T
ôi sẽ không bao giờ quên được lễ Phục sinh năm 1946. Năm đó tôi 14 tuổi, em gái Ocy của tôi 12 tuổi, còn chị Darlene 16 tuổi. Chúng tôi ở cùng với mẹ, và bốn mẹ con chúng tôi rất hiểu cảnh tự lo liệu là như thế nào. Bố tôi đã mất năm năm trước, chẳng để lại cho mẹ tôi tài sản gì ngoài bảy đứa con đang độ tuổi ăn học.
Cũng vào khoảng năm 1946, các chị của tôi đi lấy chồng, và các anh tôi cũng thoát ly khỏi gia đình. Một tháng trước ngày lễ Phục sinh, vị mục sư ở nhà thờ chúng tôi vẫn thường đi lễ thông báo rằng năm nay nhà thờ sẽ tổ chức một ngày lễ quyên góp đặc biệt để giúp một gia đình đang gặp khó khăn. Ông kêu gọi mọi người nên dành dụm ít tiền và dang tay giúp đỡ.
Khi về đến nhà, chúng tôi bàn với nhau xem mình có thể làm được gì. Chúng tôi quyết định mua 25 ký khoai tây để dành ăn cả tháng. Như thế chúng tôi sẽ tiết kiệm được 20 đô la tiền chợ để làm tiền quyên góp. Sau đó, chúng tôi thấy rằng nếu hạn chế tối đa việc sử dụng đèn điện và không nghe đài thì chúng tôi còn tiết kiệm được thêm khoản tiền điện của tháng đó nữa. Chị Darlene nhận việc quét sân, lau nhà cho nhiều người, và cả hai chị em tôi cùng nhận trông trẻ cho bất kỳ ai có nhu cầu. Chỉ với 15 xu là chị em tôi đã có thể mua đủ vải bông để may ba miếng nhấc nồi rồi đem bán được một đô la. Chúng tôi đã kiếm được 20 đô la nhờ vào việc làm đồ nhấc nồi. Đó là một trong những tháng tuyệt nhất trong cuộc đời của mẹ con chúng tôi.
Mỗi ngày chúng tôi đều đếm xem mình đã dành dụm được bao nhiêu tiền. Ban đêm, chúng tôi cứ ngồi trong bóng tối và bàn tán xem gia đình nghèo khó kia sẽ vui sướng thế nào khi nhận được số tiền mà nhà thờ sẽ góp tặng họ. Giáo xứ có khoảng tám mươi người, vì vậy chúng tôi tính toán rằng chắc chắn số tiền cả giáo xứ quyên góp được sẽ phải gấp hai mươi lần số tiền chúng tôi dự tính trao tặng. Chủ nhật nào mục sư cũng nhắc mọi người nhớ tiết kiệm ít tiền cho đợt quyên góp.
Vào đêm trước lễ Phục sinh, chúng tôi nôn nao đến mức gần như không thể ngủ được. Chúng tôi không hề quan tâm đến chuyện mình không có quần áo mới để mặc vào dịp lễ Phục sinh, mà chỉ quan tâm đến việc cả nhà đã dành dụm được những bảy mươi đô la cho đợt quyên góp. Chúng tôi háo hức chờ đợi đến lúc được đến nhà thờ! Sáng Chủ nhật đó, trời mưa như trút nước. Tuy không có dù che, lại ở cách xa nhà thờ hơn một dặm, nhưng mấy mẹ con tôi chẳng ngại gì chuyện mình sẽ bị ướt. Chị Darlene nhét miếng bìa cứng vào giày để bít mấy cái lỗ thủng. Nước vào miếng bìa bị rã, và bàn chân của chị cũng ướt sũng.
Nhưng rồi chúng tôi cũng yên vị trong nhà thờ, lòng đầy tự hào. Tôi nghe các bạn trạc tuổi mình bình phẩm gì đó về mấy bộ váy cũ chị em tôi đang mặc. Tôi ngắm nhìn họ trong những bộ quần áo mới, nhưng tôi vẫn cảm thấy mình là người giàu có.
Khi đợt quyên góp diễn ra, chúng tôi đang ngồi ở hàng ghế thứ hai từ trên đếm xuống. Mẹ cho vào thùng quyên góp một tờ mười đôla, còn chị em tôi mỗi người đóng góp một tờ hai mươi đô la.
Chúng tôi ca hát suốt trên đoạn đường trở về nhà. Vào giờ cơm trưa, mẹ dành cho chị em tôi một sự ngạc nhiên. Mẹ đã mua sẵn mười hai quả trứng, và chúng tôi đã luộc trứng để ăn kèm với khoai tây chiên! Chiều tối hôm ấy, vị mục sư đi xe đến nhà chúng tôi. Mẹ ra cửa nói chuyện với ông một lát, và sau đó trở vào nhà với một chiếc phong bì trên tay. Chúng tôi hỏi đó là gì, nhưng mẹ chẳng nói lời nào. Mẹ mở phong bì, một xấp tiền rơi ra. Có tất cả ba tờ hai mươi đô la mới cứng, một tờ mười đô la và mười bảy tờ một đô la.
Mẹ cất lại số tiền đó vào phong bì. Cả nhà không ai nói gì mà chỉ ngồi nhìn trân trân xuống đất. Mới đây còn thấy mình là người giàu có, giờ chúng tôi mới hiểu ra mình là người nghèo khổ. Ba chị em tôi đã có một cuộc sống quá hạnh phúc đến nỗi chúng tôi còn thấy tội nghiệp cho những ai không có được bố mẹ như mẹ và người bố đã quá cố của chúng tôi, không có được gia đình đông anh chị em như chúng tôi và không được mấy đứa trẻ khác ghé thăm thường xuyên như vậy. Chúng tôi nghĩ rằng việc chị em dùng chung cái đĩa bạc rồi tìm xem mình có cái muỗng hay cái nĩa nào không cũng vui lắm chứ. Nhà chỉ có hai con dao nên chúng tôi cứ phải chuyền tay nhau trong bữa ăn. Tôi biết nhà mình không có nhiều thứ như những người khác, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ là gia đình mình nghèo.
Thế mà vào ngày lễ Phục sinh đó, tôi mới biết là nhà mình như vậy. Vị mục sư đã mang đến cho chúng tôi số tiền dành tặng gia đình nghèo, nên chắc chắn là nhà tôi nghèo, tôi thầm nghĩ. Tôi không thích mình bị coi là nghèo. Tôi nhìn lại chiếc váy đầm, nhìn lại đôi giày đã mòn của mình và cảm thấy vô cùng xấu hổ – thậm chí tôi còn không muốn trở lại nhà thờ nữa. Mọi người ở đó hẳn đã biết nhà tôi nghèo rồi.
Tôi nghĩ đến trường học của mình. Tôi là học sinh lớp chín, lớp tôi có trên một trăm học sinh và tôi vẫn luôn đứng đầu lớp. Tôi tự hỏi không biết mấy đứa bạn ở trường có biết nhà tôi nghèo hay không. Tôi quyết định sẽ bỏ học vì tôi cũng đã học xong lớp tám rồi. Thời đó thì chỉ cần có thế thôi.
Chúng tôi ngồi lặng im thật lâu. Trời tối, và cả nhà chúng tôi đi ngủ. Suốt cả tuần, mấy chị em tôi cứ cắp sách tới trường rồi về nhà mà chẳng ai nói gì nhiều. Cuối cùng, vào ngày thứ Bảy, mẹ hỏi chúng tôi muốn làm gì với số tiền ấy. Người nghèo dùng tiền để làm gì đây? Chúng tôi không biết. Chúng tôi chưa bao giờ biết là mình nghèo. Chúng tôi không muốn đi lễ vào Chủ nhật nữa, nhưng mẹ bảo chúng tôi phải đi.
Dù hôm ấy trời nắng đẹp, nhưng trên đường đi chúng tôi chẳng ai nói với ai lời nào. Mẹ bắt đầu hát, nhưng chẳng đứa nào hưởng ứng, và mẹ cũng chỉ hát mãi có một câu.
Buổi lễ hôm ấy có một nhà truyền giáo đến diễn thuyết. Ông kể về những ngôi nhà thờ ở châu Phi được xây bằng gạch phơi khô ngoài nắng, nhưng họ cần có tiền để mua vật liệu lợp mái nhà. Ông bảo số tiền một trăm đô la là đủ để lợp mái nhà cho một nhà thờ. Vị mục sư nói thêm: “Lẽ nào tất cả chúng ta ở đây không thể hy sinh chút ít để giúp đỡ những con người nghèo khó ấy sao?”. Mẹ con tôi đưa mắt nhìn nhau và lần đầu tiên trong suốt tuần lễ ấy, nụ cười lại chớm nở trên môi chúng tôi.
Mẹ lần tay trong ví và lấy ra chiếc phong bì. Mẹ đưa nó cho chị Darlene. Darlene chuyền cho tôi, tôi lại đưa tiếp cho Ocy. Ocy để phong bì vào thùng quyên góp.
Sau khi đếm xong số tiền quyên góp, vị mục sư thông báo rằng số tiền có được đã vượt con số một trăm đô la một chút. Nhà truyền giáo rất phấn khởi. Ông đã không nghĩ rằng sẽ quyên được số tiền lớn như thế từ nhà thờ nhỏ bé của chúng tôi. Ông bảo, “Hẳn trong nhà thờ này có một số người rất giàu có”. Chúng tôi cảm thấy bất ngờ quá đỗi! Chính gia đình tôi đã đóng góp 87 đô la trong số tiền “hơn một trăm đô la một chút” ấy.
Chúng tôi là gia đình giàu có trong nhà thờ! Chẳng phải nhà truyền giáo đã nói như thế sao? Từ đó trở đi, tôi không bao giờ cảm thấy mình là kẻ nghèo khó nữa.
- Eddie Ogana