Có lẽ đó là những thiên thần. Có lẽ đó là số mệnh. Có lẽ đó chỉ là một chút may mắn bất ngờ đã đưa David nhỏ bé đến nhà Bob và Doris. Tìm hiểu những việc đó xảy ra như thế nào thật ra lại không quan trọng lắm so với việc tại sao cuộc đời của David lại quá gắn bó với đôi vợ chồng nọ. Đến cuối cùng, ba người họ đã cùng nhau chinh phục đỉnh núi.
Nhưng trước khi David xuất hiện, trước cả khi hai giáo viên ấy kết hôn, trước cả khi tình yêu của họ khiến họ mạnh mẽ hơn lên, Bob chỉ còn sống được sáu tháng.
Sáu tháng. Chỉ vậy thôi. Đó là tất cả thời gian mà các bác sĩ cho rằng anh có được khi họ phát hiện ra bệnh ung thư xương đã gây hoại tử ở một cánh tay của anh, một khối u to bằng quả nho ở vai trái. Tuy vậy, anh không tin rằng số phận của mình phải kết thúc sớm như vậy, và học trò của anh cũng thế. Gần một trăm lá thư từ các học trò, đồng nghiệp và phụ huynh gửi ào ạt đến mỗi tuần trong khi Bob trải qua quá trình xạ trị, châm cứu, X- quang và sử dụng thuốc hóa trị liều cao để thu nhỏ khối u hiểm ác ấy. Bất chấp những đau đớn, những ca phẫu thuật, bất chấp phải sống trong một lớp băng bó phủ hết hơn nửa người, Bob hứa với những học trò lớp tám của ngôi trường cấp hai anh đang dạy rằng anh sẽ có mặt trong lễ tốt nghiệp của chúng vào cuối năm. Anh quyết định cố gắng thử ở UCLA. Thay vì phải phẫu thuật cắt bỏ cánh tay trái, họ cắt bỏ khối u và đặt một đoạn xương chết vào vai anh để giữ nó cố định.
Đó không phải là lần đầu tiên Bob đối diện với tử thần. Anh đã hai lần đối mặt với cái chết. Năm mười sáu tuổi, anh bị một tai nạn xe hơi nghiêm trọng khiến một phần ba gương mặt của anh bị giập nát. Anh được chăm sóc hết sức đặc biệt trong hai tuần và khâu một trăm năm mươi mũi để tái định hình khuôn mặt. Sau đó, khi anh là sĩ quan phục vụ tại Việt Nam và đang chỉ huy binh lính thực hiện một nhiệm vụ trong xe tăng thì chỉ huy của anh gọi anh lại và giao nhiệm vụ mới. Viên chỉ huy đổi vị trí với Bob. Cỗ chiến xa khởi hành không có anh, và sau đó bị tấn công và phát nổ khiến tất cả những người bên trong tử vong. Còn bây giờ thì anh được biết anh chỉ còn sáu tháng. Anh không thể để mặc việc đó xảy ra được. Sau này, Bob cho biết: “Tôi chỉ chọn cách phải sống. Không phải là kiểu sống chỉ để chết. Không chỉ như thế. Mà sống để làm những việc bạn vẫn thường làm. Hôm nay, tôi tính đi mua sắm. Hôm nay, tôi tính đi xem hát. Hôm nay, tôi vẫn sống”.
Khi anh vừa trải qua ca phẫu thuật, Doris và một số giáo viên đến thăm anh, băn khoăn không biết anh có thể cử động cánh tay hay sử dụng nó được nữa không. Ngay lập tức anh cho họ thấy cánh tay anh hữu dụng như thế nào. Anh làm một cử chỉ đùa giỡn với họ!
Hàng ngày anh đều ra bãi biển, dạo bước trong lớp bó bột khổng lồ. Anh đã học được cách tưởng tượng từ The Wellness Community và tự thấy rằng mình vẫn khỏe mạnh. Anh giữ đúng lời hứa và xuất hiện trong lễ tốt nghiệp của học trò cùng với lớp băng bó. Chúng dành tặng buổi lễ cho anh và anh biết rằng anh sẽ vượt qua – anh là kẻ sống sót.
Năm 1983, tình bạn của Doris và Bob thăng hoa thành tình yêu. Họ kết hôn khi cả hai đều ở tuổi ba mươi tám, và họ muốn có con. Họ thực hiện cả hai cách. Doris cố gắng mang thai dù họ biết rằng cô bị thoát vị tử cung. Doris cũng biết rằng hai người họ có thể nhận con nuôi. Đối với cô, huyết thống không quan trọng bằng tình mẫu tử. Cô đã nuôi dưỡng một bé gái người Mexico bị mẹ bỏ rơi. Cha đứa bé xuất hiện trong lớp học ngoại ngữ tiếng Anh của Doris và dắt díu theo hai đứa trẻ, Olga mười tuổi và Sotero mười ba tuổi. Doris biết được rằng mẹ bọn trẻ đã lừa chúng đến Mỹ để thăm cha và hứa sẽ đưa chúng trở về nhà. Nhưng chúng không bao giờ trở về được. Chúng dọn đến sống với cha và khoảng hai mươi người khác trong một căn hộ chật hẹp.
Doris không thể chấp nhận được chuyện đó. Càng tìm hiểu thêm về gia đình họ, cô càng muốn giúp đỡ họ. Tối nào Olga cũng đến lớp và khóc đòi mẹ. Con bé rất sợ. Nó đang ở một đất nước xa lạ. Nó không biết ngôn ngữ bản xứ. Doris đưa Olga và Sotero đến công viên Disneyland và đi xem phim. Chúng bắt đầu đến nhà cô dùng bữa tối và ở lại qua đêm, rồi cuối cùng, Doris đề nghị với gia đình họ cho phép một đứa dọn đến ở với cô.
Doris nhớ lại: “Cậu anh đã nói: ‘Con lớn hơn và Olga cần có mẹ’”. Thế là Olga lập tức dọn đến ở với Doris và hầu như ngày nào Sotero cũng ghé thăm em. Sau khi Doris chứng kiến Olga kết hôn và sau cùng cũng ổn định sự nghiệp là một giáo viên trợ giảng ở trường của cô, Doris hiểu rằng mình có thể yêu thương bất kỳ đứa trẻ nào, cho dù đó không phải là máu mủ của cô.
Thế là Doris và Bob dành thời gian cho nỗ lực nhận con nuôi, đồng thời họ cũng cố gắng có một đứa con của riêng mình. Nhiều bạn bè và đồng nghiệp ngăn cản họ tìm đến trung tâm cho nhận con nuôi của Mỹ. Họ nói rằng số người xếp hàng chờ rất đông và phụ huynh luôn thay đổi ý định của mình. Thế là họ tìm kiếm qua những mối quan hệ Latin mà mình biết. Dẫu sao thì cả hai đều nói trôi chảy tiếng Tây Ban Nha và đã từng sống ở Tây Ban Nha. Doris cũng đã từng sống ở Mexico và khá quen thuộc với nền văn hóa ở đó.
Họ để dành tiền. Họ tham dự những lớp học mở rộng về việc nhận con nuôi ngoại quốc. Họ liên hệ với Argentina, Panama và Colombia. Họ kết nối với mọi người trên khắp nước Mỹ. Họ được lấy dấu vân tay. Họ viết mười lăm trang tiểu sử của mình. Họ đính kèm mười bức thư giới thiệu. Doris còn cho biết cô đã học được một triết lý sống rất ý nghĩa từ một nhóm phụ huynh đã nhận được con: “Đừng để phí dù chỉ một ngày trôi qua mà không làm điều gì vì mục đích nhận con. Khi đó các bạn sẽ cảm thấy mình mạnh mẽ hơn”.
Hai vợ chồng thống nhất với nhau rằng họ không quan tâm đến giới tính, chủng tộc cũng như những khuyết tật nhỏ của đứa bé. Họ sẵn lòng nhận con lên đến bốn hoặc năm tuổi.
Hàng đêm, Doris trở về nhà và tự hỏi ngày hôm ấy cô đã làm được gì cho việc nhận con.
Một buổi chiều nọ, cô chợt nhận ra cô chưa nhờ đến sự giúp đỡ của một vài bác sĩ mà cô quen biết. Cô lập tức ngồi xuống viết một lá thư cho một bác sĩ nhãn khoa, một bác sĩ nội khoa và một bác sĩ phụ khoa nhờ họ giúp cô và Bob tìm nhận nuôi một đứa trẻ. Rồi một chiều nọ, ở nhà mở của trường, cha của hai đứa trẻ cô đang dạy xuất hiện. Ông là một bác sĩ nhãn khoa. Ngay hôm sau, Doris về nhà và cũng gửi cho ông bức thư như thế.
Nhiều tháng trôi qua. Họ không nhận được tin tức gì cả. Nhưng có vẻ như trung tâm cho nhận con nuôi quốc tế vẫn khá hứa hẹn. Họ có thể đến Colombia hai tháng để nhận được con nuôi.
Vài tuần trước khi họ gửi kèm khoảng bốn nghìn đô-la và hồ sơ xin nhận con nuôi hoàn chỉnh, họ nhận được một cú điện thoại. Vợ của một bác sĩ sản khoa gọi và nói rằng vì bà bị thương ở chân nên đã đến khoa chấn thương chỉnh hình mà Doris đã từng viết thư đến, tại đây các bác sĩ đã đưa cho bà bức thư và hỏi: “Chị có thể giúp đỡ những người này không?”.
Người phụ nữ đó biết lĩnh vực chuyên môn của chồng bà không phải là việc cho nhận con nuôi. Họ rất hiếm khi dính dáng đến những chuyện tương tự như thế. Nhưng gần đây có một cô bé mười bảy tuổi đến khám cái thai 38 tuần tuổi, và một người theo đạo công giáo thì không thể phá thai. Cô bé nói rằng cô biết mình còn quá nhỏ và không thể chăm sóc đứa trẻ. Khi bà vợ ông bác sĩ sản khoa quay về văn phòng, bà đưa cho chồng lá thư. Ông hết sức kinh ngạc. Ông cũng đã nhận được ba lá thư khác từ các đồng nghiệp giới thiệu cho chính cặp vợ chồng này. Họ quyết định trao đổi với cô gái về Bob và Doris và nói cho cô biết bốn vị bác sĩ khác đã nhiệt tình giới thiệu họ làm cha mẹ nuôi như thế nào. Cô gái muốn gặp họ ngay lập tức.
Doris cảm thấy không an tâm lắm. Cô hơi sợ, sợ rằng một khi cô gái phát hiện ra Bob bị ung thư, cô ấy sẽ không muốn họ trở trành cha mẹ của đứa bé. Sợ rằng nếu cô gặp cô bé, cô sẽ muốn can thiệp vào đời sống của cô ấy. Là một giáo viên, tất cả những gì Doris nghĩ đến là làm thế nào để kèm cặp cô bé và giúp cô được giáo dục tốt. Bob và Doris quyết định thử xem bà mẹ trẻ có thể đi gặp luật sư không nếu họ trả toàn bộ chi phí. Cô gái đồng ý, nhưng với tư cách là một bà mẹ, cô lặp lại yêu cầu được gặp hai vợ chồng.
Cuối cùng, Doris và Bob chấp nhận. Họ muốn gặp cô bé ở văn phòng luật sư. Doris không bao giờ quên được ngày hôm ấy. Cô nhìn chằm chằm vào chiếc tay nắm cửa văn phòng cho đến khi nó xoay vòng và một cô gái mười bảy tuổi mảnh dẻ, tóc vàng lao vào, mái tóc cột đuôi ngựa, trông cô rất phấn khích và tràn đầy sinh lực. Cô bé, mẹ cô, vị luật sư, Doris và Bob ngồi quanh một chiếc bàn gỗ sồi lớn.
Cô gái nhìn thẳng vào mắt hai vợ chồng Doris và nói:
“Cháu biết việc này rất khó cho cô chú. Nhưng cháu nghĩ rằng cháu phải sử dụng quyền của mình với tư cách là mẹ đẻ của đứa bé để gặp cô chú. Cháu muốn cô chú biết rằng cháu sẽ không bao giờ đến thăm, đón đứa bé đi hay thay đổi ý định. Cháu muốn thấy gương mặt vui sướng tươi cười của cô chú và nói rằng đứa bé này là của cô chú”.
Doris, Bob, mẹ cô bé và cả vị luật sư đều bật khóc. Cô gái vỗ về an ủi mẹ cô và khi bà dừng khóc, cô bé nói rằng thật ra đó là những “giọt nước mắt hạnh phúc”.
Doris kể lại: “Cô bé nói rằng tất cả chúng tôi đều được phước lành”.
Tuy vậy, khi đó, không ai nhận ra phước lành là thế nào. David chào đời vào tháng 10 năm 1986. Cậu bé được đưa ngay về nhà, nơi Bob đang trong lớp băng bó và dần hồi phục sau một cuộc phẫu thuật trước đó. Bob và Doris nghỉ không làm việc trong suốt một năm đầu đời của David để tạo nên mối quan hệ gắn bó với món quà tuyệt vời nhất họ từng nhận được. Họ yêu đứa trẻ biết bao.
Năm năm sau, vào một buổi sáng nọ, trong khi Doris giúp David mặc quần áo cô nhận thấy hạch của thằng bé bị sưng lên. Cô đưa thằng bé đến gặp bác sĩ nhi khoa, nhưng ông không phát hiện thấy gì cả. Linh tính của Doris mách bảo cô phải biết kiên trì. Cô lại đưa cậu bé đến bác sĩ nhi khoa vài lần nữa. Rồi cô gọi cho những người bạn làm trong lĩnh vực y khoa. Huyết cầu của thằng bé bình thường, kết quả chụp X-quang cũng không có gì. Doris đưa cậu bé đến vài bác sĩ khác và cuối cùng đến một bác sĩ chuyên khoa bệnh nhiễm, ông cho rằng David cần phải làm sinh thiết hạch.
Sau đó, bác sĩ nhi gọi điện hỏi Doris:
“Cô nghĩ xem còn bất kỳ một triệu chứng nào khác không, bất kỳ biểu hiện gì ngoài việc bị sưng hạch?”
Doris trả lời: “Đổ mồ hôi vào ban đêm. Thằng bé bị đổ mồ hôi vào ban đêm”.
Đó là lúc “địa ngục bắt đầu”.
Kết quả xét nghiệm cuối cùng cho thấy David mắc phải bệnh ung thư máu dạng non-Hodgkin hiếm gặp. Sau đó các bác sĩ phát hiện trong dạ dày của cậu bé có một khối u. David được đưa đến gặp Tiến sĩ Jerry Finklestein, giám đốc y khoa của Trung tâm ung thư trẻ em Jonathan Jacques tại bệnh viện Long Beach Memorial.
Finklestein mời David và cha mẹ cậu ngồi xuống rồi nói với cậu bé rằng họ sẽ phải vượt qua một chặng đường rất dài. Cuộc hành trình sẽ hướng đến ngọn núi lớn nhất, và đó sẽ là một chuyến hành trình đầy gian khó với nhiều đỉnh cao và thung lũng. Ông bác sĩ dặn David dù có thế nào cũng luôn phải hình dung đến cảnh mình đứng trên đỉnh núi – ngay chính đỉnh cao nhất của ngọn núi – và không được từ bỏ viễn cảnh đó.
Sáu tháng tiếp theo, David thường xuyên ra vào bệnh viện để được hóa trị liều cao. Cậu phải sử dụng những loại thuốc độc hại nhất mà người ta từng nghĩ đến. Doris thôi không đọc những tác dụng phụ có thể có của các loại thuốc như mù, điếc, nôn mửa... nữa vì cô sợ rằng mình sẽ ngưng quá trình điều trị lại do quá lo sợ. David bị rụng tóc. Cậu bị rụng cả lông mày và lông mi. Cậu được truyền máu bảy lần, và tất cả số máu được hiến từ gia đình và bạn bè.
David hoàn toàn không nghĩ rằng cậu sẽ chết, dù chỉ một giây. Dù sao đi nữa, thì hãy nhìn cha cậu mà xem. Cha cậu cũng bị ung thư, và ông vẫn còn sống đấy thôi! David cảm thấy bị ung thư là chuyện bình thường, cũng như bị cảm cúm, bị sởi hay thủy đậu thôi. Cậu nghĩ rằng chẳng qua cậu bị cái gì đó giống cha và cậu sẽ không sao hết. Doris và Bob chưa từng nói với cậu về cái chết bao giờ. Họ tin rằng mình phải tỏ ra đoàn kết và mạnh mẽ. Họ không bao giờ cho David biết họ lo sợ đến mức nào.
Họ dọn đến bệnh viện và ngủ trên nền gạch trong phòng David mỗi khi cậu bé phải nhập viện, đôi khi kéo dài đến hai mươi ngày liền. Lần đầu David nhập viện để tiến hành hóa trị, Bob nằm trên sàn nhà lo lắng đến toát mồ hôi, hồi tưởng lại những kinh nghiệm của chính anh và hoàn toàn hiểu rõ những gì con trai anh đang phải trải qua.
Khi David bị nôn mửa sau khi hóa trị, cha mẹ cậu giải thích rằng cơ thể cậu đang loại bỏ những tế bào xấu đã khiến cậu đau đớn.
Đó là chuyện của ba năm trước. Giờ đây David đã chín tuổi. Cậu đến trường đều đặn và không có một biểu hiện nào về bệnh ung thư trong cơ thể trong suốt ba năm qua. Gần đây, cậu bé trở nên rất cảm thông và hiểu biết về bệnh tật, dù cậu còn rất nhỏ tuổi, nên cậu đã viết một lá thư trìu mến cho một người bạn của mẹ cậu được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú.
Gửi cô Winnie
Cháu cũng bị ung thư. Cô sẽ bị rụng tóc, nhưng chúng sẽ mọc lại. Đừng sợ cô nhé! Nếu cô bị đau đầu, hãy đặt ngón tay lên thái dương, xoa nhẹ về phía trước một lần rồi ngược lại. Làm vậy sẽ đỡ hơn một chút. Mấy viên thuốc sẽ khiến cô buồn ngủ. Cô đừng chú ý đến cây kim tiêm, mà hãy nhìn sang hướng khác. Cô sẽ nhanh chóng khỏe hơn mà. Hãy nghe lời bác sĩ, vì họ sẽ cho cô những lời chỉ dẫn mà cô sẽ hiểu. Hãy nói “CHỐNG LẠI TẾ BÀO XẤU. CHỐNG LẠI TẾ BÀO XẤU”. Sau này cô sẽ khỏe hơn. Đừng lo lắng. Có thể cô sẽ bị nôn mửa. Đó là do những tế bào xấu và tất cả thuốc đang bị loại khỏi cơ thể cô. Nói với chồng cô, con gái và con trai cô rằng họ nên cho cô dùng điểm tâm trên giường, dùng bữa trưa trên giường và bữa tối trên giường và xem TV thật nhiều. Cháu luôn nhớ đến cô.
Thương,
David, 9 tuổi
Doris và Bob biết rằng nếu như gặp phải bà mẹ mười bảy tuổi hay bất kỳ bà mẹ nào khác chưa từng đối mặt với bệnh ung thư trước đó, những hạch bị sưng có lẽ sẽ bị bỏ qua và bệnh ung thư có thể đã nhanh chóng lan khắp người David. Đến tận ngày nay, họ vẫn tin rằng vì David đến với họ một cách quá ư diệu kỳ nên dường như cậu bé được sắp xếp để đến với họ - nhờ vậy họ mới có thể cứu lấy mạng sống của cậu.
Trong khi David chiến đấu với bệnh tật, cha mẹ cậu giành được một chuyến du lịch đến thị trấn Mammoth Lakes.
Hai năm sau, khi cậu khỏe hơn, họ cùng leo lên núi Mammoth. Ở đó, cả gia đình đứng bên nhau và cùng nhìn lên bầu trời. Họ đã lên đến đỉnh núi.
- Diana L. Chapman