Luôn có thời gian cho lòng biết ơn và sự khởi đầu mới.
- J. Robert Moskin
Khi còn sống ở Portland, Oregon, tôi dạy tiếng Anh tại một trường cao đẳng địa phương. Trong lớp, tôi có những học trò lớn tuổi người Việt Nam, Mexico, Nga và từ nhiều nước khác. Mặc dù họ đến từ những phương trời khác nhau, nhưng tất cả họ đều có một điểm chung: vô cùng khao khát được học tiếng Anh.
Nhiều người làm việc trong những nhà máy suốt mười hai giờ ca đêm và sáng sớm đón xe buýt thẳng đến lớp học bắt đầu lúc 8 giờ. Rồi họ đợi đến khi tan học mới về nhà ngủ. Đôi khi tôi thấy họ phải rất cố gắng để mở mắt trong giờ học, nhưng họ vẫn luôn làm việc chăm chỉ, nghiêm chỉnh và hăng say học hành.
Mặc dù thiếu ngủ và phải làm việc nhiều giờ liền, nhưng mức độ chuyên cần và tập trung của họ vẫn luôn đạt mức rất cao. Một vài người nhận làm đến ba công việc và đón xe buýt mỗi khi phải đi đâu đó vì họ không đủ tiền mua xe riêng. Valentina, một bà cụ bảy mươi chín tuổi người Nga luôn đi bộ đến lớp mỗi sáng, dù cho trời lạnh hay mưa gió.
Chúng tôi cũng phát triển được một mối quan hệ tuyệt vời trong lớp. Một nữ sinh đặc biệt thông minh người Việt Nam sau này đã cưới một nam sinh khác trong lớp, một thanh niên người Rumani.
Để dạy học, tôi phải dùng đến rất nhiều hình ảnh và cử chỉ tay chân vì tôi không biết hết những ngôn ngữ của họ. Một trong những bài tôi dạy là một tình huống giao tiếp đơn giản tên là “Mua áo khoác mới”. Họ vui vẻ đứng lên và thực hiện những động tác như nội dung của câu chuyện.
Đôi khi tôi lại tự vấn và băn khoăn liệu tôi đã dạy sinh viên của mình theo cách tốt nhất hay chưa. Nhưng tôi đã dành hết tâm huyết cho lớp học này và họ cũng hết mình với tôi. Nếu không được gì, ít ra họ cũng luôn nhớ phải nói gì nếu họ có phải đi “mua áo khoác mới”.
Vào buổi học cuối cùng, họ tổ chức một bữa tiệc linh đình, tràn đầy tiếng cười và thức ăn ngon. Tôi ngạc nhiên nhận thấy họ đã học đủ vốn tiếng Anh để có thể phối hợp với nhau tổ chức một sự kiện như thế này. Thức ăn là những món tinh hoa ngon tuyệt hảo với những đặc sản từ mười mấy quốc gia khác nhau. Một cô gái Nga tặng tôi một bó hồng. Một cô gái Việt Nam tặng tôi một hộp trang điểm nhỏ.
Sau đó Alexander đến từ Hungary, một trong số những thành viên năng nổ nhất trong lớp, bảo mọi người yên lặng trong khi anh tự hào trao cho tôi một gói quà lớn được gói cẩn thận. Sau khi tháo nơ và mở nắp hộp, tôi nhẹ nhàng mở lớp giấy mềm và lấy trong hộp ra một chiếc áo khoác dài mới toanh cực đẹp.
“Chúng tôi đi mua áo khoác mới!” - Họ đồng thanh reo lên bằng tiếng Anh vô cùng hoàn hảo. Trong suốt những ngày tháng dạy các lớp đại học, tôi chưa bao giờ cảm nhận sự hào phóng như thế này. Những người này đang phải sống trong những căn hộ chật hẹp, phải gửi tiền về cho người thân ở quê nhà và chật vật nuôi sống gia đình mình. Tôi chẳng qua chỉ làm công việc của mình, dạy tiếng Anh, và thái độ biết ơn của họ vượt quá những gì tôi có thể hình dung.
Tôi khoác chiếc áo họ tặng vào với tất cả niềm hãnh diện và biết ơn. Đó là chiếc áo yêu thích nhất của tôi. Chiếc áo không có mặt trái, có thể mặc ngược lại với dây rút, một mặt màu xanh dương còn mặt kia được thiết kế chữ Navajo. Mỗi lần khoác chiếc áo lên mình, tôi lại bồi hồi nhớ đến họ - Valentina từ nước Nga, Mai từ Việt Nam, Maria từ Mexico, Vladimir từ Rumani, Xavier từ Guatemala – tất cả họ cùng những khát khao và nỗ lực để bắt đầu một cuộc sống mới ở Mỹ tràn đầy cơ hội, hy vọng, tự do và sự hào phóng.
- Krista Koontz Martinelli