Đừng lo lắng trẻ con không nghe lời bạn. Hãy lo rằng chúng sẽ theo dõi mọi việc bạn làm.
- Weatherly
Katie đang gặp rắc rối, tôi muốn nói là rắc rối TO. Đó là một đứa trẻ ngoan ngoãn và sống tình cảm khiến tôi không thể tưởng tượng được cô bé đã làm gì khiến cho mẹ bé tức giận đến như vậy. Bất kỳ một giáo viên lớp ba nào cũng luôn mơ ước đến một lớp học toàn những học sinh ngoan ngoãn như Katie. Cô bé rất chăm chỉ, ham học hỏi, có cha mẹ biết quan tâm đến con và năng động, rất chu đáo và liều lĩnh. Cô bé chưa bao giờ, không bao giờ gặp vấn đề kỷ luật.
Thế nên một buổi chiều nọ khi nhận được một cú điện thoại, tôi hết sức ngạc nhiên. Mẹ Katie không phải là dạng người phản ứng thái quá trước mọi tình huống và bà nói rằng bà cần tôi giúp đỡ. Có vẻ như Katie đã thiếu nợ bếp ăn một khoản đáng kể. Cha mẹ cô bé cho biết cô bé không được phép mua quà vặt ở trường. Ngày nào cô bé cũng mang theo một bữa trưa thịnh soạn ở nhà chuẩn bị sẵn và không có lý do gì để cô bé phải mua thêm thứ khác. Họ nghĩ rằng bình tĩnh trao đổi với Katie sẽ giải quyết được vấn đề. Trước đây luôn là vậy. Nhưng vào tháng sau, khi cha mẹ cô bé lại nhận được một hóa đơn khác từ căn tin trường học thì họ rất lo lắng. Cách cố ý hành xử không đúng như thế hoàn toàn không giống Katie và chắc chắn việc làm ngơ cha mẹ không phải là tính cách của cô bé.
Đến mức này cha mẹ cô bé đành phải nhờ tôi giúp đỡ để tìm ra căn nguyên của vấn đề. Tôi trả lời họ rằng tôi sẽ cố tìm hiểu xem chuyện gì đang diễn ra và sẽ liên lạc lại với họ vào cuối tuần. Khi tôi đến căn tin trường để tìm hiểu về số tiền Katie thiếu nợ, bà chủ cho tôi biết ngày nào Katie cũng mua thiếu phần cơm trưa và mang ra bàn ngồi ăn. Điều này chẳng hợp lý chút nào. Tôi đã từng thấy những phần cơm trưa Katie mang theo và thầm nghĩ mình sẽ không phiền nếu mẹ cô bé thỉnh thoảng cũng gói cho tôi một phần cơm trưa như thế. Katie không thể thích phần cơm trưa bán ở trường hơn được. Này, tôi không chê những phần cơm trưa ở trường đâu nhé, nhưng đó là sự thật!
Giờ giải lao ngày hôm sau, tôi yêu cầu Katie ở lại, hy vọng sẽ khám phá ra bí mật của câu chuyện. Tôi đã có một vài giả thuyết về những gì đang diễn ra, nhưng tôi muốn để cô bé tự kể với tôi mọi chuyện.
Con bé câm như hến.
Không hề hé răng một lời.
Tôi không thể tin được điều đó!
Không thể nào Katie lại làm ngơ trước thái độ nghiêm khắc tôi đối với con bé... nhưng con bé đã làm ngơ. Tôi tỏ ra là “một giáo viên đang thất vọng”, nhưng cũng không tác động gì được đến con bé.
Tôi hỏi: “Tại sao em lại phải mua cơm trưa, Katie?”.
Con bé trả lời: “Bởi vì em phải ăn trưa”.
Tôi phản bác, tin chắc sẽ khiến cô bé bối rối: “Vậy phần cơm trưa mà sáng nào mẹ em cũng làm cho em đâu?”.
Con bé trả lời một cách thành thật: “Em làm mất rồi”.
Tôi hoài nghi hỏi lại: “Em làm mất?”.
“Dạ, em làm mất.”
Tôi lại hỏi: “Ngày nào cũng vậy?”.
“Dạ, ngày nào cũng vậy.”
Tôi ngả người ra sau ghế, nghiêm khắc nhìn thẳng vào cô bé và lên tiếng: “Thầy không tin những gì em nói, Katie ạ”.
Con bé chẳng quan tâm...
Cuối cùng, tuy tôi rất buồn vì bị làm ngơ, nhưng trong chuyện này có điều gì đó, một điều gì đó không hợp lý.
Thế nên tôi theo đuổi một chiến thuật mới.
Tôi hỏi bằng một giọng điệu cảm thông và quan tâm nhất: “Katie, có phải ai đó đánh cắp bữa trưa của em không? Có phải sự việc đang diễn ra như thế không?”.
“Không.” - Con bé trả lời với hai môi mím chặt.
“Katie, nếu có bạn nào bắt nạt em và đánh cắp bữa trưa của em, thầy có thể giúp em.” Tôi thật sự nghĩ rằng mình đã đi đúng đường với giả thuyết này.
“Không có ai đánh cắp bữa trưa của em. Chỉ là em làm mất thôi.”
Vậy là con bé đã thắng tôi. Tôi không thể làm gì khác.
Quy định của nhà trường đặt ra là những học sinh không có bữa trưa phải được phát một phần ăn trưa. Gia đình sẽ được gửi hóa đơn tiền cơm trưa nếu họ không thuộc diện được miễn giảm tiền cơm trưa. Gia đình Katie không thể nào thuộc dạng được miễn giảm nên họ sẽ phải trả tiền chừng nào Katie còn muốn dùng bữa trưa.
Tối thứ Sáu, tôi gọi điện cho cha mẹ cô bé. Chúng tôi trao đổi về toàn bộ vấn đề, bác bỏ từng giả thuyết một, nhưng cũng không tìm ra điều gì cả.
Đến tuần sau, vấn đề vẫn chưa được giải quyết cho đến khi tôi chú ý đến một cậu bé mới chuyển trường đang ngồi một mình ở bàn ăn. Những đứa trẻ khác không nhanh chóng thân thiện với cậu bé cho lắm và trông cậu lúc nào cũng buồn buồn. Tôi nghĩ mình nên đến ngồi với cậu bé vài phút. Khi tôi tiến về phía cậu, tôi nhận ra túi đồ ăn trưa đặt trên bàn trước mặt cậu. Trên chiếc túi có ghi tên “Katie”.
Cậu bé đang nhai chóp chép một chiếc bánh sandwich vừa to vừa thơm ngon đã được làm sẵn ở nhà.
Giờ thì tôi đã hiểu.
Chiều hôm ấy tôi nói chuyện với Katie.
Dường như cậu bé đó không bao giờ mang theo cơm trưa và cậu cũng không thể xếp hàng để nhận phần cơm miễn phí. Cậu đã tâm sự với Katie và yêu cầu cô không được kể cho ai về việc cha mẹ cậu không chấp nhận một “thông báo” nào từ phía nhà trường. Và nếu cậu nợ tiền cơm trưa, cậu sẽ phải gặp rất nhiều rắc rối với gia đình. Katie dặn tôi đừng kể lại với cha mẹ cô bé.
Nhưng tôi đã không làm vậy. Tôi đã kể lại chuyện đó với cha mẹ của cô bé.
Ngay tối hôm ấy tôi đã lái xe đến nhà Katie sau khi biết chắc con bé đã đi ngủ. Và tôi chưa từng thấy phụ huynh nào hãnh diện về con mình như thế. Katie không quan tâm rằng cha mẹ sẽ cấm túc mình. Cô bé cũng không quan tâm đến việc tôi thất vọng về nó như thế nào. Con bé không quan tâm chút nào đến những việc đó mà chỉ quan tâm đến cậu bạn đang đói và sợ hãi của mình cũng như việc giữ bí mật về sự ngượng ngùng của bạn.
Hằng ngày Katie vẫn mua cơm trưa ở trường. Và hằng ngày, khi cô bé ra khỏi nhà, mẹ cô lại trao cho cô một phần cơm trưa ngon lành.
- David Diamond