Không có cái gọi là tuyệt vọng.
- Henry Ford
Tính hài hước của Craig Shergold khiến cậu nổi bật giữa chúng bạn. Với sự khôi hài bẩm sinh và một tâm hồn cởi mở, cậu thích làm mọi người phải bật cười. Niềm vui lớn nhất của cậu là đội những bộ tóc giả, những chiếc nón ngộ nghĩnh và diễn những vở hài kịch ngắn trong nhà ở vùng Carshalton - ngoại ô London cho gia đình và bạn bè xem.
Craig cũng có niềm say mê tương tự đối với bóng đá. Tuy nhiên, vào mùa thu năm 1988, huấn luyện viên của cậu nhận ra sự thay đổi trong lối chơi vốn rất năng động của cậu bé chín tuổi ấy. Ông nói với cha của Craig là ông Ernie: “Cậu bé chơi có vẻ chậm lại”.
Rồi Craig than đau tai, và Marion, mẹ cậu, nhận thấy đôi mắt của Craig cứ hấp háy liên tục trong lúc xem truyền hình. Trông cậu rất bơ phờ, nhưng bác sĩ cho rằng đó là do nỗi đau buồn khi người bà dấu yêu của cậu vừa qua đời. Tuy nhiên, nhiều tuần lễ trôi qua, càng ngày Craig càng trở nên thờ ơ với mọi thứ xung quanh.
Đến Giáng sinh, thậm chí Craig còn không muốn chạy thử chiếc xe đạp mới. Lần này vị bác sĩ nói do tai của Craig bị nhiễm trùng. Thuốc kháng sinh không giúp được gì.
Vài tuần sau, Craig bị nôn mửa. Marion lập tức đưa cậu đến bệnh viện và một bác sĩ chuyên khoa cho cậu làm một loạt xét nghiệm. Rồi ông yêu cầu cho cậu chụp hình não.
Sau đó, Marion và Ernie được đưa vào văn phòng của bác sĩ. Vị bác sĩ nói: “Tôi e rằng phải báo cho ông bà một tin không tốt. Craig có một khối u trong não”. Marion sững sờ không thốt nên lời còn Ernie thì chỉ biết gục đầu.
Bác sĩ giải thích rằng khối u nằm ở một vị trí hết sức nguy hiểm: ngay gần đỉnh của cuống não, nơi điều khiển việc hô hấp, nhịp tim và huyết áp.
Một chiếc xe cấp cứu đưa Craig đến bệnh viện Great Ormond Street ở trung tâm London và các bác sĩ nhanh chóng lên lịch cho ca giải phẫu lấy khối u của Craig. Marion không muốn cho con trai biết, bà sợ rằng mình sẽ làm suy sụp tinh thần lạc quan của con. Tuy nhiên, từ trước đến nay bà vẫn luôn nói thật với con tất cả mọi chuyện, thế nên bà không muốn đánh mất lòng tin đó nơi con mình. Bà ngồi bên giường con và nắm lấy tay cậu bé: “Craig này, con có biết con bị gì không?”.
“Con nghĩ là con biết mẹ ạ.”
Rồi cậu nhắc đến một nhân vật bị khối u não trong chương trình TV cậu yêu thích. Cậu nói: “Con nghĩ là mình bị giống cô ấy”.
Marion khẽ gật đầu. Bà thì thầm: “Mẹ muốn con phải thật dũng cảm”.
“Dạ, con sẽ như vậy.”
Ngày 17 tháng 1, Craig được đẩy đến phòng phẫu thuật, trong tay ôm chú voi nhồi bông may mắn. Marion và Ernie theo sát bên cạnh. Marion nhẹ nhàng khẽ hát bài “I Just Called to Say I Love You”, một bài hát yêu thích của Craig.
Marion quỳ trong nhà nguyện của bệnh viện nhớ lại lần đầu tiên bà và Ernie được tin bà có thai sau mười năm ròng cố gắng. Họ đã tổ chức một bữa tiệc linh đình ở nhà hàng nơi Marion làm phục vụ bàn. Marion cùng mọi người ca hát, nhảy múa và cười đùa. Khi Craig ra đời ngày 24 tháng 6 năm 1979, niềm vui cứ thế tiếp diễn.
Giờ đây, bà chỉ biết nguyện cầu cho sinh mạng của con trai mình. Thượng đế ơi, Craig chưa sẵn sàng về với Người. Con sẽ không để Người đưa nó đi vì bây giờ chưa phải lúc.
Lời cầu nguyện của bà dường như không được đáp lại. Sau nhiều giờ phẫu thuật, bác sĩ cho biết ông không thể cắt bỏ toàn bộ khối u vì vị trí của nó quá nguy hiểm. Hai tuần sau, báo cáo bệnh lý có ghi một tin dữ là cậu bé bị khối u ác tính, một dạng ung thư não hoạt tính. Sau khi phục hồi hậu phẫu, Craig được điều trị tăng cường nhưng dường như cái chết là điều không thể tránh khỏi.
Marion xin nghỉ việc để có thể ở bên cạnh chăm sóc con trong bệnh viện. Ernie là một tài xế lái xe tải, cũng vào thăm con mỗi chiều sau giờ làm việc. Một trong hai người sẽ thay phiên có mặt bên giường bệnh cậu bé suốt hai mươi bốn giờ mỗi ngày.
Craig nhận được nhiều thiệp chúc sức khỏe từ gia đình, bạn bè và những đồng đội trong đội bóng đến mức bác sĩ điều trị cho cậu nói đùa rằng: “Có lẽ cậu nên tham gia vào Kỷ lục Guinness thế giới”.
Ngay trước khi chuyển đến bệnh viện The Royal Marsden, nơi cậu sẽ trải qua liệu pháp hóa trị và xạ trị, Craig nhận được một thông điệp chúc sức khỏe do chính nhân vật trong chương trình TV yêu thích của cậu ghi âm. Nhận được tin này, một tờ báo được lưu hành khắp nước đã cho xuất bản câu chuyện về cậu bé ngoan cường chiến đấu giành lại sinh mạng. Một số tờ báo khác, cùng với đài phát thanh và truyền hình, cũng nhanh chóng đăng tải câu chuyện về cậu. Craig trở thành “Cậu bé dũng cảm” của giới truyền thông Anh.
Tuy vậy, bệnh tình của Craig ngày càng trầm trọng. Đôi chân và tay trái của cậu rất yếu, cậu nói chuyện rất chậm, thị lực giảm sút. Mặc dù phải chịu rất nhiều đau đớn nhưng chưa bao giờ Craig từ bỏ tính hài hước của mình. Thậm chí cậu còn đùa về việc mình bị hói đầu do hóa trị.
Sự quan tâm chăm sóc của rất nhiều người đã mang đến cho Craig niềm hy vọng. Một đêm nọ trong bệnh viện, khi sức khỏe suy kiệt sau đợt hóa trị, Craig phải cố gắng chống chọi với nỗi buồn phiền xâm chiếm.
Cậu nói với mẹ: “Mẹ ơi, con sẽ nghĩ đến những tấm thiệp. Mỗi khi con làm vậy, con lại thấy khỏe hơn”.
Vào tháng Chín, nhằm cố gắng vực dậy tinh thần của Craig, gia đình Shergold tuyên bố với báo giới rằng cậu sẽ lập kỷ lục Guinness về việc nhận được nhiều thiệp nhất.
Vài ngày sau, một chiếc xe tải nhỏ đỗ trước cửa nhà gia đình Shergold, mang theo nhiều chồng thiệp lớn. Những tình cảm đó lại càng tạo thêm tiếng vang và vì thế lại mang về cho Craig hàng ngàn tấm thiệp nữa. Cậu nhận được thiệp từ Margaret Thatcher, Thái tử Charles, George Bush, Ronald Reagan, Mikhail Gorbachev và hai thần tượng của Craig là Michael Jackson và Sylvester Stallone.
Craig bắt đầu thật sự hy vọng có thể phá vỡ kỷ lục về số thiệp nhận được nhiều nhất (1.000.265 tấm) do một cậu bé Anh khác nắm giữ. Điều đó đem lại cho cậu mục đích sống, khiến bệnh tình của cậu không còn là một trò đùa nghiệt ngã của số phận nữa. Số thiệp đổ dồn về nhiều đến nỗi Craig được cấp một “hộp phân loại” dành riêng cho cậu ở bưu điện trung tâm London, biến cậu thành người đầu tiên trong lịch sử nước Anh được gán như một thành phố trong quá trình phân loại thư tín.
Ngày 17 tháng 11 năm 1989, thời khắc quyết định đã đến. Mặc dù rất yếu, nhưng Craig đã được cho phép đến một câu lạc bộ bóng đá gần đó để tổ chức buổi lễ. Trước sự hiện diện của khoảng 300 người vây quanh, người quản lý bưu điện địa phương trao cho Craig tấm thiệp thứ 1.000.266 - Craig trở thành người nắm giữ kỷ lục mới. Trong khi Craig nói lời cảm ơn, mọi người cùng hát vang bài “For He’s a Jolly Good Fellow”.
Cách đó khoảng 6.000 cây số, ở Charlottesville bang Virginia, John Kluge nhận được thư từ những người bạn của mình. Kluge là một tỉ phú 77 tuổi có giọng nói trầm ấm đã tạo nên sự nghiệp của mình từ ngành công nghiệp truyền thông. Bạn bè Kluge kể với ông về Craig và những tấm thiệp chúc sức khỏe của cậu. Họ cũng kêu gọi Kluge gửi cho Graig một tấm thiệp.
Trong khi Kluge vẫn còn đang suy nghĩ về việc gửi thiệp, thì một cảm giác mơ hồ choán lấy tâm trí ông. Giữa những sự chú ý tập trung vào chiến dịch vận động tặng thiệp, ông không thể không suy nghĩ: Họ đã thử qua mọi biện pháp chữa trị chưa? Liệu ông có thể thu xếp cho cậu bé một cách điều trị nào không?
Mặc dù Kluge đã quyên góp hàng triệu đô-la cho những trường hợp xứng đáng, nhưng ông chưa bao giờ trực tiếp tặng tiền cho một cá nhân nào. Ông không muốn tạo ra một tiền lệ. Và ông cũng không muốn khơi dậy những hy vọng hư ảo đối với gia đình Craig. Tuy nhiên, ông cũng không thể giũ bỏ suy nghĩ có thể có một tia hy vọng nào đó cho Craig.
Kluge gọi điện cho người bạn thân của mình là Tiến sĩ Neal Kassell, giáo sư khoa Giải phẫu thần kinh của Trung tâm y khoa Đại học Virginia. Ông hỏi: “Neal này, ông có thể liên lạc với gia đình Shergold được không? Tôi có cảm giác rằng có điều gì đó rất quan trọng có thể đã bị xem nhẹ. Tôi sẽ trả mọi chi phí”.
Kassell không thể liên lạc được với gia đình Shergold qua điện thoại nên ông gửi một lá thư theo đường bưu điện vào ngày 7 tháng 8. Nhiều ngày trôi qua, gia đình Shergold vẫn không trả lời. Dĩ nhiên, lá thư của Tiến sĩ Kassell đã nằm lẫn trong hàng triệu lá thư khác. Sau khi phá kỷ lục, số thiệp Craig nhận được tiếp tục tăng vọt lên con số hơn hai mươi sáu triệu.
Craig thường xuyên phải ra vào bệnh viện. Ngày 20 tháng 9, bác sĩ điều trị cho Craig là Diana Tait đã mời Marion và Ernie đến văn phòng của bà để thông báo một tin không tốt. Bà cho biết: “Đợt chụp phim mới nhất cho thấy khối u của Craig đã phát triển trở lại”. Không khí chùng xuống ảm đạm. Hai vợ chồng Shergold suy sụp hoàn toàn. Lần này họ tránh không cho Craig biết tin.
Sáng hôm sau, để tạm quên đi hoàn cảnh hiện tại, Marion quyết định mở vài tấm thiệp chúc sức khỏe của Craig ra xem. Trong mấy chồng bao thư cao ngất, Marion bốc lên xấp thư chuyển bằng đường hàng không, trong đó có lá thư của Kassell. Khi đọc lá thư, đôi tay bà run lên. Bà thốt lên: “Không thể tin được!”.
Marion lập tức liên lạc với Kassell và cho ông biết về kết quả chẩn đoán đau lòng ấy. Kassell nói rằng ông không thể hứa trước điều gì, nhưng ông nói thêm rằng trung tâm y khoa của ông vừa trang bị “lưỡi dao gamma” - một thiết bị mới có thể phóng ra tia phóng xạ năng lượng cao trực tiếp vào khối u não. Ông nói: “Nó có thể đem lại một cách điều trị khả dĩ cho Craig. Tôi sẽ xin kết quả chụp phim từ bác sĩ của Craig”.
Khi Ernie đi làm về, Marion trao bức thư cho chồng. Bà nói: “Em nghĩ Chúa đã ban cho chúng ta một phép màu”.
Khi Neal Kassell nhận được kết quả chụp phim não, ông cúi người xuống hộp đèn để nhìn rõ hơn. Ông nhận ra một khối u xám to bằng quả trứng ngay vùng trung tâm não của Craig đã ép vào khu vực giữa não và quấn vào cuống não. Hy vọng của Kassell chùng xuống. Khối u quá lớn để có thể bị phá vỡ bằng dao gamma.
Hơn nữa, khối u đó dường như còn lan rộng và lấn vào những mô chung quanh. Điều này càng khẳng định thêm kết luận của phòng xét nghiệm rằng đó là khối u ác tính. Kassell nhận ra rằng nếu đó là sự thật thì sẽ không còn cách nào để cứu chữa cho Craig.
Bên cạnh đó, ông còn nghĩ rằng nếu ông tiến hành phẫu thuật, Craig sẽ phải chịu một xác suất mất mạng do phẫu thuật là một phần năm. Và ông tự hỏi rằng thậm chí nếu ca mổ thành công, Craig sẽ thật sự có được gì? Sống thêm vài tháng ư?
Kassell gọi điện cho Kluge để thông báo tin xấu. Ông nói: “Có những trường hợp vượt quá khả năng cứu chữa của y học”.
Kluge vẫn khăng khăng: “Ông có hoàn toàn chắc chắn rằng ông không thể chữa được không? Làm ơn suy nghĩ thêm về điều đó giùm tôi”.
Kassell bắt đầu tự vấn. Là cha của ba đứa con gái, ông tự hỏi mình sẽ làm gì cho chúng ở một tình huống tương tự. Ông nhận thấy mình sẽ cho chúng một cơ hội sống còn - bất chấp những rủi ro.
Kassell tiếp xúc với gia đình Shergold vào cuối tháng Mười Một. Ông nói: “Tôi có thể chữa cho con trai ông bà”. Rủi ro trong phẫu thuật là rất cao, hiệu quả chỉ mang tính may rủi. Kassell nói rằng tất cả những gì ông có thể làm là phẫu thuật cắt bỏ khối u càng nhiều càng tốt và bắn dao gamma vào phần còn lại. Điều này có thể giúp Craig sống thêm được một thời gian nữa. Kassell đề nghị vợ chồng họ cân nhắc những phương án trong mùa Giáng sinh và cho ông biết quyết định của họ sau ngày đầu năm mới.
Đối với Marion, đó là một quyết định rất đau lòng. Bà không muốn Craig phải trải qua bất kỳ đau đớn nào nữa. Cuối cùng, bà và Ernie quyết định để Craig tự chọn lựa.
Cậu nói: “Mẹ ơi, không có thắng lợi nào mà không phải trả giá mà mẹ”.
Ca phẫu thuật được xếp lịch vào ngày 1 tháng 3 tại Trung tâm y khoa trường Đại học Virginia. Sáng hôm ấy, Marion và Ernie đứng bên giường bệnh con trai, còn cậu bé thì động viên cha mẹ: “Con sẽ khỏe mà, rồi bố mẹ sẽ thấy!”.
Một lát sau, trong lúc hộ lý đưa cậu đến phòng phẫu thuật, Craig vẫn ôm chú voi nhồi bông và gọi to: “Con yêu Bố Mẹ!” rồi cậu bắt đầu hát “I Just Called to Say I Love You”.
Kassell khoét một lỗ hình bầu dục khoảng năm xăng-ti-mét từ đỉnh xương sọ của Craig. Ông cẩn thận tách rời hai bán cầu não, rồi tách đôi những dây chằng liên kết hai bán cầu để tìm đến khối u màu xám trắng nằm gần như ngay chính giữa bộ não. Nó đã bị kết lại bằng một lớp màng mà phim chụp không nhìn thấy rõ lắm. Kassell thầm nghĩ: Tốt quá, khối u nằm gọn hơn nhiều so với những gì mình dám hy vọng.
Kassell rạch lớp màng và bắt đầu cắt nhỏ rồi gắp ra từng phần của khối u. Sự phấn khởi của ông tăng dần từng chút một. Khối u này có vẻ như không ác tính. Phải chăng nó đã thay đổi đặc tính như thế nào đó sau khi có bảng phân tích từ phòng thí nghiệm Anh từ hai năm trước? Càng cắt bỏ được nhiều mảnh khối u, ông càng tin rằng Craig có thể vượt qua được chuyện này.
Ba giờ phẫu thuật trôi qua, một bác sĩ khoa nội trở nên lo ngại khi Kassell đã can thiệp quá sâu vào não của Craig. Ông lưu ý: “Đừng tiến vào đó”.
Kassell ngưng lại giây lát. Ca phẫu thuật vốn đã là một canh bạc lớn ngay từ khi khởi đầu. Và giờ đây khi Kassell quan sát qua kính hiển vi và nhìn thấy phần cuối cùng còn lại của những mảng bám trong não Craig, ông biết rằng ông sẽ phải đặt cược lần nữa. Ông quyết định can thiệp sâu hơn chút nữa.
Kassell chỉ để lại một mẩu rất nhỏ, gần như chỉ là một vết sẹo, ở khu vực cực kỳ nguy hiểm. Có vẻ như mô này đã chết, không bao giờ có khả năng phát triển trở lại.
Ca phẫu thuật kéo dài hơn năm giờ đồng hồ. Kassell không cần sử dụng đến dao gamma. Kiệt sức nhưng rất hồ hởi, ông rời phòng mổ và thông báo cho cha mẹ của Craig về tin tốt lành. Marion chồm lên ôm hôn ông.
Trong phòng chăm sóc đặc biệt, Marion cúi xuống bên giường bệnh của Craig và thì thầm: “Craig, khối ung thư đã được loại bỏ. Biến mất hoàn toàn”.
Craig hấp háy mở mắt và mỉm cười.
Sự hồi phục của Craig thật ấn tượng. Cậu nói lưu loát và rõ ràng hơn. Cậu có thể phát âm những từ mà trước khi phẫu thuật cậu không thể nói được.
Những cuộc xét nghiệm sau đó không tìm thấy dấu vết gì của tế bào ác tính trong mô khối u nữa. Chẳng ai biết chắc nguyên nhân nào đã loại bỏ được nó. Điều quan trọng là khối u của Craig lành tính.
Vài tuần sau, John Kluge đến bệnh viện thăm gia đình Shergold. Khi vị doanh nhân bước vào phòng, Marion nắm chặt lấy tay ông cảm ơn. Bà nói: “Ông chính là thần hộ mệnh của gia đình chúng tôi”.
Kluge trao cho Craig một đồng hai mươi lăm xu có hai mặt hình. Ông cười thật tươi và nói: “Thế này thì cháu sẽ chẳng bao giờ thua cuộc”.
Rồi Craig tặng cho Kluge một món quà: một khung hình của chính cậu do mẹ cậu chụp trước đó vài tháng. Trong ảnh, Craig mặc quần boxing, mang găng, và một lá cờ Mỹ treo phía sau. Lời đề tặng viết rằng: “Cám ơn ông đã giúp cháu chiến thắng trong trận chiến vĩ đại nhất”.
- John Pekkanen