T
hung lũng Greenbriar gần như khuất mình sau những đám mây thấp, với những cơn mưa rào trút xuống liên tục. Trong lúc lội qua mảnh sân sình lầy để làm những việc lặt vặt như thường lệ, tôi nhìn thoáng qua con đường chạy ngang nhà mình rồi uốn khúc về phía thung lũng. Tôi chợt thấy một chiếc xe hơi đỗ lại bên đường, cách bãi cỏ nhà tôi không xa.
Rõ ràng là chiếc xe đang gặp sự cố. Nếu không, chẳng có ai lại đi sửa xe dưới trời mưa, nhất là khi đang ăn mặc bảnh bao như thế. Tôi làm việc của mình nhưng vẫn quan sát người thanh niên nọ. Rõ ràng là cậu ta chẳng rành máy móc gì cả. Cậu vất vả lê bước từ chiếc capô còn đang được dựng lên tới chỗ vô lăng để thử khởi động, rồi lại quay ra chỗ capô.
Khi tôi xong việc và đóng cửa nhà kho, trời gần như đã tối hẳn. Chiếc xe vẫn còn ở đó. Thế là tôi lấy đèn pin và đi ra đường. Người thanh niên hơi giật mình và bối rối khi tôi bước đến, nhưng hình như cậu ta cũng đang mong tôi sẽ giúp. Đó chỉ là một chiếc xe nhỏ, cùng hiệu với chiếc xe của tôi nhưng mới hơn một chút. Chỉ mất vài phút là tôi đã nhận ra nó bị hỏng chỗ nào.
“Là do cuộn dây đấy”, tôi nói với cậu ta.
“Không thể như thế được!”, cậu ấy buột miệng thốt lên. “Cháu vừa gắn cuộn mới mà, mới dùng được một tháng thôi.” Cậu ta còn trẻ, tôi đoán nhiều lắm là hai mươi mốt tuổi. Giọng cậu ta nói nghe như sắp khóc.
“Bác thấy đấy, nhà cháu cách đây xa lắm. Trời lại đang mưa. Cháu phải khởi động được xe. Cháu phải làm cho được!”. Cậu ta gần như nức nở.
Tôi nói: “Thế này nhé, mấy cuộn dây này khá là nhạy. Có lúc nó cũng bền cả mấy năm, nhưng khi chỉ mới vài giờ là hư rồi. Để bác đi lấy con ngựa cho nó kéo xe vào nhà kho. Rồi xem chúng ta có sửa được gì hay không nhé. Ta sẽ thử dùng cuộn dây trong xe của bác. Nếu máy nổ, bác biết ở góc đường có người bán dây đấy”.
Tôi đã đoán đúng. Khi lắp cuộn dây của xe tôi vào thì động cơ lập tức khởi động ngay, tiếng máy nổ giòn đều như một chiếc xe mới vậy. “Không còn vấn đề gì nữa”, tôi cười sảng khoái. “Bây giờ bác cháu ta tới chỗ Bill David ở cuối đường. Ông ấy sẽ bán cho cháu cuộn dây mới, rồi cháu có thể lên đường. Nhưng đợi bác một chút để bác nói với vợ bác biết mình đi đâu đã.”
Tôi thấy cậu thanh niên này hành động thật kỳ lạ khi chúng tôi đến cửa tiệm của David. Cậu ta đỗ xe ở chỗ tối phía sau cửa hàng và không chịu xuống xe. “Người cháu ướt và lạnh lắm”, cậu ấy viện cớ. “Đây là mười đô la. Bác làm ơn vào mua giùm cháu đi.”
Chúng tôi vừa thay xong cuộn dây thì cô con gái bé bỏng của tôi, bé Linda, ra chỗ nhà kho. “Mẹ nói là đã dọn bữa tối xong rồi”, con bé thông báo. Rồi con bé quay sang anh thanh niên lạ mặt và nói: “Mẹ nói anh cũng vào ăn với cả nhà luôn”.
“Ôi, không được đâu!”, anh ta cương quyết từ chối. “Cháu không thể nào ăn cơm nhà bác được. Cháu phải đi ngay. Không, cháu không thể ở lại được.”
“Đừng nói vớ vẩn nữa”, tôi bảo. “Ăn có bữa cơm mất bao nhiêu thời gian mà không thể được? Với lại, xưa nay chưa có ai tới nhà bác vào giờ cơm mà khi ra về lại không ăn cả. Hay là cháu muốn vợ bác nằm lăn xuống sình trước xe cháu để mời hả?”
Vẫn còn phản kháng, nhưng người thanh niên đành chịu để bố con tôi kéo vào nhà. Nhưng tôi cảm thấy cậu ta từ chối ăn cơm dường như vì điều gì khác chứ không đơn thuần chỉ vì phép lịch sự.
Cậu ta lặng lẽ ngồi xuống bàn trong lúc tôi đọc kinh Tạ Ơn. Nhưng suốt bữa ăn, dường như cậu ấy rất sốt ruột. Hầu như cậu ta chẳng chạm đũa vào món gì cả, điều này gần như là một sự xúc phạm đối với vợ tôi vì bà ấy vốn tự hào là một trong những người nấu ăn giỏi nhất trong tiểu bang.
Bữa ăn vừa xong thì cậu thanh niên nhanh chóng đứng bật dậy, nói rằng mình phải lên đường ngay. Cậu đã không để ý đến vợ tôi.
“Cháu nhìn đi, trời vẫn còn mưa xối xả. Quần áo cháu ướt hết cả rồi, và cháu không chịu lạnh nổi đâu. Bác biết cháu cũng đã mệt; cả ngày chắc cháu đã phải đi cả một quãng đường dài. Đêm nay cháu ở lại nhà bác nhé. Mai cháu sẽ lên đường, người khô ráo, ấm áp và lại được nghỉ ngơi đầy đủ nữa.” Vợ tôi nói, và bà ấy liếc nhìn tôi như để tìm sự ủng hộ.
Tôi khẽ gật đầu đồng ý với vợ. Thực ra không phải lúc nào ta cũng nên cho người lạ vào nhà. Đáng tiếc là có rất nhiều người không đáng tin chút nào, nhưng tôi thấy mến chàng thanh niên này. Tôi tin cậu ta là người tốt.
Anh chàng miễn cưỡng đồng ý ở lại qua đêm. Vợ tôi dẫn cậu đến chỗ ngủ rồi treo bộ quần áo của cậu cạnh lò sưởi để hong cho khô. Sáng hôm sau, bà ấy còn ủi lại quần áo cho cậu ta và dọn cho cậu một bữa điểm tâm ngon lành. Cậu ta có vẻ rất thích thú với bữa ăn này. Buổi sáng hôm đó, anh chàng dường như điềm tĩnh hơn, không còn đứng ngồi không yên như tối hôm trước nữa. Trước khi đi, cậu ấy đã hết sức cảm ơn gia đình chúng tôi.
Lạ một điều là tối hôm qua, chàng trai ấy từ thung lũng nhắm hướng về thành phố nhưng khi ra đi, cậu ta lại quay đầu xe về phía bắc hướng tới Roseville, trung tâm của hạt này. Cả nhà chúng tôi rất thắc mắc về chuyện đó, nhưng rồi chúng tôi nghĩ rằng có lẽ cậu ta bối rối nên đi nhầm đường.
Thời gian trôi qua, gia đình tôi không hề biết thêm tin tức gì về chàng thanh niên ấy. Thực sự thì chúng tôi cũng không mong chờ điều gì cả. Năm tháng cứ thế trôi qua. Cuộc khủng hoảng kinh tế vừa kết thúc đã dẫn đến sự bùng nổ của một cuộc chiến tranh. Cuối cùng chiến tranh cũng chấm dứt. Linda trưởng thành và đã có gia đình riêng. Bây giờ mọi thứ ở nông trại đã khác trước rất nhiều, khác với thuở mà gia đình chúng tôi còn phải chật vật vì cuộc sống. Vợ chồng tôi hiện sống khá sung túc và yên ổn giữa thung lũng Greenbriar xinh đẹp.
Chỉ mới hôm kia, tôi nhận được một lá thư gởi từ Chicago. Đó là thư riêng, được viết trên một loại giấy đắt tiền. Tôi tự hỏi: Ai có thể viết thư cho mình từ Chicago vào lúc này nhỉ? Tôi mở bức thư ra đọc:
Bác McDonald kính mến,
Chắc là bác không nhớ cậu thanh niên mình đã giúp cách đây nhiều năm, khi xe cậu ta bị hư dọc đường đâu. Chuyện xảy ra cũng đã lâu rồi, và cháu nghĩ hẳn bác còn giúp nhiều người khác nữa. Nhưng cháu không biết liệu bác có giúp ai như cách bác đã giúp cháu hay không.
Bác biết không, đêm đó cháu đang trên đường chạy trốn. Trong xe cháu có một số tiền rất lớn mà cháu đã đánh cắp của ông chủ mình. Cháu muốn bác biết thêm rằng cha mẹ cháu là người rất ngoan đạo. Nhưng cháu đã quên lời dạy của bố mẹ và giao du với đám bạn xấu. Cháu biết mình đã phạm phải một sai lầm tồi tệ.
Nhưng bác và bác gái lại rất tốt với cháu. Đêm đó ở nhà bác, cháu mới bắt đầu hiểu ra mình đã làm sai điều gì. Và thế là trước khi trời sáng, cháu đã có một quyết định đúng đắn. Ngày hôm sau, cháu đã quay lại. Cháu trở về và thú nhận với ông chủ tất cả. Cháu trả lại toàn bộ số tiền và phó mặc để ông ấy muốn làm gì cháu cũng được.
Lẽ ra ông chủ đã có thể khởi kiện và bỏ tù cháu vài năm. Nhưng ông ấy là người tốt. Ông lại nhận cháu về làm, và cháu không bao giờ lầm lạc nữa. Hiện giờ cháu đã lập gia đình, có một người vợ hiền dịu và hai đứa con xinh xắn. Cháu đã nỗ lực làm việc để có được một vị trí tốt trong công ty của mình. Cháu không giàu có, nhưng cháu sống khá thoải mái.
Cháu có thể đền ơn bác thật hậu hĩnh vì những điều bác đã làm cho cháu vào tối hôm ấy. Nhưng cháu cho rằng đó không phải là điều bác muốn. Vì thế cháu đã thành lập một quỹ từ thiện để giúp những người cũng lầm lỡ như cháu. Bằng cách này, cháu hy vọng mình có thể chuộc lại lỗi lầm ngày xưa.
Cầu Chúa luôn phù hộ cho bác và bác gái, bác ấy đã giúp cháu nhiều hơn bác nghĩ.
Tôi vào nhà và đưa lá thư cho vợ mình. Khi vợ tôi đọc thư, tôi thấy nước mắt bà ấy lưng tròng. Rồi với vẻ mặt hết sức thanh thản, bà ấy để lá thư sang một bên.
Vợ tôi đọc lại một đoạn kinh thánh: “Khi Ta là khách lạ, con đã đón Ta vào nhà; Ta đói khát, con đã cho Ta ăn uống; Ta ở tù, con đã tới thăm Ta”.
- Hartley F Dailey
Lòng tốt, cho dù là nhỏ bé như thế nào đi nữa, cũng không bao giờ là lãng phí.
- Aesop