Joyce, vợ tôi, reo lên thích thú: “Ôi! Mày đang làm gì ở đây vậy?”.
Tôi tìm thấy Joyce đang ngồi trên sàn gỗ sau nhà, thích thú ngắm nhìn một chú chó. Đó là một chú chó giống Corgi xứ Wales lông vàng trắng, chân ngắn, béo tròn có đôi tai vểnh. Nó đang đáp lại Joyce bằng vẻ mừng rỡ.
Ô là la! Tôi thoáng nghĩ.
Hai con chó của chúng tôi đã qua đời vì quá già và sau đó được chôn trên một ngọn đồi nhỏ nhìn xuống hồ. Đến bây giờ, mỗi khi dạo quanh thị trấn, Joyce thường ghé thăm chó của các gia đình khác: chú chó ba-xet lùn Spike, cô nàng Sophia giống chó trắng Bắc Cực hay con Pogo lông đen gì đó... Cô ấy cứ nhắc đi nhắc lại một câu: “Chúng ta tìm một chú chó khác anh nhé!”, nhưng tôi vẫn muốn tận hưởng cuộc sống tự do, được giải phóng khỏi mấy con chó.
Giờ thì chú chó Corgi này lại chạy lon ton trên bậc gỗ sau nhà chúng tôi như thể đây là nhà của nó vậy.
Tôi nhận xét: “Nó béo quá! Hẳn là nó có một mái nhà tuyệt vời lắm và có những người chủ hào phóng”.
Chúng tôi dẫn theo chú chó lần tìm đến nhà người hàng xóm mới cách đó nửa dặm. Họ rất lo lắng khi biết chú chó cưng của mình đi lang thang ngoài đường, luồn lách giữa dòng xe ô-tô. Sau đó chúng tôi biết được rằng chú chó Corgi này tên Nosmo King, được đặt theo bảng hiệu “No smoking” (Cấm hút thuốc).
Những tháng sau đó, khi băng qua đường để kiểm tra hòm thư, thỉnh thoảng tôi lại nhìn lên đồi và bắt gặp bóng một con vật nhỏ in trên nền trời. Một cái đầu giống đầu sói, với đôi tai vểnh lên. Sói Bắc Mỹ? Hay là cáo? Chân nó có vẻ quá ngắn. Nó thường nhìn xuống chân đồi về phía tôi, như thể ngẫm nghĩ xem nên làm gì tiếp theo. Rồi nó quay đi và biến mất khỏi con đường. Mãi về sau tôi mới nhận ra đó là một chú chó Corgi cô độc đang gom hết can đảm để ra đi một lần nữa.
Một buổi sáng, khi những chiếc lá thích đỏ thẫm rơi đầy trên bãi cỏ, Joyce ngước nhìn lên từ bàn làm việc. Qua ô cửa kiếng của văn phòng, vợ tôi thấy Nosmo đang cười với mình.
Ngày hôm ấy đánh dấu một thay đổi lớn. Thời gian sau đó, dù người chủ của Nosmo có cố nhốt nó như thế nào thì mỗi tuần, Nosmo lại chơi trò may rủi với những chiếc ô-tô trên đường vài lần để xuất hiện ở bậc thềm gỗ sau nhà chúng tôi. Nosmo thường nhìn chằm chằm vào phòng làm việc của Joyce qua lớp cửa kiếng, mỉm cười. Khi chúng tôi cho nó vào nhà, Nosmo nằm ngửa bụng lên, vẫy vẫy những cái chân ngắn củn trong không khí, ra vẻ vô cùng vui sướng.
Một trong hai chúng tôi sẽ gọi điện cho chủ của Nosmo, nhưng lần nào chúng tôi cũng chỉ nghe thấy tiếng máy trả lời tự động. Vì họ đi làm nên Nosmo phải ở một mình cả ngày.
Joyce nói: “Nếu chúng ta không làm gì đó, nó sẽ lại tiếp tục chạy rong ngoài đường và sẽ bị giết chết mất!”.
Tôi trả lời: “Chúng ta có thể làm gì được chứ? Nó đâu phải là chó của chúng ta?”.
Cứ mỗi lần Nosmo xuất hiện trước cửa, chúng tôi lại chở nó về nhà. Nó hớn hở nhảy phóc lên xe, chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi. Nhưng chúng tôi chỉ có thể nhốt nó trong con hẻm giữa hai căn nhà của chủ nó, đợi họ đi làm về. Nosmo nhìn theo bóng chiếc xe chúng tôi khuất xa dần qua ô cửa kính đầu con hẻm với vẻ rất buồn. Nó đã chọn chúng tôi, nhưng chúng tôi ngoảnh mặt với nó. Khi chúng tôi lái xe đi, Joyce ngoái lại nhìn, trông cô ấy cũng đau buồn chẳng kém gì Nosmo.
Một ngày nọ Joyce tuyên bố: “Kể từ nay, khi Nosmo trốn thoát và chạy xuống đây, nó sẽ ở đây với chúng ta cho đến khi chủ của nó đi làm về”.
Vậy là, cứ cách vài ngày, Nosmo lại xuất hiện. Chúng tôi cho nó vào trong nhà cho đến tận chiều tối, khi chủ nó đi làm về. Trong những lần đầu mới đến, Nosmo thường nhìn chúng tôi soi mói trước khi bước vào khám phá một căn phòng khác, lạ lẫm với cách bài trí trong nhà. Nhưng giờ nó lại mang dáng vẻ của một viên thái thú đã mua đứt chỗ này... và trả bằng tiền mặt hẳn hoi!
Một buổi chiều nọ, chủ của Nosmo gọi điện cho chúng tôi. Họ phải đi xa trong hai tuần nên đã nhờ chúng tôi: “Anh chị có thể trông nom Nosmo giúp chúng tôi trong thời gian chúng tôi đi vắng được không ạ?”.
Vài đêm sau khi Nosmo bắt đầu ở nhà chúng tôi, tôi bắt gặp Joyce đang lo lắng nhìn chú chó nhỏ nằm ngủ trên tấm thảm.
Joyce hỏi tôi: “Anh nghĩ Nosmo có bình thường không? Nó không chạy theo những chiếc que em ném nữa”.
Quả vậy, Nosmo không còn rượt theo những chiếc que để rồi ngậm chặt chúng trong mồm chạy trở lại, đôi mắt lấp lánh như thách thức ai dám giành lấy phần thưởng của nó. Bây giờ khi Joyce ném chiếc que, Nosmo chỉ nhìn theo một cách khao khát, rồi nó vẫn ngồi yên như phỗng.
Joyce quyết định: “Chúng ta phải đưa nó đến bác sĩ thú y thôi anh à!”.
Sau khi kiểm tra, bác sĩ bảo với chúng tôi rằng tình trạng của Nosmo rất xấu. Nó bị sa ruột kết. Nosmo từng được giải phẫu vì tình trạng này một lần rồi. Giờ nó cần được giải phẫu một lần nữa và không chắc là sẽ qua khỏi, nhưng nếu không được phẫu thuật, Nosmo sẽ chết dần!
Khi chủ của Nosmo trở về, Joyce báo tin cho họ biết. Vài ngày sau, cô ấy gọi cho họ lần nữa để biết họ quyết định như thế nào. Sau khi cúp máy, trông Joyce có vẻ mất bình tĩnh.
Cô ấy kể lại với tôi: “Họ sợ phẫu thuật cũng vô ích, thế nên có lẽ họ sẽ phải cho nó ngủ yên.
Joyce gục xuống bàn ăn, úp mặt vào tay, mắt ngân ngấn lệ. Không được phẫu thuật, hy vọng của Nosmo rất nhỏ nhoi. Thậm chí nếu được phẫu thuật, Nosmo cũng sẽ luôn cần có sự chăm sóc đặc biệt. Nhưng gia đình chủ của Nosmo lại đi làm cả ngày và nó lại một mình...
Tôi hỏi: “Em còn có thể làm được gì nữa nào? Em đã là thần hộ mệnh của Nosmo. Nhưng Joyce này, nó không phải chó của chúng ta!”.
Joyce thoáng nhìn qua ô cửa sổ về phía những cánh đồng cuối hạ, cỏ đã ngả sang màu vàng sậm. Bỗng nhiên Joyce đọc lên một câu thơ của Robert Frost mà cả hai chúng tôi đều rất thích: “Nhà chính là nơi mà khi ta cần đến, ta luôn được chào đón”.
Một lúc sau, Joyce tự thêm vào một câu nữa: “Nó đã chọn chúng ta!”.
Joyce gọi điện cho chủ của Nosmo và đề nghị: “Hãy để chúng tôi chăm sóc cho Nosmo vào ban ngày! Chúng tôi sẽ là người chăm sóc cho nó!”.
Sau ca phẫu thuật thành công, Nosmo trở thành chú chó có hai gia đình. Mỗi buổi sáng, trên đường đi làm, một người bên nhà chủ Nosmo đưa nó đến nhà chúng tôi. Rồi mỗi chiều, trên đường vào thị trấn, chúng tôi lại chở Nosmo về lại cho họ.
Sáng sáng, Joyce lại dẫn Nosmo đi dạo như một liệu pháp chữa bệnh. Tôi thường ngắm họ từ cửa sổ phòng làm việc của mình. Một phụ nữ đầy vẻ lo lắng, một chú chó nhỏ, thơ thẩn đi dạo trên đồng cỏ hay trong rừng thông bên kia thác nước.
Một ngày nọ, Joyce bảo tôi: “Nơi này thật đẹp. Vậy mà em quên khuấy đi mất. Đến bây giờ, khi cùng Nosmo đi dạo, em mới hiểu đúng giá trị và vẻ quyến rũ của khung cảnh sau nhà mình”.
Hai năm trôi qua. Sau đó, chủ của Nosmo thay đổi công việc và chuyển đến một căn hộ trong thành phố, nơi không được phép nuôi chó. Thế là chú chó mà chúng tôi nhận chăm sóc ban ngày đã chính thức trở thành chó của chúng tôi.
Một tháng sau khi Nosmo trở thành chó của chúng tôi, Joyce được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cấp tính, một căn bệnh hiểm nghèo và phải nhập viện gấp. Hàng ngày, tôi đưa Nosmo đến bên cửa sổ phòng Joyce để cô ấy có thể nhìn ra và trông thấy nó mừng rỡ với mình. Cô ấy gọi nó là “Chú chó liệu pháp của ta”. Cuối cùng khi Joyce được xuất viện về nhà, dù vẫn còn yếu nhưng sức khỏe của cô ấy đang hồi phục, Nosmo chạy ra chào đón cô. Nó không có đuôi, nhưng cả người nó lắc lư mừng rỡ.
Joyce phải nhập viện lần thứ hai, rồi lần thứ ba. Mỗi lần cô ấy trở về nhà, Nosmo lại chào đón cô bằng cách nằm ngửa bụng lên trời, vẫy vẫy những cái chân như mái chèo của nó trong không khí và mừng rỡ. Joyce phấn chấn tinh thần hẳn lên. Gần như thậm chí cô cảm nhận được cả hệ miễn dịch đang phục hồi trở lại. Joyce thủ thỉ: “Nosmo à, chính mày đã giúp tao hồi phục đấy!”.
Khi viết những dòng này, tôi đang ngồi nhìn qua ô cửa sổ phòng làm việc. Trên bãi cỏ sau nhà, Joyce ném một chiếc que nhỏ, còn Nosmo sủa vang chạy theo, phóng lên chụp lấy chiếc que. Cứ như nó được tiếp năng lượng bằng thuốc nổ TNT vậy, lúc nào nó cũng sẵn sàng bùng nổ. Joyce thì cười rạng rỡ. Cô ấy cũng tràn đầy sức sống và đầy hứng khởi.
Tôi đứng bên cửa sổ, ngắm nhìn Joyce chơi đùa với chú chó, lòng chợt nghĩ về những vị thần hộ mệnh.
Tôi biết thần hộ mệnh có tồn tại trên đời, vì tôi đã tận mắt thấy một vị. À không, sự thật là, tôi đã thấy tới hai vị thần hộ mệnh!
- Richard Wolkomir