Đ
ó là một ngày mùa đông u ám rét mướt năm 1942. Nhưng ở trong trại tập trung của Đức Quốc xã thì ngày nào cũng như ngày nào. Tôi đứng run lẩy bẩy trong bộ quần áo mỏng rách bươm, vẫn không thể nào tin nổi cơn ác mộng ấy lại đang xảy ra. Tôi chỉ là một cậu bé. Lẽ ra tôi đang chơi đùa cùng các bạn, lẽ ra tôi đang đi học, lẽ ra tôi đang hướng đến tương lai, sẽ lớn khôn rồi lập gia đình và có một mái ấm của riêng mình. Nhưng những mơ ước ấy chỉ dành cho những người đang sống, còn tôi đã không còn là người đang sống nữa rồi. Trái lại, kể từ khi tôi bị đưa ra khỏi nhà và mang đến đây cùng với hàng chục ngàn người Do Thái khác, tôi gần như đã chết, chỉ đang sống sót từng ngày, từng giờ. Liệu ngày mai tôi có còn sống hay không? Tôi có bị đưa đến phòng hơi ngạt vào đêm nay không?
Tôi đi tới đi lui ngay kế bên hàng rào kẽm gai, cố giữ cho thân thể hốc hác của mình được ấm. Tôi đói. Tôi luôn luôn đói. Những thứ ăn được có vẻ như chỉ có trong mơ. Mỗi ngày, khi càng có nhiều người trong chúng tôi biến mất thì quá khứ hạnh phúc dường như cũng chỉ là một giấc mơ, và tôi ngày càng lún sâu vào nỗi tuyệt vọng.
Bất chợt, tôi thấy một cô bé đi ngang qua ở phía bên kia hàng rào kẽm gai. Cô ấy dừng lại và nhìn tôi với đôi mắt đượm buồn, đôi mắt như muốn nói rằng cô hiểu tôi, và rằng cô cũng chẳng thể lý giải nổi tại sao tôi lại ở đây. Tôi muốn quay đi chỗ khác, cảm thấy xấu hổ đến lạ kỳ khi cô gái xa lạ này nhìn tôi như thế, nhưng tôi lại không thể rời mắt khỏi cô.
Rồi cô ấy cho tay vào túi và lấy ra một trái táo đỏ. Một quả táo đỏ, căng mọng. Ôi, đã bao lâu rồi tôi không trông thấy một quả táo như thế?
Cô thận trọng nhìn bên trái rồi bên phải, sau đó với nụ cười hoan hỉ, cô nhanh chóng ném trái táo qua hàng rào kẽm gai. Tôi chạy tới nhặt trái táo lên, giữ chặt lấy nó trong những ngón tay tê cóng và run rẩy của mình. Trong thế giới chết chóc của tôi, quả táo này tượng trưng cho cuộc sống, cho tình yêu. Tôi liếc nhìn lên, vừa kịp trông thấy cô gái mất hút phía đằng xa.
Ngày hôm sau, tôi không thể kìm mình lại được – cũng vào giờ ấy, trong tôi có một sự thôi thúc phải đi đến chỗ hàng rào. Tôi điên hay sao mà lại mong cô ấy sẽ quay lại nhỉ? Phải rồi. Nhưng ở trong này thì tôi bám vào bất kỳ niềm hy vọng nào dù là mong manh nhất. Cô đã cho tôi hy vọng và tôi phải bám chặt lấy niềm hy vọng ấy.
Và rồi cô lại đến. Cô lại mang cho tôi một quả táo và cũng ném nó qua hàng rào với nụ cười xinh xắn ấy.
Lần này tôi bắt lấy quả táo và giơ lên cao để cô nhìn thấy. Đôi mắt cô long lanh. Phải chăng cô thương hại tôi? Có thể lắm. Nhưng tôi không quan tâm. Tôi chỉ sung sướng nhìn đăm đăm vào cô. Và đã từ lâu lắm rồi, lần đầu tiên trái tim tôi lại rộn lên với nhiều xúc cảm.
Chúng tôi gặp nhau như thế trong bảy tháng trời. Đôi khi chúng tôi nói với nhau vài lời. Đôi khi, cô đến chỉ để đưa táo cho tôi. Nhưng cô bé thiên thần này không chỉ làm cho tôi no bụng. Cô đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Và chẳng biết vì cớ gì, tôi biết rằng tôi cũng đang nuôi dưỡng tâm hồn cô.
Một ngày nọ, tôi nghe được một tin kinh hoàng: chúng tôi sẽ bị chuyển tới một trại khác. Điều này có thể là dấu chấm hết cho tôi. Và đây rõ ràng là dấu chấm hết cho tôi và bạn tôi.
Ngày hôm sau, khi gặp cô, trái tim tôi tan nát, và tôi chỉ kịp nói những điều cần phải nói. Tôi bảo cô: “Ngày mai đừng mang táo đến cho mình nữa. Mình sắp bị đưa đến một trại khác. Chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại nhau được nữa”. Tôi vội quay đi trước khi mất tự chủ và chạy xa khỏi hàng rào. Tôi không thể nào quay lại nhìn. Nếu tôi quay lại, chắc chắn cô sẽ nhìn thấy tôi với những giọt nước mắt lưng tròng.
Nhiều tháng trôi qua và cơn ác mộng vẫn cứ tiếp diễn. Nhưng ký ức về cô bạn gái đã giúp tôi vượt qua nỗi kinh hoàng, sự đau đớn cùng nỗi tuyệt vọng. Trong tâm trí, tôi cứ liên tục nhìn thấy khuôn mặt cô, ánh mắt hiền từ của cô, tôi nghe thấy những lời nói dịu dàng của cô, và tôi cảm nhận lại hương vị của những quả táo đó.
Và đến một ngày kia, cơn ác mộng đột nhiên chấm dứt. Chiến tranh kết thúc. Chúng tôi, những kẻ sống sót, được trả tự do. Tôi đã mất tất cả những gì quý giá, trong đó có gia đình mình. Nhưng tôi vẫn còn những kỷ niệm về cô gái, kỷ niệm mà tôi cất giữ trong tim và chính những ký ức đó đã mang lại cho tôi nghị lực sống khi tôi di cư sang Mỹ để bắt đầu một cuộc sống mới.
Thời gian trôi qua. Vào năm 1957, lúc đó tôi đang sống ở thành phố New York, một người bạn thuyết phục tôi đi gặp gỡ một cô gái là bạn của anh ta. Tôi miễn cưỡng nhận lời. Cô gái ấy thật dễ thương, cô tên là Roma. Và cũng như tôi, cô là dân nhập cư. Ít ra thì chúng tôi cũng có điểm chung.
“Trong thời kỳ nổ ra chiến tranh, anh đã ở đâu?” - Roma nhẹ nhàng hỏi tôi, bằng cách nói thật tế nhị mà những người nhập cư thường dùng để hỏi nhau về những năm tháng đó.
Tôi đáp: “Anh sống trong một trại tập trung ở Đức”.
Trong mắt Roma hiện lên một cái nhìn xa xăm, như thể cô đang nhớ về một điều gì vừa đau đớn vừa ngọt ngào.
“Gì thế em?” – Tôi hỏi.
“Em đang nghĩ về một việc xảy ra trong quá khứ, Herman à.” – Roma giải thích, giọng nhỏ hẳn đi – “Anh biết không, khi em còn nhỏ, em sống gần một trại tập trung. Có một cậu bé là tù nhân bị nhốt ở đấy; và trong một khoảng thời gian dài, em đã đến thăm cậu ấy hàng ngày. Em còn nhớ em đã mang táo đến cho cậu ấy. Em ném táo qua hàng rào, và cậu ấy rất vui.”
Roma thở dài và nói tiếp: “Thật khó diễn tả những cảm xúc chúng em đã dành cho nhau – dù sao đi nữa, lúc ấy chúng em cũng còn quá nhỏ, và chúng em chỉ nói với nhau vài ba tiếng khi có thể – nhưng em có thể khẳng định với anh là chúng em đã rất yêu thương nhau. Em nghĩ cậu ấy đã bị giết như nhiều người khác. Nhưng em không chịu nổi ý nghĩ ấy, và em cố nhớ về cậu ấy như trong những tháng ngày mà chúng em đã gặp nhau”.
Tim tôi đập mạnh tưởng sắp vỡ đến nơi. Tôi nhìn thẳng vào Roma và hỏi: “Và có phải một ngày kia cậu bé đã nói với em: ‘Ngày mai đừng mang táo đến cho mình nữa. Mình sắp bị đưa đến một trại khác’, đúng không nào?”.
“Ơ, đúng thế.” – Roma đáp, giọng run run – “Nhưng Herman, làm thế nào mà anh biết được?”
Tôi nắm lấy tay nàng và nói: “Bởi vì anh chính là cậu bé đó, Roma à”.
Chúng tôi im lặng một lúc lâu, chẳng thể nào rời mắt khỏi nhau. Và khi bức màn thời gian được vén lên, chúng tôi nhận ra nhau, nhận ra người mà chúng tôi đã hết mực yêu thương và luôn yêu thương, luôn luôn nhung nhớ.
Sau cùng, tôi nói: “Roma, anh đã phải lìa xa em một lần rồi, và anh không bao giờ muốn xa em nữa. Giờ thì anh tự do, và anh muốn ở bên cạnh em mãi mãi. Em có đồng ý lấy anh không?”.
Tôi lại nhìn thấy ánh mắt long lanh của Roma khi nàng nói: “Vâng, em đồng ý”. Rồi chúng tôi ôm lấy nhau, cái ôm mà chúng tôi khao khát chia sẻ trong nhiều tháng trời, nhưng lúc ấy hàng rào kẽm gai đã ngăn cách chúng tôi. Giờ đây, không còn gì có thể chia cách hai chúng tôi được nữa.
Đã gần bốn mươi năm trôi qua kể từ ngày tôi tìm lại được Roma. Định mệnh đã mang chúng tôi đến bên nhau một lần trong cuộc chiến tranh, để cho tôi một lời hứa hẹn về niềm hy vọng. Và rồi định mệnh đã tái hợp chúng tôi để lời hứa đó được vẹn tròn.
Ngày lễ Tình nhân năm 1996, tôi đưa Roma đến với Chương trình của Oprah Winfrey để ngợi ca nàng trên kênh truyền hình quốc gia. Trước hàng triệu khán giả, tôi muốn nói với nàng điều mà hàng ngày tôi cảm thấy trong trái tim mình:
“Em yêu, em đã mang thức ăn cho anh khi anh bị đói trong trại tập trung. Bây giờ anh vẫn đang khao khát, một thứ mà không bao giờ anh cho là đủ: anh khao khát tình em”.
- Tiến sĩ Barbara De Angelis ghi theo lời kể của Herman và Roma Rosenblat