Trong rất nhiều những hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, chúng tôi vô cùng bất ngờ về một chiếc đồng hồ bấm giây. Mặc dù được Liên Xô sản xuất từ những năm 40 của thế kỷ trước và đã cùng với chủ nhân của nó đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đến giờ tuy đã cũ, bị xước rỉ vài chỗ nhưng vẫn hoạt động tốt...
QĐND - Trong rất nhiều những hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, chúng tôi vô cùng bất ngờ về một chiếc đồng hồ bấm giây. Mặc dù được Liên Xô sản xuất từ những năm 40 của thế kỷ trước và đã cùng với chủ nhân của nó đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đến giờ tuy đã cũ, bị xước rỉ vài chỗ nhưng vẫn hoạt động tốt.
Đó là chiếc đồng hồ hình tròn, trong mặt có chỉ số giây từ 0 đến 60 giây và 1 hình tròn bé chỉ số phút từ 0 đến 30 phút, phía trên có nút để bấm giây và lên giây cót, có móc hình tròn để cầm tay. Đây là kỷ vật của Đại úy Nguyễn Văn Thử, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 38 (Đoàn Bông Lau), được đơn vị trang bị tháng 2-1972 cùng với ống nhòm và súng ngắn…để phục vụ cho việc huấn luyện và chỉ huy đơn vị chiến đấu. Trong số đồ dùng được cấp phát, chiếc đồng hồ bấm giây được đồng chí cất giữ cẩn thận, sử dụng trong suốt thời gian công tác và chỉ huy chiến đấu từ khi được cấp đến ngày kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh (30-4-1975).
Chiếc đồng hồ bấm giây của CCB Nguyễn Văn Thử. Ảnh: NGỌC MAI.
Đặc biệt chiếc đồng hồ này đã cùng với CCB Nguyễn Văn Thử góp phần làn nên thắng lợi của Tiểu đoàn 3 trong trận đánh tháng 3-1972. Ngày đó, tại Căn cứ 241 Tân Lâm, Quảng Trị, Sở chỉ huy Trung đoàn 56, Sư đoàn 3 (quân đội Sài Gòn) đã điều động tăng cường một tiểu đoàn pháo hỗn hợp gồm: 1 đại đội 105mm có 6 khẩu, 1 đại đội 155mm có 6 khẩu, 1 đại đội 175mm có 4 khẩu, mở rộng tấn công vào các trận địa của ta tại Quảng Trị. Hàng ngày địch thường pháo kích ra huyện Vĩnh Linh và các vùng ven mới giải phóng, với mục đích ngăn chặn sức tấn công của bộ đội và khả năng phản pháo của ta. Trước tình hình đó, Trung đoàn 38, Bộ Tư lệnh pháo binh giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 3 “phải kiềm chế được pháo binh địch ngay từ đầu, không cho chúng hoạt động”. CCB Nguyễn Văn Thử kể: “Thấy rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ này, tôi giao nhiệm vụ cho Đại đội 9 làm đơn vị chủ công và trực tiếp xuống chỉ huy trận địa”
Để có phần tử chính xác cho pháo, sau khi chiếm lĩnh đài quan sát và dùng mọi biện pháp (tinh mật, định vị, giao hội) xác định mục tiêu, tranh thủ lúc pháo địch bắn, Nguyễn Văn Thử đã dùng chiếc đồng hồ bấm giây để xác định cự ly và duy trì tốc độ bắn chính xác cho pháo. Sau khi mọi công tác chuẩn bị xong, anh chuyển thông tin xuống trận địa chờ lệnh nổ súng. Đúng 11giờ ngày 30-3-1972, lệnh nổ súng bắt đầu. Tiểu đoàn 3 đồng loạt bắn vào Căn cứ 241. Ngay từ loạt đạn đầu, đạn trúng mục tiêu, quân địch chạy tán loạn, còn trận địa pháo của địch không bắn trả được quả nào. Trong suốt thời gian chiến đấu, Đại đội 9 thực hiện tốt nhiệm vụ kiềm chế pháo binh địch đến khi có lệnh ngừng bắn. Sau 3 ngày chiến đấu (30-3/2-4-1972), Tiểu đoàn 3 cùng với các tiểu đoàn khác của Trung đoàn 38 đã dùng hỏa lực pháo đánh mạnh khiến cho Trung đoàn 56 của địch phải kéo nhau ra hàng, đến đêm quân ta vào căn cứ địch thu được nhiều trọng pháo của địch.
Với chiếc đồng hồ bấm giây, đồng chí Thử đã xác định cự ly và duy trì tốc độ bắn chính xác góp phần làm nên chiến thắng của đơn vị. Sau này, chiếc đồng hồ được đồng chí trân trọng giữ gìn trong suốt quá trình tham gia chiến đấu và công tác. Về nghỉ hưu ở thôn Mễ Hạ, xã Yên Khang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, làm Chủ tịch hội CCB xã, ông vẫn thường kể về chiếc đồng hồ và những lần vào sinh ra tử trên chiến trường cho con cháu nơi quê nhà. Đến ngày 20-11-2011, ông đã trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam làm hiện vật.
TRANG THANH - TUYẾT NHUNG
(Sự kiện và nhân chứng, mục Kỷ vật kháng chiến, số ra ngày 12/3/2013)