Tôi có một niềm đam mê mãnh liệt là được trở thành phiên dịch viên Ngôn ngữ Ký hiệu của Mỹ từ rất lâu trước khi các đạo luật được ban hành để bảo hộ việc giao tiếp với cộng đồng người khiếm thính. Nói cách khác, tôi thường xung phong làm các công việc phiên dịch. Đôi lúc, tôi làm việc chỉ để nhận được một cái ôm hoặc một bữa ăn tối tại nhà.
Tôi đã phải mất gần mười năm mới có thể nhuần nhuyễn cũng như phát triển các kỹ năng cần có của một phiên dịch viên. Công việc này quả thật là một thử thách cả về tinh thần lẫn thể chất. Nhưng đó lại là một việc rất đáng làm khi những cảm xúc và suy nghĩ của những người có thính giác bình thường được truyền đạt qua bàn tay tôi và thực sự được thấu hiểu qua đôi mắt của những người khiếm thính. Và cũng thật lý thú khi trở thành kênh thông tin giúp cho những người có thính giác bình thường khám phá được sự thông minh, tài năng, tính hài hước và các giá trị khác của những con người thuộc cộng đồng người khiếm thính. Đó thật sự là một công việc mang lại cảm giác hài lòng.
Thế rồi điều đó đã xảy ra.
Buổi sáng hôm ấy bắt đầu như bao buổi sáng thứ Bảy bình thường khác. Chúng tôi lái xe xuống một nhà hàng dưới phố để dùng bữa sáng muộn. Loui - chồng tôi, đang lái xe còn tôi thì ngồi ở ghế sau và ngắm nghía các cửa hàng. Bản nhạc “Ngọn núi tình yêu” được chơi khá to trên radio và tôi đang nhún nhảy theo tiếng nhạc để thể hiện sự vui sướng của mình, vì nội dung bài hát rất giống với mối quan hệ tuyệt vời của vợ chồng chúng tôi.
Thế rồi “Rầm”! Tôi có cảm giác một lực mạnh đẩy đầu tôi ra khỏi thân mình. Trong khoảnh khắc ấy, tôi đã nghĩ có điều gì đó thật khủng khiếp đang xảy đến với chúng tôi. Tôi không biết chắc đó là gì. Tôi cố chống lại lực ấy để bình ổn cái đầu của mình và quay sang nhìn Loui, có thể sẽ là lần sau cùng. Anh ấy cũng làm như thế. Trong lúc xe của chúng tôi vẫn đang lộn vòng trong một chuyển động chậm chạp, chúng tôi không rời khỏi mắt nhau và nói với nhau tất cả – kể cả lời vĩnh biệt – bằng ngôn ngữ không lời.
Sau cùng chiếc xe cũng dừng lại, một đám đông nhìn vào trong cửa kính của xe chúng tôi. Chúng tôi chẳng chú ý tới họ và cứ ôm chặt lấy nhau trong một cái ôm mà tôi định để kéo dài vĩnh viễn. Cuối cùng, khi chúng tôi ra khỏi xe, tôi mới biết được chuyện gì đã xảy ra. Một thanh niên đã vừa lái xe vừa nói chuyện điện thoại và quên mất là mình đang lái xe. Anh ta vượt đèn đỏ và đâm sầm vào chúng tôi.
Ngay lập tức tôi thấy đau ở cổ và lưng, nhưng tôi tin là mình vẫn ổn. Khi không thể điền vào biên bản cảnh sát, tôi chỉ nghĩ đó là hậu quả của cú sốc trong tai nạn vừa qua mà thôi. Thế nhưng, dần dà tôi nhận ra mình gặp khó khăn khi ghi nhớ mọi thứ. Tôi được sắp lịch phiên dịch cho một chương trình rất dễ dàng ở đài truyền hình nhưng tôi phát hiện ra là mình không thể chuyển những suy nghĩ trong đầu thành những ký hiệu ở bàn tay được nữa. Tôi không thể nắm bắt các dấu hiệu.
Bác sĩ nói rằng não của tôi đã bị tụ máu sau vụ tai nạn. Tình trạng này có thể chỉ là tạm thời, nhưng cũng có thể kéo dài. Chỉ thời gian mới có thể trả lời. Thế là tôi ngừng công việc phiên dịch và chờ đợi thời gian cho tôi câu trả lời.
Tôi thuộc loại người mà những gì tôi làm thể hiện con người của tôi. Công việc là lý do để tôi tồn tại. Tôi phải đối mặt với câu hỏi – Nếu bị tước mất những gì mà tôi làm... thì tôi là ai? Đó là một giai đoạn dài tôi nỗ lực để tìm kiếm câu trả lời, tìm kiếm một tín hiệu.
Mỗi ngày, tôi âm thầm cố gắng phiên dịch để xem lời nguyền đã được hóa giải hay chưa. Tôi nghe đài hoặc xem ti vi trong vài phút và cố tìm lại những kỹ năng mà mình đã khổ luyện mới có được – cũng chính là ý nghĩa cho sự tồn tại của tôi. Mỗi lần như thế, tôi lại không thể tìm được những ý nghĩ trong đầu, không thể diễn đạt được bằng dấu hiệu - những dấu hiệu dường như đã mất đi vĩnh viễn đối với tôi.
Tôi cũng phải đấu tranh với cả những việc giản đơn trong cuộc sống. Có khi tôi bắt đầu diễn đạt một ý gì đó nhưng chỉ đến được giữa câu thì quên mất mình định nói gì. Cũng có khi tôi bước vào một căn phòng và rồi chẳng nhớ tại sao mình lại đi vào đó.
Mặc dù đó là khoảng thời gian khó khăn nhất trong đời tôi, nhưng nó lại là một lực đẩy khiến tôi khám phá ra rằng tôi có ý nghĩa nhiều hơn những gì tôi làm được. Tôi bắt đầu đi nhà thờ để được nâng đỡ về mặt tinh thần. Tôi đến một nhà thờ nơi có một người phiên dịch bằng tay. Nơi đó còn có một vài người bạn khiếm thính nên tôi đã tạo được mối quan hệ xã hội bên cạnh sự khích lệ tinh thần.
Một ngày Chủ nhật nọ, có khoảng tám người khiếm thính đến tham dự buổi lễ. Buổi lễ được bắt đầu với một bài hát nhẹ nhàng. Thế nhưng chiếc ghế trên sân khấu nơi người phiên dịch vẫn thường ngồi thì lại bỏ trống. Đôi chân tôi cứ thôi thúc tôi chạy lên và ngồi vào chỗ ấy, còn tim tôi thì lại tranh đấu với “bộ não bị tụ máu” của mình. Mình có thể làm được điều đó hay không? Khi nhìn thấy vẻ thất vọng của những người bạn khiếm thính, tôi biết mình phải cố gắng. Tôi bước chân lên các bậc thang dẫn đến sân khấu theo từng nhịp, không phải nhịp điệu của bài hát, mà là nhịp đập dồn dập của trái tim tôi.
Trên sân khấu, tiếng nhạc ùa vào tai tôi. Những ngôn từ ập vào tôi như thách thức. Tôi nhìn vào đám đông và cảm nhận một cảm giác trống rỗng đáng sợ mà giờ đây đã trở nên quen thuộc. Tôi bắt đầu hoảng sợ. Nhưng khi nhìn vào đôi mắt hồ hởi của những người khiếm thính, tôi bắt đầu nâng hai cánh tay của mình lên; và trước sự sửng sốt của tôi, hai bàn tay tôi bắt đầu vung vẫy. Cứ như thể chúng có sự sống hoặc là tiếng nói riêng của chúng vậy.
Khi bài giảng đạo bắt đầu, những ngôn từ và ý nghĩa đẹp đẽ của chúng đã đến với tôi và đi qua tâm hồn tôi. Được diễn đạt rành mạch bằng ngôn ngữ của đôi tay tôi, chúng nhẹ nhàng đi vào tim, vào tâm hồn của những người bạn khiếm thính thông qua ánh mắt mong chờ của họ. Vậy là trong khi giúp đỡ những người khác, tôi đã tìm thấy và giành lại được chính mình.
Sau buổi lễ, một người đàn ông có thân hình vạm vỡ tiến về phía tôi. Ông ta ngượng ngùng nói: “Tôi không phải là người sùng đạo thái quá. Nhưng tôi phải nói với cô rằng... tôi đã thấy điều gì đó bao quanh cô khi cô đang diễn đạt bằng ký hiệu. Những người khác cũng thấy thế. Chúng tôi không biết đó là gì, nhưng nó là thứ gì đó để chúng ta chiêm ngưỡng”.
Tôi không biết có phải phép lạ đã xảy ra vào ngày hôm ấy hay không. Tôi chỉ biết qua việc dang tay giúp đỡ những người xung quanh, chúng ta thường tìm thấy con đường để tự chữa lành cho bản thân mình.
Jenna Cassell