Dù cho thế giới đầy những khổ đau, nó cũng có đầy những câu chuyện vượt khó.
- Helen Keller
Vào những năm đầu của thập kỷ 40, bom thường xuyên rơi như mưa xuống Essen, một thành phố ở phía bắc nước Đức. Còi báo động oanh tạc rú lên báo hiệu những thảm họa từ trên không bất kể giờ giấc nào trong ngày, đẩy từng đám người chen lấn xô đẩy rúc vào hầm tránh bom gần nhất. Sau khi tiếng còi báo hiệu an toàn vang lên, người người lại chui lên, hy vọng rằng ngay chỗ mình vừa thoát ra sẽ còn nguyên vẹn. Đôi khi, đạn pháo cũng bắn trúng một trong số những nhà máy vũ khí nằm tản mác quanh thành phố, nhưng thường bom chỉ phá hủy nhà cửa, trường học và cơ sở kinh doanh. Giữa cuộc chiến giành sự thống trị toàn cầu, cuộc sống thường ngày của người dân Essen vẫn diễn ra bình thường. Trẻ con vẫn chơi đùa giữa đống đổ nát, đôi lứa vẫn yêu nhau và những gia đình vẫn dùng bữa tối nấu từ những khẩu phần khiêm tốn.
Có lẽ vì mẹ tôi lớn lên ở Đức trong thời kỳ bất định như thế nên bà trở thành người rất mạo hiểm. Khi phải lớn lên trong một môi trường thiếu an toàn như thế, bà có thể dễ dàng thanh minh cho nỗi sợ rủi ro. Nhưng thay vì vậy, mẹ tôi sống với phương châm là dù chỉ một bước tiến nhỏ bằng sự can đảm thôi cũng tốt hơn nhiều so với sợ đến chết khiếp.
Trong suốt nhiều năm, tôi tự hỏi về nguyên nhân của bản tính không biết sợ hãi của mẹ, cho đến một ngày tôi đương đầu với một khó khăn đòi hỏi sự dũng cảm. Như thường lệ, tôi nhấc điện thoại gọi mẹ để xin lời khuyên. Sau khi lắng nghe cả một danh sách những lời phàn nàn và lo lắng của tôi, mẹ hít một hơi thật sâu và bắt đầu kể cho tôi nghe chuyện “Oma và Opa” (trong tiếng Đức, Oma và Opa nghĩa là “bà ngoại” và “ông ngoại”).
Trước đây, tôi đã từng nghe rất nhiều câu chuyện về “Oma và Opa” và biết được ông bà tôi sở hữu một hiệu giày ở Essen trong thời kỳ Thế chiến thứ hai. Bom đạn lạc và những mảnh vỡ đã nhiều lần làm hư hại cơ sở kinh doanh của ông bà. Là một đứa trẻ, tôi rất thích nghe cách Ông phản ứng lại sự phá hủy ấy bằng cách hỏi người thân trong gia đình: “Mọi người còn đủ tay chân chứ?”. Sau khi nghe mọi người trả lời vẫn khỏe, ông tuyên bố: “Vậy chúng ta sẽ ổn thôi” và bắt đầu thu gom từng đống gạch để xây lại. Tổng cộng, Ông và Bà đã xây lại cửa hàng giày đến bảy lần.
Nghĩ đến điều đó nên tôi chuẩn bị hỏi mẹ một câu chuyện khác về bom. Thay vào đó, mẹ lại kể chuyện về những đôi giày.
“Một buổi sáng nọ sau kỳ nghỉ lễ, Ông và Bà mở cửa hàng và phát hiện tất cả giày dép đều đã bị trộm mất. Đau lòng hơn khi tên trộm hóa ra lại là một đối tác kinh doanh của ông bà, hắn đã lấy hết không để lại một thứ gì ngoại trừ những hóa đơn chưa thanh toán và những chiếc giày mẫu chân trái...”
Trong khi mẹ kể, tôi hình dung ra ông bà mình đứng trong một cửa hiệu trống rỗng, đối mặt với thách thức phải nuôi sống gia đình giữa một thành phố hoang tàn vì chiến tranh mà không có hàng hóa để bán – không còn gì ngoài một đống giày chân trái. Rồi lấy đâu ra tiền để thanh toán những hóa đơn và thay thế số hàng hóa đã bị mất cắp? Việc này không đơn giản như nhặt lại gạch đá và dựng lại những bức tường đổ nát. Đó là một việc đòi hỏi phải gây dựng lại tinh thần đã sụp đổ.
Mẹ tiếp tục câu chuyện: “Ông và Bà không để cho cơn giận dữ của mình cản bước. Thay vào đó, họ lấy những chiếc giày mẫu và trưng bày chúng rất đẹp mắt ngay cửa chính. Hôm ấy, họ mở cửa kinh doanh như thường. Khách hàng bước vào, bị thu hút bởi những món trưng bày trước cửa và hỏi xem thêm vài kiểu khác. Ông bà nồng nhiệt chào đón từng người một, đo chân cho họ rồi sau đó bước vào nhà kho đã bị dọn sạch. Khi đã khuất vào trong, họ dừng lại bình tĩnh và đếm đến một trăm. Một lát sau, họ quay ra cửa hàng và nói với khách hàng rằng họ chưa có giày nhưng họ sẽ sẵn sàng đặt hàng ngay. Họ không nói dối. Họ không có đôi giày đó – cũng không có bất kỳ đôi nào khác – nhưng vì họ tỏ ra rất tự tin và giữ bình tĩnh, thế là khách hàng đặt hàng. Dẫu sao thì việc hàng hóa khan hiếm cũng không có gì lạ lẫm.
Khi mẹ tôi kể xong câu chuyện, tôi bắt đầu hiểu rằng câu chuyện này không phải nói về giày dép.
“Chẳng bao lâu, hàng hóa của ông bà đã được thay thế nhờ số tiền đặt hàng mang lại từ việc trưng bày đẹp mắt. Lẽ ra ông bà có thể đã rất lo sợ và đóng cửa hàng. Nhưng ông bà đã mở rộng tấm lòng để tha thứ. Họ tiếp tục tiến về phía trước và cho thấy những gì họ có – một đống giày chân trái và quan trọng nhất là niềm tin vào chính họ.”
Tôi vẫn ngạc nhiên về lòng can đảm của ông bà khi ông bà di cư đến Mỹ sau khi chiến tranh kết thúc đã lâu và lúc ông bà lại sắp về hưu. Dù họ mang theo rất ít hành lý, nhưng tôi nhận ra họ đã mang theo tất cả những gì họ sẽ cần đến – một tinh thần phong phú và một niềm tin sâu sắc rằng khi bạn cố hết sức tiến bước, toàn bộ thế giới sẽ theo sau bạn.
Hôm ấy, sau khi kết thúc cuộc trò chuyện qua điện thoại với mẹ, tôi đã có một bước tiến lớn – bằng chân trái... dĩ nhiên!
- Terri Goggin-Roberts