống vui tươi và phấn khởi”.
Sống theo quy tắc vàng, Stone không giam hãm đời mình trong những ý nghĩ hạn hẹp. Ông đã quyên góp cho những tổ chức, các cá nhân những khoản tiền khổng lồ, trong đó có nhiều đoàn thể khác nhau, như Trung tâm Mỹ - Ấn, Câu lạc bộ nam nữ Hoa Kỳ, Nhà hát kịch trữ tình Chicago, Bệnh viện Tai - Mắt Massachusetts, Hội nghị quốc gia của Do Thái giáo và Công giáo, Ban Cứu trợ Quân đội…
Có người đã hỏi rằng, liệu ông có sợ bị người khác lợi dụng lòng hào hiệp để kiếm tiền không, Stone mỉm cười và trả lời đơn giản rằng: “Tôi chẳng bao giờ có thể biết được người đến với tôi là một kẻ cơ hội hay là người mà Thượng đế nhân từ gửi đến. Nhưng tôi luôn hành động như thể họ xuất hiện vì Thượng đế muốn tôi giúp họ. Tôi không bao giờ có thể từ chối những điều tốt lành mà họ sẽ đem đến cho tôi”.
Có lẽ bạn chưa được thành công để phóng khoáng về tiền bạc như lòng bạn muốn, nhưng bạn có thể cho đi thời giờ, nhiệt huyết và lòng cảm thông cho những ai cần đến mình, và cả những ai không yêu cầu được giúp đỡ. Nếu kính trọng và công bằng đối với mọi người, bạn có cơ sở vững chắc để mong được người khác đối xử lại như vậy.
Bước 4: Tự kiểm để loại bỏ suy nghĩ tiêu cực
Ai cũng có những suy nghĩ tiêu cực trong lòng, vì bản chất của con người là ngờ vực và sợ hãi. Nhưng đối với người thành công thì có điều ngược lại: nhận biết những suy nghĩ tiêu cực và loại bỏ chúng.
Khởi đầu sự nghiệp của Stone không hề dễ dàng. Trước khi thành công và nổi tiếng như hiện nay, Stone đã khởi nghiệp bằng nghề bán bảo hiểm. Mẹ ông mua một đại lý ở Detroit và cho cậu con trai đúng một ngày để nghiền ngẫm tất cả những điều liên quan đến chính sách bán hàng.
Ngày đầu tiên, Stone chỉ bán được hai loại bảo hiểm. Ngày thứ hai, con số bán được tăng lên bốn, và ngày thứ ba là sáu. Tuy tiến bộ từng ngày nhưng ông vẫn cảm thấy ngần ngại vào mỗi sáng khi đến giờ làm việc. Ông nhớ lại: “Tôi đã không thắng được nỗi sợ hãi mỗi khi mở cửa văn phòng”.
Nhưng sau đó để tự trấn an mình, ông tự nhủ: “Những ai cố gắng đều sẽ đạt đến thành công. Nếu đang đứng ở một nơi mà khi thua cuộc không bị mất gì, còn nếu thắng sẽ được gấp bội, thì bằng mọi giá, tôi sẽ thử và cố gắng hết sức”.
Chính ý tưởng này là động lực cho ông vững bước trên con đường của mình. “Tuy nhiên, để làm được điều đó với hiệu quả cao nhất, tôi đã đặt cho mình một khẩu hiệu: ‘Hãy làm ngay!’. Nhờ cách này, tôi ép mình vào thói quen phải hành động, không được do dự hay ngần ngại trước bất kỳ hoàn cảnh nào.”
Để vượt qua nỗi sợ hãi, bạn phải cần đến lòng dũng cảm, sự bền bỉ và quyết tâm. Mỗi yếu tố này đều giúp bạn hình thành thói quen suy nghĩ và hành động. Dù không nhận ra nhưng tinh thần bạn luôn tiềm tàng sức mạnh của lòng can đảm, kiên trì và quyết tâm. Mỗi khi sử dụng bất cứ sức mạnh tiềm ẩn nào, đó là lúc bạn bắt đầu phát triển thói quen đấy. Và nếu lặp đi lặp lại một điều gì đó, bạn sẽ có thói quen về điều ấy. Khi bạn phát triển thói quen đặt ra mục tiêu, bền tâm, vững chí, can đảm, mạnh mẽ, chịu đựng để đạt được mục tiêu, bạn sẽ làm được.
Thật ra, việc tập luyện hằng ngày sẽ giúp bạn thực hiện những nhiệm vụ quan trọng tự đặt ra cho mình. Nó lập trình cho tâm trí bạn thoát khỏi những khó khăn, thất bại trước mắt và không bị chìm vào những suy nghĩ không mấy tốt lành. Dù vậy, ngay cả những người luôn sống và làm việc trong bầu không khí tích cực cũng vẫn đôi khi thấy trong mình dậy lên những cơn sóng tiêu cực.
Một trong những cách khiến tình trạng trên dễ dàng xảy ra là khi bạn thể hiện thái độ tiêu cực qua lời phàn nàn về người khác. Hạ thấp người khác bằng cách chê bai họ là dấu hiệu của một tinh thần đang dần suy sụp. Nếu bạn nghĩ nhờ đó mà có thể tự nâng mình lên, hay người khác sẽ nghĩ về bạn tốt đẹp hơn, thì bạn đã sai lầm. Bạn chỉ đang tự lừa gạt chính mình thôi.
Là người quản lý lực lượng nhân viên bán hàng hùng hậu, Stone thường nghe các nhân viên của ông xầm xì về nhau. Mỗi khi nghe ai đó sắp nói xấu đồng nghiệp hay thậm chí muốn vạch ra một nhược điểm nào đó, Stone sẽ nói: “Dừng lại ngay đi! Anh hãy tìm ra năm điều tốt về người ấy để nói tôi nghe trước đã, rồi sau đó hãy nghĩ tiếp xem anh có còn muốn nói gì khác nữa không!”.
Đây quả là kỹ năng tuyệt vời, nó hướng chúng ta luôn nhìn vào mặt tốt của vấn đề. Mỗi khi tìm ra được năm điều tốt để nói thì những điều xấu kia sẽ không còn gì là quan trọng nữa. Tương tự, bạn cũng có thể áp dụng bí quyết này mỗi khi những ý nghĩ tiêu cực xuất hiện trong đầu mình. Hãy tìm ra năm điều tốt đẹp về bất cứ hoàn cảnh không thuận lợi nào bạn gặp phải, bạn sẽ khám phá ra rằng, bạn đã nhanh chóng quên đi những lời than thở mà trước đó muốn thốt ra.
Bước 5: Hãy vui lên, và làm mọi người hạnh phúc!
Niềm vui có khả năng lan truyền rất nhanh và rộng. Nếu bạn đến dự buổi tiệc và gặp hai nhóm người, một nhóm luôn vui vẻ cười đùa, nhóm còn lại tỏ ra ủ rũ, khó chịu, bạn muốn gia nhập vào nhóm nào?
Nếu bạn nỗ lực để vui sống thì những người xung quanh cũng sẽ trở nên vui tươi, hạnh phúc. Đó là nguyên tắc đơn giản, nhưng lại bị nhiều người quên lãng. Cảm thấy hạnh phúc khi mọi chuyện xảy ra như ý muốn là điều dễ dàng, nhưng vẫn vui vẻ hài lòng khi gặp chuyện trái ý còn quan trọng hơn.
Stone rất thích câu chuyện về cụ bà Nedrow. Vào cuối đời, bà bị mù và ban đầu rất cay đắng, khổ sở về việc này. Nhưng rồi, bà cố gắng để chấp nhận; và từ đó, bà chỉ còn cố gắng để thay đổi một điều duy nhất trong khả năng của mình: thái độ.
Một người cháu của bà Nedrow kể với Stone: “Bà động viên tôi vào mỗi tối hãy tạ ơn Thượng đế về những điều tốt đẹp tôi nhận được trong ngày. Khi thức dậy, hãy cảm tạ Ngài về mọi điều tốt lành sẽ đến trong đời tôi. Bằng cách đó, tôi bắt đầu một ngày mới với cảm giác về sự đủ đầy và hài lòng hơn là lo lắng về những điều tôi không thể thay đổi. Tôi đã biết chủ động suy nghĩ về những điều mà trước đây, tôi không muốn thay đổi: những điều tôi yêu thích, những người yêu mến tôi, những vận may đến với tôi. Dù không hiểu rõ thái độ tích cực là gì, nhưng bà đã dạy tôi bắt đầu mỗi ngày mới bằng tâm hồn lạc quan và đầy lòng biết ơn”.
Stone biết sức ảnh hưởng của niềm vui cũng như muộn phiền đến toàn bộ cuộc đời của con người. Một lần, ông giúp một giám đốc kinh doanh trẻ vượt qua những khó khăn trong mối quan hệ với mọi người. Chàng trai này rất nhạy cảm với những điều liên quan đến công việc cũng như những lợi ích về kinh doanh. Nhưng về mặt xã hội và trong quan hệ với nhân viên, anh không hề nhạy cảm. Anh thường nhận được những phản ứng chống đối của người khác mỗi khi anh tranh luận với họ. Mọi người không thích thái độ hung hăng và ích kỷ của anh, và anh cũng cảm thấy khó chịu với cách phản ứng của họ.
Để giúp chàng trai vượt qua điều này, Stone kể cho anh nghe câu chuyện về bà Nedrow. Ông nói:
- Cậu là một giám đốc kinh doanh giỏi! Và cậu cũng sẽ trở thành một con người thân thiện, hòa nhã, được mọi người nể trọng nếu thay đổi thái độ đối xử với nhân viên, bằng cách cẩn thận hơn trong lời ăn tiếng nói của mình.
Ban đầu, vị giám đốc trẻ phản ứng lại điều Stone đề nghị. Điều đó cũng là dễ hiểu! Nhưng trong hoàn cảnh này, anh ta thật sự muốn cứu lấy bản thân. Anh hỏi:
- Ông có cách gì không? Stone trả lời:
- Hãy dùng phương pháp tự kỷ ám thị. Lặp đi lặp lại 50 lần mỗi sáng và 50 lần mỗi tối từ bảy đến mười ngày với tất cả cảm xúc và sự tập trung vào những điều sau: “Hãy làm cho người khác những điều mình muốn họ làm cho mình. Đừng nói hay làm cho người khác điều mà mình không muốn họ nói hoặc làm với mình”. Cậu đủ thông minh để biết cách làm cho mình được mọi người đón nhận. Hãy quan tâm hơn đến cảm xúc của người khác mỗi khi muốn nói với họ điều gì.
Chỉ trong một thời gian ngắn, những điều thú vị bất ngờ bắt đầu xảy ra. Trợ lý, đồng nghiệp, nhân viên, bạn bè đều nhận ra sự thay đổi nơi anh. Nhưng quan trọng hơn cả, cuộc sống tinh thần của anh đã chuyển biến theo hướng tích cực rõ ràng - vì anh đã thay đổi được thái độ của mình.
Lẽ dĩ nhiên, lời khuyên của Stone có thể đã không hiệu quả đến thế nếu như chính ông không trở thành bằng chứng sống động về sự lạc quan và tin yêu cuộc sống. Đó mới chỉ là một trong những ích lợi lớn lao của niềm vui: Bạn hoàn toàn có khả năng ảnh hưởng đến người khác để mang lại điều tốt đẹp cho họ.
Bước 6: Xây dựng lòng khoan dung, độ lượng
Tinh thần sống tích cực cho bạn sự linh hoạt để hòa hợp và sống chung với những người có quan điểm sống khác nhau. Trong thời đại chúng ta, những bất đồng ý kiến, quan điểm là vấn đề thường xuyên xảy ra, gây nên tranh cãi. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể tôn trọng lẫn nhau để tìm ra những giải pháp tốt nhất mà cả đôi bên cùng có lợi. Bạn sẽ thường xuyên gặp phải những người có suy nghĩ khác bạn. Nếu bạn gạch tên họ khỏi danh sách bạn bè hay đồng nghiệp của mình, tức là bạn đang tự thu hẹp các mối quan hệ của mình lại và lẽ dĩ nhiên, bạn sẽ là người bị tổn thương nhiều nhất.
Stone kể lại câu chuyện về một nữ tiếp thị trẻ tuổi, năng nổ. Cô đã đến gõ cửa một hiệu giày với hy vọng bán được bảo hiểm cho ông chủ này. Cô gái đi cùng với giám đốc, vì thế, mức độ quan trọng của việc bán được hàng càng cao. Cô muốn tạo ấn tượng tốt với vị giám đốc.
Nhưng người chủ cửa hiệu không hứng thú với chuyện mua bảo hiểm, và chẳng ngần ngại nói thẳng cho cô gái biết điều đó. Không kiềm chế được phản ứng của mình, cô gái đáp lại: “Tôi sẽ không bao giờ đến cửa hàng của ông để mua một đôi giày nào nữa!”.
Phản ứng của cô là điều dễ hiểu, nhưng không lịch sự và hiệu quả chút nào. Khi họ đã ra khỏi cửa hiệu, vị giám đốc đã chỉ cho cô thấy ngay rằng, người chủ tiệm giày đã lịch sự dành cho cô thời gian quý giá của ông, vì thế, cô nên tỏ lòng biết ơn ông ta. Có thể phản ứng ngày hôm nay của cô sẽ để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp trong suy nghĩ của người chủ tiệm về bất cứ người tiếp thị nào sau này.
Đây là tác động to lớn mà những phản ứng cố chấp thường để lại: khiến cả người nói lẫn người tiếp nhận đều cảm thấy khó chịu, Stone thường nói: “Nếu bạn là người dễ bị tổn thương, thì bạn rất có thể cũng là người dễ làm tổn thương người khác. Những suy nghĩ tiêu cực của bạn tạo ra lực tác động xấu thay đổi hướng suy nghĩ của người tiếp nhận. Họ sẽ dần dần chuyển hướng suy nghĩ sao cho giống bạn. Nếu bạn ít khi hoặc không bao giờ bị tổn thương về cảm xúc thì tôi chắc rằng, bạn là người lạc quan, tích cực, tinh tế trong cảm nhận về xúc cảm của người khác và bạn sẽ hướng những phản ứng của người khác đi theo lối tích cực như mình”.
Stone nhớ lại:
“Cách đây vài năm, tôi học được một kinh nghiệm. Khi ấy, tôi đang ngồi ở bàn làm việc của mình, đầu bàn kia là một người bán hàng đang rất giận dữ về chuyện gì đó. Tôi hỏi chuyện anh ta và luôn tự nhủ ‘Mình phải thật kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn’ để không bị lôi cuốn vào cơn giận của anh ta lúc đó. Chỉ một lúc sau, giọng anh nghe đã dịu lại, vì khi càng nói thì anh càng nhận ra mình đang sai. Anh dần tĩnh tâm và trở nên điềm tĩnh hơn trong lời nói.
Nếu có ai đó đang giận dữ thì đừng để mình bị cuốn vào những cảm xúc ấy, thay vào đó hãy bình tĩnh nhằm làm dịu hoàn cảnh đó xuống”.
Nếu cảm thấy khó khăn khi bất đồng ý kiến với người khác, bạn có thể học theo cách Stone đã đối xử với những lời phàn nàn ông nghe được về người khác đã được trình bày ở Bước 5. Bạn hãy ép mình tìm ra năm điểm tốt về người mà bạn không thích. Sau đó, tự hỏi mình xem năm ưu điểm ấy có đủ cho bạn vui vẻ hợp tác với người ấy để cùng nhau tìm kiếm ích lợi không? Đó là những gì bạn cần phải làm để hình thành thói quen về sự bao dung, độ lượng.
Bước 7: Tự gợi ý những điều tốt đẹp
Nếu bạn được giới thiệu với W. Clement Stone, và khi bắt tay bạn hỏi “Anh khỏe không?” thì tôi biết chắc câu trả lời của Stone sẽ là: “Tôi rất khỏe! Rất hạnh phúc! Tất cả đều rất tuyệt vời!”.Ông sẽ nói những lời ấy với tất cả niềm hào hứng và phấn khởi.
Stone nhắc lại lời của Napoleon Hill: “Điều gì tâm trí có thể ý thức và tin tưởng thì nó có thể thực hiện được nhờ thái độ tích cực. Những suy nghĩ và thái độ trong tâm trí sẽ được phản ánh qua sức khỏe thể chất bên ngoài. Chúng ta biến những ý nghĩ về sự nghèo nàn và thất bại thành thực tế cũng nhanh như đối với những tư tưởng về giàu sang và thành công. Khi biết xem trọng bản thân và rộng lượng, cảm thông với người khác, chúng ta cũng hút về phía mình lòng kính trọng, lòng bao dung và chiến thắng”.
Đây là khía cạnh cho thấy những động lực tự bản thân tạo ra có vai trò rất quan trọng. Chúng có thể đến trong tâm trí bất cứ khi nào bạn cần. Chẳng hạn, khi bạn muốn xóa bỏ hoặc giảm bớt nỗi sợ hãi, khi bạn muốn dũng cảm hơn để đối diện với khó khăn, hoặc khi bạn muốn biến những bất lợi thành thuận lợi, muốn phấn đấu cho những mục tiêu lớn hơn, muốn giải quyết những vấn đề nghiêm trọng và làm chủ cảm xúc của mình.
Để thực hiện được những điều này, Stone thường lặp đi lặp lại thành tiếng những động lực ông tự tạo ra nhằm gia tăng sức mạnh của chúng, và ông cũng muốn lan truyền đến mọi người hiệu quả và ảnh hưởng của những động lực đó.
Dù gặp hoàn cảnh nào, dẫu có là những thất bại chăng nữa, nếu bạn tìm cho bản thân một hướng suy nghĩ tích cực thì khi đó, bạn đã bước bước chân đầu tiên để tiếp nhận sức mạnh từ những động lực do bạn tạo ra. “Chỉ có những người có tinh thần tích cực mới nhận ra rằng, trong mỗi thất bại đều có hạt giống của cơ hội!” - Stone nhận xét. - “Tôi thật may mắn vì đã gặp được rất nhiều rắc rối mà nhiều người phải bất lực. Nhờ có thái độ tích cực và biết giữ tâm trí mình kiên định với mục tiêu đề ra, tôi đã may mắn biến những khó khăn ấy thành cơ hội cho mình”.
Một lần nọ, Stone đến thăm Trung tâm Bảo trợ trẻ vị thành niên tại thị trấn Bronx. Ở đây, ông đã nói chuyện với một nhóm các bé gái mới vừa hoàn thành khóa đào tạo tay nghề ngắn hạn. Các em đều rất phấn khởi và hồi hộp khi nghĩ về công việc sắp tới của mình, vì chưa có em nào trước đây đã từng đi làm hay có chút ít kinh nghiệm gì về phỏng vấn tuyển nhân viên của các công ty.
Stone kể cho chúng nghe câu chuyện đời mình, việc ông khởi sự bằng nghề bán báo, và thái độ sống tích cực đã giúp ông thành công ra sao. Ông nói nếu các em học cách sống tích cực và sử dụng nó trong đời sống của mình, thì các em sẽ có được công việc mình mong muốn.
Ông nói:
- Ngay cả khi các bạn không được nhận trong lần xin việc đầu tiên, thì thái độ tích cực sẽ giúp bạn biến nỗi thất vọng đó thành một kinh nghiệm hữu ích và tích cực.
Một trong các cô bé cất tiếng hỏi:
- Làm sao không được nhận vào làm lại có thể là một kinh nghiệm quý báu được?
Stone trả lời:
- Nó quý báu ở chỗ bạn đã một lần biết được cách tuyển nhân sự ở các công ty. Lần sau, bạn sẽ biết người ta mong chờ gì nơi bạn. Bạn sẽ ít căng thẳng hơn. Nếu có sai sót, bạn có thể học từ những sai lầm đó. Bạn sẽ biết được giá trị của mình, rằng nếu người quản lý này không nhận bạn thì sẽ có người khác vẫn đợi bạn.
Người duy nhất có thể mở ra cánh cửa tiếp theo cho cuộc đời bạn không ai khác là chính bạn, vậy thì bạn còn chờ đợi điều gì?
Bước 8: Sức mạnh của sự nguyện cầu
James Mackintosh đã nói: “Chỉ nên hài lòng với những gì mình có chứ không nên hài lòng với việc mình là ai.”
Hài lòng với những gì mình có không có nghĩa là chúng ta ngưng cố gắng phấn đấu cho những mục tiêu cao hơn, mà điều đó có nghĩa là bạn nhận ra và biết ơn về mỗi điều tốt đẹp, dù là nhỏ bé, mình nhận được trong cuộc sống. Ý thức về những điều tốt đẹp nhận được có nghĩa là không xem bất cứ điều gì đến với mình là sự ngẫu nhiên; tất cả đều là thành quả do hành động của bạn tạo ra. Trong cuộc sống, có rất nhiều hoàn cảnh bắt buộc chúng ta phải lựa chọn giữa hai giá trị, một bên là cơ hội phía trước còn một bên là lợi ích ngay trước mắt. Bất cứ sự chọn lựa nào cũng nói lên ta đang đứng ở vị trí nào trong tâm trí mình. Sức mạnh nội tâm lúc đó là yếu tố vô cùng quan trọng, nó cho bạn biết bạn đã sẵn sàng để bước vào cái mới chưa hay cần phải chuẩn bị điều gì khác trước đã. Tuy nhiên hãy nhớ, thái độ tích cực không phải là cách sống mù quáng, liều lĩnh bất chấp cái giá phải trả để đạt được điều mong muốn, Stone đã nói: “Thái độ tích cực là suy nghĩ, hành động và phản ứng chân thật, đúng đắn trước một hay nhiều hoàn cảnh”. Đôi khi, điều đó cũng có nghĩa là phải chờ đợi cho đến khi sẵn sàng rồi mới bước đi.
Nguyện cầu thể hiện niềm tin, hy vọng, mong ước của chúng ta đến với thành công. Nó là phương pháp đặc biệt hiệu quả để xác định và bắt đầu làm việc trên những phần cần phải thay đổi của đời mình. Hãy nhớ lại lời của Mackintosh: “Chỉ nên hài lòng với những gì mình có chứ không nên hài lòng với việc mình là ai”.
Qua những trải nghiệm của đời mình, Stone đã sẻ chia với chúng ta những kinh nghiệm quý giá: “Chúng ta đều biết mình không bao giờ có thể hoàn hảo được trong cuộc sống, nhưng chúng ta đều hiểu rằng, chỉ khi phấn đấu để trở nên hoàn hảo thì ta mới tiến gần hơn sự hoàn hảo. Để làm được điều này, ta phải có những suy nghĩ tích cực trong mọi hoàn cảnh. Có như vậy, ta mới có thể thay đổi được thế giới của riêng mình cũng như thế giới xung quanh, và cải tạo nó trở nên tốt đẹp hơn cho bản thân, cho mọi người”.
Nhưng chỉ biết nguyện cầu, khát khao, mơ ước tới những điều tốt đẹp thôi thì chưa đủ. Thành công không thể đến theo những lời nguyện ước suông mà đến từ hành động. Nguyện ước giúp củng cố tinh thần, khơi thông sức mạnh tâm trí và hành động là bước thực hiện để tiến tới kết quả đó. Nếu cầu xin lòng dũng cảm, bạn cần phải sống như thể bạn đã được đáp ứng. Nếu xin một cơ hội tốt, bạn cần phải nắm bắt khi nó đến với bạn… Sau đó, bạn cần phải thể hiện lòng biết ơn của mình đối với những điều tốt đã nhận được và chia sẻ chúng với người khác.
Stone vẫn nói:
“Tôi cảm thấy những điều tốt lành mà tôi nhận được nhiều hơn rất nhiều so với những gì một con người xứng đáng lãnh nhận hay dám mơ tưởng đến. Tôi biết mình nên cảm tạ Thượng đế thật nhiều. Nhưng tôi còn cảm thấy mình phải giúp Thượng đế trong công việc của Ngài trên trần gian bằng cách chia sể những điều tốt lành này với những người kém may mắn hơn tôi.
Nhiều người trong chúng ta vẫn gửi lời cảm tạ đến Đấng Tạo hóa mỗi khi đạt được một điều gì đó. Nhưng nếu chỉ đem lời cảm tạ suông đến Ngài thì có ích gì. Sao chúng ta không bắt tay vào hành động, chia sẻ những ân huệ mình được nhận với người khác, dù đó là kinh nghiệm, kiến thức, lý tưởng hay một phần tài sản của mình.
Tất cả những gì tôi muốn làm là thay đổi thế giới. Chỉ vậy thôi. Điều đó có thể thực hiện được không? Có, điều đó vẫn đang được thực hiện.”
Bước 9: Đặt ra mục tiêu
Để thái độ sống tích cực có hiệu quả, điều quan trọng nhất là phát triển những mục tiêu bạn theo đuổi. Nếu không, mọi việc chẳng khác nào một cỗ máy đầy tính năng nhưng không được sử dụng. Tương tự, mọi năng lực tiềm ẩn có sẵn trong bạn chẳng thể phát huy tác dụng nếu không được thực hành, Stone từng nói: “Tinh thần tích cực luôn kết hợp chặt chẽ với việc xác định rõ ràng những mục đích sống. Sự chọn lựa những mục tiêu cụ thể chính là khởi điểm của thành công. Cuộc sống của bạn có thay đổi hay không là do bạn có muốn chọn lựa để thay đổi nó hay không. Bạn có quyền chọn lựa hướng đi cho đời mình. Bạn có khả năng chọn lựa những mục tiêu mình mong muốn”.
Dựa vào kinh nghiệm lâu dài về đào tạo nhân viên bán hàng, Stone tin rằng cứ trong 100 người thì có đến 98 người không hài lòng với cuộc sống của bản thân, và họ là những người không có một hình ảnh cụ thể nào trong tâm trí về cuộc sống mà họ mơ ước.
Bạn thử nghĩ xem! Thử nghĩ về những người lê bước vô định qua cuộc đời này, lòng đầy thất vọng, luôn có rất nhiều điều để vươn tới nhưng lại không có mục tiêu rõ ràng. Đặt ra mục tiêu và kiên trì bám lấy mục tiêu không phải chuyện dễ, thậm chí có thể bạn phải trả giá. Nhưng nỗ lực của bạn sẽ được đền bù xứng đáng, vì khi bắt đầu gọi tên được mục tiêu của mình, bạn có thể mơ về những quả ngọt sẽ được hưởng. Những thuận lợi này sẽ đến với bạn gần như hoàn toàn tự động, không phải cố gắng nhiều…
Xác lập được mục tiêu nghĩa là bạn đã sở hữu tấm bản đồ cuộc hành trình của mình. Bây giờ, bạn chỉ còn bắt tay vào hành động. “Hành động” chính là từ khóa quan trọng để biến ý tưởng thành hiện thực.
Để đạt được mục đích, bạn phải sẵn sàng làm việc tận tụy hơn. Cần biết tích lũy thời gian và tiền bạc. Bạn cũng nên học hỏi, suy nghĩ và thường xuyên lên kế hoạch, tốt nhất là mỗi ngày, học cách nhận ra những nguyên tắc giúp mình đạt được mục tiêu và áp dụng chúng vào cuộc sống…
Càng tập trung vào mục tiêu của mình, bạn sẽ càng dồi dào nhiệt huyết. Với bầu nhiệt huyết đó, ước mơ của bạn sẽ được tiếp thêm lửa. Vì bạn biết mình muốn gì nên sẽ tỉnh táo nhận ra cơ hội khi chúng đến trong đời sống hằng ngày.
Stone đã dùng phương pháp lập mục tiêu trong suốt hành trình đi đến thành công. Nhưng quan trọng hơn, phương pháp này đã trở thành kim chỉ nam khi công việc kinh doanh của ông đứng trước nguy cơ thất bại.
Khi cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra, công ty bảo hiểm của Stone đang phát triển thịnh đạt. Nhưng sau một vài năm ảnh hưởng của tình trạng thất nghiệp trầm trọng thì lượng bảo hiểm bán ra giảm sút đáng kể. Nhiều nhân viên bán hàng của Stone bỏ cuộc vì cảm thấy không thể mưu sinh.
Trước tình hình đó, Stone đưa ra bốn mục tiêu cho chính mình:
- Bán được càng nhiều bảo hiểm cá nhân càng tốt.
- Tiếp tục thuê người bán hàng.
- Đào tạo nhân viên mới và cũ, để họ có thể làm tốt hơn.
- Xây dựng hệ thống thống kê lượng hàng bán ra nhằm nắm rõ bước đi của công ty trên phạm vi toàn quốc.
Đó là những mục tiêu đầy tham vọng, đặc biệt là trong thời gian nhiều công ty làm ăn thua lỗ và dân chúng bắt đầu nghi ngờ liệu nước Mỹ có thể lấy lại được sự phồn thịnh đã có trước đó vài năm hay không.
Việc kinh doanh của Stone bắt đầu tiến triển trở lại. Ông cùng các nhân viên của mình kiếm ra nhiều tiền hơn so với các công ty khác trong suốt thời gian khủng hoảng.
Bạn hãy đặt ra cho mình những mục tiêu ngắn và dài hạn. Điều chủ yếu là bạn theo đuổi cả hai mục tiêu ấy bằng những hành động tự tin. Chính sự tự tin sẽ làm cho những cơ hội tiềm tàng nảy mầm trong thực tế. Đừng vội vã “bán non” những cơ hội của bản thân mình.
Bước 10: Học hỏi, suy nghĩ và lên kế hoạch hằng ngày
W. Clement Stone dùng bồn tắm, chứ không dùng vòi hoa sen. Tắm bằng vòi sen có thể nhanh hơn và thích hợp với những người giàu có bận rộn. Nhưng mỗi sáng, Stone đều dành cho mình một khoảng thời gian để ngâm mình trong bồn nước ấm như một hình thức thư giãn, ông nói: “Đây là phần quan trọng trong thời gian tôi dành cho việc suy nghĩ mọi vấn đề”.
Được đốt nóng nhờ tinh thần tích cực và có một con tim khát khao đạt được mục đích có thể khiến bạn phạm phải sai lầm là nghĩ mình luôn phải làm việc, làm việc liên tục. Đúng là để thành công cần phải tập trung vào hành động, nhưng bạn cũng cần phải dành thời gian cho sự tĩnh tâm nữa.
“Một giọt mực nhỏ xuống cũng có thể tạo ra hàng ngàn, thậm chí hàng vạn suy tư…”, Lord Byron đã viết như vậy trong thiên anh hùng ca “Don Juan”. Bằng cách đọc sách, học hỏi không ngừng, bạn sẽ khơi nguồn cảm hứng cho những suy nghĩ mới để phát triển tinh thần tích cực. Nó giúp cho tâm trí bạn linh hoạt và sắc bén.
Khi còn là một cậu thiếu niên làm việc với tư cách nhân viên kiểm tra thư từ của văn phòng Stone, tôi đã quyết định đề nghị với Stone một ý tưởng. Sở thích của tôi là được làm những gì liên quan đến truyền thông giải trí như phim ảnh, thu băng đĩa. Lúc đó, một ý nghĩ lóe lên trong đầu tôi, nếu có một phòng thu và sản xuất băng đĩa về những bài nói chuyện đầy nhiệt huyết của Stone thì sao nhỉ?
Bất chấp những lời chế giễu của đồng nghiệp cho rằng, tôi đang liều lĩnh và có nguy cơ mất việc vì không chuyên tâm vào chuyên môn. Tôi đã gửi cho Stone một bức thư phác họa những ích lợi mà ý tưởng của tôi có thể mang lại. Một giờ sau khi tiếp nhận lời đề nghị của tôi qua thư, Stone cho mời tôi đến văn phòng. Khi ấy, một trong những đồng nghiệp nói với tôi: “Tôi rất vui vì được biết bạn, Ritt à. Hãy ráng thưởng thức quà tặng thất nghiệp bạn sắp có nhé!”.
Nhưng khi người thư ký báo là tôi đang đứng chờ ở ngoài, Stone vội đẩy cửa bước ra. Ông nắm tay tôi, và nói: “Ý tưởng tuyệt lắm! Hãy nói thêm về điều đó đi!”. Và buổi chiều hôm ấy, chúng tôi đã cùng nhau vạch ra kế hoạch cho những bước đầu tiên và hướng phát triển xa hơn sau này.
Nếu bạn đã từng phải bận tâm về chính mình thì hẳn bây giờ, sau khi trải nghiệm mười bước tư duy tích cực, bạn đã có cái nhìn tốt hơn về bản thân. Mọi người sẽ nhận ra được sự thay đổi nơi bạn khi bạn trở thành người có trách nhiệm với cuộc sống, nỗ lực vươn lên trong mọi hoàn cảnh, làm chủ được cảm xúc và thái độ chính mình.
Hẳn đã phải có một điểm nào đó tác động bạn khi đọc qua mười bước này, và bạn có thấy được mối liên hệ giữa chúng? Mười bước của tinh thần tích cực được đan kết với nhau, dệt nên tấm thảm về một cuộc sống đầy hứa hẹn. Bạn hãy bắt đầu sử dụng thái độ tích cực ngay hôm nay, mỗi ngày và trong mọi hoàn cảnh.
Từ nơi này, đời bạn sẽ trôi về đâu? Bạn sẽ tiến đến một cuộc sống viên mãn, có mục đích, và luôn tràn ngập niềm vui chứ? Chúc bạn có một chuyến đi thật thú vị!
HÃY SỐNG VỚI TINH THẦN TÍCH CỰC MỖI NGÀY, BẠN SẼ THẤY CUỘC SỐNG TUYỆT VỜI BIẾT BAO! TUYỆT VỜI BIẾT BAO!