Không có niềm hy vọng nào thiêng liêng hơn những gì thế giới đặt vào trẻ em. Không có nhiệm vụ nào quan trọng hơn sự bảo đảm cho quyền lợi của các em được tôn trọng, cho phúc lợi dành cho các em được bảo vệ, cho cuộc sống của các em không còn nỗi sợ hãi và thèm khát, và cho các em lớn lên trong hòa bình.
- Kofi Annan
Liệu bạn có thể hình dung ra cảnh một cậu bé lần đầu tiên trong đời được đến trường và rất lo sợ rằng mình sẽ không nói được?
Bạn có thể hình dung ra cảm giác thất vọng của các giáo viên mầm non khi họ chỉ biết rằng đứa trẻ xuất thân từ một gia đình tàn bạo mà không biết liệu nó có thể nói được hay không? Và tình hình còn tồi tệ hơn khi mẹ đứa trẻ từ chối đến trường để trao đổi những vấn đề liên quan đến con trai của mình.
Nhiều năm trước, với cương vị là một giáo viên danh dự, tôi có được một đặc quyền là chỉ dạy những lớp có không quá sáu học sinh. Đó là những đứa trẻ có vấn đề về cảm xúc hoặc giao tiếp xã hội, nên việc giúp chúng hòa nhập vào những lớp học bình thường là không thể. Tất cả chúng đều cầu xin sự giúp đỡ bằng nhiều cách khác nhau, nhưng năm đó, thử thách lớn nhất của tôi là một cậu bé cầu cứu trong im lặng. Từ ngày bước vào lớp cho đến tận tháng thứ ba của năm học, cậu không hề hé răng nửa lời. Vấn đề càng nghiêm trọng hơn khi nhà trường hoàn toàn không có thông tin gì khác ngoài chuyện cậu bé sống với mẹ và đã nhiều lần được đưa khỏi nhà vì nghi ngờ bị bạo hành. Như tôi đã nói, chuyện này đã xảy ra từ nhiều năm trước, lúc ấy việc đưa một đứa trẻ ra khỏi một gia đình có hoàn cảnh không tốt là rất khó khăn – thực tế là gần như không thể được trừ khi có dấu hiệu cho thấy mạng sống của đứa trẻ đang bị đe dọa.
Hôm James được đưa vào lớp mẫu giáo do tôi đảm nhiệm, người phụ trách hoạt động xã hội của trường hỏi tôi có thể tìm hiểu xem liệu cậu bé có thể nói được hay không. Cho đến lúc ấy, chưa ai từng nghe cậu bé nói một lời nào
hay thậm chí là tạo nên một âm thanh nào. Trái tim tôi lập tức chào đón tâm hồn bé bỏng dường như đã lạc lối ấy và tôi hứa sẽ xem mình có thể làm được gì. Điều duy nhất tôi biết là cuộc sống gia đình cậu bé đã gây tổn hại cho cậu, do đó chiến thuật của tôi là tạo ra một nơi an toàn, thoải mái, yên bình và đầy yêu thương dành cho James – một nơi không đòi hỏi gì ở cậu bé. Rồi tôi quyết định để cậu bé tự từng bước khám phá ra rằng đó là một nơi ẩn náu an toàn.
Tất cả những học trò khác của tôi trút đi khó khăn và những cơn tức giận hằng ngày bằng cách thể hiện ra. Tôi dành rất nhiều thời gian cố giúp chúng tìm được một phương pháp tốt hơn để giao tiếp với người khác – và với tôi. Còn James thì hoàn toàn trái ngược. Vì sợ hãi nên cậu bé thường trốn dưới chiếc bàn nhỏ có ba mặt được bao bọc bằng giấy nâu. Thỉnh thoảng, cậu lại đánh bạo chui ra để nhìn mọi thứ đang diễn ra trong phòng... nhưng luôn tránh mặt tôi. Suốt vài tháng sau, hằng ngày tôi vẫn kiên trì chào cậu bé một cách thân thiện, tôi còn để cậu tự do lựa chọn làm hay không làm gì theo ý mình. Đến cuối tháng thứ ba, tôi bắt đầu nghi ngờ chiến thuật của mình, khi yêu thương và thừa nhận cậu bé, đồng thời tạo ra một nơi an toàn cho cậu mà không đòi hỏi gì. Liệu cuối cùng nó có mang lại kết quả gì không? Nhưng mặc những khoảnh khắc băn khoăn đó, tôi vẫn giữ trong tâm trí mình hình ảnh cậu bé đến bên tôi để được ôm ấp và dĩ nhiên, sẽ cất lên tiếng nói đầu tiên.
Rồi một ngày, trong khi tôi lặng lẽ làm những công việc của mình, James đánh bạo chui ra khỏi nơi trú ẩn an toàn của mình và nằm trên một tấm thảm nhỏ. Cậu bé co người lại và bắt đầu mút ngón tay. Tôi chậm rãi tiến đến nơi cậu bé đang nằm. Bắt chước dáng điệu của cậu, tôi nằm xuống tấm thảm bên cạnh cậu bé và chậm rãi đút ngón tay vào trong miệng. Khi cậu bé nhìn qua và trông thấy những việc tôi làm, cậu ngồi bật dậy, đấm thẳng vào mặt tôi với nắm đấm nhỏ xíu thật chặt và thét lên: “Bỏ ngón tay chết tiệt đó ra khỏi miệng ngay!”.
Khi tôi hoàn hồn lại sau cú đấm bất ngờ ấy, đột nhiên tôi bàng hoàng nhận ra chiếc lồng cảm xúc mà cậu bé đang phải sống trong đó. Hẳn là cậu bé phải ngày ngày sống trong sợ hãi với mối đe dọa bạo lực lúc nào cũng lởn vởn trên đầu. Rồi khi cậu bé bị bắt gặp đang mút ngón tay, cậu bị chửi mắng và đánh đập – giống như cậu đã chửi và đánh tôi. Tôi ngồi dậy và cậu bé chạy trốn trở lại dưới gầm bàn. Nhưng tôi biết cuối cùng mình đã tạo được bước đột phá. Nước mắt tôi chảy dài.
Nhiều tuần lễ trôi qua, James bắt đầu nói lắp bắp dưới gầm bàn, nhiều lần lò dò ra ngoài chỉ để chạy vụt trở lại nơi an toàn nếu có ai đó tiến về phía cậu. Tuy vậy, tôi vẫn không bao giờ từ bỏ hình ảnh James đến bên tôi để được ôm ấp. Nhiều tuần lễ nữa lại trôi qua, cho đến một ngày, tôi nhìn thấy James bò ra khỏi nơi ẩn náu và chậm rãi tiến lại phía tôi. Tôi tiếp tục công việc của mình nhưng vẫn liếc mắt quan sát cậu bé, tránh không nhìn thẳng vào cậu khiến cậu sợ hãi bỏ đi.
James tiến lại càng lúc càng gần hơn cho đến khi cậu đến sát bên tôi. Tôi quay lại thật chậm nhìn cậu và lần đầu tiên, nỗi sợ hãi không hiện lên trong đôi mắt cậu nữa. Vừa nhìn thẳng vào tôi, cậu bé vừa chỉ về nơi trú ẩn dưới gầm bàn và nói: “Con không cần phải trốn dưới đó nữa”.
Sau lần đó, James ra ngoài thường xuyên hơn. Lúc đầu chỉ vào những lúc còn riêng chúng tôi trong lớp, nhưng dần dần cậu mò ra ngay cả khi chúng tôi có khách ghé qua. Vào cuối năm học, khi James đã thực sự tin rằng lớp học đúng là một nơi an toàn, cậu tiếp tục có những tiến bộ chậm rãi nhưng vững chắc.
Vào ngày cuối cùng đến trường, James hoàn toàn không giống hình ảnh tưởng tượng của tôi về một cậu bé đến cho tôi ôm vào lòng. Cuối ngày hôm đó, khi tôi đang ngồi trầm tư về chuyện đó và quan sát bọn trẻ, tôi nhận thấy James bắt đầu từ từ tiến lại phía tôi. Tim tôi đập nhanh dần khi cậu bé đến gần và dang đôi tay ra để tôi bế cậu lên và đặt vào lòng. Cậu bé rúc vào vai tôi, ngước lên nhìn tôi với đôi mắt lấp lánh ngây thơ của trẻ con và cất tiếng thật rõ ràng: “Cô biết không, cô thật là đặc biệt. Con cũng rất đặc biệt”.
Tôi khóc, và con tim tôi rộn lên niềm hạnh phúc thuần khiết khi cuối cùng nó cũng kết nối được với James.
Vào chính ngày cuối cùng tôi gặp được James, cậu bé đã đến bên tôi và mang đến phép màu mà tôi hằng mong đợi.
- Lynea Corson-Hadley