Mẹ cô nói: “Nếu một ngọn lửa được thắp lên đúng cách, nó sẽ cháy.”
“Con biết mà mẹ. Và nếu trời mưa, ở đâu đó sẽ có nước đọng.”
“Harriet, mẹ muốn nói với con rằng, có những thứ không hề thay đổi, và nó sẽ chẳng bao giờ thay đổi. Cũng như lửa sẽ cháy và nước sẽ đọng lại. Làm một người nô lệ cũng thế.”
“Mẹ, mẹ đã kể với con câu chuyện về bà cố bị bắt cóc và bị mang sang đây làm nô lệ. Trước khi đến đây bà vẫn tự do. Con không thể thay đổi việc lửa cháy hay mưa rơi, nhưng con sẽ thay đổi những gì con có thể làm. Con sẽ không mãi là một nô lệ. Một ngày nào đó con sẽ được tự do.”
Harriet Tubman chỉ mới năm tuổi khi cô được đưa đến làm việc trong Nhà Lớn. Ngôi nhà mà ông chủ đồn điền – ông chủ của cô – sống hoàn toàn khác xa so với túp lều tồi tàn mà cô vẫn qua đêm. Công việc của cô ở Nhà Lớn bắt đầu khi mặt trời mọc và kết thúc khi mặt trời lặn.
“Harriet! Sao em bé lại khóc? Mày không đưa nôi nhẹ nhàng vừa phải! Đi phụ đầu bếp chuẩn bị bữa trưa đi.”
Harriet vừa đi vừa xoa cái bụng đang sôi lên. Cô vẫn chưa được ăn gì từ tối hôm trước.
Harriet là nô lệ vì cả nhà cô đều là nô lệ. Bà cố cô từ châu Phi đến đây, nhưng không phải do bà tự nguyện. Bà đã bị bắt và bị tống lên một chiếc tàu đông nghẹt, đưa đến một đất nước ở bên kia địa cầu và bị đem bán. Bà không muốn ở lại, nhưng bà không còn tự do nữa nên phải ở lại. Tính đến thời điểm Harriet ra đời, những thuyền trưởng đã đưa người châu Phi đến Mỹ được hai trăm năm và có hơn bốn triệu nô lệ da đen lao động trong các đồn điền và nông trại.
Harriet lau chùi, cọ rửa, tới lui lăng xăng – và suy nghĩ. Và nếu cô suy nghĩ quá nhiều khiến ông chủ nghĩ rằng cô không làm việc chăm chỉ, thì cô sẽ bị đánh. Khi cô lớn lên, cô luôn lo sợ rằng nếu cô không làm ông chủ hài lòng, có thể cô sẽ bị bán đi như các chị em của cô. Là một nô lệ, cô có thể bị rao bán không khác gì một con ngựa hoặc một món đồ. Cô biết mình phải bỏ đi trước khi việc đó xảy ra vì nếu bị đem bán, cô sẽ bị đưa xuống phía Nam xa hơn nữa và sẽ khó hơn nhiều để đến được phương Bắc.
Harriet khao khát tự do. Cô không muốn phải lao động trên đồng mà không được trả thù lao, cô không muốn biến thành một đầy tớ không lương. Cô muốn được tự do. Nhưng việc bỏ trốn không đơn giản là mở cửa và bỏ đi, vì bỏ trốn là không hợp pháp. Harriet là một nô lệ ở bang Maryland. Có những tiểu bang khác chấp nhận chế độ nô lệ, và có một số tiểu bang lân cận được xem là các tiểu bang “tự do”. Để trốn thoát, Harriet phải rời khỏi Maryland và đi về phía Bắc đến một tiểu bang không chấp nhận chế độ nô lệ.
Ngoại trừ những tia sáng của ánh bình minh chiếu qua khe hở giữa những khúc gỗ, túp lều của Harriet luôn chìm trong bóng tối. Harriet đang ngồi trên chiếc giường rơm với tấm phủ rách rưới. Mẹ cô nhìn sang phía cô.
Bà hỏi: “Đêm qua con và cha nói chuyện gì vậy?”.
“À, mẹ, cha và con chỉ nói về chuyện lửa cháy và mưa đọng lại thôi. Mẹ biết đấy, về những thứ không bao giờ thay đổi.”
“Con đã ra ngoài đó rất lâu, Harriet. Con đã nói về những chuyện khác chứ không chỉ về lửa và mưa.”
“Mẹ, cha và con còn nói về những thứ khác nữa, những thứ khác cũng không bao giờ thay đổi. Cha con con nói về việc sao Bắc Cực chiếu sáng như thế nào và về một số thứ sẽ thay đổi ra sao.”
“Harriet, con sẽ gặp nhiều rắc rối nếu con cứ nhắc đến sao Bắc Cực. Nếu con đã nghe những người anh em ngoài kia kể về chuyện đi lên phương Bắc để có tự do, thực ra con chỉ nghe họ ước sao họ có thể làm được điều đó mà thôi. Nếu con thử đi theo ngôi sao đó về phương Bắc, họ sẽ săn lùng con với cả bầy chó. Họ sẽ treo thưởng để tìm con. Mẹ rất lo sợ cho con.”
“Mẹ, con cũng sợ, nhưng con phải đi. Nếu con có thể trốn thoát và đến được phương Bắc, con có thể tìm việc làm và có thể giúp người của mình được tự do.”
Harriet bỏ trốn giữa đêm khuya. Nhắm theo hướng của sao Bắc Cực, cô chỉ biết chạy đi dưới sự che chở của bóng đêm cho tới khi đến được Philadelphia một cách an toàn.
Ở phương Bắc, có rất nhiều người muốn giúp đỡ nô lệ trốn khỏi phương Nam. Harriet gia nhập cùng họ và dần dần giữ một vị trí quan trọng trong lộ trình đào tẩu gọi là Tuyến đường sắt ngầm. Tuyến đường sắt này không có toa xe nào cả, nhưng có trạm dừng. Những trạm dừng đó là những điểm trú ẩn nằm dọc đường đi. Trong số đó rất ít trạm nằm dưới lòng đất, nhưng đó là một bí mật, và gọi “ngầm” là để nhắc những người đang ra sức giúp đỡ phải giữ kín bí mật đó.
Hầu như lúc nào những từ như dũng cảm và can đảm cũng khiến chúng ta nghĩ đến những trận đánh và chiến trường. Nhưng những trận chiến của Harriet lại thuộc một dạng khác. Chúng không diễn ra trên chiến trường, nhưng chúng cũng đòi hỏi lòng dũng cảm. Chúng diễn ra trong bóng tối và ở những địa điểm bí mật. Lòng can đảm của cô thật phi thường bởi vì ngay cả khi cô đã được tự do, cô vẫn tiếp tục mạo hiểm sinh mạng và tự do của mình. Cô không thể tận hưởng sự tự do khi nhớ đến những người vẫn chưa được tự do. Trận chiến mà cô đang tranh đấu là để giành lấy thứ mà cô đặt niềm tin vào đó: tự do cho mọi người.
Harriet bước vào lều nô lệ thật khẽ khàng và nói nhỏ: “Nhanh lên nào. Chúng ta phải đi một đoạn đường dài và những nô lệ bỏ trốn không có nhiều thời gian”.
Nhóm nô lệ đào tẩu của Harriet tiến vào rừng, đứng tụm lại với nhau và chờ cô hướng dẫn. Cứ mỗi lần như vậy cô lại dùng những tuyến đường khác nhau, những căn nhà ẩn nấp khác nhau, những chiếc thuyền khác nhau và những chuyến xe khác nhau.
“Chúng ta sẽ băng qua sông ở đây. Cởi giày ra và giơ cao qua khỏi đầu. Nước chảy rất mạnh, nhưng không quá sâu. Chúng ta sẽ khô trên chặng đường còn lại.”
Một trong số những nô lệ bỏ trốn lên tiếng: “Nghe cứ như cô là tổng chỉ huy vậy”.
“Trước đây tôi đã từng được gọi là Tổng chỉ huy Tubman mà!” – Cô vừa trả lời vừa khẽ cười trong lúc họ tiến đến mảng rừng tối bên kia bờ sông.
Khi Harriet dẫn đường cho những nô lệ bỏ trốn đến nơi an toàn ở những tiểu bang tự do, lòng dũng cảm của cô đã bị thử thách nhiều lần. Những kẻ săn lùng nô lệ đưa ra khoản tiền thưởng hàng ngàn đô-la để bắt cô, nhưng cô vẫn tiếp tục đưa từng nhóm nhỏ băng qua rừng, ẩn náu trong những chiếc tàu, những căn gác xép và trong những đường hầm dưới mặt đất. Với những cái bắt tay và mật hiệu chuyên biệt, những người bạn ở Tuyến đường sắt ngầm đã hỗ trợ cho cô.
Cuộc đào thoát của chính cô đã đòi hỏi sự can đảm lớn lao, nhưng chính sự trở lại phương Nam và mối nguy hiểm có thể bị bắt lại khiến người ta nhớ đến cô. Cô đã quay lại mười lăm lần. Cô đã giúp đỡ hơn ba trăm nô lệ tìm được đường đến phương Bắc. Luôn luôn vào ban đêm, luôn luôn bí mật, luôn luôn nguy hiểm.
Sự thành công của Tuyến đường sắt ngầm trong vai trò là con đường đưa đến tự do ở phương Bắc là kết quả của lòng can đảm và niềm tin của Harriet rằng cô có thể tạo nên sự thay đổi. Chưa từng có “hành khách” nào của cô bị bắt trở lại và thậm chí Harriet còn có thể giải thoát cho chính cha mẹ của mình. Những chuyến hành trình trong bóng đêm để đưa mọi người đến với tự do của cô là một lý do rất chính đáng để mọi người nhớ đến tên cô – Harriet Tubman – một nữ anh hùng trong một trận chiến khác lạ.
- Susan Finney