Trong một lần về thăm đơn vị cũ, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Lành, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 375 đã trao tặng chiếc xắc-cốt và một số vật dụng cá nhân của ông cho Trung đoàn 275 (Sư đoàn 375, Quân chủng PK-KQ). Đây là những kỷ vật từng theo ông trong suốt cuộc đời quân ngũ với những lần “vào sống ra chết”...
QĐND - Trong một lần về thăm đơn vị cũ, Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Lành, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 375 đã trao tặng chiếc xắc-cốt và một số vật dụng cá nhân của ông cho Trung đoàn 275 (Sư đoàn 375, Quân chủng PK-KQ). Đây là những kỷ vật từng theo ông trong suốt cuộc đời quân ngũ với những lần “vào sống ra chết”. Đặc biệt, chiếc xắc-cốt vốn được trang bị cho chỉ huy cấp tiểu đoàn trở lên đã cùng ông chiến đấu với máy bay AC-130 trên đất bạn Lào khi ông vừa được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn phó.
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Lành (ngoài cùng, bên phải) trao xắc-cốt và các kỷ vật trong chiến tranh cho chỉ huy Trung đoàn 275, Sư đoàn 375.
Đó là vào những ngày cuối tháng 12-1971, thực hiện mệnh lệnh của Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ, hai Tiểu đoàn hỏa lực 67, 68 và một dây chuyền sản xuất đạn của Tiểu đoàn Kỹ thuật 70 thuộc Trung đoàn Tên lửa 275 cơ động vào bắc Đường 9. Thời điểm này, không quân Mỹ tăng cường cho máy bay AC-130 (loại máy bay cường kích được cải tiến từ máy bay vận tải C-130) đánh phá trên cửa khẩu tuyến hành lang 559, gây không ít khó khăn cho lực lượng vận chuyển của ta. Tiểu đoàn Tên lửa 67 của Nguyễn Lành có nhiệm vụ hành quân sang tỉnh Khăm Muộn (Lào), tổ chức đánh máy bay AC-130 bảo vệ tuyến đường 559. Đơn vị vừa làm đường, vừa đi, để bảo toàn lực lượng, cán bộ chiến sĩ hành quân bộ. Trên xe kéo khí tài, tên lửa chỉ có chỉ huy và lái xe. Dọc đường, máy bay địch đánh phá, thám báo lần theo dấu vết… nên đơn vị phải mất hai tháng mới đến được trận địa bắc Xê Pôn. Vị tiểu đoàn phó kể: “Chỉ khoảng hai chục cây số, nhưng chúng tôi phải đi mất 8 đêm. Đến nơi, 10 quả đạn mang đi đã cháy 2, hỏng 6 vì bị AC-130 bắn. Đơn vị bị thương hơn 10 cán bộ, chiến sĩ. Sau nhiều ngày khẩn trương khắc phục, ngày 27-2-1972, đơn vị đánh trận mở màn, nhưng máy bay không rơi tại chỗ mà bay về hướng Thái Lan”.
Quyết tâm hạ gục “trận địa pháo trên không” AC-130, ngày 29-3-1972, dưới sự chỉ huy của Thượng úy Nguyễn Lành, kíp chiến đấu Tiểu đoàn 67 tiếp tục triển khai khí tài sẵn sàng chiến đấu. 2 giờ 5 phút ngày 29-3, thực hiện mệnh lệnh của Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Thân, Đài Ra-đa 12 (Tiểu đoàn 67) mở máy nghiên cứu địch. 2 giờ 10 phút, ra-đa chỉ thị mục tiêu phát hiện một tốp mục tiêu ở cự ly 28km, phương vị 2200 và xác định đây là tốp AC-130. Căn cứ vào tín hiệu mục tiêu trên màn hiện sóng đặt trên xe điều khiển, Tiểu đoàn phó Nguyễn Lành đánh giá tình hình, thông báo cho toàn kíp chiến đấu: “Tiêu diệt tốp số 1, phương pháp điều khiển K, hai quả, ngòi nổ vô tuyến, cự ly phóng 13km, phương vị 1920, giãn cách 6 giây”. Ông còn nhớ rõ lúc ấy, ngay sau khi phát lệnh, sĩ quan điều khiển Hà Khắc Bá khẩn trương thao tác chính xác các núm, nút, công tắc; khi tín hiệu mục tiêu trên màn hiện sóng di chuyển vào đến cự ly 13km, anh ấn nút phóng. Hai quả đạn rời bệ lao về phía máy bay AC-130. Bá chăm chú quan sát và đọc khoảng cách giữa tên lửa dẫn tới mục tiêu. Đạn gặp mục tiêu ở cự ly 11km, phương vị 1930, độ cao 3km. Trên màn hiện sóng thấy tín hiệu đạn trùm lên tín hiệu mục tiêu, mất nhiễu và mục tiêu hạ độ cao rất nhanh. Bên ngoài, vọng quan sát bằng mắt của tiểu đoàn báo về máy bay bốc cháy, đang lao vào trận địa. Đại tá Nguyễn Lành hồi tưởng: “Không thể nào tả nổi niềm vui của cán bộ, chiến sĩ lúc đó. Chúng tôi mở cửa xe, ôm nhau vui mừng trong ánh sáng của chiếc máy bay bị bốc cháy”.
Hai quả đạn cuối cùng của Tiểu đoàn 67 đã diệt được AC-130. Tin chiến thắng vừa loan, đơn vị nghe chỉ huy Trung đoàn 275 điện xuống biểu dương tại chỗ Tiểu đoàn 67, đồng thời thông báo Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên quyết định thưởng cho đơn vị một xe lương khô, một con bò và một cái đài. Hai ngày sau, đơn vị hành quân về Quảng Trị tham gia Chiến dịch Quang Trung trong “mùa hè đỏ lửa” 1972.
Giờ đây, chiến tranh đã lùi xa, vật dụng năm xưa đã trở thành kỷ vật kháng chiến. Người tiểu đoàn phó đánh bại “trận địa pháo trên không” AC-130 năm ấy, nay là Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Lành. Trao tặng những trang bị từng được tôn phong “tai mắt của người chỉ huy” cho Trung đoàn 275, ông mong muốn: “Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hôm nay luôn phát huy được truyền thống của Tiểu đoàn 67, góp phần giáo dục nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần trách nhiệm của người lính phòng không trong thực hiện nhiệm vụ”.
Bài và ảnh: NGUYỄN SỸ LONG
(Sự kiện và nhân chứng, mục Kỷ vật kháng chiến, số ra ngày 11/7/2013)