L
eathy là một bà cụ sống trong xóm của chúng tôi. Bà sống trong một ngôi nhà nhỏ và khiêm tốn. Bà nổi tiếng là một người sống khép kín và bẳn tính vì bà hiếm khi nào ra khỏi nhà. Khi chúng tôi chuyển tới vùng này, mọi người đều nói chúng tôi nên tránh xa Leathy vì bà là một mụ phù thủy. Họ nói bà bước đi chậm rãi và luôn mang theo một cây chổi. Bọn trẻ con thậm chí còn không được phép chơi trò quà-hay-quậy trong dịp lễ Halloween nữa.
Khoảng một năm sau khi chúng tôi chuyển về vùng này sống, một đôi vợ chồng trẻ mới cưới cũng chuyển đến một ngôi nhà trên cùng con đường với chúng tôi. Họ chuyển đến cạnh nhà của “bà già bần tiện” - chúng tôi gọi bà như vậy - và chúng tôi cảm thấy mình nên cảnh báo với họ. Nhưng lúc chúng tôi đến thăm đôi vợ chồng trẻ thì đã quá trễ để nói rõ hơn về bà hàng xóm kỳ quặc ấy rồi. Họ đã ghé thăm bà Leathy với một rổ trái cây, một ít bánh mì nóng bằng tất cả tình cảm của họ.
Suốt vài tháng sau đó, tuần nào người ta cũng thấy đôi vợ chồng mới cưới ra vào nhà bà Leathy. Một buổi tối nọ, tôi và vợ đang dùng bữa trong một nhà hàng ấm cúng cùng với bọn trẻ thì có hai người phụ nữ bước vào. Một người chính là cô vợ trẻ, người còn lại được cô giới thiệu là bà Leathy. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên vì Leathy không phải là một bà cụ hom hem, luộm thuộm, xấu xí như chúng tôi đã tin vào lời mọi người khi chúng tôi mới chuyển đến vùng này. Thay vào đó, bà là một phụ nữ có phẩm cách cao quý, thanh lịch cùng với đôi mắt sáng và nụ cười rạng rỡ, ấm áp. Bà bước đi hơi khập khiễng và không mang theo chổi mà là một cây gậy để đỡ bước cho bà. Bà kể lại rằng người chồng thương yêu và hai đứa con của bà đã qua đời trong một tai nạn xe hơi 15 năm trước. Sau đó bà không tái giá, và hôm nay là ngày giỗ của họ. Bà rơm rớm khóc khi ôm bọn trẻ con tôi và cảm ơn cô gái đã sắp xếp thời gian trong lịch làm việc bận rộn của mình để dành cho bà buổi chiều. Bà nói: “Thật đau đớn! Đôi lúc tôi cảm thấy rất cô đơn. Những đứa trẻ xinh xắn này làm tôi nhớ tới ngày xưa tươi đẹp”.
Lúc rời nhà hàng, chúng tôi hứa là cả gia đình sẽ đến thăm bà Leathy trong những ngày tới. Lịch làm việc bận rộn của chúng tôi đã biến vài ngày thành vài tuần, và một tháng sau, cuối cùng chúng tôi cũng cùng nhau thực hiện được lời hứa. Cả gia đình chúng tôi đi bộ qua hai dãy nhà để đến nhà bà Leathy. Khi chúng tôi đến trước cửa, một chiếc xe tang lớn, màu đen vừa đi khỏi. Bà Leathy bị đau tim và đã qua đời sáng sớm hôm đó. Chúng tôi đã chờ đợi quá lâu để thể hiện sự tốt bụng, biết quan tâm và chu đáo của mình. Đã quá trễ để gặp “cỗ máy thời gian biết đi” này – người đã chứng kiến tất cả những phát minh to lớn, trải qua cuộc Đại Khủng hoảng và sống sót trong các trại tập trung dưới thời Diệt chủng của Đức quốc xã.
Hai tuần sau tang lễ giản dị, lặng lẽ chỉ có vài người tham dự ấy, di chúc của bà Leathy được công bố. Nói về đôi vợ chồng trẻ mới cưới đã làm bạn với bà và đã làm cho sân nhà bà tươi tắn hơn, Leathy viết: “Vì cô cậu đã làm cho tôi lại cảm thấy mình thật đặc biệt, tốt đẹp và vẫn có ích nên tôi để lại cho cô cậu một triệu đô-la, căn nhà và tài sản của mình. Cô cậu phải cam kết sẽ mở rộng, nâng cấp và tu sửa ngôi nhà nhỏ này, biến số tài sản này thành một công trình tuyệt tác. Tôi để lại cho cô cậu thêm một triệu đô-la nữa để chăm lo cho cuộc sống gia đình mình, nhờ đó, cô cậu không phải đi làm ở bên ngoài nữa mà có thể giúp một bà cụ khác cảm thấy tươi trẻ và quan trọng như cô cậu đã đối với tôi”. Di chúc còn để lại cho một bà mẹ trẻ đơn thân - vốn là nhân viên phục vụ quen thuộc của bà Leathy trong một nhà hàng bà hay lui tới, 125.000 đô-la. Kể từ lúc đôi vợ chồng trẻ chuyển đến, bà Leathy và vợ chồng hàng xóm thường dùng bữa ở đó ba lần một tuần. Trong khi nói chuyện, bà biết được cô nhân viên phục vụ mới có con và đang làm hai công việc để có thể quay lại trường học và kiếm một công việc mà cô hằng mơ ước chứ không chấp nhận cuộc sống như vậy. Số tiền bà Leathy để lại cho cô được dành riêng cho việc học của cô. Một điều mà hầu hết mọi người đều không biết là bà Leathy nằm trong ban giám đốc của ba tổ chức quốc tế và của một bệnh viện nhi. Bà để số tài sản còn lại của mình cho các tổ chức ấy.
Luật sư đọc di chúc của bà, rồi kết thúc: “Chồng bà Leathy là một nhà phát minh đã kiếm được hàng triệu đô-la. Ông đã hình thành những ý tưởng về việc tái sử dụng giấy, nhôm và chất dẻo. Ông đặt nền tảng cho công thức hoạt động của mình dựa vào hai yếu tố: phương châm sống của bà Leathy và ý nghĩa của tên bà. Phương châm của bà là “Gieo nhân nào gặt quả nấy”. Còn cái tên Leathy của bà có nghĩa “Luôn luôn ghi nhớ, không bao giờ quên”.
Lúc sinh thời và cả đến khi qua đời, bà Leathy đã tạo nên sự khác biệt. Chúng tôi sẽ luôn nhớ tới bà và không bao giờ quên cuộc sống đầy yêu thương cũng như sự dìu dắt của bà. Khi bạn trải lòng đối xử với mọi người một cách vô điều kiện, không vụ lợi, bạn sẽ không bao giờ biết được bạn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của ai đâu!
- Dan Clark