Về Phú Thọ, tôi có dịp trò chuyện với cựu chiến binh Ngô Văn Dụng và được nghe ông giới thiệu về một kỷ vật đặc biệt mà ông gìn giữ hơn 50 năm qua, đó là chiếc lược được làm từ vỏ của máy bay F-105 Mỹ rơi tại Hà Nội.
Ông Ngô Văn Dụng quê ở xã Phú Nham, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Ông nhập ngũ năm 1963, được biên chế về Đại đội 3, Trung đoàn 600, Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), có nhiệm vụ bảo vệ các đại sứ quán ở Hà Nội. Tháng 9-1967, khi ông cùng đồng đội đang làm nhiệm vụ ở Công viên Thủ Lệ thì nhận được thông tin trên đài thông báo có máy bay địch đang bay vào Hà Nội. Ngay lập tức, ông và đồng đội vào vị trí chiến đấu. Ông Dụng nhớ lại: “Khi đó khoảng 15 giờ, chúng tôi quan sát thấy trên bầu trời có máy bay MiG của quân ta bay qua, theo sau là máy bay F-105 của Mỹ. Lúc này, lực lượng pháo cao xạ của ta bắn trúng máy bay của địch khiến máy bay bốc cháy và đứt lìa thành hai phần. Phần đầu của máy bay rơi tại khu vực Nhà máy In Tiến Bộ (phường Kim Mã, quận Ba Đình), phần đuôi rơi ở phố Lê Trực (phường Điện Biên, quận Ba Đình). Sau đó, Đại đội 3 chúng tôi nhận nhiệm vụ di chuyển từ Công viên Thủ Lệ về đường Hùng Vương (quận Ba Đình). Trên đường đi, chúng tôi đi qua phố Lê Trực thấy nhiều mảnh vỡ của máy bay địch nằm trên đường liền nhặt về để làm thành các vật dụng cá nhân”.
Cựu chiến binh Ngô Văn Dụng giới thiệu về chiếc lược được làm từ vỏ máy bay địch. Ảnh: QUANG ĐỨC
Với những mảnh vỡ từ vỏ của máy bay địch, ông Dụng cùng đồng đội dùng cưa sắt làm thành những chiếc lược, nhẫn, dao găm... Ông Dụng chọn làm một chiếc lược để giữ làm kỷ niệm. Chiếc lược có chiều dài 13cm, phần tay cầm có khắc hình một chiếc máy bay và chữ “USA” để ghi nhớ rằng chiếc lược được làm từ vỏ của máy bay Mỹ rơi tại Hà Nội. Những năm tháng chiến đấu, chiếc lược luôn được ông mang theo người và gìn giữ cẩn thận, ông coi nó như vật hộ mệnh giúp ông vượt qua những thời khắc sinh tử.
Ông Dụng nhớ mãi lần ông đang làm nhiệm vụ bảo vệ cho Đại sứ quán Romania tại Hà Nội thì nhận được thông báo có máy bay địch bay qua. Khi xuống hố công sự, để bảo đảm việc quan sát, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đại sứ quán, ông không đóng nắp hố. Lúc này, máy bay địch bắn tên lửa vào đại sứ quán khiến đất đá văng tứ tung, rơi cả lên đầu ông. Rất may, trên đầu ông lúc đó đội mũ sắt nên đã an toàn. Đợi máy bay địch đi khỏi, ông mới từ hố công sự chui lên, người bám đầy bụi đất, lục tìm, ông vẫn thấy chiếc lược kỷ vật trong túi áo...
Năm 1984, ông Dụng xuất ngũ với quân hàm thượng úy. Chiếc lược được ông cất giữ cẩn thận tại nhà. Tháng 5-2020, cựu chiến binh Ngô Văn Dụng đã tặng chiếc lược cho Bảo tàng Hà Nội với mong muốn các thế hệ sau biết được những khó khăn, gian khổ mà thế hệ cha anh đã trải qua để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
DUY TIẾN